Tuanddk - Trước phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, những khoản lỗ của Petrolimex và đặc biệt của EVN đang là chủ đề nóng bỏng trên báo chí, và ngoài xã hội. Doanh nghiệp độc quyền hơn 60% thị phần xăng dầu thì kêu lỗ 1.800 tỷ. Doanh nghiệp độc quyền 100% thị trường điện thì kêu lỗ 10.000 tỷ. Petrolimex kêu lỗ 1.800 tỷ nhưng báo cáo phát hành cổ phiếu ra công chúng thì lại công bố lãi hàng ngàn tỷ. EVN kêu lỗ và kêu luôn lương 7,3 triệu đồng/tháng là "không sống nổi".
Quả là những cái lỗ lạ.
Các ông lớn độc quyền lỗ do nhiều yếu tố, nhưng có lẽ, tựu trung lại do hai cái lỗ chính: Giá bán, theo kiểu bao cấp, dưới giá thành sản xuất và do biến động tỷ giá.
Không phải là ngẫu nhiên khi lãnh đạo của cả Petrolimex và EVN đều phạm điều tưởng như tối kỵ đối với các doanh nghiệp khi tranh thủ mọi mọi nơi, mọi lúc, mọi cơ hội để kêu lỗ. Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội Vương Đình Dung có lần còn nói toẹt ra rằng: "Nhà nước vừa muốn bình ổn giá, lại xác định theo cơ chế thị trường". Có nghĩa cái lỗ đấy cần phải kêu thật to bởi nhà nước bắt họ phải bán dưới giá thành, nhà nước bắt họ phải lỗ để đảm bảo sự ổn định vĩ mô và an dân.
Giá điện, xăng dầu- những mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, đang phải gánh cùng lúc ba vai: Đảm bảo cơ chế thị trường để người kinh doanh có lãi. Đảm bảo mức độ hợp lý trong sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, khi được mời trả lời "câu hỏi treo" về " Lộ trình thực thi giá thị trường đối với xăng dầu, điện, than" đã nói đến "tốc độ thị trường" (hóa). "Nếu chúng ta không đưa giá tiếp cận thị trường thì rất khó, thì không cách gì đảm bảo dịch vụ đó. Nhiều ngành cố giữ cơ chế bao cấp nhưng như thế sẽ không bao giờ có đủ hàng, hoặc hàng chất lượng kém. Chính phủ đang dần hình thành thị trường giá cạnh tranh: Xăng dầu, điện... Nhưng chưa làm ngay được vì chênh lệch giá rất lớn".
Các nhà kỹ trị hàng đầu đều biết rằng đây là những cái lỗ rất khó lấp của một cái giá không giống ai, rất khó để điều hành.
Nhưng còn một cái lỗ khác, cái lỗ thứ hai, cũng rất lớn. Lỗ do tỷ giá. Chẳng hạn EVN tính toán tỷ giá thay đổi tới 9,3% đã khiến họ lỗ tới 1700 tỷ. Nhưng cái lỗ do kỹ năng quản trị doanh nghiệp, từ rủi ro trong kinh doanh này cũng được họ đàng hoàng kêu to, cũng được tính luôn vào giá thành, và, điều này là quan trọng nhất, được mặc định luôn vào cái lỗ do cơ chế.
Sự chất nhận về mặt nhà nước đối với những cái lỗ, dù rất lạ này đã khiến Bộ trưởng Vương Đình Huệ không đưa ra được bất kỳ phản bác nào dù ông đã có kết quả thanh kiểm tra của các DN đầu mối trong tay. Ông chỉ, một cách yếu ớt, cho rằng: Có những yếu tố quản lý, có định mức sử dụng, định mức tiêu hao (trong giá xăng dầu) cần phải tính toán lại. (Hôm qua, Bộ trưởng Huệ đã định tảng lờ câu chuyện kết quả thanh kiểm tra giá xăng dầu, dù giá xăng dầu là một trong hai chủ đề chính của QH. Cho đến khi Chủ tịch QH đề nghị trực tiếp ông mới miễn cưỡng trả lời, và cũng chỉ quanh đi quanh lại câu chuyện "công khai, minh bạch"- một yếu tố cần, nhưng chưa đủ). Có người cho đây là một phản ứng quá bất bình thường của người đã từng đã chỉ ra những điều không bình thường trong giá xăng dầu hồi mới nhậm chức. Hoặc tệ hơn, một dấu hiệu của sự thua cuộc.
Cách đây 2 tuần, báo chí đồng loạt đăng tin: Bộ 4T tuýt còi gói cước tỷ phú của BeeLine khi mà doanh nghiệp này tung ra gói cước gần như cho không đối với các cuộc gọi nội mạng. Cước viễn thông cũng là mặt hàng duy nhất liên tục có chỉ số giá - (âm) trong chỉ số giá tiêu dùng. Chừng nào thì điện, than, xăng dầu cũng phải tuýt còi vì quá rẻ. Rất khó để trả lời. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có nhắc đến thị trường giá cạnh tranh. Nhưng không thể có cạnh tranh khi vẫn còn độc quyền.
Mới nói những cái lỗ lạ là rất nhỏ bé so với "cái lỗ" lớn hơn trong cơ chế giá. Về mặt lý thuyết kinh tế, không một mặt hàng nào vừa có thể mang lại lợi nhuận trong khi vẫn bán kiểu bao cấp. Không có một cơ chế giá nào vừa thị trường lại vừa bao cấp.
Tuanddk