“Tôi chưa sẵn sàng trả lời”: lời khuyên nói dối? - Dân Làm Báo

“Tôi chưa sẵn sàng trả lời”: lời khuyên nói dối?

Nguyễn Văn Tuấn - Đọc bài báo với lời khuyên mang tính vẽ đường cho hưu chạy ('Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này') tôi thấy phân vân, và cần phải bàn thêm về hướng dẫn này. Đại biểu Quốc hội (QH) mà nói tôi chưa sẵn sàng và né tránh câu trả lời “tôi không biết” thì quả thật có vấn đề về thành thật.

Nhìn và nghe các đại biểu QH, quan chức trả lời chất vấn, người dân thường cũng có thể nhận ra nhiều vấn đề. Từ những câu trả lời dài dòng, không đi vào vấn đề, đến những câu trả lời mang tính ngụy biện (mà có lẽ người trả lời cũng không nhận thức được). Từ những câu trả lời nặng cảm tính đến những câu trả lời hàm ý đe dọa, tất cả đều một phần do thiếu kĩ năng giao tiếp với truyền thông. Do đó, VN chúng ta cần nhiều lớp về kĩ năng mềm, đặc biệt là kĩ năng ứng phó với báo chí. Không chỉ dành cho đại biểu QH, mà còn cho tất cả các chính trị gia khác, quan chức, và đặc biệt là công an. Tôi đồng ý với nhiều lời hướng dẫn như mô tả trong bài dưới đây, nhưng tôi cứ lấn cấn với lời khuyên rằng “Không nên trả lời ‘tôi không biết’ hoặc Tôi không có ý kiến gì’ mà nên nói ‘Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này.” Tôi có vài vấn đề với lời khuyên này.
Thứ nhất, lời khuyên đó mang tính vẽ đường cho hưu chạy. Đối với những đại biểu thiếu khả năng hay lười biếng, lời khuyên đó là một cách tạo điều kiện cho họ chạy trốn câu hỏi, né tránh vấn đề. Vấn đề là đào tạo cho họ kĩ năng giao tiếp bằng cách cung cấp những nguyên tắc xã giao. Mỗi đại biểu là một cá nhân với những tình cảm và trình độ rất đặc thù. Trước một câu hỏi, đại biểu A có thể có câu trả lời khác với đại biểu B, tùy thuộc vào tình cảm và trình độ của mỗi người, nhưng nguyên tắc thì giống nhau. Do đó, cho ra những câu chữ cụ thể chỉ mang tính gợi ý chứ không thể bảo họ phải nói y chang như thế. Không nên tạo ra những công thức chữ nghĩa cho đại biểu.
Thứ hai, lời khuyên đó khuyến khích đại biểu nói dối, không thật lòng. Nói cách khác, cho dù đại biểu QH không biết vấn đề thì cũng cố giữ thể diện mà nói tôi chưa sẵn sàng trả lời! Nhưng đó là cách nói không thật lòng. Nếu không biết thì nói không biết và sẽ tìm hiểu và trả lời sau. Tại sao lại nói “tôi chưa sẵn sàng”, và nếu nói thế thì người dân sẽ hỏi “vậy ông/bà làm gì ở đây, hay là ngồi lầm ghế”.
Thứ ba, lời khuyên đó mang tính công thức bao cấp. Không có một công thức cứng nhắc trong giao tiếp với truyền thông. Thử tưởng tượng nếu tất cả đại biểu QH đều nghe theo lời khuyên trên và đụng câu hỏi nào khó họ cũng đều nói “Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này” thì người nghe chán làm sao. Lúc đó các vị đại biểu là cỗ máy chứ không phải là những cá nhân nữa. Người dân cần đại biểu với một cá tính, dám nói, dám làm, thành thật và thẳng thắn. Người dân đâu cần đại biểu chỉ nói hay mà không thật lòng.
Vậy tôi có lời khuyên nào không? Khuyên thì không dám, nhưng chia sẻ kinh nghiệm thì dám. Trong công việc của tôi, thỉnh thoảng tôi trả lời phỏng vấn cho báo chí phương Tây, từ báo Mĩ, Anh, Úc, Canada, đến Singapore và Kampuchea. Gần đây còn trả lời phỏng vấn cho các đài truyền hình quốc gia của Úc, như đài ABC, đài SBS, đài số 7, số 10. Qua những đợt trả lời phỏng vấn như thế cũng rút ra vài bài học để có thể chia sẻ ở đây. Ngoài ra, hồi còn ở bên Mĩ, trường có gửi tôi (và một số giáo sư khác) đi dự một lớp tập huấn về giao tiếp với truyền thông do một công ti truyền thông giảng dạy. Tôi vẫn còn giữ vài tài liệu, và nhân dịp này xem lại thì thấy có một danh sách gồm 10 cách ứng phó với báo chí dành cho giới khoa học.
1. Chân tình. Nên thoải mái thể hiện cái tôi gồm những cái tốt và chưa được tốt, không nên đóng kịch. Thể hiện cái tôi một cách trung thực cũng là một cách thiết lập niềm tin cho người phỏng vấn. 
2. Chuẩn bị. Trước khi phỏng vấn cũng nên nghĩ đến những câu hỏi khả dĩ. Nên nhớ rằng đại biểu QH không phải ngồi đó để trông chờ có câu hỏi có lợi cho mình. Không bao giờ trông chờ điều đó. Phải suy nghĩ đến những câu hỏi hóc búa nhất và chuẩn bị trả lời.
3. Nhiệt tình. Nên tỏ ra nồng nhiệt, mê say, ấm áp với câu hỏi của phóng viên. Một thể hiện như thế sẽ làm cho người xem / nghe thấy mình có lập trường và đam mê với vấn đề.  
4. Cụ thể. Không có gì nhàm chán hơn là đọc hay nghe những câu trả trời chung chung, những câu trả lời với nhiều chữ mà không có nội dung. Bí quyết thứ nhất là trả lời ngắn gọn, dùng từ ngữ đơn giản (tuyệt đối tránh dùng những ngôn từ hoa mĩ). Bí quyết thứ hai là nhấn mạnh những dữ liệu quan trọng trước hết, và lúc nào cũng tập trung vào câu hỏi, đừng trả lời ra ngoài đề quá nhiều.  
5. Thành thật. Đừng bao giờ đoán câu trả lời. Không có gì sai hay xấu hổ khi trả lời “Tôi không biết” hay “Tôi sẽ quay lại câu hỏi của anh sau khi đã có dữ liệu”. Đừng bao giờ trốn tránh câu hỏi theo kiểu “Tôi chưa sẵn sàng trả lời câu này”.  
6. Sử dụng giai thoại. Người nghe thường hay thích giai thoại thú vị. Do đó, người trả lời có thể dùng những câu chuyện đời thường hay giai thoại liên quan để minh họa cho câu trả lời.  
7. Lắng nghe cho kĩ. Trong nhiều trường hợp người trả lời nghe không rõ hay không hiểu câu hỏi nên trả lời sai, câu trả lời chẳng liên quan gì đến câu hỏi. Điều này rất kị vì nó cho thấy người trả lời quá hời hợt. Không có gì xấu hỏi để hỏi lại câu hỏi nếu nghe không rõ.
8. Bình tĩnh. Trong vài trường hợp, phóng viên có xu hướng “chọc tức” hay “khiêu khích”, và người trả lời cần phải giữ cái đầu lạnh, trầm tĩnh, không để mắc mưu họ. Ngay cả những câu hỏi không thân thiện, câu trả lời vẫn nên thân thiện. Phải – nói theo tiếng Anh là – stay above, không hạ mình ngang hàng với những người chọc tức.
9. Đừng để phóng viên nhét chữ vào miệng. Một số phóng viên có thói quen nhét chữ vào miệng người khác, kiểu như “Nói cách khác, ông nói rằng ông không hài lòng với …”. Trong trường hợp như thế này, cần phải đính chính ngay. Nếu câu hỏi mang tính xúc phạm, người trả lời cũng không nên dùng chữ xúc phạm, vì nguyên tắc là stay above.  
10. Nên nhớ rằng chúng ta trả lời công chúng chứ không phải trả lời phóng viên. Cần phải minh định rằng đối tượng của chúng ta là công chúng, phóng viên là người trung gian. Chúng ta trả lời cho công chúng, chứ không phải trả lời cho phóng viên. Điều này quan trọng vì đó là tiền đề để chọn ngôn từ đơn giản dễ đi vào lòng người.
Còn nhớ ngày xưa trong lớp học Communication for Academics, một giảng viên nói về công thức Q = A + 1. Sau này tôi thấy công thức trong sách dạy về truyền thông. Q ở đây là câu hỏi (question); A là câu trả lời (answer); và +1 có nghĩa là tạo thêm một nhịp cầu mới hay một điểm mới. Công thức Q = A + 1 có nghĩa là khi trả lời câu hỏi, người trả lời nên trước hết trả lời câu hỏi đầy đủ và ngắn gọn, nhưng mở thêm một đề tài hay một điểm liên quan. Không có +1, người trả lời sẽ bị người hỏi kiểm soát; có +1 người trả lời ở vị trí kiểm soát cuộc đối thoại. Q = A + 1 cũng là nguyên tắc khi trả lời phỏng vấn, mà theo đó trả lời một câu hỏi, nhưng còn gợi ra một câu hỏi mới để người trả lời có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.
Trước khi kết thúc bài này, tôi xin kể một câu chuyện liên quan. Vài tuần trước, tôi đi dự hội nghị khoa học thường niên ở Gold Coast (Queensland). Trong một phiên họp, có một giáo sư thuộc vào hàng “guru” về bone mechanicsgiảng bài, sau đó có một câu hỏi cũng hơi khó, và ông giáo sư suy nghĩ độ 30 giây rồi trả lời “I don’t know. I really don’t know” (Tôi không biết. Tôi thật sự không biết). Cử tọa cười thoải mái về cách trả lời hết sức thành thật của ông. Nếu theo lời khuyên của các chuyên gia Việt Nam thì ông giáo sư này thất bại, nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia về truyền thông quốc tế thì ông là người làm theo đúng checklist của các chuyên gia về truyền thông.
Vậy xin nhắc lại rằng không có gì phải xấu hổ khi đại biểu Quốc hội nói “Tôi không biết, tôi sẽ tìm hiểu và trả lời sau”. Chỉ xấu hổ khi đại biểu gắng gượng trả lời câu hỏi mình không hiểu, hoặc cố tình trốn tránh câu hỏi bằng một câu trả lời thiếu thành thật.
NVT
===
‘Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này’
Hơn 340 đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 của 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đang tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng do Bộ Nội vụ tổ chức từ 27 đến 29/9 Hà Nội.
Phối hợp với Học viện Hành chính thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Nội vụ thiết kế chương trình học với 6 chuyên đề chính, trong đó 5 chuyên đề thiên về "kỹ năng làm đại biểu" và chuyên đề về cập nhật tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Các học viên - những đại biểu HĐND đương nhiệm - được trang bị những kỹ năng tiếp xúc cử tri, nhân dân, kỹ năng thuyết trình chất vấn và thảo luận, kỹ năng giáo sát tài chính - ngân sách và chuyên đề kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cá nhân.
Với khóa học, các đại biểu có thể nắm được những vấn đề có tính lý luận về vị trí, vai trò, chức năng của HĐND cấp tỉnh, hiểu biết vững chắc về cơ sở pháp lý trong tổ chức, hoạt động, vận dụng tốt các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như các kỹ năng cần thiết của người đại biểu.
Hình ảnh xuất hiện phải đẹp
Với những chuyên đề kỹ năng, các đại biểu sẽ nắm bắt được những đặc thù của hoạt động tiếp công dân, các nguyên tắc giao tiếp trong thực thi công vụ, xử lý thông tin sau tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, kỹ năng tiếp xúc báo chí, thảo luận, triển khai các hoạt động cần thiết sau chất vấn… Sẽ có những tình huống giả định để các đại biểu cùng trao đổi, nâng cao kỹ năng.
Đặc biệt, chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình, chất vấn và thảo luận sẽ trang bị cho các đại biểu khá kỹ càng, từ việc tạo mối quan hệ, ấn tượng qua trang phục, tư thế, tác phong, cử chỉ, lời nói đến việc thể hiện nội dung, cách dùng công cụ ngôn ngữ nói, công cụ giao tiếp phi ngôn từ bằng ánh mắt, nét mặt, nụ cười, trang phục, trang điểm… Những điều này là cần thiết. PGS.TS Lưu Kiếm Thanh, Phó giám đốc Học viện Hành chính, người đứng lớp chuyên đề tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng nếu đại biểu xuất hiện với một bộ dạng tuềnh toàng, thậm chí hơi luộm thuộm thì cử tri có thể nghĩ là đại biểu coi thường cử tri, thiếu tôn trọng người mình tiếp xúc hoặc là giả tạo. Họ có thể suy diễn là đến thân mình, đại biểu còn chưa lo nổi thì làm sao lo cho cử tri.
Ông dẫn ra thẩm mỹ hành vi là điều đáng lưu ý với các đại biểu. Thẩm mỹ hành vi đòi hỏi các hành vi giao tiếp sẽ không chỉ cần dừng ở đúng mà còn phải đẹp. Như khi đề nghị cử tri phát biểu, đại biểu HĐND cần dùng cả bàn tay chụm, hơi chúc xuống, hướng về phía người được chỉ định, kèm theo lời nói lịch sự, nhã nhặn như "Xin kính mời bác/anh/chị...", chứ không dùng đồ vật hay một ngón tay chỉ thẳng vào mặt họ. Hoặc khi hiện diện trước công dân, đại biểu cũng chú ý tránh các hành vi hoặc thói tật về điệu bộ...
"Để đảm bảo giao tiếp đúng và đẹp, sự hiểu biết về giao tiếp trong bối cảnh đa văn hóa là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, việc rèn luyện để các hành vi đẹp trở thành thói quen cũng không kém phần quan trọng". Hay ngay cả việc đại biểu đi ô tô thì cũng chớ nên dừng ngay cổng phòng họp khi cử tri đã có mặt. Bởi nó có thể tạo cảm giác xa cách giữa người đại biểu của dân với quần chúng, nhân dân lao động....
Không thành đại biểu "hứa hão"
Khi đại biểu HĐND đã hứa với cử tri những gì sau khi đã trúng cử phải nhớ lấy lời hứa của mình. PGS.TS Lưu Kiếm Thanh cho rằng, càng ngày dân chủ càng được phát huy thì lời hứa hẹn của đại biểu đối với cử tri chính là tương lai hành động của mình, nhân dân là người cao nhất có quyền giám sát đại biểu nếu đại biểu không làm tốt nhiệm vụ của mình, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì cử tri nơi mình bầu ra có quyền bãi nhiệm đại biểu.
Các đại biểu được nhắc rằng : không hứa những gì mà mình không có khả năng và điều kiện làm, hứa mang tính chất thật kêu (hứa hão). Đại biểu cần đưa ra các cam kết sao cho cử tri nghĩ rằng bản thân đại biểu sẽ làm được nhiều việc mà cử tri đang mong, chẳng hạn như : hứa sẽ giải quyết hết khiếu nại tố cáo của công dân, sẽ xây cầu, làm đường, xây trường, nâng lương...
"Ai giữ lời hứa sẽ được nhân dân tin, trọng, ai thất hứa với dân, sẽ bị dân coi thường. Giữ lời hứa là giữ uy tín của mình".
Và một trong những kỹ năng các đại biểu HĐND được tập huấn đó là kỹ năng tiếp xúc báo chí. Một trong những điều được lưu tâm đó là khi đại biểu gặp câu hỏi khó, không nên trả lời "Tôi không biết" hoặc "Tôi không có ý kiến gì" mà nên nói "Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này".


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo