Trọng Nghĩa (RFI) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng Chín vừa qua, mức cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, 2010. Theo giới phân tích, lạm phát trong nước và vấn đề tỷ giá đồng tiền Việt Nam là nguyên nhân làm cho các nhà đầu tư quốc tế dè dặt.
Về trị giá tuyệt đối, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt mức 9,9 tỷ đô la, chỉ bằng 72% so với 9 tháng đầu năm 2010. Giải thích về hiện tượng sụt giảm này, ông Attila Vajda, một chuyên viên tại Công ty chứng khoán ACB, Thành phố Hồ Chí Minh, đã nêu bật một số khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải.
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông giải thích : “Tình trạng lạm phát năm nay và các vấn đề hối suất ngoại tệ đã gây ra nhiều khó khăn về mặt tính toán chi phí kinh doanh cho mọi công ty hoạt động ở Việt Nam. Tình trạng càng lúc càng xấu đi thêm do số lượng các cuộc đình công gia tăng. Vì vậy các nhà đầu tư ngoại quốc đang thận trọng chờ đợi một cơ cấu chi phí ổn định hơn và có thể dự đoán trước được”.
Xin nhắc lại là Việt Nam đang phải trầy trật để kềm chế một tỷ lệ lạm phát lạm phát nhanh nhất châu Á (hơn 22% trong tháng 9) và ổn định được tỷ giá đồng tiền quốc gia. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải tìm cách thúc đẩy kinh tế phát triển vào lúc mà đà phục hồi kinh tế thế giới đang bị chậm lại do khủng hoảng tài chánh tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã chậm lại trong ba quý đầu năm 2011 – GDP chỉ tăng 5,76% so với 6,54% vào cùng kỳ năm 2010 - và chính quyền Hà Nội cho biết là sẽ tiếp tục hạn chế tín dụng để cố gắng kềm hãm đà tăng giá.