Những sự đời tuồng như không thể - Dân Làm Báo

Những sự đời tuồng như không thể

Vũ Thế Phan (danlambao) - Ngón đòn Nghĩa đưa ra vốn rất “phổ thông” trong quan hệ giữa một số không nhỏ đồng bào ruột thịt trong nước và những khúc ruột... thừa vạn dặm lơ ngơ tìm về chốn cũ, trao trọn niềm tin vào thân bằng quyến thuộc mà mình cứ đinh ninh ít ra vẫn như xửa như xưa. 

Suốt đoạn đường Quảng Bình-Nghệ An cô nàng ngồi oải ra như nằm, không hé một lời, mắt nhắm tịt, bàn tay trái cứ bóp bóp vào trán, lâu lâu lại chắt lưỡi, buông tiếng thở dài, ngao ngán. Tôi cũng chỉ ngồi trơ đưa mắt nhìn ra cửa xe, mặc kệ cảnh đẹp quê hương làm như cũng lẫy hờn chi đó, hối hả vùn vụt ngược chiều làm tăng gấp đôi gấp ba tốc độ như để thu ngắn hơn nữa giây phút giã từ không lưu luyến. Tôi không màng gợi hay đáp chuyện với anh tài xế trọ trẹ rất có duyên miệng. Tôi biết mẹ xấp nhỏ vẫn còn đau lòng lắm lắm vì sự đời tuồng như không thể lại mới xảy ra sáng nay ở bến đò Phong Nha Kẻ Bàng. Mà sự đời trơ trẽn chỉ đáng có một đô la Mỹ, Bác ơi. Chuyện là thế này: 

Ngoài việc về kiểm tra lần cuối căn nhà mới được xây xong trong huyện NĐ, mục đích du lịch chính của chuyến ngược lên Trung lần này của vợ chồng chúng tôi là được tận mắt chiêm ngưỡng và đích thân quay hình ảnh của một thắng cảnh thiên nhiên trên đất Việt đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới: Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. 

Mua vé xong, hai đứa tôi định bước lên một trong hơn chục chiếc thuyền màu xanh-đỏ đang neo chờ đến phiên nhận khách, người đàn ông xoát vé liếc hai chúng tôi một cái, đưa tay chận chúng tôi lại, nhìn vào hai tấm vé, nói: 

- Vé ni là vé tham quan động Phong Nha. Anh chị phải mua thêm vé thuyền đi từ đây vô tới đó ! 

Hai đứa tôi nhìn nhau, ngạc nhiên, vợ tôi thắc mắc: 

- Ủa, trên bảng giá biểu đâu có ghi như vậy đâu? 

- À, đúng thế. Do quyết định mới được ban hành sáng nay nên «họ» chưa kịp viết bổ sung. 

- Vậy nếu du khách không còn tiền để «bổ sung» thì phải làm sao? 

- Thì họ tự bơi vô mà coi! 


Sau mấy kỳ hè về đây và qua nhiều lần trao đổi với ông anh cả, vợ chồng tôi quyết định bỏ tiền ra xây một căn nhà nho nhỏ trên khoảng đất 250m2 hương hoả của gia tộc mà anh cả đã có nhã ý chia cho, dù bản thân tôi đã theo cha mẹ lưu lạc xứ người từ năm lên sáu. Dự trù đến tuổi hưu luật định là vợ chồng già về đây an dưỡng cho đến cuối đời. 

Căn nhà mới được xây xong nên còn tồng lộng. Tôi ngỏ ý muốn đi mua vài thứ cơ bản cho phòng khách và phòng ngủ trước, phần gia dụng bếp núc linh tinh thì bà xã sẽ lo trong kỳ về lần tới. Người hướng dẫn tôi đi mua sắm tên Nghĩa, gọi tôi bằng cậu do vai vế trong họ chứ anh hơn tôi đến 5 tuổi. Mỗi lần tôi về là Nghĩa bỏ hết mọi việc, tận tâm đeo theo tôi như hình với bóng. Do đó, ngoài chuyện tôi đài thọ anh ấy trong mọi sinh hoạt ra, trước khi chia tay tôi không bao giờ quên đút vào túi áo Nghĩa một tờ giấy xanh của ông già B. Franklin hay hai tờ của ông già U.S. Grant, thay lời cảm kích. Nghĩa dặn tôi: Cậu cứ vô tư ngắm, thật sự «kết» cái nào thì mới hỏi giá song nhất quyết đừng trả giá nọ kia mà hớ, kiểu nào cũng hớ. Cậu chỉ ra dấu cho cháu thôi. Để cháu lo cho là sẽ được giảm 25-30% là ít.Tôi trả lời: thì Nghĩa đóng vai khách hàng luôn đi, mình chỉ là người đi xem ké. 

Vị chi riêng hôm đó, nhờ «cái lưỡi Tô Tần» của ông cháu tên Nghĩa tôi đã tiết kiệm tổng cộng được 350 đô-la Mỹ và có điều lạ là cũng từ chiều đó Nghĩa biến mất cho tới khi tôi phải trở lại Pháp, 2 tuần sau. 

Nhìn bộ sô-pha với cái bàn thấp, cái bàn ăn với 6 cái ghế, một cái tủ TV tất cả bằng gỗ cẩn xà-cừ mà cửa tiệm furniture mới chở tới và hai nhân viên đang loay hoay tìm chỗ đặt sao cho thích hợp với phòng khách, vợ anh cả hỏi tôi đưa biên lai cho chị ấy coi. Coi xong, chị nói liền: hớ đậm! Tôi ngạc nhiên: hớ sao mà hớ. Theo giá họ nói, nhờ Nghĩa em còn tiết kiệm được những 350 đô-la lận. Chị tôi chẳng nói gì thêm. 

Sáng hôm sau, chị tôi đèo bà xã ra khỏi nhà, bảo là đi chợ. Gần trưa, hai bà về, tay không. Bà xã nhìn tôi, cười: 

- Anh nói anh tiết kiệm được 350 đô à? 

- !!! 

- Thằng Nghĩa nó không qua tìm anh từ chiều qua là vì nó “búp” được của anh 250 đô, chắc biến ra Vinh rồi. 

- !!! 

Té ra vừa rồi họ đã ra chính cái tiệm bàn đồ nội thất cho tôi để kiểm chứng. Chị dâu tôi giải mã chuyện từ “tiết kiệm 350 đô” thành bị “búp 250 đô” như sau: 

Ngón đòn Nghĩa đưa ra vốn rất “phổ thông” trong quan hệ giữa một số không nhỏ đồng bào ruột thịt trong nước và những khúc ruột... thừa vạn dặm lơ ngơ tìm về chốn cũ, trao trọn niềm tin vào thân bằng quyến thuộc mà mình cứ đinh ninh ít ra vẫn như xửa như xưa. Tổng cộng các món tôi mua hôm qua, không cần trả giá là 970 đô. Giá chót họ sẽ bán là 820/850 đô. Thằng Nghĩa vốn là cò, ăn rơ với các cửa tiệm từ trước. Tôi cả tin... rọt rà nên đâu dè chính nó là người tăng giá lên thành 1450 đô. Rồi trước mặt tôi và chủ tiệm, nó trả giá xuống còn 1.100 đô. Thì đây: 

$1.450 – $1.100 = $350 (tiết kiệm của tôi, nhờ thằng Nghĩa) 

$1.100 – $850 = $250 (phần lại quả trực tiếp từ túi tôi lọt qua túi thằng Nghĩa). 

“Đó là chưa kể thằng Nghĩa còn hai-ba phần trăm hoa hồng trên số tiền $850 từ các món chú đã mua”. Chị dâu tôi nói. 

Trong quyến thuộc ai cũng nổi khùng, định kéo nhau đến nhà thằng Nghĩa mần cho một trận. Vợ chồng tôi sợ… chi đó, nhất định ngăn lại. Riêng tôi, thật tình tôi phải cám ơn thằng Nghĩa - nhờ ơn ai đang ngự trên cao nhìn xuống, nó hốc xổi tôi có mỗi một lần! Úm ba la, bát mê hồng! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo