Cần có cuộc đổi mới lần hai - Dân Làm Báo

Cần có cuộc đổi mới lần hai

RFA 08.10.2011 - Báo chí trong nước tuần này đột nhiên cho chạy những dòng tựa rất mạnh như “Nợ công của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro”, “Nợ công tăng, khả năng trả nợ giảm”, “Cần có đổi mới lần 2”, “Một bộ phận cán bộ đang suy thoái về đạo đức”, v.v… và thậm chí là: “Đùa dai và nỗi nhục quốc thể”!

Nhu cầu bức thiết 

Trong mục “Cà phê cuối tuần”, tạp chí VNEconomic hôm 30 tháng 9 trích dẫn các nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – một chuyên gia kinh tế từng giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy nền kinh tế Việt Nam cần có một cuộc đổi mới thứ nhì mới có thể tránh được nguy cơ khủng hoảng.

Theo ông Lê Đăng Doanh, nếu cuộc đổi mới lần thứ nhất đã giúp cho Việt Nam thoát được cảnh đói nghèo triền miên của thời bao cấp, thì cuộc đổi mới lần thứ hai được coi là nhu cầu bức thiết để giúp Việt Nam thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính đang cận kề.

Trả lời phỏng vấn Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:

“Cuộc đổi mới lớn nhất đã đem lại cho Việt Nam các bước phát triển vượt bậc như trong thời gian vừa qua. Nhưng đến nay thì những động lực đó không còn đủ nữa, và trong thời gian qua thì Việt Nam thấy rõ là gặp thách thức lớn. Vì vậy cho nên đợt đổi mới lần hai này là cần phải gắn liền với việc cải cách guồng máy nhà nước, gắn liền với cải cách các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khác. Cũng như cải cách quản lý về tài nguyên, về đất đai của đất nước để cho nền kinh tế phải nâng cao được hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao hơn.”

Cũng trên tờ VN Economic, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã không chút ngần ngại khi nhận định là “tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”.

Để bảo vệ cho quan điểm này, ông Lê Đăng Doanh nêu ra một loạt các số liệu về lạm phát tăng cao, cán cân mậu dịch bị thâm thủng, đầu tư nước ngoài tụt dốc, tiền đồng mất giá, chênh lệch giàu nghèo gia tăng v.v…

Trả lời câu hỏi của phóng viên là với một loạt khó khăn như vậy, liệu một cuộc cải cách lần 2 như ông đề nghị có thể giúp Việt Nam ra khỏi tình trạng hiện nay, TS Lê Đăng Doanh quả quyết: “Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.”

Gánh nặng nợ công

Ảnh: Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay. Nguồn: MOF. 

Cũng trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tình trạng nợ công của Việt Nam tuần này được báo chí đưa ra mổ xẻ, với những cảnh báo cho rằng nếu không có được các giải pháp kịp thời, Việt Nam sẽ bị mất khả năng chi trả.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị trích dẫn các số liệu của Bộ Tài chính và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm trên 70% tổng thu nhập quốc dân, và nếu không có biện pháp thích ứng, tỉ lệ này có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những năm tới.

Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Phong, chuyên gia về giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam: “Vấn đề nợ công đang là một thách thức đối với Việt Nam. Và khi nợ công vượt quá 50% GDP, thì đó quả là con số rất đáng lo ngại”.

Về nguyên do gây ra tình trạng này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, “việc chi tiêu quá mức nhưng đầu tư kém hiệu quả đã khiến nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua”.

Theo phân tích của Tiến sĩ Tự Anh, chính việc cho ra đời hàng loạt Tổng công ty nhà nước trong 5 năm qua đã đẩy mức nợ quốc gia của Việt Nam từ con số chỉ hơn 10 tỷ đôla, nay lên đến hơn 55 tỷ đôla.

Về giải pháp, Tiến sĩ Vũ Thành Tư Anh cho rằng để giám gánh nặng nợ công, Việt Nam phải tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế tài chính, trút bỏ gánh nặng quốc doanh; đồng thời thay đổi mô hình tăng trưởng vốn đã trở nên lạc hậu, cản trở các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đùa dai và nỗi nhục quốc thể

Ảnh: Bộ trưởng Đinh La Thăng ra quyết định cách chức ngay tại công trường - Ảnh PLO. Nguồn www.nld.com.vn. 

Cũng liên quan đến cơ cấu kinh tế, đặc biệt là hoạt động của các Tổng công ty nhà nước, dư luận Việt Nam tuần này không khỏi ngỡ ngàng trước lời tuyên bố không khoan nhượng của Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi ông cho rằng những gì đang diễn tại sân bay Đà Nẵng là hành động gây “nhục quốc thể”.

Nhận định này được ông Nguyễn Bá Thanh đưa ra khi chứng kiến tiến độ thi công chậm chạp tại công trình công trình xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, khiến cho hành khách đi máy bay cả trong và ngoài nước phải chịu đựng nhiều thứ tồi tệ trong một sân ga bị dột nát, quá tải.

Phản ứng mạnh mẽ của Bí thư thành Ủy Đà Nẵng ngay lập tức nhận được sự đồng tình của tân Bộ trưởng Giao thông Vận tài Đinh La Thăng.

Ngay sau khi đích thân vào thị sát công trình, ông tân Bộ trưởng đã lập tức ra quyết định cách chức trưởng ban quản lý dự án Đặng Hồng Cương đồng thời cho điều ông Đỗ Tất Bình từ TP. Hồ Chí Minh ra thay thế.

Không quá bộc trực như ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng hành động dứt khoát và những nhận xét có phần thâm thúy của tân Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khiến dư luận không khỏi trăn trở: Ông Thăng cho rằng sự việc đang diễn ra tại Đà Nẵng là một hành động “đùa dai”.

Theo những người trong cuộc, chữ “đùa dai” của ông tân Bộ trưởng ám chỉ tình trạng các ban quản lý dự án sau khi đã nhận được kinh phí đầu tư của nhà nước thường tìm cách câu giờ, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Và như để liên kết 2 lời tuyên bố của ông Thanh và ông Thăng, báo chí trong nước cho in đậm những dòng chữ như "Đùa dai và nỗi nhục quốc thể", hay “Vì quá ‘đùa dai’ cho nên mới có ‘nỗi nhục’ như vậy”, v.v…



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo