Nhân tính, thú tính - vì đâu nên nỗi ? - Dân Làm Báo

Nhân tính, thú tính - vì đâu nên nỗi ?

Le Nguyen (danlambao) - Con người là bất toàn, làm người khó ai tránh khỏi lầm lỗi, người xưa có nói: “nhân vô thập toàn” để khẳng định rằng khiếm khuyết, lầm lỗi luôn hiện hữu trong mỗi con người, không phân biệt giàu sang danh giá hay nghèo khó vô danh. Chuyện xưa cũng kể hơn hai nghìn năm trước, có người đàn bà ngoại tình bị xử tội ném đá, chúa Jesus đứng trước đám đông hăm hở ném đá nói rằng: “ Ai vô tội , hãy bước lên ném đá người đàn bà này” đám đông buông đá xuống, lần lượt bỏ đi. Qua câu chuyện người đàn bà hai nghìn năm trước, dạy cho con người biết yêu thương và tha thứ. Phật cũng thế, dù có thiên kinh tụng niệm, vạn quyển giáo lý tu học, tựu trung vẫn cô đọng lại phần tinh túy trong bốn ý “từ- bi- hỉ -xả” tức buông bỏ, mở lòng yêu thương và tha thứ. Đó là nguồn cội xây dựng nên tình người, tính người của cuộc sống làm người.

Ngược giòng thời gian trở về thời hoang dã, thuở loài người còn ăn lông ở lỗ, sống trong hang động, lang thang giữa núi rừng trùng điệp săn mồi hái trái, thậm chí giết người “đánh chén” do tham vọng vĩ cuồng từ thú tính trong con người nguyên sơ, man dại gây nên. Cuộc sống của loài thú thượng đẳng “người” kéo dài hàng vạn năm, chục vạn năm, mãi cho đến khi con người kết xã, hợp thành xã hội. Từ đó các giao ước xã hội, các giá trị đạo đức lần lượt ra đời nào là luân lý lề luật, thuần phong mỹ tục, giáo dục, luật pháp...nhất là tổ chức cai trị , lãnh đạo cộng đồng, xã hội loài người phát triển trong trật tự, ổn định và điều hòa.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ không bàn đến các mô hình tổ chức cai trị hay nói cách khác là không bàn tới các thể chế chính trị đã kinh qua trong lịch sử phát triển xã hội loài người, chỉ mong truy tìm những yếu tố tác động trực tiếp đến nhân tính, thú tính của con người.

Tại sao thú tính hoang dại lấn át nhân tính văn minh trong đời sống làm người?

Hẳn trong đời sống không ít lần chúng ta băn khoăn, thắc mắc lẫn phẫn nộ với hành động dã man của người đối với người, dù biết rằng nhân tính được khuyến khích, đề cao nhưng thú tính vẫn tồn tại trong mỗi con người mỗi lúc, mỗi thời, không kể giàu nghèo, không phân biệt thành phần xã hội, trong đất nước văn minh hay chậm tiến. Để giúp con người hướng thiện, triệt tiêu thú tính cho nhân tính lên ngôi đã có nhiều biện pháp, từ giáo dục cho đến cưỡng bức nhằm ngăn chận thú tính bùng phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống ngay lành của xã hội loài người, từ lúc con người biết sống thành tổ chức cộng đồng đến tổ chức nhà nước hiện đại thời nay.

Để xây dựng con người nhân bản, hướng thiện có nhiều tư tưởng đến từ các bộ óc vĩ đại của loài người góp phần trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại: như thuần phong mỹ tục trong đời sống xã hội thực tiễn; như tư tưởng, đạo đức trong triết học, tôn giáo; như giáo dục, luật lệ, luật pháp trong tổ chức nhà nước.

Theo chiều hướng đó, chiều hướng sản sinh con người nhân bản, loài người sử dụng cùng lúc hai biện pháp giáo dục và trừng phạt. Giáo dục con người sống hướng thiện, giữ gìn tuân thủ giá trị đạo đức của xã hội loài người và trừng phạt con người vi phạm mẫu mực giá trị đạo đức chung của cộng đồng xã hội hoặc quốc gia.

Lẽ khác, con người có hai phần hồn và xác theo quan niệm tôn giáo, tinh thần và thể chất theo quan niệm thế tục. Thế cho nên để cho con người sống hướng thiện làm lành lánh dữ, lánh xa tội ác , giải trừ thú tính, phát triển nhân tính, con người cùng lúc được giáo dục lẫn bị trừng phạt cả hồn và xác, cả tinh thần và vật chất. Qua tổ chức tôn giáo cùng lúc với tổ chức nhà nước.

Có lẽ, không ai có thể phủ nhận được, đóng góp của tôn giáo cho mục tiêu hoàn thiện con người tức hướng dẫn con người sống với tính thiện loại trừ tính thú, để đạt được mục đích các tôn giáo xây dựng triết thuyết, giáo luật, giáo lý tạo ra biểu tượng siêu hình, quyền năng vô biên thấy, biết những việc xấu, ác của mọi người nhằm giáo dục, trừng phạt, ban thưởng cho con người. Chẳng hạn như người ác, xấu sẽ bị đày xuống nhiều tầng địa ngục, hoả ngục đời đời và người thiện, tốt sẽ được lên niết bàn, thiên đàng hoặc sống đời đời trên đất...

Bên cạnh tôn giáo là tổ chức nhà nước xây dựng con người sống hướng thiện cũng trên nền tảng giáo dục, trừng phạt với những quy luật về quyền hạn nghĩa vụ, về việc được làm lẫn không được làm trong cộng đồng xã hội hoặc cho công dân của một nước và những ai cố tình vi phạm sẽ bị trừng phạt theo khung luật pháp của tổ chức nhà nước.

Hai công cụ tổ chức tôn giáo và tổ chức nhà nước đóng góp rất nhiều cho xã hội loài người phát triển trong vòng ổn định, trật tự, điều hòa trong đó có góp phần giáo dục, trừng phạt khơi dậy, chuyển đổi con người hoang dã dần dần trở thành con người nhân bản văn minh, loại dần tính thú để còn lại tính người như con người nhân bản hôm nay đang là.

Ngoài ra, con người rất lạ, rất khó hiểu, có người không sợ bất cứ hình phạt nào trong đời sống hiện tại nên bất chấp luật pháp thế tục, nhưng lại sợ bị giáo luật tôn giáo trừng phạt đời sống sau khi chết nên họ chuyên cần tu tâm dưỡng tánh, làm thiện tránh ác trong đời sống hiện tại. Ngược lại, có người lại sợ luật pháp trừng phạt tống tù trong đời sống hiện tại nhưng lại không sợ bị đày xuống hỏa ngục đời đời sau khi chết.Thế cho nên tôn giáo, tổ chức nhà nước là hai chân giữ thăng bằng cho con người bước đi trong giông bão chân, thiện của cuộc đời, thiếu nó con người sẽ sống mãi với thú tính man rợ của thời hoang dã săn người “đánh chén”say sưa cho tham vọng vĩ cuồng đáng kinh sợ của thuở nguyên sơ.

Từ giáo dục, trừng phạt của tổ chức tôn giáo, tổ chức nhà nước nhìn lại những con người mới xã hội chủ nghĩa, với kỹ nghệ trăm năm trồng người của ông Hồ Chí Minh, lan tràn trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, có quá nhiều điều xấu, ác xảy ra so với mức độ xấu, ác của các nước trên thế giới, không khỏi gây lo ngại cho những người có lòng với tương lai quốc gia dân tộc. Không lo sao được khi hai chân tôn giáo lẫn tổ chức nhà nước đã bị đảng cộng sản thao túng lãnh đạo làm méo mó không còn đúng chức năng, lý tưởng của những người khai sinh ra nó.

Về tôn giáo, các tổ chức Phật, Chúa..thánh thiện giáo dưỡng tính thiện cho con người, sản sinh con người nhân bản nhiều nhất có thể được, đã bị đảng lãnh đạo biến thành tổ chức thế tục với nhiều thói hư tật xấu, vi phạm giáo luật, đạo đức xã hội xa rời giáo huấn của giáo chủ, thậm chí nặng về mê tín dị đoan, phản thầy phá đạo vẫn không bị luật pháp trừng trị. Riêng những người thông hiểu đạo, có lòng thành với đạo, muốn hành đạo không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng thì bị ngăn cấm, trù dập cũng như ghép tội giam tù.

Lẽ khác, con người mới xã hội chủ nghĩa được nhồi nhét con người là do quá trình tiến hóa của khỉ thành người, không do đấng tối cao nào tạo ra, cũng như với họ những con người mới xã hội chủ nghĩa đúng thật thì trong suy nghĩ của họ, không có trời phật thánh thần chi cả nên những con người mới này, không sợ thế giới siêu hình nhìn thấy hành động ác, xấu, không lo quả báo, luân hồi hoặc bị trừng phạt sau khi chết. Do đó, nhân tính dần biến mất để còn lại con người thú tính hoang dã nguyên sơ.

Về tổ chức nhà nước, luật pháp là công cụ trừng phạt các hành động ác, xấu như cướp của giết người, trộm cắp lường gạt, ngang ngược lật lọng, đổi trắng thay đen, gian manh dối trá, hối lộ tham nhũng, khinh thường luật pháp... nhằm cải sửa con người, giúp con người hướng thiện, trở thành người tốt có ích, hữu dụng cho cộng đồng xã hội. Thế nhưng con người mới xã hội chủ nghĩa được sản xuất từ “xưởng tam vô” vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc nên khi nắm giữ quyền lực nhà nước đã có những hành động ngang ngược, độc ác dã man phi nhân tính đến độ những bộ óc bình thường không thể hiểu nỗi và mọi người đều nhìn thấy không cần phải liệt kê ra đây. Mặt khác những cái ác, xấu còn nhân lên gấp bội khi quyền lực không bị kiểm soát, luật pháp gần như vô hiệu đối với những con người mới này, dễ cho con người phát triển thiên về thú tính hơn nhân tính và trở thành thảm họa cho con người lẫn đất nước Việt Nam.

Tóm lại, nhân tính, thú tính có sẵn trong mỗi con người và loài người đã vận dụng trí năng của loài sinh vật thượng đẳng nhằm loại trừ thú tính man rợ hướng tới nhân tính văn minh trong tiến trình phát triển của nhân loại. Trong đó giáo dục và trừng phạt qua tổ chức tôn giáo (tâm linh siêu hình) tổ chức nhà nước (thế tục hữu hình) là hai trong nhiều biện pháp đã được loài người thực hiện cho mục đích hoàn thiện con người hiện đại nhân bản văn minh, mà chúng ta đã thấy con người nhân bản khắp nơi trên thế giới, qua nhiều phương tiện tiếp cận của riêng mỗi người trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa này.

Thế nhưng nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vài ba nhà nước độc tài cộng sản còn sót lại đã chặt bỏ hai chân giáo dục, trừng phạt của tổ chức tôn giáo và tổ chức nhà nước, dẫn dắt con người trên hành trình tìm đến nếp sống, nếp nghĩ chân thiện, biết yêu thương, biết hy sinh, biết dấn thân làm đẹp cho cuộc đời, cho đời sống làm người xứng đáng đúng thật là người. Ôi, nhân tính thú tính vì đâu nên nỗi! Chúng ta phải làm gì để vượt qua nỗi băn khoăn nhân tính, thú tính tồn tại trong con người mới xã hội chủ nghĩa hôm nay?

Le Nguyen


http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo