Hoàng Liên Sơn (danlambao) - Phiên xử sẽ diễn ra vào ngày 17 tháng 11 tới đây mang một tuyên bố quan trọng, một câu trả lời cho toàn thể nhân dân về giá trị của mạng sống khi không mang mũ bảo hiểm và có lẽ sẽ là mồi câu tiếp theo của các chiến sĩ ngầm đang rình mò lập công.
Nguyên cáo là gia đình ông Trịnh Xuân Tùng bao gồm mẹ già của ông đã ngoài 90 tuổi và vợ, 2 con của ông trong đó có cô Trịnh Kim Tiến – người bấy lâu nay được chú ý vì đã tham gia các cuộc biểu tình yêu nước tại Hà Nội. Gia đình ông Trịnh có các bằng chứng về việc ông bị ngược đãi tại cơ quan điều tra dẫn đến cái chết của ông sau đó và truyền thông mạng cũng được biết đến các tình tiết này.
Đau khổ của những người sống
Bị cáo là Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, đại diện cho một bộ phận lực lượng của những "con sâu" vô tình rơi trong nồi canh mà hiện đang mặc sức hoành hoành ngang ngược khắp nơi không chỉ ở các tuyến phố mà còn tới từng ngóc ngách …
Phiên tòa mang một ý nghĩ thời sự rất lớn cho tất cả người dân, những người đang ngày ngày bị đe dọa tính mạng khi tham gia giao thông. Câu nói cửa miệng của những người đi đường “bị bắt là lòi tội, không lỗi này thì lỗi kia, miễn bàn!”. Vậy là đặc quyền được thói quen, lệ làng ghi nhận và những nhũng nhiễu được coi là dĩ nhiên, một việc mang tính nghĩa vụ như… quân sự. Chính bởi vậy nên những khái niệm cho ngành như “chỉ tiêu” cũng có thể hiểu theo nghĩa “nộp tô” vậy.
Oan uất của người ra đi
Dân ta mặc nhiên trao cho những công an cái quyền được phạt những người dân không mặc đủ áo mũ khi ra đường trong khi họ có quyền đầu trần trùi trụi lao xe như tên bắn để diễn trò phim hành động trên phố. Biển xe màu xanh tựa hồ như kiệu lọng ngày xưa mang một thông điệp “bất khả xâm phạm”.
Không hiểu tại sao mà công an ngày nay đồng nghĩa với kẻ xấu. Buổi tối ra đường bị đuổi theo sau là hai tên ma cô tóc xanh đầu đỏ cũng không đáng sợ bằng hai tên cơ động phương phi! Càng ngày càng xảy ra nhiều vụ chết người liên quan đến “người trong ngành”. Người dân bị dăm ba cái bạt tai bởi các chiến sĩ… vô luật pháp cũng tặc lưỡi bỏ qua vì coi như sự việc cũng không đến mức quá nghiêm trọng. Có những vụ Công An ẩu đả với dân đến mức chết người, dân vùng lên bao vây ủy ban hay đồn công an thì cũng sau đó sẽ nhận được chỉ đạo kịp thời nhằm ém nhẹm sự việc bằng tuyên truyền, vận động bà con hãy khôn ngoan mà một điều nhịn, chín điều lành... người chết không sống lại được, vui lòng mà nhận lấy vài đồng hương khói nhang đèn.
"Chiến sỹ nhân dân"
Tâm lý chung của nhân dân được đánh trúng và xoa dịu nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương “ngu dễ trị”. Tòa án hiếm khi phải xử những vụ việc kiểu này, nhất là xử công khai. Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng đòi hỏi một phiên xử công khai, công bằng sau bao khó khăn cực nhọc lên tiếng cho cái chết tức tưởi của cha. Yêu cầu của cô chắc hẳn đã được gửi đến từ lâu bằng văn bản cho các cơ quan chức năng thẩm quyền nhưng câu trả lời của họ ra sao, công khai hay không và công khai đến đâu thì chúng ta phải chờ cho đến khi phiên tòa được diễn ra.
Thiết nghĩ các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên kịp thời mà điểm tin định hướng cho xã hội quan tâm đến phiên tòa sắp diễn ra tới đây. Nếu chính quyền và ngành Công An biện hộ rằng họ đúng, cái chết của công dân trong đồn công an chỉ là một tai nạn hy hữu thì nên chăng kêu gọi quần chúng, nhân chứng cùng nhau đến để làm chứng cho chiễn sỹ của họ.