Bằng Lĩnh (phapluattp) - Trưa 28-11, Bộ Tài chính ra thông báo cho phép Petrolimex và các DN đầu mối tăng mức trích quỹ bình ổn đối với xăng lên gấp đôi chứ nhất quyết không chịu giảm giá bán lẻ. Trước đó, chính Bộ Tài chính ra thông báo “cải chính” ý kiến Bộ trưởng Vương Đình Huệ trước Quốc hội từ việc “lãi ba năm liên tiếp” của Petrolimex sang lỗ với con số cụ thể là 1.840 tỉ đồng, dù có xác nhận rằng DN này đã chi thù lao cho đại lý quá mức cho phép tại Thông tư 234/2009 của Bộ Tài chính với số vượt trên 516 tỉ đồng!
Các động thái này khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên bởi các số liệu tuyệt đối và cam kết ở tầm Chính phủ không thể có sự thay đổi nhanh chóng như vậy, nhất là nó được chính các bộ phận tham mưu của Bộ chuẩn bị cho bộ trưởng để báo cáo tại cơ quan quyền lực nhất là Quốc hội! Đặc biệt nữa là không chỉ căn cứ số liệu từ bộ phận tham mưu, với tư cách từng là tổng Kiểm toán Nhà nước vừa rời ghế ba tháng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã đưa ra kết quả đầy thuyết phục từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Do đó việc lỗ hay lãi của Petrolimex dù là chuyện đáng quan tâm song năng lực các cơ quan nhà nước về quản lý chi phí, hạch toán giá thành và xác nhận tính hợp lệ của báo cáo tài chính DN thông qua việc này mới là vấn đề quan trọng.
Bởi rõ ràng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Quốc hội, nắm trong tay nghiệp vụ và đội ngũ cán bộ tinh thông kế toán, kiểm toán, không hề chịu bất cứ sức ép nào từ phía Chính phủ hay DN, lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác nhận của mình thì kết luận đưa ra phải thực sự chính xác, khách quan và phù hợp với các chuẩn mực kế toán.
Còn Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan soạn thảo, ban hành chế độ, chính sách về kế toán, có các cục Tài chính DN, Quản lý giá, Vụ Kế toán, Kiểm toán cùng với các tổng cục hùng mạnh nắm giữ “bí mật” của DN (như thuế, hải quan và thanh tra) nhất quyết không thể nhầm lẫn về một số liệu khá công khai là giá thành, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu.
Vậy nhưng chính số liệu này lại không chuẩn dẫn tới phải “cải chính”, đồng thời người mua lẻ xăng lại không hề được nếm “trái ngọt” giảm giá khi giá xăng thế giới xuống thấp.
Vì thế dù Quốc hội đã chất vấn mà người dân chẳng hiểu điều gì đang diễn ra???
http://phapluattp.vn/20111128115030690p0c1013/ra-quoc-hoi-bao-lai-nay-cai-chinh-lo.htm
*
*
Bộ Tài chính làm rõ giá điện 2012 và chuyện lỗ ở Petrolimex
Bảo Anh (vneconomy) - Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo giải thích chi tiết dự kiến mức tăng giá điện trong năm 2012 và nguyên nhân lỗ của Petrolimex.
Theo Bộ Tài chính, trong mấy ngày qua, một số cơ quan báo chí có đăng tải thông tin về việc giá điện trong năm tới chỉ tăng 4,6% là chưa chính xác.
Bởi lẽ, việc tính toán giá thành và giá điện năm 2012 được căn cứ trên cơ sở một số thông số đầu vào cơ bản như: giá than mới, giá dầu FO (ma dút) và DO (diezel), giá khí...
Đồng thời, để cân bằng tài chính một phần cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giảm dần khoản chi phí còn "treo lại" chưa tính hết vào giá bán điện từ năm 2010 thì cần phải phân bổ một phần các chi phí vào giá thành điện năm 2012 như: phân bổ số lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 do phát điện giá cao; phân bổ chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010; phân bổ chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ 2010 trở về trước,...
Với các nguyên tắc tính toán như trên thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện 2012 dự kiến sẽ tăng ở mức trên 10%. Về mức tăng giá bán điện cụ thể và thời điểm thực hiện sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng không cao hơn mức tăng 15,28% của lần điều chỉnh giá trước.
Trước đó, trong phiên chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có nói, theo tính toán của liên bộ Tài chính - Công Thương và EVN, giá thành điện năm 2012 dự tính chỉ tăng ở chừng mực nhất định, dự kiến khoảng 4,6%.
Tuy nhiên, sau đó bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã “đính chính” với báo giới rằng, con số 4,6% hôm trước ông đưa ra chỉ là giá thành dự kiến, chưa bao gồm các chi phí dự kiến.
Theo Bộ trưởng Huệ, giá điện năm 2012 được tính toán như sau: mức tăng của giá thành điện (4,6%) cộng thêm phân bổ 1/4 khoản lỗ điện 2011( là 8 nghìn tỷ đồng), cộng với phân bổ thêm khoản lỗ 2.000 của năm 2010, cộng tiếp khoảng 1/3 do chênh lệch tỷ giá của năm 2010 hơn 5.000 tỷ đồng nữa.
Thêm vào đó là điều chỉnh giá than từ mức 57-63% lên mức 72-80% giá than của năm 2011, phần này khoảng 2000 tỷ, thứ tư là phân bổ nốt phần tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa phân bổ đợt trước là 356 tỷ nữa.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Huệ, sau khi cộng tất cả các khoản trên vào, dù chưa có tính toán cụ thể cuối cùng song giá điện tăng sẽ nằm trong khoảng trên 10% nhưng không cao hơn mức 15,28% của năm trước.
Do đó, theo ông báo chí và dư luận đã hiểu nhầm chuyện ông nói giá thành điện dự kiến của điện sang giá bán điện thương phẩm.
Liên quan đến các khoản lỗ, lãi của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2011, ngoài những thông tin Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã giải trình trước Quốc hội cuối tuần qua, bản tin của Bộ Tài chính bổ sung thêm: theo báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex (gồm văn phòng Tổng công ty và 42 công ty công ty thành viên) kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.
Sau khi rà soát bước đầu về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, Bộ Tài chính xét thấy nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Tổng Công ty chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn như vậy.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2011 mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tại tại Thông tư 234/2009/TT-BTC, tổng số tiền là: 516.168.061.612 đồng. Việc này là do Petrolimex đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý có thời điểm cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600 đồng/lít với xăng, diezel, dầu hỏa; 400 đồng/kg với mazut).