Bầu chọn Vịnh Hạ Long: Vui hay buồn? - Dân Làm Báo

Bầu chọn Vịnh Hạ Long: Vui hay buồn?

Đình Vượng (bạn đọc Danlambao) - Chiến dịch quảng bá rầm rộ việc bầu chọn vịnh Hạ Long đã khởi sự từ năm 2007. Sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi với biết bao công sức đầu tư cả trí tuệ lẫn vật chất của cả bộ máy nhà nước và nhân dân, cuối cùng thì vịnh Hạ Long cũng lọt vào danh sách 7 “ứng viên” kỳ quan thế giới mới theo công bố của ban tổ chức cuộc bầu chọn New 7 Wonders (N7W). Cùng với khu rừng rậm nhiệt đới Amazone (Mỹ), thác Iguazu (Brazil và Argentina), đảo núi lửa Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia), công viên quốc gia Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và núi Bàn (Nam Phi).

VUI 

Đây là tin vui. Vui vì một thắng cảnh của Việt nam được xếp hạng là kỳ quan của thế giới. Vui vì rất nhiều người dân Việt Nam đã thể hiện được “lòng yêu nước” qua tin nhắn như báo Tuổi Trẻ đã lập hẳn 1 chuyên mục để thông tin (với khẩu hiệu "Bầu chọn Việt Nam: Lá phiếu của lòng yêu nước") thường xuyên và tuyên truyền cổ động cho cuộc bình chọn này. Vui vì, đây là "cơ hội thu hút du khách, tăng nguồn thu cho đất nước, nâng cao mức sống cho người dân" theo lời Bộ trưởng văn hóa Hoàng Tuấn Anh. Vui hơn nữa, hình ảnh một nước mà từ trên xuống dưới “đồng tâm nhất trí” bầu chọn một cách nhiệt tình đến nổi phóng viên báo Financial Times ở Hà Nội phải thốt lên “tất cả tham gia bầu chọn một cách nhiệt tình hiếm có”. Tuy nhiên, theo tổ chức New Open World, đây chỉ là danh sách tạm thời và sẽ còn thay đổi. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào đầu năm 2012.

Biểu tượng của Vịnh Hạ Long: Hòn Trống Mái 

Đâu phải chỉ có Việt Nam mới ‘nhiệt tình’ bầu chọn 7 kỳ quan thế giới do tổ chức New Open World khởi xướng, còn có cả Canada đã tốn 750,000 đôla trong bốn năm vì cuộc bầu chọn,Tổng thống hai nước láng giềng Indonesia và Philippines đều đã kêu gọi dân chúng bỏ phiếu, Tổng thống Bronisław Komorowski Ba lan và hai cựu tổng thống, Lech Walesa và Aleksander Kwaśniewski, đã gặp chủ tịch của New7Wonders để vận động cho vùng hồ Masurian của Ba Lan, rồi báo chí Ba Lan cũng đưa tin ĐGH Biển Đức XVI ủng hộ vùng hồ Masurian trong cuộc đua này,Tổng thống Hàn quốc Lee Myungbak bỏ phiếu và kêu gọi người dân ủng hộ Đảo Jeju. Xem ra, tổ chức này đâu phải là tổ chức ‘dổm’ như có người nhận xét, đại khái cuộc bầu chọn chẳng có giá trị gì hết. 

Tại sao có một số người nghi ngờ giá trị việc bầu chọn Vịnh Hạ Long? 

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội UNESCO VN và nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới, cho rằng việc "mua phiếu bầu và nhà tổ chức thu tiền" này khiến cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của N7W "không khác gì một cuộc thi Manhunt (Người đàn ông quyến rũ) quốc tế, khi một cá nhân bỏ ra vài nghìn USD để mua hàng trăm lá phiếu". Ông Nguyễn Xuân Thắng “thấy bất an trước việc chúng ta đã huy động thái quá sự cố gắng của nhân dân vào một cuộc chạy đua rất tốn kém về tiền của và thời gian nhưng lại không rõ ràng về tiêu chí này", và ông lo ngại "chúng ta đang hào hứng thi đấu bằng tổng lực trong một sân chơi vắng vẻ"

Niềm vui làm sao trọn vẹn được lúc đọc phát biểu trên đây, tôi vội tìm cho rõ hư thực tổ chức New Open World cũng như xem UNESCO nói gì về tổ chức này cũng như chuyện kể bên lề sau khi bầu chọn vinh Hạ Long. 

New Open World là ai ? 

New Open World (NOW ) do nhà tỉ phú Bernard Weber một người Canada gốc Thụy Sĩ thành lập. Website là của tư nhân có cơ sở ở Thụy Sỹ. Nhờ tài quảng bá và khéo lên kế hoạch “kinh doanh” với tên gọi gây sự chú ý dân cư thế giới trên mạng "New 7 Wonders of Nature", "7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới".

Weber tuyên bố dự án của mình “phi lợi nhuận”, nhưng cái sự “phi lợi nhuận” đó giúp Weber kiếm bộn tiền. 

Có thực là “Phi lợi nhận’ không? 

Mới đây thôi, sau cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới thế giới kết thúc, một thông tin được khá nhiều người quan tâm là Tổ chức New Open World (Thụy Sỹ) nhận được bao nhiêu tiền từ số lượng 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam. Chiều 14/11, trả lời báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) cho biết: Trong số tiền 630 đồng/tin nhắn, Bô VH - TT - DL phải trả cho nhà mạng 300 đồng, trả cho Tổ chức New Open World 300 đồng tiền bản quyền (trước đó, họ có hợp đồng rõ rằng, trong 300 đồng đó không bao gồm tiền thuế tin nhắn), tiền chuyển tiền, 30 đồng còn lại là số tiền để đóng thuế".

Như vậy, theo thông tin từ phía Cục Hợp tác quốc tế đưa ra, có thể ước tính số tiền mà NOW thu được khoảng 7,5 tỷ đồng.

Ông Tình khẳng định, trong cuộc bình chọn này, Bộ VH-TT-DL đã làm việc với Bộ TT-TT nhờ giúp đỡ để tính sao cho số tiền mỗi tin nhắn là ít nhất. 

Cùng với số tiền này, NOW còn nhận được phí đặt chỗ và phí hình ảnh để Vịnh Hạ Long được tham gia bình chọn. Trên Vietnamnet ngày 16/4/ 2008, Giám đốc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (UBND tỉnh Quảng Ninh) Ngô Văn Hùng cho biết các trang web ngoài website của ban quản lý Vịnh Hạ Long nếu muốn link đến trang new7wonders để vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long sẽ phải trả phí 25000USD/tháng.

Sau khi có kết quả bình chọn, một lần nữa, UNESCO khẳng định rằng danh sách 7 kỳ quan thế giới mới là kết quả của một dự án cá nhân, chỉ phản ánh ý kiến của cộng đồng người sử dụng internet chứ không phải của cả thế giới. “Dự án này, về cả tầm quan trọng và ý nghĩa bền vững, không thể đóng góp vào việc bảo tồn các địa danh sau khi được bình chọn”, theo UNESCO.

Được biết, cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do New Open World phát động từ 7/7/2007 đã thu hút hàng trăm triệu người dân trên khắp thế giới. Đã có 24.090.156 tin nhắn bầu chọn cho Vịnh Hạ Long qua tổng đài 147. 

Cơ quan Liên Hiệp Quốc UNESCO đã không có quan hệ gì với tổ chức này kể từ năm 2007 

Khi được hỏi về N7W, tổ chức UNESCO tuyên bố rằng “Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber. Mục tiêu của UNESCO là giúp các nước xác định, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới. Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.” Như vậy, theo UNESCO kết quả bầu chọn của N7W không chính xác và không có khoa học. Cũng phải, bán phiếu bầu thì lấy đâu ra khoa với chả học. 

Để rõ hơn xin đọc nguyên văn tiếng Anh ở: http://whc.unesco.org/en/news/352

Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Lần một vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị thẩm mỹ. Ngày 2/12/2000, vịnh được công nhận về giá trị địa chất, địa mạo. 

Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120 km, rộng 1.553 km2 với 1.969 hòn đảo nhỏ. Một số đảo rỗng với các hang động lớn, các đảo khác là nơi sinh sống của ngư dân. Nơi đây có đến 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm. 

BUỒN 

Có lẽ đây là nỗi buồn chung của nhiều người vì bị rơi vào cơn lốc của các phương tiện truyền thông. 

Ông Weber chẳng minh bạch tí nào cả khi quảng cáo công việc của ông là phi lợi nhuận và nhằm phục vụ công ích và trả lời về khoản “lợi nhuận” khổng lồ, cách đây ba năm, báo Sachsen (Đức) dẫn lời N7W tuyên bố: "Chúng tôi cam kết sẽ dùng 50% tiền lãi thu được để đầu tư vào việc tu bổ 7 kỳ quan thế giới mới và một số công trình khác". Khi được hỏi 50% số lãi còn lại sẽ được dùng vào việc gì, Weber im lặng

Sau khi cuộc bình chọn kết thúc vào ngày 11/11/11, tổ chức N7W sẽ đi một chuyến vòng quanh 7 kì quan dựa trên kinh phí của nước sở tại để tổ chức lễ phong tặng danh hiệu. 

Đây không phải là lần đầu tiên N7W tổ chức bình chọn tập thể, năm 2007 N7W cũng đã tổ chức bầu 7 kì quan nhân tạo, với kết cục Kim tự tháp Ai Cập chỉ đứng thứ 8-được giải khuyến khích là vì chiến dịch tuyên truyền và dân chúng nhắn tin ít quá. Để có thật nhiều phiếu tức là nhiều tin nhắn, cuộc bầu chọn này cần huy động nhiều người và nhiều cách mới dễ dàng có nhiều phiếu và dù có chiến thắng lần này thì rất có thể Hạ Long sẽ không còn được gọi là kì quan nữa trong vài năm tới - khi sự nhiệt huyết và lòng tin giảm sút. Chuyện xếp hạng 7 kỳ quan còn phải đợi đấy bởi ông giám đốc Bernard Weber rất kín tiếng từ chối trả lời phỏng vấn, bởi N7W đang tất bật một cuộc bình chọn khác: 7 thành phố kì quan trên thế giới.

Không chỉ buồn mà còn lo, thứ tư 16/11/2011 23:27 Báo ANTĐ với tựa đề “Đừng làm xấu chính mình” ghi nhận ý kiến của một độc giả như sau: 

Chị Nguyễn Thị Tân (21 tuổi, Chùa Láng, Hà Nội) có những suy tư riêng:

- Mừng thì mừng thật nhưng lo nhiều hơn. Không ở đâu nhiều thắng cảnh đẹp như Việt Nam, nhưng cũng chẳng ở đâu có cách quản lý như nước ta.

- Đâu cũng thấy nói phải giữ gìn các di sản tốt nhất mà!

- Có đợt Vịnh Hạ Long bẩn quá, quốc tế dọa đòi lại danh hiệu. Lúc đấy chúng ta mới cuống cuồng mổ xẻ, mới quyết liệt xử lý.

- Vẫn là các biện pháp tạm thời, không có cái nhìn lâu dài thì đâu lại hoàn đấy thôi.

- Chuyện ô nhiễm chưa xong lại đến chuyện chìm tàu du lịch. Ai cũng bất ngờ vì sự an toàn của du khách không được kiểm tra chặt chẽ.

- Còn nạn chặt chém du khách nữa chứ. Vẫn đẹp đấy nhưng cứ thế chẳng ai đến lần thứ 2 đâu.

- Di sản mà không có khách tham quan, không có con người thì chỉ là di sản chết. 

- Ý thức xấu đã thành thói quen thì khó thay đổi lắm.

- Chẳng phải là di sản mà ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, cứ chiều chiều lại có ông già ra nhặt từng cọng rác. Chúng ta phải biết xấu hổ chứ. Việt Nam có nhiều di sản thế giới như thế mà chúng ta lại đang phá hoại hình ảnh của mình. Chính sự thân thiện, trân trọng với di sản của mỗi chúng ta là “người” đại sứ du lịch ấn tượng nhất, chẳng cần cãi nhau bầu bán làm gì, mất thời gian. 

Một thoáng vui buồn muốn chia sẻ với bạn. 

Tôi yêu quê tôi, yêu đất nước tôi. Vịnh Hạ Long là xương là máu thịt của tôi. Tôi thích một cô gái đẹp hồn nhiên, đẹp thật, đẹp mà không cần nhiều lắm phấn son. Như một cô gái đẹp, Hạ Long có cái đẹp tự nhiên, của thiên nhiên và nghe tin Hạ Long được đội vương niệm ai mà chẳng vui. Niềm vui và hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi dung nhan vẻ đẹp Hạ Long được tôn vinh không cần phải tô son điểm phấn và nằm ở những hình thức mặc cả, mua bán. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo