Ôi! Thế hệ của Tôi - Dân Làm Báo

Ôi! Thế hệ của Tôi

Hành Khất (danlambao) - ...Như những con cừu lẻ loi, lạc lối đang cố lắng nghe tiếng cồng từ nông trại nơi xa. Âm thanh như hồi cứu tử nhưng chỉ vang lên đôi lần, rồi tắt lịm. Đàn trừu lại lạc lối, ngơ ngác giữa bóng đêm. Dường như những chú chó chăn dắt cũng đã bỏ về nhà yên nghỉ từ lâu. Và bóng đêm không bao giờ nhẫn nại chờ chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn quá dư kiên nhẫn chờ bóng đêm?... 

*

Ôi! thế hệ của Tôi hôm nay không còn Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, hay Nguyễn Thái Học. Một thế hệ lạc loài hơn đàn ngựa hoang, hay đàn chim thiên di, như những con trừu lang thang giữa đồng cỏ tìm ăn. Thế hệ của Tôi cũng có những hoài bảo thiết tha trong ý chí muốn xông pha cho thỏa tiềm năng tuổi trẻ, nhưng những mạch nhánh sông không gom tụ được để trở thành dòng thác đổ. Ôi! thế hệ của Tôi chỉ còn biết ôm lấy hoài niệm xa xưa, thầm nhớ đến những Quan Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo v.v. đã quá xa rời hiện thực, và thở dài, cố nuốt uất nghẹn không lời. 

Vâng, chúng ta chờ! Chúng ta đang mong chờ ngày đổi mới. Chờ nắng lên; chờ hoàng hôn đến. Chờ hết mùa khô, chờ cạn mưa bùn. Chờ năm trôi qua, chờ tháng đi về. Vâng, chúng ta chờ! Chờ bàn tay nào nâng dậy; chờ tiếng nói mơ hồ. Chờ mệt nhoài trên sân sa trống vắng; chờ con tàu không hồi còi dừng bến. Và bên kia vạn dặm đường, cũng có bến ga chờ trên tuyến đường quen thuộc. Sự chờ đợi nầy không biết sẽ đến bao giờ mới bắt gặp lại con tàu đã đi suốt hơn 30 năm mà vẫn không nghe tiếng còi gọi mừng ghé bến. Vâng, hơn 30 năm rồi! Cổ tàu chắc cũng lắm nhiều mục nát, hư hại; lò củi đốt chắc bám bụi than đen dầy thêm như lòng con tàu chất chứa ngàn đớn đau thân phận. Không biết cổ tàu vẫn còn có thể lê lết từng dặm núi rừng Việt Nam nữa không (?), hay đang vất vưởng giữa lưng dốc đèo từ mấy chục năm trước. 

Vâng, chúng ta vẫn chờ! "Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói" của họ Trịnh dường như càng lỗi thời hơn đối với hiện tình hôm nay, vì họ Trịnh mong chờ "sáng chói" từ những tầm đạn pháo mà quê hương phải hứng chịu trong nhục nhằn, không tiếng nói. Và con đường hầm tối đen, cổ tàu đi qua, không phải chỉ có một. Bóng đêm ban ngày không còn là sự phân ranh với tầm nhìn, dù có hàng dải màu cờ đỏ ửng như họ Trịnh thấy tư tưởng mình trong "Ta Đã Thấy Gì Đêm Nay". Và dù tiếng hát cất cao của nữ ca sĩ họ Nguyễn kia cũng không át nỗi tiếng bánh sắt rên siết, rỉ sét của sự thật hôm nay. 

Đã qua hơn ba thế hệ, ở bên kia nửa đại dương, chúng ta vẫn đang chờ từ tóc xanh đến tóc bạc với hy vọng chấp cánh bay cao, và bay cao lẫn vào những đám mây trắng đục lạnh lùng của vùng trời nào đó xa lạ, và càng xa lạ hơn khi càng lên cao. Vùng trời Việt Nam bé nhỏ quá, rồi cũng sẽ biến mất dưới những hy vọng đó; ngoại trừ những giọt nước thiên thu từ trời, khóc cho mơ ước đơn sơ nhưng quá muộn màng tình dân tộc. Thời gian trôi theo thế hệ mới trưởng thành trong ý thức hệ khác biệt nơi môi trường no đủ cho sự nẩy nở mầm sống ngoại lai. Ý thức mới thường được xem là cơ bản của sự tiến bộ thời đại, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra bức màn chắn riêng biệt với những gì được gán cho là cổ lổ, bảo thủ mà đôi khi ngay cả lịch sử cũng được xét định như vậy khi người ta cần lý luận để bảo vệ quan điểm mình. Vì dù thế hệ sau có được dự phần trong cơ cấu chính quyền hay tầng lớp xã hội cao nhưng mưu cầu lợi ích, an sinh không phải dành cho nửa quốc tịch Việt Nam mơ hồ trong họ. Sự hãnh diện thực thi vai trò của một công dân nào đó, tất yếu không phải là của một Việt Nam còn chút lại. Và họ không có quyền bất tuân, phá bỏ luật lệ nơi quyền công dân phải phụ thuộc. 

Trước khi bước vào những năm tháng nhọc nhằn trong cách mạng, Tôn Dật Tiên cũng như Phan Bội Châu đã sớm ý thức được một chân lý rất nhân bản: "Không nên quá ỷ lại vào ngoại bang, chính chúng ta là cách mạng." Điều đó đã nhiều lần được chứng minh trong những đắng cay đời cách mạng của hai bậc tiền bối trên. Dù biết là vậy, nhưng trong thế bắt buộc phải dụng thế, nên đôi khi họ không sao tránh khỏi mưu cầu lợi ích của kẻ ngoại bang sớm bạn tối thù. Kinh nghiệm lịch sử đó, thế hệ trước chúng ta đã từng học hỏi, và hiểu biết, nhưng gian nan đã làm chùng bước biết bao nhiêu lòng nhiệt quyết; nhất là khi men vị ấm êm còn ngầy ngật trong người, cơ thể giờ không còn quen tiêu hóa vội vàng nắm gạo sống, hay ngụm nước giữa rừng cây. Rồi thời gian chờ đợi, và họ lại chờ đợi thời gian. Và rồi dường như tất cả được cải biến theo môi trường sống như định luật Darwin đã từng đưa ra. Thế hệ kế tiếp sẽ dần mất dạng bản chất di truyền ban đầu. Nhưng không, chúng ta vẫn chờ hy vọng dù đã hơn ba thế hệ trôi đi! 

Ôi! thế hệ của Tôi rồi cũng thế: tự biến mất; thay vào đó là sự bắt đầu cho đổi mới. Tuy nhiên không hẳn cái gì đổi mới đồng nghĩa với tốt đẹp hơn, khi hai chữ đó được dùng để ngụy biện cho sự chối bỏ quá khứ một cách vô tâm. Nhưng quá khứ luôn ẩn hiện và phản ảnh trong mọi khía cạnh hiện tại, dù chính họ có muốn nhắm mắt hay xoay lưng trốn chạy, hay băng giá trong cách nhìn lơ đảng, không chút thiện cảm, cứ để mặc con tàu rên rỉ từng bánh lăn trên tuyến đường hàng vạn dặm mà đã hơn ba thế hệ rồi chưa lần ngừng lại. Một con tàu không ga, không người điều khiển, cũng không có hành khách nào. Con tàu từ quá khứ chạy dài theo lương tâm, nghiến đau lòng ân hận của sự sống như những vết thương được cảm nhận khi cái chết còn chưa đến. 

Và từ bên kia nửa đại dương, cũng có những con mắt đang ngóng trông như chờ cơn mưa trong mùa hạn kéo đến từ những đám mây nơi vùng trời xa lạ, nơi có những hy vọng bay cao vút hơn tầng mây xông hơi lạnh cho mưa rơi. Chờ sóng biển thôi vỗ bờ; chờ núi mòn sông cạn; chờ trời đất chuyển mình, tách biệt khỏi biển Đông; chờ quá khứ dừng lại, chờ ngày mai đừng đến. Chờ niềm kiêu hãnh trôi dần theo dòng lũ lụt, để lại chất phù sa đỏ màu như bauxite. Chờ xương hóa đá như hòn vọng phu mong đợi. Và lại chờ hy vọng nơi thế hệ "mới" khác giống xưa. Rồi chúng ta sẽ phải bắt đầu từ con số không, trong sự cố gắng khai sáng sự thật mà trước đó cũng đã có rất nhiều người đã làm vì chúng ta - bây giờ đã biến mất, cô động, không mấy ai biết đến, như một trí óc được tái tạo từ vụn vỡ đã bị vứt bỏ. Ôi! biết bao là bao công khó dù chỉ đưa được đến bước thứ hai nhằm tạo ý thức tư duy cho mỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không phải là đại diện cho 88,99999 triệu người còn lại. Đó là 88,99999 triệu trí óc riêng biệt, như vậy sẽ cần bao lâu thời gian soi sáng? Hay khi chưa đạt được 1% thì thời gian đã khai sinh ra thêm thế hệ "mới" khác rồi? Và lại bắt đầu từ con số không từ chờ đợi. 

Ôi! có phải thế hệ Tôi đã lỡ chuyến tàu nên chờ mãi chuyến tàu chưa đến? Dù thế giới có đổi thay trong vạn tiếng reo vui trong khói súng đã chìm theo bạo ngược, Việt Nam chúng ta vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, trao ánh mắt e ngại thầm hỏi nhau: Anh là ai, Chị là ai,và Em là ai? Chúng ta dường như không còn nhận ra được ngay cả người thân, người bạn, người quen. Vâng, chúng ta như những con cừu lẻ loi, lạc lối đang cố lắng nghe tiếng cồng từ nông trại nơi xa. Âm thanh như hồi cứu tử nhưng chỉ vang lên đôi lần, rồi tắt lịm. Đàn trừu lại lạc lối, ngơ ngác giữa bóng đêm. Dường như những chú chó chăn dắt cũng đã bỏ về nhà yên nghỉ từ lâu. Và bóng đêm không bao giờ nhẫn nại chờ chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn quá dư kiên nhẫn chờ bóng đêm? 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo