Trịnh Sơn - Một lối sống hình thành từ nhiều yếu tố: 1) Thời gian 2) Hoàn cảnh 3) Lý trí 4) Tập tính… Người Việt trải dài từ Bắc chí Nam, hứng chịu gió Lào và thừa hưởng hơi hướm biển Đông, rướn mình qua ngàn năm nô lệ Tàu Tây, trở mình khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khẳng định tính tự tôn giống nòi, biến một dân tộc thành một quốc gia, có ý chí lãnh đạo và ý chí phục tùng. Luật pháp ra đời như một lẽ tất yếu.
Luật là cái mốc để người ta vin vào đó mà thành người: Tôi làm theo luật, vậy tôi đủ tiêu chuẩn là một công dân!
Luật cũng là cái búa để người ta xử lý những rối reng rùm beng muốn đả phá trật tự, công bằng xã hội: Thằng đó giết người, thằng đó ăn cướp phải bị xử tử!
Luật, đôi khi lại trở thành công cụ để một số người tụ tập thành nhóm, kiềm tỏa và khống chế cộng đồng xung quanh mình: chúng ta có quyền, chúng ta là lãnh đạo, tụi nó phải nghe! …
Luật mang nhiều trạng thái áp đặt hơn là xác tín. Niềm tin vào luật cũng tỉ lệ thuận/nghịch với thực thể chấp hành luật, không thể nằm ngoài mọi nhu cầu tiến thoái của một dân tộc, nới rộng ra là một cộng đồng dân cư bị quy hoạch bởi một số điểm chung.
Việt Nam sau khi tuyên bố độc lập – tự do – dân chủ dưới thời Hồ Chí Minh, tưởng đâu níu kéo được cái lủng quần của chân lý về phía nhân dân cùng khổ, ai dè, tư tưởng bá quyền lọt kẽ từ phương Bắc không ngừng rót qua địa hạt yếu ớt của chúng ta, khiến một thành phần lãnh đạo cách mạng lúc ấy biến thành côn đồ - một dạng mafia chính cống.
Đàn áp diễn ra ngay cả trong nội bộ chính thể nhỏ bé. Nhà nước mất đi tính thiêng liêng của tính luật và ý chí tập thể mà mọi người muốn vươn tới. Hạn chế của Mao-ít là ở chỗ, nó không thể dung hòa được giữa tính đại đồng dân tộc với sự phát triển cá thể tính, trong khi nó luôn hô hào bằng tay chân miệng và bất cứ thủ đoạn nào có thể để thôn tính mọi vấn đề trái ý khác.
Hồ Chí Minh thất thủ và tỏ rõ sự bất lực trước đám quỷ dữ mà một thời chúng là tín đồ trung thành của mình. Xin thưa với Bố-già, con người là một thực thể mỏng manh nhất mà dưới lăng kính của Mác-Lê, nó chỉ là những vòng elip đơn bào khiến các ông nghĩ rằng nó giản đơn, dễ bảo và luôn có thể bị tháo van khuất phục.
Đất nước Việt Nam chưa bao giờ thực sự có tự do, vì ý nghĩa của tự do đã bị bóp mép hoàn toàn qua luận điệu tuyên truyền cách mạng. Nhiều ông già bà lão còn sống tới bây giờ, có ai định nghĩa được 2 chữ tự do mà Hồ Chí Minh cùng đảng của ông mang về nước rồi nhét vào bụng họ?
Gs Hoàng Như Mai có dạy tôi một số buổi, ông hay kể về chuyến tàu hỏa mà ông tháp tùng chở vàng qua Trung Hoa trả chiến phí. Tôi hỏi ông: Thầy có hối hận không? Có. Vậy, thầy có thấy mình có tội với dân tộc này không? Ông không trả lời và lẳng lặng làm một giáo sư – nhà giáo nhân dân cho tới mãn đời. Cái lý tưởng mà ông theo đuổi, là sự bình an hơn người chứ không phải là sự bình an cho người khác. Dám chắc, cái thời của ông đen tối quá nên cả thế hệ ông đều bị bôi bẩn bằng một thứ mực tàu mang tên cách mạng, mang tên vô sản chủ nghĩa. Cùng thời với ông thầy tôi, còn nhiều cái tên mà không gọi ra, hẳn họ thừa biết họ đã ở đâu và sẽ ở đâu trên giàn thiêu chắp nối bằng củi lửa của một thiểu năng tự do biến đổi từ vong thân nô lệ sang tự thân nô lệ.
Sau 1975, nhiều người vẫn không tin miền Nam bị đánh cắp khỏi dòng chảy văn minh thời đại, bị hất đổ từ một thánh phố mệnh danh Hòn ngọc Viễn đông trở thành một trung tâm của nhếch nhác và đen đủi. Rồi đến chuyện biển Đông vấy máu. Nếu nhìn rộng ra, họ sẽ hiểu, ấy là cái thế mà ông Trạng Quỳnh chỉ ra từ rất sớm: lòng từ tâm không có chỗ trong miếng ăn của một bầy chó!
Lọt ra ngoài nong nia cộng sản, là những hạt ý chí không chịu cam phận làm công dân của một thiên đàng bị cai trị bởi máu và đầu lâu. Sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều cái chết mờ ám, sẽ thêm nhiều án tù bất công, sẽ chật chội hình chữ S nhiều kẽm gai và súng ống.
Sẽ đổi tiền và đổi nhiều thứ!
Đã đến lúc chúng ta nên ngồi đọc lại Tuyên ngôn độc lập lần cuối cùng. Và can đảm viết lại số phận dân tộc mình.