Biến tướng của doanh nghiệp và những hệ lụy - Dân Làm Báo

Biến tướng của doanh nghiệp và những hệ lụy

Sông Kôn (danlambao) Một xã hội đầy rẫy sự gian dối và cướp giật, một chính quyền đầy rẫy sự cưỡng quyền và tham ô, một nền pháp luật bị chà đạp... với tất cả những thứ đó, doanh nghiệp tồn tại được buộc phải ‘biến tướng’ mới thích nghi.

I. BIẾN TƯỚNG CỦA DOANH NGHIỆP

Tài chính thực của doanh nghiệp khác với tài chính khai báo

Hàng loạt các khoản chi của doanh nghiệp được gọi là “bôi trơn” để hoạt động như: chi cho CSGT, cho quản lý thị trường, cho đoàn kiểm tra liên ngành... đều không có định mức, chứng từ và thuộc loại “phi pháp” nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi. Chi rồi nhưng doanh nghiệp không dám công khai lập chứng từ đúng nội dung chi mà hạch toán đưa vào sổ sách. Doanh nghiệp biến tướng nó trở thành những khoản chi khác khống chỉ mới đưa vào sổ sách kế toán. Cuối cùng tài chính thực của doanh nghiệp không còn đúng với tài chính mà doanh nghiệp khai báo trong sổ sách chứng từ kế toán nữa. Tệ nạn “bôi trơn” cho chính quyền nó đã làm cho tài chính của doanh nghiệp bị biến tướng. Rồi chính sự biến tướng về tài chính của doanh nghiệp nó kéo theo nhiều hệ lụy, gây ra nhiều tệ nạn khác mà xã hội phải gánh chịu.

Hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp cũng bị biến tướng tách ra làm hai phần: phần “sổ sách thu chi nội bộ” và phần “sổ sách khai báo với Nhà nước”. Chứng từ thu chi cũng được biến tướng ra làm hai phần: phần chứng từ thực thu chi và phần chứng từ lập ra để khai báo đối phó với Nhà nước. Ai cũng biết ”phiếu thu”, “phiếu chi” là chứng từ thu chi theo qui định hiện hành của Bộ tài chính, được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước. Nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay không còn xem nó là chứng từ thực thu chi nữa.

Tôi xin kể lại một câu chuyện: năm ngoái tôi có dịp làm ăn với một doanh nghiệp. Khi đến doanh nghiệp đó nhận một khoản tiền mặt, họ đưa cái “giấy đề nghị chi” cho tôi viết rồi ký tên vào. Sau khi được lãnh đạo doanh nghiệp ký duyệt cái “giấy đề nghị chi” đó thì thủ quỹ của doanh nghiệp chi luôn tiền cho tôi chứ không có lập phiếu chi. Sau này tôi mới biết doanh nghiệp này đã biến tướng cái “giấy đề nghị chi” thành chứng từ chi thật sự sử dụng trong nội bộ của doanh nghiệp thay cho cái phiếu chi theo mẫu của Nhà nước.

Sau kiểm quỹ định kỳ, cái “giấy đề nghị chi” của doanh nghiệp được chuyển đến bộ phận “kế toán thuế”. Nếu nội dung chi trong “giấy đề nghị chi” đúng luật pháp, đúng chế độ hiện hành thì “kế toán thuế” viết “phiếu chi” kèm theo cái “giấy đề nghị chi” đó mà hạch toán vào sổ sách kế toán để công bố ra ngoài. Còn nếu nội dung chi trong “giấy đề nghị chi” mà không đúng luật pháp, đúng chế độ hiện hành thì “kế toán thuế” vứt nó đi là xong.

Cùng một cái “giấy đề nghị chi” nhưng doanh nghiệp đã biến tướng: lúc thì không phải là chứng từ chi vì nó chỉ là giấy “đề nghị” chứ không phải là phiếu chi (theo luật kế toán thống kê) để đối phó với cơ quan Nhà nước, nhưng lúc khác thì nó là chứng từ chi nếu có tranh cãi với người nhận tiền (vì doanh nghiệp bắt người nhận tiền ghi chữ “đã nhận đủ tiền” trong giấy đề nghị chi).

Đội ngũ kế toán cũng được doanh nghiệp biến tướng thành “kế toán nội bộ” và “kế toán thuế”. Kế toán nội bộ chuyên theo dõi chứng từ sổ sách chi tiêu thực của doanh nghiệp, còn kế toán thuế thì chuyên làm cho những khoản chi tiêu của doanh nghiệp trở nên đúng chế độ, trong đó có cả những khoản chi tiêu không có thực. Kế toán nội bộ và kế toán thuế là những từ ngữ và những công việc chỉ có ở những doanh nghiệp “biến tướng” hiện nay chứ không có nhà trường nào đào tạo, cơ quan nào nghiên cứu cả.

Sợ bị giựt tiền, chủ doanh nghiệp kiêm luôn thủ quỹ

Pháp luật Việt Nam không nghiêm, khi bị giựt tiền rồi thì cũng khó đòi lại được tiền, đòi lại được thì cũng mất đi vài ba phần đồng tiền đó để bồi dưỡng cho công an và tòa án thực thi pháp luật. Vì thế cho nên chủ doanh nghiệp thường kiêm luôn thủ quỹ mà ôm lấy tiền cho chắc, tránh được rủi ro bị giựt. Đồng tiền rất thúi theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Cái thứ độc hại đó mà ở Việt Nam các doanh nhân cứ ôm lấy bên người không dám bỏ nó ra. Nội chuyện đếm tiền cũng hết thời giờ còn đâu mà các doanh nhân hưởng thụ cuộc sống hay nghiên cứu kinh doanh. Cái nghịch lý đó đã và đang tồn tại trong hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ những doanh nghiệp quá lớn chủ doanh nghiệp không đếm nổi tiền.

Kinh doanh coi trọng nắm phần cán theo kiểu “tiền trao cháo múc” hơn là tin tưởng vào nội dung cam kết của hợp đồng.

Pháp luật Nhà nước không nghiêm minh cộng với xã hội đầy rẫy những kẻ cơ hội chụp giựt khiến các nhà kinh doanh luôn hướng tới việc nắm cán, kinh doanh theo kiểu tiền trao cháo múc hơn là tin vào những điều khoản cam kết trong hợp đồng. Ở Việt Nam phần lớn các doanh nhân thành công đi lên từ kinh nghiệm ở thương trường, từ những người buôn bán, những người sản xuất nhỏ với chiến lược kinh doanh “nắm cán”. Còn kiểu kinh doanh nắm bắt pháp luật, tin tưởng ký kết và cam kết thực hiện hợp đồng thường chỉ các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp xuất nhập khẩu áp dụng, vì những doanh nghiệp này có nhiều uy tín và còn phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế nữa.

II. NHỮNG HỆ LỤY

Không kiểm soát được tài chính thực của doanh nghiệp

Đối với Nhà nước: Tài chính của doanh nghiệp do doanh nghiệp lập ra và khai báo. Doanh nghiệp lập chứng từ chi khống để che lấp khoản chi “bôi trơn” không đúng luật của doanh nghiệp. Việc lập chứng từ chi khống chỉ này không có ai kiểm soát nên doanh nghiệp vô tư tăng thêm một đồng khống chỉ nữa để khai báo nhằm mục đích trốn thuế (hoặc vụ lợi đối với doanh nghiệp Nhà nước). Cuối cùng Nhà nước không kiểm soát được tài chính của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp: kiểu chi bôi trơn của doanh nghiệp là kiểu chi không định mức, không chứng từ và chỉ một người chi biết chính xác số tiền chi. Vì thế người chi khi về thanh toán với cơ quan khoản tiền này thường kê thêm tiền mà hưởng lợi. Tệ nạn đẻ ra tệ nạn. Tài chính doanh nghiệp bị chiếm đoạt mà chủ doanh nghiệp và những người làm quản lý không có cách chi kiểm soát được.

Thất thu thuế Nhà nước

Chi khống chỉ để lấp các khoản chi bôi trơn của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bắt chước mà tiếp tục tăng các khoản chi như vậy nhằm mục đích né tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.

Tạo điều kiện cho tệ nạn tham nhũng hoành hành

Biến tướng của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là để cho doanh nghiệp thích nghi trong môi trường tham nhũng, nhưng ngược lại chính nó lại tạo điều kiện cho tham nhũng hoành hành. Tài chính doanh nghiệp mà minh bạch như ở các nước tư bản thì tham nhũng sẽ không còn có đất sống. Ví dụ như vụ tham nhũng ở đại lộ Đông Tây và vụ in tiền polyme bị bại lộ là do tài chính doanh nghiệp ở các nước tư bản minh bạch.

Đổ sập thị trường chứng khoán

Tình trạng không kiểm soát được tình hình tài chính doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho những người làm lãnh đạo và quản lý trong các công ty cổ phần trục lợi, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi tức chứng khoán, mất niềm tin với các nhà đầu tư chứng khoán, cuối cùng sẽ dẫn đến sụp đổ thị trường chứng khoán.

Tạo môi trường cho sự gian dối trong xã hội lên ngôi

Chi phí bôi trơn của doanh nghiệp là việc làm gian dối. Chưa hết. Để lấp khoản khoản chi này doanh nghiệp cần huy động sử dụng đến nhiều người trong doanh nghiệp, từ giám đốc, kế toán, cho đến thủ quỹ lập chứng từ ký khống làm điều gian dối. Vẫn chưa hết. Doanh nghiệp còn cần đến những đối tác ký hợp đồng thực hiện điều khống chỉ, gian dối. Cuối cùng cả một bộ phận xã hội cũng toàn là trí thức mà đi làm chuyện gian dối. Vậy nên tạo ra môi trường cho sự gian dối lên ngôi.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo