Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột có nguy cơ bị mất - Dân Làm Báo

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột có nguy cơ bị mất

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa được Công ty Bross & Partners (một công ty luật của Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) phát hiện đăng kí bảo hộ độc quyền 10 năm tại Trung Quốc.

Nếu không đòi lại thương hiệu này, việc xuất khẩu cà phê nước ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột sẽ rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Xuất khẩu gặp khó

Theo công văn của Công ty Bross & Partners vừa gửi Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhãn hiệu cà phê "BUON MA THUOT và chữ Hán" được một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ và được cấp chứng nhận bảo hộ 10 năm (kể từ ngày 14/11/2010) cho nhóm sản phẩm 30 - nhóm có chứa cà phê. Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục đăng ký và được bảo hộ logo "BUON MA THUOT COFFE - 1896" tại Trung Quốc từ ngày 14/6/2011.

Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Bross & Partners, nhận định: "Việc làm này của doanh nghiệp Trung Quốc đã làm thế giới hiểu nhầm về nguồn gốc địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, đang được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng bạ quốc gia số 00004. Nếu không ngăn chặn kịp thời, chủ sở hữu nhãn hiệu BUON MA THUOT nói trên có thể sử dụng quyền độc quyền của mình để ngăn chặn việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột vào lãnh thổ Trung Quốc".

Còn ông Trương Quang Trình, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng: Nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột vào Trung Quốc mà còn vào nhiều nước trên thế giới. Mặc dù thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ quốc gia Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân robusta vào năm 2005, nhưng hiện nay nó chưa được đăng kí nhãn hiệu hàng hóa cho các nước xuất khẩu và tiêu thụ cà phê trên thế giới. Một khi doanh nghiệp Trung Quốc đăng kí nhãn hiệu này ra các nước trên thế giới, chúng ta cũng không thể xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột đến những nước đó.



Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc.

Đòi lại cách nào?

Vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 100.000ha, nằm trên địa bàn 9 huyện, thị của tỉnh Đắk Lắk gồm: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Cư M'gar, Krông Búc, Krông Pắc, Buôn Đôn, Krông Năng, Cư Kuin và Ea H'leo. Sản lượng cà phê của vùng khoảng 300.000 tấn/năm và xuất khẩu ra 60 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, việc đòi lại nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột là điều cần thiết.

Luật sư Lê Quang Vinh cho biết: "Theo luật nhãn hiệu Trung Quốc, tên địa danh nước ngoài nếu được biết đến rộng rãi với công chúng ở Trung Quốc thì không được phép đăng kí và sử dụng làm nhãn hiệu. Vì vậy, chúng tôi tin rằng có căn cứ và bằng chứng pháp lý để khởi kiện hủy bỏ thành công nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí ở Trung Quốc".

Theo ông Trình, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có hai cuộc họp bàn về giải pháp đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được việc dùng con đường ngoại giao hay khởi kiện. Để Công ty Bross & Parners thực hiện việc khởi kiện, kinh phí sẽ mất khoảng 6.000 - 9.000USD. Đây là số tiền không nhỏ và ai sẽ trả nó vẫn là điều khúc mắc.

Dù ai trả đi nữa, đã đến lúc tỉnh Đắk Lắk cần đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Công ty Bross & Partners còn phát hiện thương hiệu cà phê "DAK LAK" đã bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Pháp bởi ITM ENTERPRISES, đó là một thách thức nữa cho việc xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Đắk Lắk ra thế giới

Trần Tâm


*

Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị xâm hại


(Dân Việt) - Một doanh nghiệp tại Quảng Đông, Trung Quốc đã đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Ngăn chặn xuất khẩu cà phê

Luật sư Lê Quang Vinh - Công ty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự có văn phòng tại Hà Nội, người đang tư vấn cho UBND tỉnh Đăk Lăk về vụ việc nói trên cho biết, có bằng chứng khẳng định một doanh nghiệp Trung Quốc đã được cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "BUON MA THUOT", số đăng ký 7611987, được cấp ngày 14.11.2010 và nhãn hiệu logo kèm dòng chữ "BUON MA THUOT COFFEE 1896", số đăng ký 7970830, được cấp ngày 14.6.2011.

Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một doanh nghiệp ở Trung Quốc đăng ký.

Theo Công ty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, với việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền này, doanh nghiệp nói trên không chỉ gây nhầm lẫn cho công chúng về nguồn gốc địa lý Buôn Ma Thuột gắn liền với sản phẩm cà phê nổi tiếng, mà còn ngăn chặn việc xuất khẩu cà phê từ Việt Nam có tên gọi xuất xứ Buôn Ma Thuột vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, từ ngày 14.10.2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định 806/QĐ - SHTT cấp đăng bạ quốc gia số 00004, công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đăk Lăk.
Mặc dù được công nhận từ năm 2005, nhưng mãi đến tháng 8.2011, Sở Khoa học và Công nghệ Đăk Lăk mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho 8 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích hơn 8.800ha, sản lượng khoảng 26.000 tấn/năm.

Trong khi đó, vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột có diện tích lên tới 100.000ha, sản lượng hơn 300.000 tấn/năm lại chưa được cấp chỉ dẫn địa lý. Nguyên nhân chậm trễ do trước khi Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột ra đời vào cuối năm 2010, ở Đăk Lăk chưa có một tổ chức nào đủ khả năng quản lý, sử dụng, phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Mặt khác, muốn được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này, các tổ chức và hộ nông dân phải áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất, chế biến cà phê nên cần có thời gian. Trong khi đang chờ được cấp, nhãn hiệu nổi tiếng này đã rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Cần khởi kiện ra tòa án

Luật sư Lê Quang Vinh cho biết: "Đăk Lăk có đủ căn cứ để khởi kiện yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu này. Đó là Quyết định 806/QĐ - SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, các tài liệu chứng minh nguồn gốc lịch sử, danh tiếng, doanh thu, uy tín của cà phê Buôn Ma Thuột v.v...

Mặt khác, chúng ta có thuận lợi là Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Theo luật này, một địa danh nước ngoài đã được biết đến rộng rãi đối với công chúng Trung Quốc thì không được phép đăng ký và sử dụng làm nhãn hiệu".

Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa thống nhất sẽ giải quyết vụ việc bằng con đường ngoại giao hay khởi kiện ra tòa án. Trong khi đó, một vụ kiện yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đối với một nhãn hiệu đã được cấp ở Trung Quốc là tương đối dài, thường phải mất từ 24 - 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo