Vì sao họ không đến (Phần V) - Trịnh Khải (1763 – 1786) & Bài học đa nguyên - Dân Làm Báo

Vì sao họ không đến (Phần V) - Trịnh Khải (1763 – 1786) & Bài học đa nguyên

Nguyễn Thượng Long (danlambao) - Sự níu kéo đó đã làm cho mục tiêu: “Vì một Việt Nam: Dân Giàu – Nước Mạnh – Dân Chủ - Công Bằng – Văn Minh” mãi mãi chỉ là một lời nói suông, một ảo ảnh vô vọng. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho đất nước ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới, xã hội càng đắm chìm trong khủng hoảng, suy thoái triền miên, đạo đức suy đồi, nhân tâm ngày càng ly tán. Và như thế Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn tiếp tục lỗi hẹn với biết bao thế hệ người Việt Nam, một lỗi hẹn đã ở tầm xuyên thế kỷ...

*
Dành cho những ai chưa một lần 
đến vườn hoa Lê Nin & Hồ Gươm 
để biểu lộ lòng yêu nước của mình.

Để kết luận cho bài viết trước của tôi về “Sự nổi dậy của nhân cách”, một đề tài liên quan đến thái độ ứng xử của những người “đồng bọc” với nhau, tôi đã đưa ra một gợi ý: 

“Muốn biết nhân cách và đức độ của Đoan Nam Vương Trịnh Khải xin liên hệ với các thầy cô dậy Văn Học & Lịch Sử ở các trường PTTH sẽ rõ.”, thì trong một lần sục sạo, tìm hiểu đề tài này, tôi bất ngờ đọc được một câu chuyện quá hay trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, câu chuyện đó đã đề cập rất toàn diện những diễn biến tính cách của người Việt Nam trong những mối quan hệ rất đa dạng: Vua – Tôi, Thầy – Trò, Quan – Dân, Chủ - Tớ… Câu chuyện này xẩy ra từ những năm cuối của thế kỷ XVIII mà vẫn nguyên tính thời sự nếu đặt cuốn truyện đó bên những biến cố đang xẩy ra ở xã hội này. Truyện có thể tóm tắt như sau: 

“Bính Ngọ 1786. 

Sau khi chiếm được Phú xuân – Nghệ An, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy phất cờ “Phù Lê diệt Trịnh” tiến ra Bắc Hà. Nhà Chúa đàng ngoài lúc đó là Đoan Nam Vương Trịnh Khải (Trịnh Tông) cự không nổi bèn lợi dụng đêm tối lẻn trốn khỏi Thăng Long, một mình mải miết đi về hướng Sơn Tây. Đến Yên Lãng chúa Khải gặp Nguyễn Noãn, vốn là một gia thần nhà Chúa. Chúa bảo Noãn mộ thêm quân hộ vệ. Noãn tìm gặp Lý Trần Quán nhờ giúp. Quán thế lực lúc đó chẳng có gì, phải cậy nhờ Huyện Trang (Nguyễn Trang). Trang vốn là một tướng cướp vùng Hạ Lôi, học trò của Quán. Để giấu tung tích nhà Chúa, Quán nại với Trang: Có quan tham tụng Bùi Huy Bích tránh loạn nhờ Trang hộ vệ đi qua địa hạt này. Trang vâng dạ nhận lời, vốn là kẻ thảo khấu lọc lõi, Trang biết thừa mình đã nhận lời che chở cho ai. Đưa Chúa vào nhà, Trang giở mặt nói hỗn: “Ông là Đoan Nam Vương Trịnh Khải thì cứ nói thật với tôi, nếu không lỡ xẩy ra điều gì thì chớ có trách”. 

Thấy thái độ của Trang như thế, Chúa cả giận mắng lại: 

“Thiên tử là mệnh trời. Chính ta là Đoan Nam Vương Trịnh Khải đây. Nếu có phải chết thì cũng là mệnh trời, cho ngươi muốn làm gì ta thì làm”. 

Thấy Chúa nói vậy, Trang cho gia nhân đi mật báo cho quân Tây Sơn. Lập tức Chúa bị bắt giữ ngay. Quán hay tin, vội lật đật chậy đến rập đầu tạ lỗi trước Chúa, rồi giận dữ tìm đến trách mắng Huyện Trang: 

“Chúa là Chúa chung! Ta là thầy của anh. Vua tôi là nghĩa lớn, sao anh lại làm như thế?”. Trang cãi lại: “Sao thầy không bảo tôi trước. Nếu Chúa trốn thoát từ tay tôi, quân Tây Sơn đến hỏi tội tôi, liệu thầy có cứu được học trò không?”. Nói đoạn, Trang ngâm nga: 

“Sợ thầy chưa bằng sợ giặc – Yêu chúa không bằng yêu thân”. 

Xua tay đuổi thầy trở về, Trang quát thủ hạ đưa ngay Chúa về kinh đô. Giữa đường chúa dùng dao nhọn đâm vào cổ toan tự sát, thuộc hạ của Trang nhanh tay thu được dao nên vết đâm không sâu. Chúa dùng tay móc toác vết đâm, làm máu phun trào ra xối xả. Một lúc sau chúa đòi uống nước. Trang sai thủ hạ lấy nước cho Chúa uống, uống xong, Chúa đột ngột băng hà, lúc đó Chúa vừa qua tuổi 24. Trang đưa thi hài Chúa Trịnh Khải vào Thăng Long. Huệ mừng rỡ ra mặt, sai lính đưa xác Khải ra phơi ở cửaTuyên Đức để thiên hạ cùng biết & ban thưởng cho Trang chức Tráng Nghĩa Hầu lại thêm chức Trấn Thủ thành Sơn Tây. 

Lại nói về thầy Lý Trần Quán, sau khi bị trò Trang đuổi về nhà, Quán quá đau khổ vì trò của mình mà Chúa phải chết, bèn sai gia nhân đào một huyệt lớn ngay trong vườn nhà, đặt xuống đó một quan tài. Hướng về hướng Nam, Quán cung kính chắp tay lậy 2 lậy rồi chui vào quan tài, bảo gia nhân đậy nắp và lấp đất. Hôm đó là ngày 29 – 6 – Bính Ngọ 1786, đúng 2 ngày sau khi Chúa băng hà”. 

(Phỏng theo: Hồi 4 “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Gia Văn Phái). 

Câu chuyện này nếu được đọc vào giai đoạn đầu đời của thế hệ chúng tôi chắc chắn sẽ gây nên nhiều dị ứng đặc biệt. 

Thời đó…trong con mắt của người đời, người thầy là sứ giả của sự toàn mĩ, chính vì vậy mới có những câu: “Thầy giáo là khuôn vàng thước ngọc trước học trò” và “ Mỗi nhà trường là một pháo đài của CNXH - Thầy Giáo là chiến sĩ kiên cường trên mặt trận văn hoá tư tưởng”. Thế với “Giặc” thì thế nào? Rất đơn giản thôi, “Nếu còn giặc! thì chúng ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi!” (HCM). Thế với “Chúa” thì sao đây? Xin được nói rõ đây là Vua – Chúa chứ không phải là Đức Chúa Trời của bà con giáo dân. Thời nay danh xưng tương đương với Vua Chúa là “Các ông vua tập thể” (Nguyễn Văn An). Thời của Tham Nhũng hiện nay thì danh xưng “Vua Chúa” người ta vận cho tất tật những ai có chức, có quyền, có tiền có bạc để ban phát bổng lộc cho người khác, đại khái là những người có đời sống ăn trên ngồi chốc trong xã hội. Thế còn “Yêu Thân !...” là thế nào? Thời đầu đời chúng tôi, “Thân” chẳng có giá trị gì hết. Thân chỉ là “Cái Tôi Cá Nhân” đáng nguyền rủa, xã hội thời đó là một trại lính to lớn & chỉ được phép tồn tại cái “Chúng Ta” (Tập Thể) mà thôi. 

Tôi không có ý định khai thác sâu các mối quan hệ đa dạng giữa người với người trong giai đoạn này. Thật khó mà đem thái độ trung quân của Lý Trần Quán ra so với các khẩu hiệu “CAND chỉ biết còn Đảng còn mình”, Quân Đội Nhân Dân “Trung với Đảng rồi mới hiếu với dân”… đem quan hệ giữa Thầy Quán với Trò Trang ra so với quan hệ Thầy – Trò trong các nhà trường của xã hội đương thời, bởi sự so sánh nào cũng khập khiễng. 

Thật khó mà có thể đưa ra một lời minh định với câu “Sợ thầy - Sợ giặc - Yêu chúa - Yêu thân” mà Huyện Trang đã độp vào mặt thầy giáo của mình, vì với người này thì “Đó là thái độ xấu của những kẻ sống thực dụng, không biết tình nghĩa là gì ?”, với người khác lại bảo: “Đó là tuyên ngôn đòi khẳng định CÁI TÔI thiêng liêng không thể phủ định được!. Đó là cách sống của những người không giáo điều”. 

Riêng với cá nhân tôi, thì những loại thầy như thầy Hiệu Trưởng Sầm Đức Xương trong vụ án Hà giang vừa qua, những thầy cô giáo “chỉ biết còn ghế còn tiền…”, những cô giáo bảo mẫu đánh trẻ nhỏ như đánh súc vật trong ngành giáo dục hôm nay…, tránh xa họ thì có chứ làm sao mà lại kính nể họ được! 

Những vua chúa như Lê Chiêu Thống, như An Nam Quốc Vương Trần Ích Tắc, cùng biết bao những vua quan tham nhũng, độc tài, làm mất đất mất biển, mất đảo của tổ tiên, vẫn đang nhởn nhơ trong xã hội này …thì có gì mà phải “yêu!”, làm sao mà có thể “Yêu” các vua chúa, các quan chức như thế được & dường như họ cũng chẳng cần dân phải yêu phải quý họ, họ chỉ cần “16 chữ vàng”, “4 tốt” của mẫu quốc & chỉ cần những người có súng có đạn yêu quý họ để họ vững ghế hết nhiệm kỳ của họ mà thôi. 

Nói về giai đoạn Lê – Trịnh, người ta thường liên tưởng tới một giai đoạn lịch sử đen tối, nhưng rất ít người lý giải được câu hỏi : Vì sao mà giai đoạn này lại xuất hiện những vị Hoàng Đế rất trẻ & đầy bạo liệt như: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Trịnh Sâm, Trịnh Khải…cùng với việc xuất hiện dồn dập những gương mặt lớn, những nhà tư tưởng lớn, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học lưu danh cùng sử sách như: Nguyễn Du (1765 -…), Hồ Xuân Hương (1704…), La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804), Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), Phan Huy Ích (1751 – 1822), Lê Quý Đôn (1726 – 1784), Đoàn Thị Điểm (1705…), Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1791)…? 

Thử hỏi sau Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tác phẩm & Tác Giả lớn nhất trong lịch sử văn đàn Nước Việt, ra đời từ những tháng năm khủng hoảng Lê Trịnh…, đến nay văn học nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản từ ngày có đề cương văn hoá, đã có tác phẩm nào, tác giả nào có thể cạnh tranh nổi với ngôi vị hàng đầu của Truyện Kiều & Nguyễn Du? Tác phẩm và con người của thời đại được các sử gia Mác xít mô tả là tồi tệ nhất của lịch sử Việt Nam. 

Phải chăng là vì bên cạnh Cung Vua Lê còn có Phủ Chúa Trịnh - Một dạng thức, một cơ chế chính trị đa nguyên, dù mới ở giai đoạn sơ khởi thôi mà trí tuệ Việt Nam đã có điều kiện thuận lợi để thăng hoa, để cất cánh. 

Đời sống chính trị xã hội Việt Nam một lần nữa được cấu trúc theo mô hình có đối trọng, có cạnh tranh chính trị của nhiều đảng phái xung quanh một bản hiến pháp đủ sức để duy trì sự ổn định cho đời sống xã hội, đó chính là Quốc Hội đa nguyên & Hiến Pháp 1946. Rất tiếc bước tiến bộ chập chững đó không duy trì được kể từ khi chiến thắng biên giới 1950 đã mở toang cửa cho học thuyết Mác Lê theo dị bản sắt máu của Mao tràn xuống. 

Từ thời điểm đó trở đi người Việt Nam ở những vùng tự do, (tức là những vùng kháng chiến), chưa một lần biết thế nào là “Tự do ngôn luận”, thế nào là “Tam quyền phân lập”, thế nào là “Đệ tứ quyền con người”… những thứ đó đến nay với người Miền Bắc vẫn là xa lạ. Trong khi đó họ lại hiểu rất rõ thế nào là “Dân chủ tập trung”, thế nào là “Tự do phải trong khuôn khổ”, thế nào là “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, thế nào là “Chuyên chính vô sản”… theo kiểu Mao & cuối cùng, chân lý bất biến của thời đại là: “Yêu nước là yêu CNXH”, & “Tự Do – Dân Chủ” của XHCN là ưu việt gấp triệu lần “Tự Do – Dân Chủ” của CNTB đang giãy chết, đang là vật cản cho tiến bộ xã hội.(!?)…Gần đây do không am tường về Tam Quyền phân lập, nên mới có chuyện Thủ Tướng giao cho Bộ Công An soạn thảo Luật Biểu Tình chứ không phải là việc của Quốc Hội (!?). 

Trong khi những quyền tự do tối thiểu của con người không đến được với người Việt Nam thì thật mỉa mai, tất cả các Hiến Pháp từ 1946 đến nay đều có những điều khẳng định về sự tồn tại của những quyền này, không hề thua kém Hiến Pháp của các nhà nước văn minh, phát triển. Xin đọc Hiến Pháp CHXHCNVN 1992 (sửa đổi bổ xung năm 2001) sẽ thấy điều thật đáng buồn cho người Việt Nam hôm nay là: 

Chỉ cần sự hiện diện của Điều 4 Hiến Pháp & điều 88 Bộ Luật Hình Sự của CHXHCNVN thì không một quyền tự do nào, không một điều nào của “Luật Mẹ” (Hiến Pháp) có thể đến được với người Việt Nam & cổng nhà tù nhờ đó mà rộng mở cho bất cứ ai không may mắn trong đời phải đối diện với tội danh vi phạm pháp luật. “Việt Nam không có bất đồng chính kiến, không có tù nhân lương tâm, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật mà thôi !” luôn là lời biện minh của Ban lãnh đạo Việt Nam với thế giới bên ngoài. 

Thực trạng này đến với dân tộc có xuất phát điểm từ những học thuyết ngoại lai, rất xa lạ với truyền thống dân tộc, những học thuyết đó bị từ chối ngay ở quê hương đã sinh ra nó & đã bị cả thế giới văn minh vứt bỏ, mà ở ta đến lúc này vẫn được mô tả là “Kim Chỉ Nam, là duy nhất đúng, là phải kiên định”. Chính vì việc cứ khư khư giữ chủ nghĩa đó, thông qua cái gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, thực ra chỉ là một thứ biến tướng kỳ dị của một chủ nghĩa sai lầm, chỉ để duy trì quyền lợi cho một nhúm người trong đảng cầm quyền. 

Sự níu kéo đó đã làm cho mục tiêu: “Vì một Việt Nam: Dân Giàu – Nước Mạnh – Dân Chủ - Công Bằng – Văn Minh” mãi mãi chỉ là một lời nói suông, một ảo ảnh vô vọng. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho đất nước ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới, xã hội càng đắm chìm trong khủng hoảng, suy thoái triền miên, đạo đức suy đồi, nhân tâm ngày càng ly tán. 

Và như thế Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn tiếp tục lỗi hẹn với biết bao thế hệ người Việt Nam, một lỗi hẹn đã ở tầm xuyên thế kỷ. 

(Còn Nữa). 

Hà Đông - Ngày Thu Phân tháng 9 – 2011 

- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý của Hoà Bình & Hà Tây. 
- Nguyên Thanh Tra Giáo Dục kiêm nhiệm của Hà Tây. 
- Nơi ở: Tổ 6 – Đường Văn La – Phường Phú La – Hà Đông – Hà Nội. 
- Email: nguyen thuonglong571@gmail.com


*

Bài đã đăng:
Vì sao họ không đến (phần IV) - Sự nổi dậy của NHÂN CÁCH



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo