Gia Minh (RFA) - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, hiện có mặt tại Việt Nam , tham gia phiên họp thứ năm Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song Phương Việt- Trung
Lời nhắn nhủ với Trung Quốc
Nhân sự kiện này, biên tập viên Gia Minh có cuộc nói chuyện với ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, cựu lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, về một số thông tin quan hệ Việt Nam- Trung Quốc gần đây.
Trước hết ông Dương Danh Dy đưa ra đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của ông Đới Bỉnh Quốc:
- Ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, cựu lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu. Source bauxitVietnam
Ông Dương Danh Dy: Theo tôi thấy chuyến viếng thăm của ông Đới Bỉnh Quốc là một chuyến viếng thăm thường lệ. Đây là lúc hai nước có hội thảo của Ủy ban Song Phương bàn về việc phát triển quan hệ giữa hai nước, mỗi năm họp một lần. Năm ngóai họp tại Trung Quốc nên năm nay họp tại Việt Nam do ông Đới Bỉnh Quốc dẫn đầu phái đòan; nên theo tôi đó là sự việc bình thường thôi.
Tất nhiên tôi đồng ý trong câu hỏi của ông có đề cập trong thời gian quan diễn ra một số sự việc nên chuyến viếng thăm này ngòai chuyện bình thường như vừa nêu, còn có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất sau khi Trung Quốc tiến hành cho tàu cắt cáp của Tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tại Việt Nam đã dấy lên một phong trào tuần hành, biểu tình chống Trung Quốc mà theo tôi khá kiên trì, và ý thức của những người tham gia biểu tình rất tốt. Lo sợ trước tình hình đó, Trung Quốc buộc phải có nhượng bộ. Nhượng bộ đầu tiên của họ là gần đây, trước khi ông Đới Bỉnh Quốc sang thăm Việt Nam chừng một tuần, tôi theo dõi khá đều báo chí Trung Quốc ( không biết có bỏ sót số nào không!), thấy tất cả các mạng mà tôi thường đọc trước đây họ không nói xấu, không công kích Việt Nam như trứơc nữa. Đó là một điều đáng chú ý. Sở dĩ họ làm thế cho thấy không thể coi thường dư luận quần chúng Việt Nam được.Điểm đáng chú ý thứ hai đó là cách thường xuyên của Nhà cầm quyền Trung Quốc ( tôi buộc phải nói điều này), là thủ đọan không hay ho gì của họ tức ‘vừa đấm, vừa xoa’. Trước lúc ông Đới Bỉnh Quốc sang vài ngày, họ cho tàu ngư chính ra họat động tại vùng Biển Đông- nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo tôi thì nhiều người Việt Nam biết điều này, nhưng cũng không ít người Việt không biết ‘trò chơi’ này của Trung Quốc.
Nhân dịp này, qua Đài của các ông, tôi cũng muốn nhắn với ông Đới Bỉnh Quốc đừng chơi trò ‘vừa đấm, vừa xoa’ nữa mà phải thành thực giải quyết vấn đề với Việt Nam.
Gia Minh: Thưa ông, vừa rồi trong chuyến làm việc ‘Đối thọai chiến lược an ninh quốc phòng’ lần thứ hai giữa hai phía, trưởng phái đòan Việt Nam là tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sau cuộc đối thọai, có nói rằng Việt Nam không thể dựa vào ai khác hơn là 1,3 triệu dân Trung Quốc, cũng như chính quyền Việt Nam sẽ kiên quyết dẹp những người ‘tập trung tự phát’ chống Trung Quốc. Phải chăng đó là những ‘nhượng bộ’ từ phía Việt Nam đối với Trung Quốc?
Ông Dương Danh Dy: Phải nói thực là tôi không được đọc tòan văn bản tuyên bố chung của ông Vịnh; tuy nhiên những câu trích từ phía Việt Nam tòan những câu đưa Trung Quốc lên đến ‘mây xanh’.
Ông biết trong tình hình hiện nay, những văn bản hội đàm hay tuyên bố chung, thông cáo báo chí của hai bên người ta muốn trình bày quan điểm của mình. Tuy nhiên người ta chỉ trích ra những điều, những câu có lợi cho người ta. Quả thật tôi không muốn bình luận về chuyến đi của ông Vịnh; nhưng tôi biết rõ một điều là sau khi ông Vịnh rời Trung Quốc về nước, báo chí- phương tiện truyền thông Việt Nam được lệnh không đăng những bài đụng đến Trung Quốc nữa. Điều này tôi biết khá rõ.
Một điểm thứ hai mà tôi muốn nói thẳng ra, dù không muốn nói nhưng buộc phải nói để tòan thể nhân dân Việt Nam- những người không có điều kiện nghe đài, đọc tin trên mạng Trung Quốc được biết. Đó là việc, trước đó ít ngày Trung Quốc lợi dụng trắng trợn, không hay việc cấm tụ tập, cấm tuyên truyền biểu tình. Báo chí Trung Quốc trên mạng nói rằng họ coi tất cả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ tháng sáu năm 2011 cho đến nay không phải biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm Hòang Sa,
Trường Sa của Việt Nam mà chống lãnh đạo Việt Nam. Họ xuyên tạc như vậy. Tôi không biết những nhà lãnh đạo Việt Nam có biết họ xuyên tạc như thế không; nhưng tôi buộc phải nói với họ là Trung Quốc đối xử với những việc làm của họ như thế đó.
Vẫn còn hy vọng hóa giải những âm mưu của TQ
Gia Minh: Thông tin không được minh bạch; nhưng vừa qua có tin nói trong vòng đàm phán ngọai giao gần đây, Trung Quốc vẫn không chịu đưa vấn đề Hòang Sa vào đàm phán song phương?
Ông Dương Danh Dy: Điều đó chắc chắn. Từ khi tôi còn làm việc, Trung Quốc không bao giờ chịu đàm phán về Hòang Sa, họ xem như đã chiếm xong, đã ‘ăn tươi, nuốt sống’ Hòang Sa rồi, họ không bao giờ chịu bàn vấn đề Hòang Sa với chúng ta nữa đâu. Vấn đề bây giờ chỉ để lịch sử giải quyết, con cháu chúng ta giải quyết. Tôi đã có lần nói về điều này: vấn đề Hoàng Sa, Việt Nam dứt khóat không bao giờ từ bỏ lập trường.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc. Screen capture/Yonhap
Đời tôi, đời con tôi, đời cháu tôi chưa lấy được thì đời chắt tôi, tòan thể nhân dân Việt Nam phải đòi lại chủ quyền Hòang Sa chứ không thể để Trung Quốc trắng trợn chiếm đóng như vậy được.
Gia Minh: Để đạt được mong muốn đó, ngay từ bây giờ phải làm những gì?
Ông Dương Danh Dy: Theo tôi việc tuyên bố xác lập chủ quyền: báo chí, các nhà khoa học Việt Nam đưa ra những luận chứng xác nhận Việt Nam có chủ quyền tại Hòang Sa và bác bỏ những luận cứ của Trung Quốc.
Tất cả những họat động của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam đều bị Việt Nam lên án. Theo tôi thái độ của chính phủ Việt Nam trong vấn đề này rất rõ ràng, và nói rõ dù Trung Quốc không chịu bàn nhưng đây là vấn đề lâu dài, không bàn không được.
Gia Minh: Ngòai vấn đề biên giới như thế, còn trong đối sách chung để có thể giữ vững độc lập chủ quyền của Việt Nam thì ra sao?
Ông Dương Danh Dy: Tôi có viết nhiều bài về vấn đề này rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa. Tuy nhiên rõ ràng trong một thời gian khá dài, chúng ta, tôi muốn nói rõ là những lãnh đạo cấp cao qua nhiều khóa chứ không phải khóa bây giờ hay khóa mới về hưu, đã buông lỏng quản lý trong việc làm ăn với Trung Quốc khiến xảy ra tình trạng có thể nói chưa bao giờ Trung Quốc có thể thâm nhập một cách tùy tiện, tự ý vào Việt Nam như vậy.
Như có lần tôi nói họ đầu tư vào cho chúng ta vay rất ít nhưng họ thắng thầu rất lớn. Họ làm thuê cho chúng ta nhưng họ chây lỳ ra chậm nhà máy điện chậm hai năm, hai mươi tháng. Nhà máy này, nhà máy nọ công nghệ chúng ta không thể biết, không thể xử lý. Ngay cả công nhân của họ sang Việt Nam không đủ giấy phép mà nay chỗ này đổ chỗ kia, trên đổ cho dưới, dưới đổ cho trên không giài quyết được.
Tôi nghĩ nếu lãnh đạo đồng lòng thì những việc đó chỉ trong ba ngày là giải quyết xong.
Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang có vấn đề trong việc đó.
Gia Minh: Gần đây có nhiều người đặt lại vấn đề tổng bí thư Lê Duẩn có thấy ý đồ của phía Trung Quốc, nhưng vì sao không thể thực hiện, ngăn chặn việc họ thâm nhập như thế?
Ông Dương Danh Dy: Tôi mặc dù là thế hệ con cháu Ông Duẩn, tôi nhận thấy ông Duẩn thấy vấn đề nhưng trong biện pháp xử lý ông Duẩn có những biện pháp, chủ trương chưa thỏa đáng lắm. Trung Quốc họ xâu, có những âm mưu như thế nhưng ta cần phải hóa giải những âm mưu đó một cách khôn khéo chứ không phải bằng cách đi với người khác để chống lại họ. Điều mà tôi không hài lòng nhất, trong bụng cũng băn khoăn chính là điều đó. Còn bây giờ tôi nghĩ chúng ta cũng có thể hóa giải những ý đồ không tốt đẹp của họ. Đó là không đi với người khác để chống lại họ, chúng ta cũng không ươn hèn khuất phục họ, mà phải động viên được sức mạnh của tòan dân, phải tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân tòan thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Quốc. chúng ta có thể hóa giải được những âm mưu, ý đồ không đúng của Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Gia Minh: Cám ơn ông Dương Danh Dy về những ý kiến vừa rồi.