Nguyễn Tường Thụy - Một người ngu đến mấy cũng không thể không đặt ra câu hỏi: Cao Thị Minh Hằng và Chi cục thi hành án Thanh Trì được thuê bao nhiêu tiền để làm việc này? Tại sao chúng nhiệt tình cướp đất nhà tôi đến như vậy, huy động tới 40 người gồm công an và đội thi hành án? Chúng biết là chúng làm bậy nhưng tại sao chúng dám làm? Ai bảo kê cho chúng? Có phải chúng biết trước là sẽ được bao che, bảo vệ nhau chặt chẽ từ trên xuống dưới nên mới dám làm liều như thế không?...
*
Tôi yêu cầu thư này chuyển tận tay ông Bộ trưởng tư pháp
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
____________________
Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2011
THƯ YÊU CẦU TRẢ LỜI TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN
Kính gửi: Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ tư pháp.
Tên tôi: Nguyễn Tường Thụy, Bộ đội hưu trí, Cựu chiến binh VN.
Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: (04)36884297 – 0983485952
Thưa ông;
Bắt đầu từ ngày 16/1/2009, tôi gửi đơn đến Bộ tư pháp, tố cáo:
- Cao Thị Minh Hằng, chấp hành viên Chi cục thi hành án Thanh Trì, Hà Nội;
- Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án Thanh Trì, HN;
- Ông Nguyễn Đức Thường Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự Hà Nội;
- Cục Thi hành án Hà Nội.
về việc Chi cục thi hành án Thanh Trì cưỡng chế trái pháp luật, Cục thi hành án Hà Nội bao che cho cấp dưới.
Trong thời gian từ đó đến nay, tôi đã gửi tới Bộ Tư pháp đơn thư này là thứ 14, số lần đi lại còn gấp nhiều lần hơn thế.
Bộ tư pháp đã giải quyết như thế nào?
- Vào thời kỳ đầu có 3 lần cán bộ của Tổng cục THADS tiếp tôi tại phòng tiếp công dân, mỗi lần vài phút hứa hẹn chứ không nêu ý kiến nhận xét về nội dung đơn tố cáo của tôi. Điều này chứng tỏ phát ngôn của họ phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của ai đó chứ không dám nói lên nhận thức của họ về vụ việc. Sau đó thì tôi không được cán bộ chuyên môn tiếp nữa, chỉ có người của phòng tiếp công dân gặp để nhận đơn.
- Một lần Tổng cục THADS có công văn trả lời tôi do bà Lê Thị Kim Dung Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo thừa lệnh Tổng cục trưởng ký ngày 11/3/2010, cho rằng nội dung đơn của tôi không thuộc trách nhiệm của Tổng cục THADS.
Vì ý kiến ấy trái với luật định nên tôi viết tiếp đơn khiếu nại, dẫn các căn cứ pháp luật cụ thể gửi ông Chánh thanh tra và ông Bộ trưởng nhưng các ông vẫn lờ đi.
Tôi buộc lòng phải viết đơn lên Tổng thanh tra Chính phủ. Ngày 14/4/2011, trụ sở tiếp công dân của TW Đảng và Nhà nước có công văn số 1178/HD-TDTW gửi ông, xác định thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của tôi thuộc về ông Bộ trưởng Bộ tư pháp. Công văn này tôi đã trao cho ông Lại Anh Thắng, Tổng cục THADS (có biên nhận) để chuyển tới ông. Sau đó tôi lại tiếp tục gửi đơn thư và các ông vẫn tiếp tục im lặng.
Tôi đã quá thất vọng trước việc coi thường công dân, coi thường pháp luật của Bộ tư pháp và các cấp thuộc Bộ tư pháp quản lý.
Tôi xin hỏi ông mấy việc sau:
1. Thời hời hạn trả lời đơn của công dân đã được qui định cụ thể tại Luật khiếu nại tố cáo, tại sao Bộ tư pháp không chấp hành? Việc này có phải là Bộ tư pháp coi thường pháp luật, coi thường công dân không? Một cơ quan quản lý ngành tư pháp còn như thế thì các cơ quan khác họ thực thi pháp luật như thế nào?
Trong qui đinh tiếp công dân treo ở phòng tiếp dân Bộ tư pháp qui định cụ thể:
- Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hàng tháng.
- Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án tiếp vào sáng thứ tư hàng tuần.
- Chánh thanh tra tiếp vào chiều thứ 4 hàng tuần.
Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần có mặt vào những thời gian qui định trên để gặp những người có trách nhiệm cao hơn nhưng không khi nào thấy ai tiếp dân cả, ngoài mấy người chỉ biết làm công việc nhận đơn.
Tôi đã nhiều lần yêu cầu gặp ông Bộ trưởng, ông Chánh thanh tra, ông Tổng cục trưởng TCTHA nhưng nhân viên phòng tiếp công dân đều từ chối. Tôi đăng ký gặp cũng không được.
Phòng tiếp dân Bộ tư pháp có khác nào một cái thùng thư, chỉ biết nhận đơn? Vậy Bộ tư pháp thành lập ra phòng tiếp dân để làm gì? Các ông không tiếp công dân thì treo lịch lên làm gì? Sao mấy ông Tổng cục trưởng, Chánh thanh tra, Bộ trưởng dối với dân xa cách vời vợi vậy?
Tại sao các ông sợ đối thoại với dân đến như vậy?
Hay là cấp dưới họ giấu ông? Tôi gửi đơn đích danh cấp trưởng chứ có gửi cho những nhân viên của các ông đâu? Và sự giấu giếm nếu có thì tại sao ông lại dùng những thuộc cấp vô trách nhiệm như vậy? Tại sao họ dám qua mặt ông? Đành rằng ông phải có người giúp việc nhưng họ phải làm việc công tâm và có trách nhiệm. Sự công tâm và trách nhiệm của họ có hay không và đến đâu thì lại phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo và ý chí của ông. Ông hoàn toàn có quyền sa thải loại nhân viên như thế cơ mà. Nói gì thì nói, trách nhiệm cao nhất ở Bộ tư pháp là thuộc về ông.
Hay là các ông bận? Điều này thì tôi nghi ngờ. Với chức năng của mình, các ông phải có trách nhiệm biên chế cho đủ người để hoàn thành nhiệm vụ. Việc này Luật cũng đã qui định.
Về việc tôi tố cáo, chỉ cần 5 phút là giải quyết xong. Vì sao? 5 phút ấy để làm gì? Người có kiến thức sơ đẳng cũng chỉ cần 5 phút để đọc quyết định cưỡng chế thi hành án rồi đối chiếu với nội dung tuyên án của tòa là đủ khẳng định rằng Chi cục thi hành án Thanh Trì đi cưỡng chế cái việc mà bản án không tuyên chứ không cần mất công điều tra phức tạp gì.
Ông nghĩ thế nào khi một việc chỉ cần 5 phút để tìm ra đúng sai mà để tôi phải khốn khổ, phải chịu tiếng oan suốt gần 5 năm qua, tính từ ngày bị cưỡng chế 7/12/2007? Hay các ông cứ cù nhầy thế để dân chán nản, mệt mỏi, không đủ sức theo đuổi nữa?
3. Như vậy, việc cưỡng chế không liên quan đến gì đến bản án. Điều đó có nghĩa là chúng phá nhà, cướp đất nhà tôi giao cho người khác.
Một người ngu đến mấy cũng không thể không đặt ra câu hỏi: Cao Thị Minh Hằng và Chi cục thi hành án Thanh Trì được thuê bao nhiêu tiền để làm việc này? Tại sao chúng nhiệt tình cướp đất nhà tôi đến như vậy, huy động tới 40 người gồm công an và đội thi hành án? Chúng biết là chúng làm bậy nhưng tại sao chúng dám làm? Ai bảo kê cho chúng? Có phải chúng biết trước là sẽ được bao che, bảo vệ nhau chặt chẽ từ trên xuống dưới nên mới dám làm liều như thế không?
Tại sao trước khi chúng phá nhà tôi, tôi đã có đơn kêu kên Cục THA Hà Nội yêu cầu dừng việc cưỡng chế lại, lên cả Bộ tư pháp kêu nhưng việc cưỡng chế vẫn cứ xảy ra? Liệu có chuyện trên dưới đồng lòng làm bậy vì chung lợi ích không?
Tại sao khi chúng cướp đất nhà tôi thì quyết tâm thế mà khi trả lời thì chây lỳ thế?
Tại sao Chi cục trưởng chi cục thi hành án Thanh Trì Nguyễn Đức Hạnh, phó Cục trưởng Nguyễn Đức Thường và Cục thi hành án Hà nội lại ngang nhiên đồng lõa với Cao Thị Minh Hằng? Có phải những người này hoặc được chia chác hoặc lợi ích của họ gắn chặt với nhau nên mới dám ra công văn trả lời đổi trắng thay đen như thế, trong khi miệng thì thừa nhận việc cưỡng chế là sai?
Tại sao Bộ tư pháp lại không chịu trả lời đơn của tôi trong suốt 2 năm 8 tháng qua? Có phải các ông biết rõ là chúng làm bậy nên không dám trả lời không?
4. Ông nghĩ sao về việc bà Lê Thị Kim Dung Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo thừa lệnh Tổng cục trưởng ký công văn trả lời tôi cho rằng nội dung đơn của tôi không thuộc trách nhiệm của Tổng cục thi hành án? Theo tôi, một vụ trưởng của Bộ tư pháp mà không có kiến thức pháp luật sơ đẳng thì cần phải sa thải. Trình độ của Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo như thế thì làm sao có thể đảm đương được nhiệm vụ. Bà ta ký thừa lệnh Tổng cục trưởng thì Tổng cục trưởng cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.
5. Nhà nước ta kêu gọi toàn dân tham gia chống tham nhũng. Những ai cung cấp tin tham nhũng, tiêu cực sẽ được bảo vệ và còn được thưởng này nọ. Tôi nghĩ, các ông chưa cần tìm ở đâu, chẳng cần đợi nhân dân phát giác mà chỉ lục trong đống đơn thư chính danh thôi (chưa cần nói đến đơn nặc danh) cũng tìm ra rất nhiều tham nhũng, tiêu cực. Đằng này, trông thấy rồi nhưng các ông lại cố tình lảng tránh, không dám động đến nó. Ông có biết tình hình dân oan hiện nay ra sao và họ phẫn nộ như thế nào không?
Thưa ông;
Trong 2 năm 8 tháng vừa qua, tôi đã gửi 13 đơn:
Cho Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án 3 lần vào các ngày: 16/1/2009, 4/6/2009, 12/11/2009 và 15/1/2010.
Cho Chánh thanh tra Bộ tư pháp 2 lần vào ngày: 27/3/2009 và 15/1/2010.
Cho Bộ trưởng Bộ Tp 8 lần vào các ngày: 11/9/2009, 12/11/2009, 15/1/2010, 7/5/2010, 26/1/2011, 22/3/2011, 18/4/2011 và 6/5/2011.
Ngoài ra tôi còn đi lại rất nhiều lần nhưng không giải quyết được gì. Dân kêu không được, trên gửi công văn xuống cũng không xong. Tôi thấy việc chấp hành luật của Bộ tư pháp và nhiều cơ quan Nhà nước khác là hết sức tùy tiện.
Tôi yêu cầu Bộ tư pháp trả lời dứt điểm đơn thư này của tôi. Điều này thể hiện sự tôn trọng công dân, tôn trọng pháp luật mà Bộ tư pháp lẽ ra phải là cơ quan gương mẫu nhất.
Sự chây ỳ, trơ tráo không cần giữ danh dự là thuộc tính của những kẻ vô nhân tâm.
Các ông hãy dũng cảm đối thoại với dân, hãy dũng cảm loại bỏ những con sâu mọt để lấy lại và củng cố lòng tin của nhân dân đang bị xói mòn nghiêm trọng, để Nhà nước xứng đáng là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bầy sâu này đang ngày đêm làm mục ruỗng những gì nhân dân ta giành được bằng xương máu. Nó là mối đe dọa đến sự tồn tại của Đảng và Nhà nước. Nếu không muốn, không dám hay không loại được thì đồng nghĩa với việc các ông tự loại chính mình.
Trái nghĩa với dũng cảm là hèn hạ, điều này chắc ai cũng hiểu.
Được biết, ông vừa được tái bổ nhiệm chức Bộ trưởng tư pháp. Dù sao, nhân đây, tôi cũng có lời chúc mừng ông.
Trân trọng.
Kính thư
Nguyễn Tường Thụy
*
Tôi chọn ngày 15 để gửi đơn (thư) này là nhằm vào ngày ông Bộ trưởng có trách nhiệm tiếp công dân. Tuy nhiên, cũng như thông lệ, không có chuyện đó.
Sau khi gửi đơn, tôi được yêu cầu ra ngoài hành lang để chờ lấy giấy biên nhận. Một lúc sau, chừng đủ thời gian đọc 4 trang đơn, cán bộ phong tiếp dân ra bảo tôi máy vi tính bị vi rút, không làm được. Tôi quan sát và bảo phòng có 3 máy cơ mà?
Tôi đưa ra 2 bản và yêu cầu nhận 1 bản và xác nhận cho tôi rằng đã nhận vào bản còn lại nhưng cán bộ tiếp dân không chịu lấy lý do là biên nhận phải theo mẫu.
Tìm mọi cách thuyết phục không được, tôi đành đưa đơn cho anh ta và ra về. Hôm 26/1/2011, cũng vị tiếp dân này nhận đơn nhưng không biên nhận, cũng lý do máy hỏng.
Như vậy, để cho chắc chắn, ngày mai, tôi lại phải ra bưu điện gửi chuyển phát nhanh. Tôi sẽ đưa biên lai lên sau.
gửi Dân Làm Báo