Tòa soạn để làm gì? - Dân Làm Báo

Tòa soạn để làm gì?

Nguyễn Thông - Nhắc đến tòa soạn để chỉ cái nghề làm báo chứ còn hỏi. Chả nó thì còn ai. Làm ruộng hoặc dạy học, bán bia ôm hoặc làm thuốc tây giả… đâu có cần tòa soạn. Bộ phận này duy chỉ dành cho anh bán chữ, kinh doanh chữ, thực ra là kinh doanh tin tức.

Trong tờ báo, đâu phải phóng viên viết thế nào, báo đăng thế ấy. Gớm, còn đủ tầng nắn nót, gọt rũa. Cái tít (tiêu đề) bài thường bị sửa nhất. Hình như mấy vị biên tập, thư ký tòa soạn không sửa tít là ngứa tay lắm. Ít nhất thì cũng cho chúng biết mình có đọc, có sửa. Chứ không lại chả bảo chúng ông ngồi chơi hưởng lương cao à. Ấy thế mới sinh ra lắm chuyện.

Hai cái tít dưới đây, rộng lòng bỏ qua cũng được, chả ghê gớm lắm, nhưng cứ nêu ra cho các nhà báo (chứ không phải phóng viên) thưởng thức tí chút, đừng cằn nhằn rằng mình lắm chuyện.


Tít 1 (ảnh kèm) trên báo Đại đoàn kết (Tổng biên tập Đinh Đức Lập, các Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Minh Ngọc; Thư ký tòa soạn Nguyễn Hồng Sâm). Từ khi biết đọc báo đến giờ, kẻ ngu dốt này chưa bao giờ gặp cái tít lạ như thế. Có phải các vị định đánh đố người đọc, hay định làm họ phát điên? Xin được hỏi PGS-TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình (một chuyên gia về ngôn ngữ báo chí), GS-TS Vũ Quang Hào và PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái (giảng viên báo chí), các trường dạy nghề báo có dạy cách đặt tít như vậy không? Nếu không, xin các vị mở khóa cấp tốc cho báo Đại đoàn kết nhé.

Tít 2 (cũng ảnh kèm) ghê hơn, trên đại báo Công an nhân dân (Tổng biên tập là Trung tướng-nhà văn Hữu Ước, Phó tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, các Phó tổng biên tập gồm toàn đại tá: Phạm Văn Miên, Lưu Vinh, Đặng Văn Lân, Trần Kim Thẩm, Hồng Thanh Quang; Thư ký tòa soạn Nguyễn Hồng Thái (cũng đại tá). Lâu nay mình cứ tưởng báo chí cách mạng chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo đường lối, hướng dẫn điều này điều nọ, chứ đâu có ngờ làm được cả những việc hết (hết hết) sức cụ thể và táo bạo, liều lĩnh như thế này. Báo dám khuyên, à không, nói chắc như đinh đóng cột “Người dân không nên mua vàng vào thời điểm này” thì tôi cũng dám khẳng định, ở cái xứ ta, chả nên chần chừ gì nữa, dẹp hết các bộ ngành công thương, ngân hàng, các trường kinh tế, cho các chuyên gia kinh tế về vườn hết đi, để báo Công an gánh vác là được rồi, vừa đỡ tốn tiền thuế dân nuôi, vừa đỡ phải nghĩ ngợi khi giá cả lên xuống thất thường. Nữa nhé, thế tôi thấy vàng thấp tôi định mua, nay nghe các ngài báo công an khuyên vậy, tôi xì-tốp, mai giá nó lên gấp đôi, quý báo có đền cho tôi không? Ở VN thì không, nhưng ở các nước văn minh hơn thì có đấy. Vụ này làm mình nhớ lại phát ngôn đầy uy lực của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hồi nảo hồi nào, đại loại khi chứng khoán đang đổ dốc, lòng người hoang mang, ông phó bảo nếu có tiền tôi sẽ mua cổ phiếu vào lúc này, đừng dại bán ra. Không may cho ông, từ bấy đến nay, chứng khoán VN rớt thảm hại, chạm hết từ đáy này xuống đáy khác. Nhiều tay chơi chứng khoán thân tàn ma dại vì quá tin lời.

Cũng chuyện tòa soạn, sực nhớ cách nay chưa lâu, có tờ báo khi thấy lũ sông Mê Kông tràn về vội hoắng lên rút cái tít rõ to “Lũ đẹp”. Đành rằng bao năm không có lũ, lũ nhỏ, nay thèm lũ; đành rằng lũ về mang theo phù sa, tôm cá, bông điên điển nấu canh chua cá linh… nhưng lũ đâu chỉ có thế. Lũ mà lị. Có đặt vào hoàn cảnh của người dân bị lũ mới thấy lũ có đẹp hay không. Đến thời điểm này (3.10), hàng chục ngàn người dân ở các tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang và nhiều tỉnh khác đang phải bỏ cả nhà cửa, heo gà, thóc lúa trong nước, đang chịu cảnh màn trời chiếu đất, phơi nắng đội mưa chờ lũ rút. Chưa thấy hạt phù sa, con cá linh mang lại gì cho tương lai, chỉ thấy những khổ sở, vất vả, khốn cùng. Đẹp gì mà đẹp. Giá mà tòa soạn tờ báo ấy trước khi đặt cái tít đó nhớ câu thơ của Việt Phương viết về bác Hồ “Bác không muốn gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp/Con xóa chữ đẹp đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con” thì có nhẽ không thế.

Lẩn thẩn tự hỏi: tòa soạn sinh ra để làm gì nhỉ?

10.2011

Nguyễn Thông


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo