Hồ Bất Khuất (Tuanvietnam) - Muốn cải thiện tình hình giao thông ở Việt Nam, phải hành động khẩn trương, nhưng lại phải bình tĩnh, tỉnh táo. Phải xây dựng những công trình hạ tầng lớn, nhưng cũng phải tỷ mẩn và kiên trì làm những cái nhỏ và cụ thể. Điều quan trọng nhất là phải làm vì lợi ích của số đông.
Thời gian gần đây, hầu như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều nói về giao thông. Đây là điều đáng mừng nhưng chỉ nói không thôi thì chẳng giải quyết được vấn đề. Còn nếu hăng hái làm nhưng lại làm sai thì tình hình còn tồi tệ hơn. Vấn đề là phải tìm ra việc cần thiết để làm và làm thật kiên quyết, triệt để.
Hai thảm họa, một nguy cơ
Nói thật là bất cứ ai cũng có một tâm lý này, mỗi khi có người thân tham gia giao thông là những người ở nhà cứ nơm nớp sợ. Vì mỗi ngày trung bình có tới 70 - 75 người gặp nạn (cả chết và bị thương). Tai nạn có thể xẩy ra với bất kỳ ai, kể cả những người cẩn thận nhất. Bao nhiều vụ "xe điên" tàn sát những người chờ đèn đỏ, ngồi trên vỉa hè, đi chậm, đúng đường... là minh chứng cho điều đó.
Tai nạn giao thông ở nước ta thực sự là một thảm họa vì nó không những làm chết nhiều người, phá hủy nhiều tài sản mà nó còn gây nỗi sợ hãi, sự bất an cho tất cả mọi người.
Thảm họa thứ hai là việc ùn tắc tại các thành phố lớn. Tổn thất về kinh tế là vô cùng nghiêm trọng. Mỗi ngày có hàng chục ngàn người không đến được nơi làm việc đúng giờ. Điều này còn ảnh hưởng đến hàng chục người khác vì họ phải chờ đợi đối tác của mình, bạn hàng của mình, đồng nghiệp của mình.
Rồi những người không đến được những cuộc họp quan trọng, không đón được con nhỏ... đều có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Có thể nói cả "guồng máy xã hội" phần nào bị đình trệ vì chuyện tắc đường.
Cùng với hai thảm họa đó là sẽ đến lúc con người không đi lại được ở các thành phố lớn. Với tốc độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh như hiện nay thì nguy cơ đó sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu và thái độ kiên quyết.
Nhiệm vụ của ngành giao thông hiện nay là loại trừ hai thảm họa và một nguy cơ. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến đời sống của tất cả mọi người.
Số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại trong năm 2010
Khuyến khích, dung túng, làm ngơ trước hành vi vi phạm?
Những thảm họa và nguy cơ trong giao thông hiện nay là cái giá phải trả cho việc thiếu tầm nhìn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành giao thông và quy hoạch đô thị quá nhiều năm nay tích tụ lại. Bốn yếu tố cơ bản của giao thông là: Cơ sở hạ tầng, phương tiện, cách tổ chức, quản lý, điều hành và ý thức của người tham gia giao thông đều yếu kém. Muốn cải thiện tình hình giao thông, phải nâng cao chất lượng của cả bốn yếu tố.
Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở và phương tiện không thể cải thiện một sớm, một chiều. Ví dụ, tuyến đường sắt trên cao dài 13 km ở Hà Nội từ Cát Linh đi Hà Đông mãi tới năm 2015 mới hoàn thành. Cũng như việc ngay bây giờ không thể bỏ đi hàng chục triệu chiếc xe máy, thay vào đó là hàng chục ngàn chiếc xe buýt.
Vậy chỉ có thể tìm cách cải thiện tình hình giao thông qua việc tổ chức, quản lý điều hành tốt và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Hai yếu tố này liên quan mật thiết với nhau. Nếu quản lý giao thông tốt, ý thức của người tham gia sẽ được nâng cao. Kinh nghiệm thế giới cho hay: Ý thức của người tham gia giao thông kém có vai trò quan trọng nhất. Một câu chuyện ấn tượng của Mỹ về ý thức của người dân:
"12 giờ đêm, đường phố vắng tanh, một người đàn ông lái xe vượt đèn đỏ. Một người đàn bà luống tuổi nhìn thấy, nhớ số xe và báo cho cảnh sát. Cảnh sát không khó khăn gì để tìm ra thủ phạm. Khi xác định được thủ phạm, họ thông báo điều này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai hôm sau, đứa con ở trường về, vừa khóc vừa nói với bố: "Con xấu hổ đến chết đi được khi các bạn cùng lớp chế diễu vì có người bố vi phạm luật giao thông". Chị vợ đi làm về, buồn bã thông báo: "Sếp của em đang tìm cách cho em nghỉ việc vì không muốn có một nhân viên có chồng coi thường luật giao thông".
Hôm sau nữa các hãng bảo hiểm thông báo cho gia đình: Họ không muốn ký hợp đồng bảo hiểm với một gia đình có người chủ ý vi phạm luật giao thông. Chỉ vì một lần vượt đèn đỏ giữa đêm của người cha, gia đình đó đã gặp rất nhiều điều rắc rối đến nỗi họ phải chuyển đến nơi khác sinh sống."
Trong khi đó ở Việt Nam, nếu người vi phạm luật giao thông mà không bị bắt giữ, xử phạt thì được người thân, bạn bè coi như đã lập một chiến công. Vượt đèn đỏ trước mũi công an, giỏi! Vi phạm luật gia thông bị bắt, xin được, tài! Nghễu nghện đi ngược đường, mặc kệ!...
Nếu chúng ta còn khuyến khích, dung túng, làm ngơ trước hành vi vi phạm luật giao thông thì đừng mong giao thông tốt lên. Thái độ lên án của những người xung quanh đối với người vi phạm luật giao thông là yếu tố cơ bản nâng cao ý thức giao thông. Người Việt Nam chúng ta hình như chưa làm điều này.
Khẩn trương, tỉ mẩn và kiên trì
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng muốn cải thiện tình hình giao thông nước nhà. Chúng ta phải ủng hộ ông ấy. Tuy nhiên, chúng ta chỉ ủng hộ những việc làm đúng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiệu quả nhất, kết quả rõ ràng nhất là mở rộng đường. Tuy nhiên, tiền đền bù và khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng đã làm nhiều người chùn tay. Nhưng nếu thấy những con đường nào đó nhất thiết phải mở rộng thì phải làm ngay vì càng kéo dài thời gian, tiền đền bù càng nhiều.
Điều này đã được thực tế chứng minh. Nhưng cũng có những con đường có thể mở rộng mà không cần phải đền bù nhiều, chỉ cần nhận thức đúng.
Ví dụ, ở Hà Nội có một con đường rất dài và rất thẳng nhưng vô cùng chật hẹp. Đó là đường Lê Trọng Tấn ở quận Hoàng Mai. Đây là con đường điển hình cho tầm nhìn kém cỏi của việc quy hoạch. Trước đây một bên là sân bay Bạch Mai và một bên là cánh đồng, muốn con đường rộng bao nhiêu cũng được nhưng người ta chỉ cho nó rộng có hơn chục mét.
Bây giờ muốn mở rộng chỉ có thể làm về phía sân bay (bỏ hoang) Bạch Mai hiện do quân đội quản lý. Chạm vào đất quốc phòng là chạm vào an ninh quốc gia nên ít ai dám đề nghị. Nhưng nên căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra quyết định có lợi cho nhân dân.
Trước đây Bộ Quốc phòng "trấn giữ" đường Nguyễn Tri Phương - nối từ đường Điện Biên Phủ sang Phan Đình Phùng, đi qua "trung tâm đầu não" của Bộ Quốc Phòng. Nay con đường đó đã được "giải phóng". Nhân dân thủ đô và khách thập phương rất hoan nghênh điều này.
Việc tổ chức phân làn, phân luồng hợp lý cũng góp phần cải thiện giao thông đô thị. Hà Nội đang đẩy mạnh làm điều này nhưng kết quả còn rất hạn chế. Ở nước ngoài giải phân cách thường làm bằng vật liệu mềm (thường là nhựa) để giảm nhẹ thương tích nếu va quệt phải.
Hà Nội đang đẩy mạnh phân làn nhưng kết quả còn rất hạn chế
Sao chúng ta cứ làm vật liệu cứng (bê tông và sắt thép) để mọi người vỡ đầu, gãy chân khi đâm vào? Đừng nói là ở Việt Nam không có vật liệu như vậy vì mấy hôm nay, để thu hẹp đường Liễu Giai (phục vụ cho việc đổ móng tòa nhà 65 tầng ở ngã ba Liễu Giai - Đào Tấn) người ta đã sử dụng tấm ngăn bằng nhựa mềm, nhẹ và đẹp.
Việc sắp xếp lại giờ làm việc của các cơ quan nhằm giảm số người tham gia giao thông vào giờ cao điểm là việc không quá khó và có hiệu quả, sao ta không làm? Có thể đưa ra phương án thế này: Trường học, nhà máy, xí nghiệp giữ nguyên giờ giấc như hiện nay. Giờ làm việc của các cơ quan hành chính địa phương lùi lại 30 phút so với thời gian hiện hành. Cấp trung ương chậm 30 phút so với cấp địa phương.
Muốn cải thiện tình hình giao thông ở Việt Nam, phải hành động khẩn trương, nhưng lại phải bình tĩnh, tỉnh táo. Phải xây dựng những công trình hạ tầng lớn, nhưng cũng phải tỷ mẩn và kiên trì làm những cái nhỏ và cụ thể. Điều quan trọng nhất là phải làm vì lợi ích của số đông.