Phạm Trần - Theo dõi tình hình Việt Nam thời gian gần đây, người ta thấy Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam nhìn đâu cũng thấy “những thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình” và “đối tượng âm mưu chống phá nhà nước”, trừ kẻ thù đang ở ngay bên cạnh và nhan nhản ngoài Biển Đông.
Ngay cả đối với những người dân đi biểu tình chống âm mưu chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc cũng đã bị nhà cầm quyền chụp đủ loại áo, mũ như “lợi dụng tự do, dân chủ, chui trong “vỏ bọc” yêu nước, cấu kết với các đối tượng - thế lực luôn âm mưu chống phá Nhà nước.” (Báo An Ninh Thủ Đô ngày 21/08/2011)
Ngòai ra còn có cả những người Việt Nam ở nước ngoài không chịu về nước “hòa hợp” cho đảng nghiền nát cũng đã bị miệt thị.
Trong số trên 4 triệu người Việt Nam sinh sống ở khắp nơi trên thế giới bị “con mắt quáng gà” Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chụp mũ, có nhiều người ra từ miền Bắc bây giờ mới nhận ra mặt thật của chế độ.
Tuy nhiên lập luận chính trị tự nhận của đảng CSVN rằng “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” vẫn còn được Sơn đem ra để mơn trớn “Việt kiều” trong một bài viết trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 12-09-2011.
Sơn nói: “Mang trong mình dòng máu Việt, dù ra đi ra trong bất cứ hoàn cảnh nào và sinh sống bất cứ nơi đâu trên thế giới, bà con kiều bào đều có ý thức tự tôn dân tộc, luôn hướng về cội nguồn, quê hương, mong muốn đất nước hòa bình, phát triển.”
Tất nhiên không một người Việt Nam nào, dù sống ở bất cứ mơi đâu hay có mang Quốc tịch mới cũng không bao giờ quên nguồn gốc, bởi vì “cây có Cội” thì “ con người có Tông”. Nhưng không phải tất cả mọi người Việt sống xa quê hương đều sẵn sàng góp công sức nuôi sống chế độ độc tài để cho thiểu số có chức, có quyền bóc lột và làm giầu trên lưng người dân lao động.
Vì vậy, khi bị chống đối như đã thấy trong các cuộc biểu tình của người dân đòi công bằng, chống áp bức, bóc lột và đòi quyền sống thì lớp cầm quyền đã không từ bỏ một thủ đoạn nào, dù là thấp hèn như hù họa, khủng bố, bắt giam trái phép, buộc tội gian trá như “có âm mưu lật đổ chế độ, chống phá nhà nước” để bỏ tù người dân vô tội, chà đạp lên mọi luật lệ và Hiến pháp.
Đó cũng là lập luận tiếp tục thù nghịch của Nguyễn Thanh Sơn đối với những chống đối trong cộng đồng người Việt ở nước ngòai. Sơn nói : “Trong xu hướng chung của cộng đồng hướng về quê hương, vẫn còn một bộ phận cực đoan, dù ngày càng bị cô lập, thu hẹp và suy yếu nhưng vẫn tiếp tục chống phá quyết liệt.”
Nhưng Sơn có biết tại sao đồng bào ở nước ngòai đã không ngừng chống chế độ trong nước không ? Bởi vì người Việt ở nước ngòai đã nhìn thấy hết những dối trá và mặt trái của chế độ “miệng nói hòa bình, dao găm trong bụng” từ nhiều năm rồi.
Cho nên những lập luận hàm hồ bảo rằng những thành phần chống CSVN ở nước ngòai đã “bị cô lập, thu hẹp và suy yếu” là do Sơn nhìn không thấy hay chưa gặp phải sức đối kháng, rượt đuổi của người Việt tị nạn Cộng sản đã trút lên đầu những viên chức Lãnh đạo đảng và nhà nước khi đến Mỹ như đã xẩy ra cho hai Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết.
Để đối phó với thái độ bất hợp tác, tẩy chay của người Việt tị nạn Cộng sản, Nguyễn Thanh Sơn đã đề nghị một số kế họach để chiêu dụ, vận động, tổ chức, tuyên truyền kiều bào và chống lại số người Việt kiên quyết không bao giờ muốn kết thân với chế độ.
Một số điểm chính của công tác này gồm có:
-“Tập trung đột phá về nghiên cứu chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như triển khai xây dựng “Pháp lệnh về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” nhằm luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp, cơ chế đặc biệt nhằm tìm kiếm, vận động, thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, các nhà đầu tư tiềm năng... đóng góp vào sự nghiệp CNH (công nghiệp hóa) , HĐH (hiện đại hóa) nước nhà.
- “Vận động cộng đồng thành lập các hội đoàn; hỗ trợ sự liên kết giữa các hội đoàn người Việt Nam, các tổ chức doanh nhân kiều bào ở các nước để tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết kiều bào. Thường xuyên động viên, khen thưởng những người có thành tích trong xây dựng cộng đồng và đóng góp phát triển đất nước.
- “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại hướng tới kiều bào và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Thúc đẩy sớm đưa VTV4 vào internet và hệ thống truyền hình cáp ở Mỹ, Úc và các nước khác, tạo điều kiện cho các kênh truyền hình khác (VTC, HTV...) vươn ra ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin. Tăng cường đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước đến cộng đồng và các thư viện sở tại nhằm nhu cầu thông tin văn hóa của kiều bào.
- Đẩy mạnh công tác tiếng Việt... Đặc biệt ưu tiên cho những địa bàn chiến lược còn khó khăn như Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiều bào và mở các lớp học tiếng Việt.”
Trong lĩnh vực chính trị và đấu tranh với người Việt chống chính quyền Cộng sản, Sơn đề nghị : “Thường xuyên tổ chức cho kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp cho kiều bào hiểu hơn lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, sự phát triển của đất nước; hạn chế sự phá hoại của các thế lực thù địch. Phát triển các hình thức giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, hội chợ, triển lãm Việt Nam... Các cơ quan đại diện cần mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá đất nước.”
Nhưng lý do tại sao Báo Quân đội Nhân dân đã phổ biến bài viết của Nguyễn Thanh Sơn vào lúc này đã không được giải thích. Nó cũng có vẻ “bất thường” như lời tuyên bố “không hẹn trước” của Phát ngôn Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phương Nga,bây giờ là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) tại cuộc họp báo lần thứ 14 ngày 08-09-2011.
Bản tin của Bộ Ngoại giao nói như sau:
Câu hỏi: “Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước một số ý kiến cho rằng “Chính phủ Việt Nam chưa có bước đi thỏa đáng trong việc hòa hợp với những người Việt Nam từng ủng hộ chế độ cũ tại Miền Nam Việt Nam trước đây và hiện đang định cư tại nước ngoài”?
Trả lời: ”Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu chung “độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó và đóng góp cho quê hương, đất nước như ban hành quy chế miễn thị thực cho kiều bào, quy định thông thoáng về đầu tư, về quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở tại Việt Nam với nhiều ưu đãi…Những chính sách, biện pháp này được áp dụng cho tất cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt những người đã từng cộng tác với chính quyền Miền Nam Việt Nam trước đây.
Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước thăm quê hương, giao lưu, hợp tác, đầu tư kinh doanh và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.”
Thật ra, kể từ khi có Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn thất bại trong công tác lôi kéo người Việt ở ngoài Việt Nam về giúp nước.
Có nhiều lý do, nhưng then chốt là thiếu tin cậy lẫn nhau và cán bộ đảng, dù học kém nhưng ở cấp lãnh đạo nên luôn có thái độ coi thường, do thám Trí thức Việt kiều vì vậy con số Trí thức chịu về giúp nước chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hơn nữa, ngoài thái độ đòi người Việt khác chính kiến phải bằng long “hòa hợp” vào với chế độ và chịu sự lãnh đạo theo ý muốn của đảng và nhà nước, chưa bao giờ Nhà nước chịu “xóa bỏ hận thù, quên đi qúa khứ, từ bỏ kỳ thị để cùng nhau bắt tay hòa giải” trong tình nghĩa đồng bào nên cách biệt càng ngày càng dãn ra.
Tuy nhiên, Sơn vẫn khoe trong bài viết rằng : “Đến nay có hơn 3.200 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn khoảng 5,7 tỷ USD, trong đó khoảng 60% dự án được đánh giá là hoạt động có hiệu quả. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm, từ mức 3 tỷ USD năm 2004 tăng lên 7,4 tỷ USD năm 2008, 6,8 tỷ USD năm 2009 và 8,4 tỷ USD năm 2010.”
“Cái đau” nhất của Tổ chức Người Việt Nam Ở Nước Ngòai do Hà Nội thành lập là cho đến nay đã 8 năm kể từ khi Nghị quyết 36 ra đời (2004), vẫn chưa mời gọi được nhiều người Việt đem tiền về đầu tư vào các dự án kinh tế lớn hay định cư vĩnh viễn, kể cả số đông người lớn tuổi, dù số người về thăm quê hương hàng năm vào dịp Tết vẫn nhiều.
QUÂN ĐỘI CŨNG THẤY THÙ ĐỊCH
Nhưng không phải chỉ có Nguyễn Thanh Sơn nhìn thấy có nhiều “thế lực thù địch” quanh mình. Ngay cả đến phe Quân đội cũng báo động liên hồi.
Bằng chứng đã thấy trong bài viết của Đỗ Bá Tỵ, Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã cho thấy chỗ nào cũng có kẻ thù.
Tỵ viết trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 08-09 (2011) : “Trước sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, việc xây dựng quân đội tinh nhuệ không chỉ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, mà còn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; không chỉ sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược kiểu mới, mà trước hết và quan trọng nhất là đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, đối phó thắng lợi với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.”
Tỵ còn cảnh giác Quân đội rằng : “Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, sự vững mạnh về chính trị của quân đội ta cần được phát triển lên tầm cao mới để không những đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta…”
Người thứ hai kêu gọi tòan quân chống "diễn biến" và "tự diễn biến" là Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, cũng xuất hiện trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 07-08-2011.
Kỳ nói : “Nhìn bề ngoài, "Diễn biến hòa bình" là chiến lược của các thế lực thù địch, còn "tự diễn biến" là việc của ta, phụ thuộc vào chính ta. Song, thực tế đã chứng minh đó chỉ là hai cực âm-dương, nhân-quả của một chủ đề, một mục tiêu chiến lược, giống như trò tung hứng, có kẻ tung, người hứng và ngược lại.”
Viên tướng “chính trị viên” này cũng khuyến cáo quân đội : “Cũng cần thiết phải tìm hiểu xem các thế lực thù địch đang mưu gì, làm gì, nhưng điều quan trọng nữa là phải cảm thụ một cách nhạy bén, tinh tường xem nội bộ ta, rộng ra là xã hội ta, đã bị...“tự diễn biến” tới đâu, giống như với bác sĩ điều trị, đặt trọng tâm vào việc “khám bệnh” và chữa trị cho người bệnh.”
Nói như Sơn, Tỵ và Kỳ thì ai cũng có thể nói được. Cái khó là phải bắt tay vào việc tìm cho ra mặt kẻ thù đó là ai, đến từ đâu mà nhiều “ba đầu sáu tay” đến thế, chứ không thể nói vung vít hay nói cho hay để lấy điểm với thượng cấp.
Nhưng khi “hồ hởi và phấn khởi” thi đua nói về “thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” thì những cán bộ cao cấp làm công tác tuyền truyền này đã quên mất những kẻ thù đang ở ngay bên cạnh họ và đầy rẫy ở Biển Đông.
Đó là số hàng chục ngàn công nhân lao dộng người Tầu được các Công ty Tầu tự ý dưa vào Việt Nam làm việc không có giấy phép ở 90% dự án kinh tế mà họ đã được Nhà nước CSVN cho trúng thầu một cách rất khó hiểu, trong đó có hai Dự án khai thác Bauxite ở Lâm Đồng và Đắk Nông.
Trong khi đó thì hàng trăm ngàn người Việt Nam không có việc làm, tiêu biểu như bản tin của Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 12-08-011 cho biết : "Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao Động Thương Binh-Xã Hội, TPHCM) cho biết, 7 tháng đầu năm nay trên địa bàn TPHCM có trên 72.350 người đăng ký thất nghiệp và gần 53.000 người trong số đó đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo ông Thắng, dự báo số lượng người đăng ký thất nghiệp vẫn ở mức cao do một số doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến cắt giảm lao động hoặc giải thể. Đặc biệt, trong quý 2-2011, số lượng người thất nghiệp tăng vọt, bình quân trên 11.000 người/tháng, thậm chí trong tháng 7 có trên 12.000 người thất nghiệp.”
Nếu may mắn được nhận vào làm cho các dự án xây dựng do công ty Tầu trúng thấu thì công nhân Việt Nam bao giờ cũng bị trả lương thấp hơn công nhân Tầu cùng khả năn hay kém hơn.
Tỷ dụ như trường hợp công nhân Việt làm việc ở Thủy Nguyên, khu xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng là Ông N. cho Báo Sài Gòn Tiếp thị biết : “Lao động phổ thông địa phương làm việc trong công trường nhận mức lương thấp hơn nhiều so với lao động người Trung Quốc. Đơn cử, với một thợ hàn người Việt Nam cùng làm chung với lao động Trung Quốc, mức lương nhận được cao nhất khoảng 150.000 – 180.000đ/ngày công. Trong khi đó, mức lương cũng công việc như trên của lao động Trung Quốc thường gấp từ hai đến ba lần. “Việc trả công do chủ thầu thỏa thuận với người lao động, chứ không thông qua chủ dự án, cho nên, chúng tôi không biết thắc mắc với ai. Ngoài ra, có khá nhiều sự bất bình đẳng trong việc trả công lao động cho người Việt Nam.” (Báo SGTT, 11-09-2011).
Ngoài số công nhân Tầu ra vào Việt Nam như đi chợ, bất tuân Luật pháp và khi bị phát giác thì vẫn “mặt trơ trán bóng” ở lì mà Nhà nước không làm gì nổi.
Nhiều Phố người Hoa cũng đã tự động mọc lên ở nhiều nơi trong nước, kể cả một khu Phố sang trọng dành riêng cho người Tầu gọi là “Đông Đô Đại Phố” mới được dựng lên ở Bình Dương, quê hương của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Người Tầu còn làm chủ nhiều sòng Bạc, Khách sạn, khu giải trí, sân Golf sang trọng ở nhiều nơi trong nước.
Ở Biển Đông, sau khi chiếm được quần đảo Hòang Sa từ tay Qua76n đội Việt Nam Cộng hòa ngày 19-01-1974, Bắc Kinh còn xua quân đánh chiếm 8 mỏm đá ngầm trong vùng Trương Sa năm 1988. Sau đó Tầu đã xây bến cảng và lập căn cứ quân sự ở đây.
Vì vậy từ nhiều năm nay, Biển Đông từ Nam Hải xuống qua Trường Sa được coi như “vùng ao nhà” của Trung Quốc.
Bắc Kinh còn đưa dàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng biển Hòang Sa, trong Vịnh Bắc Bộ và dự tính đưa dàn khoan khổng lồ vào vủng biển Trường Sa là bằng chứng nguồn tài nguyên của Việt Nam đang bị thu gọn vào “qũy đạo” của Trung Quốc. Bên cạnh đó là các biện pháp an ninh, tuần tiễu từ Hòang Sa xuống Trường Sa cũng do Bắc Kinh kiểm soát từ hai năm qua với sự có mặt thường xuyên của các Tầu Hải giám của Hải quân Trung quốc được cải dạng thành tầu dân sự có võ trang.
Ngoài ra còn phải kể đến biến cố động trời mới đây do Ngô Tráng, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải tiết lộ với Tân Hoa Xã của Trung Quốc rằng hiện hay đang có “khoảng 500 tàu cá Trung Quốc hoạt động lâu dài ở khu vực Trường Sa. Các tầu này thuộc dự án nuôi cá lồng tại đầm nhiệt đới khu vực Mỹ Tế (tức Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa), dười sự bảo vệ của các Tầu Ngư Giám của Trung Quốc.”
Tin này do Ngọc Bi viết trên báo Thanh niên điện tử ngày 14-09-2011.
Như vậy thì “những thế lực thù địch” của Việt Nam bây giờ là ai mà những người như Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trường Bộ Ngọai giao; Đỗ Bá Tỵ, Trung tướng, Thứ trưởng Quốc phòng và Thiếu tướng, Giáo sư Phan Kỳ của CSVN vẫn chưa nhìn ra hay họ đã bị “mắt lòa” hết cả rồi ? -/-
(09/011)
gửi Dân Làm Báo