BẮC KINH (TH) - Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào áp lực với tổng bí thư đảng CSVN chỉ đàm phán tay đôi giữa hai nước và không cho một nước thứ ba chen vào cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông mà họ gọi là biển Nam Hải.
Phương thức đàm phán này sẽ hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc ở thế thượng phong nước lớn.
Theo bản tin của Tân Hoa Xã, khi tiếp ông Trọng, Hồ Cẩm Ðào đã thúc ông là “đừng làm phức tạp thêm” cuộc tranh chấp bằng cách kêu gọi sự giúp sức của các thế lực bên ngoài.
Tân Hoa Xã tường thuật cuộc gặp mặt của lãnh tụ hai nước nói rằng hai bên đã trao đổi “thẳng thắn” về vấn đề Biển Ðông.
“Hai bên không nên có hành động nào làm tăng cường độ hoặc phức tạp hóa cuộc tranh chấp, mà nên giải quyết với vấn đề một cách bình tĩnh và xây dựng, đồng thời tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng cũng như hòa bình và ổn định trên Biển Ðông.” Tân Hoa Xã tường thuật lời ông Hồ Cẩm Ðào nói với ông Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Ấn Ðộ, bà Pratibha Patil (phải) bắt tay Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang (thứ hai từ phải) khi vợ chồng ông Sang tới New Delhi hôm Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011, thăm viếng nước này 3 ngày và ký một số thỏa hiệp hợp tác. (Hình: Pankaj Nangia/Bloomberg via Getty Images)
Giới phân tích thời sự, theo báo South China Morning Post ở Hongkong, diễn dịch là thuyết phục ông Trọng đừng đưa thêm nước thứ ba vào cuộc tranh chấp, ý nói Hoa Kỳ hay Ấn hoặc cả hai nước này và một số nước khác như Nhật, Úc...
Bản tin rất dài của TTXVN tường thuật cuộc gặp mặt nói trên nêu ra 9 điểm chính được đề cập trong cuộc gặp mặt “khẳng định quan hệ đoàn kết, hữu nghị” và “hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hữu hiệu để mở rộng toàn diện và đi vào chiều sâu hợp tác hữu nghị giữa hai nước.”
Trong đó, về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo “Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho rằng, trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại một số bất đồng xung quanh vấn đề Biển Ðông, và nhất trí hai nước đều nỗ lực tránh làm phức tạp tình hình và bình tĩnh xử lý những bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, nhìn từ tầm cao chiến lược quan hệ hai nước và vì lợi ích của nhân dân hai nước.”
Nhưng những gì xảy ra trong những tháng gần đây cho người ta thấy những lời tuyên bố của các lãnh tụ khi gặp nhau khác với thực tế.
Chưa đầy hai tuần trước tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh đã bắn tiếng dọa Việt Nam bằng cách hối thúc đánh Việt Nam sớm và đưa ra thí dụ “giết con gà để dọa bầy khỉ.” Lời đe dọa nhắm chặn trước thỏa hiệp giữa Việt Nam và Ấn Ðộ dò tìm dầu khí trên Biển Ðông, khu vực mà Việt Nam nói nằm trong đặc quyền kinh tế của mình trong khi Trung Quốc lại coi là vùng biển của họ.
Những gì ông Hồ Cẩm Ðào nói với ông Nguyễn Phú Trọng ở Bắc Kinh cũng là lập trường của Trung Quốc đã hô hào lâu nay chứ không có gì mới, đặc biệt từ khi có cuộc họp ASEAN mở rộng hồi năm ngoái mà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia ở Biển Ðông và sẵn sàng đứng ra góp phần dàn xếp tranh chấp bằng thương nghị hòa bình.
Khác với bài báo ngày 30 tháng 9 thúc đánh Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 12 tháng 10, 2011 viết về cuộc gặp mặt giữa lãnh tụ hai nước là “đồng ý đàm phán một nghị quyết giải quyết tranh chấp Biển Ðông và cùng cam đoan gia tăng tin cậy lẫn nhau và hợp tác.”
Bài báo này vẫn đưa ra giọng điệu “Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo trên Biển Ðông và các vùng nước chung quanh” (tránh nói đến Lưỡi Bò) mà Việt Nam và một số nước khác “tuyên bố tranh giành.”
Hoàn Cầu Thời Báo còn nói rằng tháng 6 vừa qua, Việt Nam tố cáo “Trung Quốc cản trở hoạt động dò tìm dầu khí của tàu khảo sát của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.”
Báo này nói Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh nói “tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển này đã bị tàu võ trang của Việt Nam xua đuổi.” Lời lẽ này ngược lại với các bản tin trên báo chí Việt Nam là tàu Trung Quốc được một số tàu hộ tống tới cắt cáp của tàu khảo sát của Việt Nam.
Cùng một ngày đưa tin về các lời tuyên bố của Hồ Cẩm Ðào kêu gọi tránh “làm phức tạp thêm” tình hình tranh chấp thì Tân Hoa Xã cũng có hai bản tin loan báo nước này thiết lập thêm một trạm y tế và trang bị dung cụ tiếp nhận tín hiệu tuyền hình tối tân cho lính của họ đang chiếm các đảo Yongshu Reef (bãi đá ngầm Vĩnh Thử) và Zhubi Reef (bãi đá ngầm Chử Bích) thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Cùng một ngày với chuyến thăm viếng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ở Bắc Kinh, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang cũng đã được tiếp đón nồng hậu ở thủ đô Ấn Ðộ, theo bản tin TTXVN.
Bản thông cáo chung 19 điểm giữa Việt Nam và Ấn Ðộ thấy TTXVN đăng tải. Ngoài các tuyên bố hợp tác về thương mại, tài chính, khoa học, văn hóa, nông ngư nghiệp, y tế, bản thông cáo chung nói rằng, “tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn lớn và nhất trí tăng cường mạnh mẽ các nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên các trụ cột then chốt là hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực.”
Bản thông cáo chung nói Việt Nam “ủng hộ mạnh mẽ chính sách hướng Ðông của Ấn Ðộ và việc Ấn Ðộ tăng cường quan hệ với ASEAN” và “hai bên nhất trí cho rằng tranh chấp trên Biển Ðông cần được các bên liên quan giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế...”
Những lời tuyên bố của ông Trương Tấn Sang ở Hà Nội với hãng tin Ấn PTI hai ngày trước khi công du rằng “Việt Nam sẵn sàng để Ấn Ðộ thăm dò dầu khí trong vùng biển của mình” là một sự khẳng định sẽ được Bắc Kinh theo dõi sát.
Theo báo chí quốc tế, những gì không được báo chí CSVN nói ra là ông Sang đi Ấn liên quan tới chuyện mua hỏa tiễn Brahmos chống hạm và đề nghị Ấn giúp xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. (TN)