Vòng xoay băng hoại - Dân Làm Báo

Vòng xoay băng hoại

DA (bạn đọc danlambao) - Con người ta hôm nay giành giật từng nửa bánh xe tại ngã tư cho đến cả cuộc đời người khác một cách hồn nhiên đến dã man. Khi chiều xuống, thân xác nào còn về đến nhà là biết ngày ấy còn tồn tại khỏi tai nạn giao thông, ẩu đả giữa đường,… nhưng nếu có thể mở banh lồng ngực và khối óc thì hẳn ta sẽ thấy được biết bao nét hằn đòn roi để lại sau một ngày vật vã với thủ đoạn, lừa đảo, đao kiếm xả nhau không thương tiếc trên chính trường, thương trường và ngoài xã hội. Vòng xoay sau mỗi ngày lại càng xiết chặt trên thân phận người Việt... 

Ngày nay ở trong nước cứ bước ra khỏi nhà là ta đã có thể gặp những con quỷ con. Đó là đám thanh thiếu niên mà đầu óc, cử chỉ, hành vi đã sớm bị vẩn đục. Chúng không vòng tay thưa dạ với trên, không nói lời tử tế mà ngược lại. Từ ngữ đầu tiên làm hư lũ trẻ là “Bạn”. Vâng, tôi ghét cay ghét đắng, chỉ muốn đập vào mặt những người nào sử dụng chữ này. Không con, cháu, em gì hết. Thày giáo, cô giáo bạc đầu cũng gọi đứa trẻ lên năm, lên ba là bạn. Khốn nạn sự đời có lẽ là từ một trong những cái thế này. 

Bọn trẻ lớn lên sẽ thấy cha mẹ chúng chạy trường, chạy điểm, thấy cha mẹ chúng than vãn bị ai đó “giết” hay ngược lại, huênh hoang tự đắc khoe đã “giết” kẻ này, người nọ, đã “ẵm” triệu đồng, tỷ đồng của ai đó. Chúng chẳng thấy có chỗ nào cái học, sự cần cù, chân chính, thật thà là chỉ dẫn soi rọi cho chúng vào đời cả. 

Rồi đi làm, thế nào cũng có đấm đá, chạy chức, phe cánh để chẳng ai đoái hoài hai chữ “lương thiện”. Cắt chữ “thiện” còn “lương” mà lũ trẻ đã lớn cũng không hài lòng. Phải có kiếm chác, phi vụ, mánh mung thì mới có cái để trộ người khác. Cái học làm người, sự biết xấu hổ, giá trị nội tâm đã không còn thường trú và biến khỏi tâm hồn người mới lớn. Thay vào đó là cái học làm tiền bằng mọi cách. Người đàn ông có chữ sỹ; người phụ nữ có sự duyên dáng giữ gìn nhưng hai điều này đã được bán mất tuốt. Không biết xấu hổ những con "người" mới lớn chẳng chút e dè khi lấn lên trên đường đi, ở ngã tư, xông vào lượm tiền, đồ của nạn nhân bị cướp hụt, nghênh ngang nẹt pô và sẵn sàng chửi mắng người khác. Giá trị nội tâm không có (vì giáo dục không khắc sâu và vì xã hội bỏ xó những điều này) cho nên lớp người hùng hổ mọi nơi từ hẻm lao động cho đến thương xá bóng lộn tối ngày chăm chút vào cái điện thoại di động, hơn chút nữa là xe cộ. Dễ dàng thấy trong những bộ cánh đẹp ấy là những nhân cách nghèo nàn thể hiện qua tiếng chửi thề đầu môi chót lưỡi, cách đối xử với người nghèo và cách họ “mơ ước”. Ôi, mơ ước chẳng mấy cao sang này khiến các vị học giả phải sượng sùng. 

Xã hội chỉ ra cho lớp người trẻ con đường tiến thủ mà chẳng liên quan gì mấy đến sự cần cù và học vị. Học vị chỉ là cái để nộp vào cho đúng thủ tục cuối cùng. Trai thì bè phái; gái thì sắc tình. 

Như thế là đầu tư và sau đầu tư là thu hoạch chứ không phải phụng sự. Đứng đường như anh CSGT, đứng chợ như anh nhân viên thuế, ngồi sau mấy lần cửa như các ông, bà Trưởng này, Phó kia và cao hơn thế, ai ai cũng có mối nợ trăm triệu nếu không phải trăm tỷ đàng sau lúc nhận quyết định nhậm chức. Thế thì phải vơ vét lấy lại và lấy lời chưa kể “mẹ đĩ và công tử, công chúa” ở nhà đã đặt chỉ tiêu cho kế hoạch từng tháng, từng năm để bằng chị, bằng em. Lũ trẻ ngày nào đã lớn lên, có vợ, có con và vòng xoay băng hoại đã xoay lần hai. 

Ông Bà ta có câu, “Con sâu làm rầu nồi canh”. Giờ đây canh đâu không thấy chỉ thấy lúc nhúc lũ sâu. Hột đậu đen bây giờ tràn lan. Không phải là không còn những hạt đậu đỏ nhưng, họ, những con Người thực sự, bây giờ sống và phải sống trong nỗi sợ ngút ngàn. Họ giang tay không đủ để bảo bọc con cái, không những không thể dựng tạo một lộ trình tử tế cho con cái họ mà tệ hơn, lúc nào cũng nơm nớp, và chắc chắn, sẽ là mất con trong vòng xoay tội lỗi của xã hội. Mở TV, mở tờ báo là thấy váy ngắn, chân dài, là thấy bản lĩnh đàn ông là cái gì đó như chai dầu gội đầu chứ không phải vượt khó, cầu tiến. Phim ảnh thì toàn là mộng mị, đất nước nghèo đói rã họng và con người vô lương tàn tệ mà lúc nào cũng villa, xe hơi và hưởng thụ! 

Con cái hiếu thảo theo lời cha mẹ thanh bần thì sẽ nghèo mạt rệp; còn không, dẫu có ngày chúng làm ăn ra thì đâu rồi đứa con ngày nào hay chỉ là sự lạnh lùng. Tệ hơn nữa, người con ngoan hiền ngày nào bây giờ đã biết trác táng và bi kịch được tiếp nối bởi các thành viên kia của gia đình nhỏ. 

Tôi nhiều lần nhìn rõi những em gái theo cha mẹ lên xuống những xe hơi đời mới, ra vào những nhà hàng hay trung tâm ngoại ngữ. Đáng buồn một điều, tôi không đọc được trong mắt các em nét trong veo sự hồn nhiên mà là nét đanh đanh khinh khỉnh. Trời ạ, dẫu không thể cất tiếng trách các em nhưng cũng phải ghê sợ khi mới bấy nhiêu tuổi thôi mà các em đã đánh mất nét nhân ái tình người đâu đó rồi. Khi nào đó trong bao năm thấy bố mẹ em hãnh tiến trên phận người; khi nào đó trong bao năm thấy người ta xum xoe nịnh bợ bố mẹ em mà em đã thành một dị dạng trong tuổi thiếu nhi? Tôi đoan chắc cái dư dả đồng tiền hôm nay có nền trên hành vi suy đồi cho nên những con người thụ hưởng, từ lớn xuống bé, mới ra dáng khinh người đến thế. Mới mươi tuổi mà các em đã thành người mẫu, ca sỹ nhí, nhìn cụ già, ông lão với vẻ kinh sợ khiến tôi, bên này với ly cà phê chiêm nghiệm, thấy buồn nôn cho cách dưỡng dục ấy. 

Xuống đến lớp thứ dân thì ta lại thấy cái tâm đã không kềm giữ nổi sự tham lam. Tuy nhiên, họ không ”đáng ghét” như tầng lớp trên vì, xét kỹ, cái nghèo, cái túng thiếu đã làm cái tâm thiếu chữ học suy kiệt thêm mà thôi. Nhưng, cái dễ sợ của quần chúng hiện là sự vô cảm. Đó là mảnh đất màu mỡ cho sự băng hoại nảy nở. 

Tôi thiết nghĩ đã lý giải được tuyệt đại đa số trong con người VN hôm nay. Chỉ có một phần nhỏ 5, 10% dân số là còn biết xấu hổ, cư xử đúng mực và lấy cái học làm con đường tiến thân. Bước khỏi nhà và bước về nhà, thời gian đó của mỗi ngày chất chứa không biết bao nhiêu bất hạnh khôn lường. Con người ta hôm nay giành giật từng nửa bánh xe tại ngã tư cho đến cả cuộc đời người khác một cách hồn nhiên đến dã man. Khi chiều xuống, thân xác nào còn về đến nhà là biết ngày ấy còn tồn tại khỏi tai nạn giao thông, ẩu đả giữa đường,… nhưng nếu có thể mở banh lồng ngực và khối óc thì hẳn ta sẽ thấy được biết bao nét hằn đòn roi để lại sau một ngày vật vã với thủ đoạn, lừa đảo, đao kiếm xả nhau không thương tiếc trên chính trường, thương trường và ngoài xã hội. Vòng xoay sau mỗi ngày lại càng xiết chặt trên thân phận người Việt. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo