Vũ Thế Phan (danlambao) - Trong vòng thân hữu, theo chỗ tôi biết, chị Chu là người Việt tị nạn mang quốc tịch Pháp đầu tiên có một quyết định hiện thực sáng suốt khi xin làm thành viên Hội Người VN tại Pháp để từ đó đặc trị những chuyến buôn con thoi Việt-Pháp trong thập niên 1980-1990, tức thời Bao cấp-Tem phiếu, chính xác là thời cả nước cộng "sảng", trong đó có gia đình bác Hai.
Từ Pháp, chị Chu mua những Kit de montage tức các thùng cartons gồm đầy đủ những bộ phận rời của từng chiếc xe gắn máy (mobylette) hay xe đạp hiệu Peugeot, gửi về Việt Nam, đa phần bằng đường biển. Một thùng Kit thì phải thật tiện dịp về cho chị, chị quý lắm mới chịu cho cân theo hành lý máy bay. Giá thành sẽ cao lên rất nhiều. Từ Việt Nam, chị mang chủ yếu là tranh sơn mài qua bán cho bà con tị nạn ở Pháp. Bấy giờ, ba mặt hàng này đều thuộc hạng quý hiếm đối với người việt trong nước và ở Pháp nói riêng. Dưới thời bình đẳng ai cũng "sảng" như ai ở nước ta mà có được cái xe đạp Peugeot đã là chuyện hi hữu, huống hồ tậu được cái Mobylette Peugeot thì đích thị là thời sự nóng trong cả tỉnh. Ngược lại, đối với người Việt tị nạn, thời điểm đó, sắm được một bức sơn mài Thành Lễ chính gốc lại Made in Việt Nam thì mừng vui lâu lắm, vì vừa rẻ, vừa có mùi vị quê hương “thật hơn” so với sơn mài Thành Lễ Made in France của Bác Hoàng Đình Tuyên. Tôi chỉ mào chuyện (rất) ngắn về rẻ và mùi vị thôi, còn chuyện đẹp và bền lại là chuyện (rất) dài khác, nằm ngoài khả năng và chủ ý theo cái tựa của bài này: Bà Nội & chiếc xe đạp.
Sau gần một năm mối liên lạc trong gia đình được nối lại, thư từ qua lại thường xuyên, đến hè năm 1987, bác Hai có thêm một yêu cầu mới dành cho Bố Me tôi. Bác gọi là "yêu cầu đột xuất, ngoài biên chế": bác Hai chỉ ước ao có được một chiếc xe đạp Peugeot. Bố Me tôi chưa dứt khoát đồng ý hay không vì như hầu hết các bác cô chú khác, tháng tháng đã gửi về tiếp sức gia đình bác Hai cả năm nay rồi và không biết sẽ tới bao giờ. Từ Thái Lan, bà Nội liên hoàn gọi sang bàn vô giúp bác Hai cứ gần gần như kinh nhật tụng nên Bố Me tôi vội vàng hồi âm đồng ý gửi về tặng bác Hai một cái xe đạp Peugeot. bác Hai viết thư qua cám ơn và nhấn mạnh bằng gạch đít mấy chữ “xe đạp Peugeot nhưng phải là màu đồng sáng, nhất định phải là màu đồng sáng”, vì màu nào cũng “phổ thông”, vả lại ở NB chưa ai có xe đạp Peugeot nữa là xe đạp Peugeot màu đồng, nên chi chiếc xe đạp của bác Hai sẽ “oách” hơn nữa, làm nở mày nở mặt hơn nữa cho cái địa vị giám đốc nhà máy nhiệt điện NB của bác, của cả gia đình bác.
Vậy là Bố Me phải cầu cứu tới chị Chu. Non tháng sau, chiếc xe đạp Peugeot màu đồng Made in France bằng linh kiện đã theo hành lý hàng không của chị Chu đáp xuống Nội Bài rồi được ráp lại tại nhà bác Hai ở NB bởi chính tay chồng chị Chu. Khi chị Chu quay lại Pháp, Bố tôi hỏi màu đồng sáng là màu ra làm sao? Té ra là màu lư đồng mới được đánh bóng lại như trong ngày Tết.
Từ hồi sông Bến Hải được / bị chia đôi, bác Hai kẹt lại bên kia bờ, ông bà Nội chọn sống bên này bờ. Ông bà Nội luôn luôn cắn rứt vì chuyện chia cách đau đớn này, chỉ mong có dịp để bù đắp lại cho bác Hai. Mấy tháng sau khi sông Bến Hải bị / được nối lại, ông Nội qua đời, rồi bác Cả cũng theo sau luôn. Cách đó ít lâu đại gia đình chúng tôi lại chạy qua Thái rồi từ đó kẻ lại chạy tiếp qua Pháp, người qua Mỹ, qua Canada. Vị chi bà Nội và bác Hai càng cách biệt nhau hơn và nỗi ray rứt mẫu tử càng giằn vặt bà Nội đậm hơn. Một phần vì không mấy hạp khí hậu, thổ nhưỡng xứ Pháp, một phần (lớn) là muốn gần bác Hai nên đến hè năm 1986, bà Nội (từ đây chỉ gọi là Nội thôi) quyết định về ở với gia đình người con gái thứ 4 tức cô Tư tại Udon, Thái Lan.
Như đã nói qua, Nội luôn mang mặc cảm thiếu bổn phận đối với bác Hai nên từ khi về Udon, bao nhiêu tom góp từ sự phụ giúp của con cháu tại Âu-Mỹ, Nội đều dồn hết về cho bác Hai, công khai là qua cô Tư nhờ bạn chuyển về, âm thầm là chính Nội đưa về. Có sự kỳ lạ này là bởi Nội có tới 9 người con, nên phải giấu bớt sự hào phóng công khai thiên vị hầu tránh tị hiềm trong anh em. Có điều 7 anh chị em bố tôi và con cháu trong họ tộc ở ngoài Việt Nam ai cũng biết tỏng, nhưng mắt nhắm mắt mở làm ngơ vì cảm thông nỗi niềm của mẹ, của bà.
Từ khi về sống tại Udon cho đến ngày qua đời năm 2006, Nội lụ khụ về thăm bác Hai chỉ được hâm mấy lần, mỗi lần đều mang theo không nhiều thì ít “niềm vui” cho cả gia đình bác Hai. Bù lại bác Hai qua Thái thăm Nội và gia đình cô Tư những hai lần. Lần thứ hai là vì có bác Ba từ Mỹ hẹn về. Trong lần gặp gỡ này, cả hai ông bác đã có lời hứa như thề với Nội trước mặt gia đình cô Tư rằng “ngày Mẹ trăm tuổi, dù thế nào hai đứa con cũng sẽ quay về tiễn Mẹ”. Lời hứa như thề đó là sự an ủi rất lớn đối với Nội vì Nội nhắc đi nhắc lại với bất cứ con cháu nào có dịp về Thái thăm Nội.
Rồi Nội trăm tuổi. bác Ba không về được vì bị xuất huyết não, phải nhập viện. Vợ bác Hai điện thoại qua nhà cô Tư chia buồn, bảo các Hai không qua được vì bệnh tim tái phát, "nói năng khó khăn". Bố tôi và mấy cô chú khác về kịp, cùng với cô Tư chịu tang Mẹ.
Chuyện Nội qua đời và bác Hai không qua chịu tang như lời hứa như thề, dù Hà Nội và Bangkok chỉ cách nhau hơn một giờ đường chim bay, cộng thêm độ một giờ bay nội địa, theo lẽ chẳng có gì phải lưu bút. Hỡi ôi, sự đời lắm nỗi khôn lường:
Bác Hai không qua Thái chịu tang Nội mà lại tổ chức lễ phát tang thật “hoành tráng” cho Nội tại NB đến 3 ngày! Thế có lạ không? Bác Hai là đảng viên từ thời VNDCCH, giám đốc nhà máy điện NB, nghĩa là thuộc thành phần đầy tớ có máu mặt trong tỉnh. Nội qua đời là cơ hội muôn năm một thuở để bác Hai chính thức mặc sức nhận phong bì phúng điếu! Nhất cử tam tiện. Vừa được tiếng hiếu, vừa được lòng anh chị em trong gia tộc, và mấu chốt là vừa được miếng to, ngon ơ! Bốn tiếng “nói năng khó khăn” té ra là vậy!
*
Năm sáu năm trở lại đây, bác Hai phất lên thấy rõ. Trong gia tộc ai cũng vừa mừng, vừa lo cho bác ấy. Mừng thì đã đành, không cần diễn đạt. Lo là vì theo như vợ bác ấy “tâm sự” với bên ngoài này khi có nhu cầu là chỉ đủ sống. Vậy Phật, Chúa, Môhamét hay Mác, Lê, Mao... hoặc ông thánh mới nào đã lén lút độ trì phù trợ cho bác Hai của tôi, trên dưới mười năm, có bốn cơ ngơi, mỗi cái tròm trèm nửa triệu USD ! Phần tôi, ngoài vừa mừng, vừa lo tôi lại vừa chán ông bác hay trả bài “tấm gương đạo đức” này hơn nữa !
Hè vừa qua, chị họ tôi (chị Thu, con bác Ba) về VN, có ghé thăm gia đình bác Hai. Chị Thu dự định chỉ ghé qua vài giờ rồi quay trở lại Hà Nội. Cả nhà bác Hai nhất định giữ lại, ít nhất cũng phải nghỉ lại nhà họ một đêm. Đêm đó, tại một trong 4 cơ ngơi của bác Hai (ba căn kia đương nhiên là đã cho thuê), không biết bác Hai chuẩn bị từ khi nào mà bàn tiệc phải nói là siêu, chị Thu kể, tệ tệ cũng 1/4 Mãn Hán Tiệc trong phim Đông Di của Nam Hàn. Tiệc xong, bên tách cà phê Trung Nguyên, bất ngờ bác Hai chỉ tay lên trần nhà, nói với chị Thu:
- Này, cháu có biết chiếc xe đạp kia từ đâu mà có không?
Chị Thu ngước mắt lên, thấy chiếc xe đạp được dựng thẳng trên một tấm ván hình tam giác gắn trong góc trần nhà cao gần gấp đôi theo kích thước bình thường, trả lời:
- Thưa bác, không ạ.
- Nó chính là cái xe đạp Peugeot màu đồng sáng mà vợ chồng chú Sáu (bố me tôi) đã tặng cho bác, năm 1987...
Bấy giờ chị Thu mới để ý, dưới ánh đèn điện sáng trưng, cái xe đạp Peugeot màu đồng vẫn bóng sáng như mới.
- Chà, bác Hai bây giờ mà còn đi xe đạp sao?
- Làm gì có chuyện đó. Bác treo lên để ghi nhớ một thời kỳ... Bác Hai bỏ lững câu nói, đứng lên chúc chị Thu ngủ ngon. Sáng mai gặp lại.
"Menu điểm tâm cũng được chuẩn bị cực siêu mi ơi!", chị Thu kể qua Webcam từ Chicago. Gần chín giờ tao phải chào ra về cho kịp chương trình với tụi bạn ở Hà Nội. Ra đến cửa chính, tao quay lại ngước lên nhìn cái chiếc xe đạp, nói với bác Hai:
- Ừ giữ lại làm kỷ niệm cũng hay lắm chứ, thưa bác Hai.
- Không. Làm gì có chuyện đó, bác Hai trả lời.
"Giữ lại để không bao giờ quên thời kỳ bác Hai này phải ngửa tay nhận sự bố thí từ những đứa em... phản động ! Và cháu có biết không, chiếc xe đạp này hiện nay giá trị không bằng một cánh cửa nhà bác!"