VOA - Cả Hội Ân xá Quốc tế ở Hoa Kỳ lẫn tổ chức Human Rights Watch đều đưa ra các tuyên bố kêu gọi đối xử nhân đạo với các thành viên còn lại trong gia đình và bộ hạ thân tín của Gadhafi, là những người có thể bị lực lượng an ninh Libya câu lưu....
Các tổ chức nhân quyền chính hôm qua kêu gọi giới hữu trách lâm thời ở Libya hãy đối xử với các phụ tá thân cận và gia đình của ông Moammar Gadhafi một cách nhân đạo, và dành cho họ sự phán xử công bằng. Các tổ chức này cũng nói cái chết của nhà cựu độc tài không làm suy giảm sự cần thiết phải gán trách nhiệm về các tội ác đã phạm dưới thời cai trị của ông ta. Thông tín viên VOA David Gollust tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Các đoạn phim TV hỗn loạn về những giây phút cuối trong cuộc đời của ông Moammar Gadhafi chỉ làm gia tăng thêm lo ngại trong giới tranh đấu cho nhân quyền về tiến trình xét xử ở Libya.
Cả Hội Ân xá Quốc tế ở Hoa Kỳ lẫn tổ chức Human Rights Watch đều đưa ra các tuyên bố kêu gọi đối xử nhân đạo với các thành viên còn lại trong gia đình và bộ hạ thân tín của Gadhafi, là những người có thể bị lực lượng an ninh Libya câu lưu.
Tổ chức Human Rights Watch nói cái chết của Gadhafi không làm giảm thiểu sự cần thiết đối với người dân Libya phải tìm ra sự thực về những vụ vi phạm đã diễn ra trong thời kỳ được gọi là “những thập niên khủng khiếp” mà ông ta nắm quyền.
Nhưng tổ chức này nói rằng bất kỳ việc truy tố các giới chức nào của chế độ cũ đều phải bảo vệ các quyền hợp pháp được xét xử theo đúng thủ tục của những người bị cáo buộc, và phải loại trừ khả năng trừng phạt dã man hay vô nhân đạo, trong đó có án tử hình.
Ông David Stamps, Chuyên gia về Libya của Hội Ân Xá Quốc tế ở Hoa Kỳ, nói rằng Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya, tức NTC, cần phải có hành động mau chóng để thiết lập một hệ thống pháp lý đáng tin cậy.
Ông Stamps nói: “Một trong các vấn đề mà chính phủ đang và sẽ phải đối phó là không phải phục hồi, mà là khởi sự một hệ thống tư pháp mới công bằng và vô tư. Đây là điều rất quan trọng. Và bất cứ ai, cho dù Gadhafi đã chết, bất cứ ai khác bị cáo buộc về một tội ác đều phải được xét xử một cách công bằng. Điều này rất quan trọng. Nó sẽ đem lại niềm tin lớn cho người dân ở Libya rằng họ có một hệ thống công bằng và cởi mở.”
Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi NTC hãy tiến hành các biện pháp cấp thời để ngăn chặn những vụ tấn công trả thù trong đó có cướp bóc và phá hoại tài sản tại các thị trấn cứ địa cũ của Gadhafi như Sirte và Bani Walid.
Ông David Stamps thuộc Hội Ân Xá Quốc tế nói rằng bất cứ người Libya nào có những hành vi như thế phải bị đưa ra trước công lý cùng với bộ hạ của Gadhafi.
Ông Stamps nói tiếp: “Những người có các hoạt động thuộc kiểu dân phòng này phải chịu trách nhiệm về việc đó. Bởi vì rõ ràng là quý vị không có quyền tra tấn hay giết hại dân chúng, giết hại các binh sĩ sau khi họ đã đầu hàng. Họ được bảo vệ không những qua luật pháp quốc tế mà cả luật pháp của Libya nữa. Ta không giết hại những người vô tội. Ta không giết hại những người không có vũ khí trong tay.”
Hội Ân xá Quốc tế nói giới hữu trách mới của Libya cần phải “tách rời hoàn toàn” khỏi nền văn hóa lạm dụng đã là đặc điểm của chế độ Gadhafi.
Tổ chức này kêu gọi NTC tiến hành một cuộc điều tra “đầy đủ, độc lập và vô tư” về tình huống đưa đến cái chết của nhà độc tài đã bị lật đổ và cho dân chúng Libya biết các “sự kiện đầy đủ.”
*
Hình: ASSOCIATED PRESS - Báo chí đưa tin về cái chết của nhà cựu lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, ngày 21/10/2011
Dấu mốc thời gian về sự vinh quang và suy tàn của ông Moammar Gadhafi
Ngày 1/9/1969: 27 tuổi, Gadhafi lãnh đạo một cuộc đảo chính của quân đội lật đổ quốc vương Libya.
Ngày 5/4/1986: Đánh bom khủng bố hộp đêm ở Đức làm 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Hoa Kỳ trả đũa bằng các vụ không kích Libya vì chính phủ của ông Gadhafi bị cáo buộc có can dự đến vụ đánh bom.
Ngày 21/12/1988: Đánh bom chuyến bay 103 của Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland làm 270 người thiệt mạng.
Năm 1992: Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc chế tài Libya sau khi lần ra bằng chứng chất nổ có liên hệ với Libya.
Ngày 5/4/1999: Gadhafi giao nộp 2 giới chức Libya cho giới hữu trách Scotland để xét xử về vụ đánh bom Lockerbie. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc ngưng chế tài.
Năm 2003: Gadhafi thừa nhận trách nhiệm về vụ tấn công và đồng ý bồi thường cho gia đình các nạn nhân hơn 2 tỷ đôla.
Ngày 19/12/2003: Libya hứa sẽ loại bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hoa Kỳ và Libya thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Ngày 20/8/2009: Scoland trả tự do cho kẻ đánh bom Lockerbie vì lý do nhân đạo. Các bác sĩ nói rằng ông này bị ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn vài tháng để sống. Đương sự đã ngồi tù tám năm trong tổng cộng tối thiểu 27 năm tù giam. Ông này đã trở về Libya và hiện vẫn còn sống.
Tháng 2/2011: Nhiều ngày biểu tình đòi dân chủ đã dẫn đến việc người biểu tình chiếm được nhiều nơi ở nước này.
Ngày 23/8/2011: Các chiến binh của Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia đối lập chiếm được tổng hành dinh của ông Moammar Gadhafi ở Tripoli.
Ngày 20/10/2011: Các giới chức NTC cho hay các chiến binh của chính phủ lâm thời đã giết chết ông Moammar Gadhafi.