Báo Người Lao Động kiến nghị điều tra lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại - Dân Làm Báo

Báo Người Lao Động kiến nghị điều tra lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại


Báo Người Lao Động Trong công văn, Báo Người Lao Động nêu 5 vấn đề cho thấy có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. Cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã không đưa lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng vào hồ sơ vụ án... Ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT tỉnh Long An) đã nhiều lần đến nhà gặp gỡ bà Liễu để động viên, hướng dẫn bà Liễu cách khai nhằm đối phó với cơ quan chức năng...

Sau khi đăng tải loạt bài “Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại”, ngày 28-11, ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã ký công văn gửi đến ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao và ông Lê Văn Lợi, Chánh án TAND tỉnh Long An, đề nghị xem xét, chỉ đạo điều tra lại một cách toàn diện, khách quan vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại đêm 18 rạng sáng 19-1-2010 tại nhà riêng ở phường 6, TP Tân An – Long An. 

Báo Người Lao Động cho rằng kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An và cáo trạng của VKSND tỉnh Long An truy tố một mình bà Trần Thúy Liễu là có dấu hiệu lọt người, lọt tội, chưa xác định đúng sự thật khách quan của vụ án. Bởi các lý do sau: 

Thứ nhất, qua nhiều nguồn tin, Báo Người Lao Động được biết các cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã không đưa lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng vào hồ sơ vụ án. Việc để lời sinh cung của nạn nhân ra ngoài hồ sơ là một sai lầm nghiêm trọng của cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ án. 

Thứ hai, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như hoạt động nghiệp vụ báo chí, Báo Người Lao Động xác định trước và sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, điều trị tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT tỉnh Long An) đã nhiều lần đến nhà gặp gỡ bà Liễu để động viên, hướng dẫn bà Liễu cách khai nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đọc điếu văn đưa tiễn nhà báo Hoàng Hùng

Đặc biệt, ông Tâm còn rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại của bà Liễu. Trong báo cáo của giám đốc Công an tỉnh Long An gửi Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Long An đã xác định ông Tâm có dấu hiệu che giấu tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm rõ nội dung của những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn này xem có liên quan đến vụ án hay không và vì sao có sự liên lạc một cách bất thường giữa bà Liễu và ông Tâm? Đáng nói hơn, trong cả kết luận điều tra và bản cáo trạng cũng không nhắc gì đến việc này

Thứ ba, việc tiến hành thực nghiệm điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; chưa phù hợp với hiện trường vụ án. 

Thứ tư, lời khai của nhân chứng, người liên quan, bị can còn rất nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được các cơ quan tố tụng tỉnh Long An tiến hành đối chất, xác minh làm rõ. 

Thứ năm, động cơ, mục đích phạm tội của bà Trần Thúy Liễu chưa được rõ ràng và không phù hợp với diễn biến của vụ án. 

Từ những vấn đề nêu trên, Báo Người Lao Động đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an xem xét, nghiên cứu và có hướng chỉ đạo điều tra lại vụ án một cách toàn diện, khách quan, tránh bỏ lọt tội phạm.


Các nhà báo lên tiếng
Có rất nhiều nhà báo đã đeo bám và thông tin liên tục về vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của hai nhà báo:
Nhà báo Tâm Phúc (Báo Pháp Luật TPHCM):
Cần làm rõ những lời khai mâu thuẫn
Trong vụ án này, lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn nhưng cơ quan tố tụng không làm sáng tỏ. Việc cơ quan điều tra dựa vào lời khai của bà Trần Thúy Liễu để kết luận động cơ giết chồng là do nhà báo Hoàng Hùng thường ghen tuông, cự cãi và đánh bà nhiều lần dẫn đến mâu thuẫn gay gắt… là chưa có cơ sở. Bởi qua lời trình bày của các nhân chứng là người thân của bà Liễu như: ông Trần Văn Mến, bà Trần Thúy Loan, Lê Hồng Nhung, Lê Hồng Châu (là cha ruột, chị ruột và các con của bà Liễu) cho thấy giữa bà Liễu và nạn nhân không có mâu thuẫn gì lớn.
Tôi đồng tình với 5 nội dung của Ban Biên tập Báo Người Lao Động gửi cơ quan tố tụng cấp cao hơn, đề nghị: “Xem lại kết quả điều tra vụ án sát hại nhà báo Lê Hoàng Hùng”. Trong đó, quan trọng nhất là cần phải giải mã nội dung bản sinh cung của nạn nhân. Đây là bản cung rất quan trọng của người trong cuộc. Vì sao nội dung trong bản sinh cung lại không được thể hiện trong hồ sơ vụ án?
Nhà báo Đăng Nguyên (Báo Sài Gòn Giải Phóng):
TAND tỉnh Long An nên trả hồ sơ để điều tra lại!
Theo tôi, có nhiều vấn đề liên quan đến vụ án mà các cơ quan tố tụng tỉnh Long An vẫn chưa làm sáng tỏ. Đơn cử, trong bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã không đưa lời khai của bị hại Lê Hoàng Hùng (lúc còn sống) vào hồ sơ vụ án. Rồi ông Nguyễn Văn Tâm nhiều lần đến nhà gặp bà Liễu để hướng dẫn bà Liễu cách khai nhằm đối phó với cơ quan chức năng... nhưng trong bản kết luận điều tra và bản cáo trạng không hề nhắc gì đến việc này...
Ngay bản cáo trạng của VKSND tỉnh Long An cũng có xuất hiện “tình tiết mới” so với bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An. Cụ thể, trong hai bản kết luận điều tra không thấy xuất hiện nhân chứng Trần Trọng Nghĩa nhưng tại sao đến bản cáo trạng của VKSND tỉnh Long An thì bất ngờ xuất hiện tên của nhân chứng này?
Là một trong những người có mặt tại hiện trường sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt vào rạng sáng 19-1 và theo dõi đưa tin vụ án này từ đó đến nay, tôi nghĩ, để tránh tình trạng lọt người, lọt tội và bảo đảm đúng sự thật khách quan của vụ án, bằng thẩm quyền luật pháp cho phép, TAND tỉnh Long An nên trả hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An điều tra lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại.

Báo Người Lao Động


http://nld.com.vn/20111128111851531p0c1019/bao-nguoi-lao-dong-kien-nghi-dieu-tra-lai-vu-an-nha-bao-hoang-hung-bi-sat-hai.htm


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo