Hùynh Thục Vy (11.7.2009) - Tôi thắp hương lên bàn thờ Phật hai tay chắp trước ngực đọc thì thầm trong miệng: “Cầu xin Trời Phật gia hộ cho gia đình con được bình an, đất nước con được...” . Tôi định nói “bình an” nhưng khựng lại vì thấy có điều gì đó bất ổn: gia đình bình an thì được rồi; còn đất nước này đâu tuỳ thuộc vào tôi hay gia đình tôi. Đất nước này tuỳ thuộc vào 84 triệu dân VN, nó bình an hay không là ở họ, tôi không thể cầu xin Trời Phật được...
*
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết. Chung quanh tôi không khí đón
xuân rộn ràng. Người ta mua sắm tuy có ít hơn một chút so với thời điểm này năm
ngoái nhưng cũng rất sinh động. Ngày Tết, đối với Dân tộc VN là ngày trọng đại
cho nên dù khó khăn đến mấy mọi người cũng cố gắng chuẩn bị cho ngày đó được
vui vẻ nhất,đầy đủ nhất trong khả năng có thể của mình.
Tôi lên xe tranh thủ về thăm ba. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra
ngoài màu nắng vàng hiếm hoi sau những ngày mưa tầm tả dai dẳng. Mùa xuân bàng
bạc khắp nơi. Xuân của đất trời mang lại một chút xuân cho lòng người. Suốt một
năm vất vả mỏi mệt lo toan việc cơm áo gạo tiền...
Về đến nhà thấy hàng Tết bày ra đầy sân, hai cô tôi đang tiếp
mấy người khách và cả những chú nhóc đang đứng chọn hàng. Vào nhà, thấy ba đang
nói chuyện với một người bạn đến thăm, ông là người thích nghiên cứu về Dịch
lý, Phong thuỷ.Tôi vòng tay chào như những ngày còn bé.
Chọn một chỗ ngồi gần đó để nghe ba nói chuyện. Những câu
chuyện ba trao đổi với bạn bè rất hữu ích cho tôi, tôi học được rất nhiều điều
qua những buổi “mạn đàm” này và hôm nay ghi lại mấy dòng tản mạn cuối năm.
Ông bạn của ba nói:
- Thời tiết năm nay rất thất thường. Theo các nhà khoa học
thì đó là kết quả mà con người phải trả giá cho việc huỷ hoại môi sinh, nhưng
theo các nhà Dịch lý thì đó là điềm trời. Đời thịnh trị thì mưa thuận gió hoà, trên
trời xuất hiện mây ngũ sắc; dưới đất vạn vật sinh sôi nẩy nở,xanh tốt mùa màng
bội thu; lòng người nhân hậu, giao hoà tương kính. Nếu bão lụt bất thường, đất
lở núi sụt, dịch bệnh xuất hiện, lòng người đảo điên là điềm xấu - dấu hiệu của
ông trời cảnh báo, trừng phạt hôn quân vô đạo. Quan niệm của người xưa là thế.
Còn ngày nay không biết thế nào nhưng tháng Chạp mà xảy ra lũ lụt là hiện tượng
rất hiếm, tôi chưa bao giờ thấy. Vừa rồi mấy tỉnh Quảng nam, Quảng ngãi, Phú
Yên, Khánh Hoà bị ngập lụt khá nặng; còn Hà Nội phải hứng chịu một cơn mưa khá
bất thường và quá lớn đến nỗi người dân Hà Nội phải sống trên biển nước cả tuần.
Tôi nghe mấy đứa trẻ hát: "Hà Nội mùa này phố cũng như sông" thì cũng
không thể nhịn cười được. Có rất nhiều sự giải thích cho tai hoạ này,nhưng lời
giải thích đúng nhất vẫn còn ở phía trước.
Sau đó họ nói sang chuyện kinh tế. Ba tôi nói:
- Khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu ảnh hưởng đến mình rồi,
nhưng tại VN tác động nhẹ hơn tại Trung Quốc, tôi hy vọng như vậy.
Ba tôi dừng lại một chút và hỏi người bạn:
- Vừa rồi ông có nghe RFI nói là những tờ báo lớn của Trung
Quốc cảnh báo sẽ có những bất ổn xảy ra trong năm 2009 có thể đe doạ đến sự
lãnh đạo của Đảng CS Trung Quốc không?
Ông bạn ba trả lời:
- Có. Tôi nghe, nhưng tại Mỹ -Châu Âu -Nhật Bản Các nước đó
cũng khủng hoảng, còn nặng nề hơn TQ nhưng chính quyền đâu có đưa ra những dự
báo bi quan như thế.
Ba tôi cười, ông đặt nhẹ tách trà xuống...
-Theo tôi có sự khác nhau giữa các nước Mỹ-Nhật-Đức-Pháp và
Trung Cộng. Thứ nhất: về chính trị, Mỹ-Anh-Pháp-Nhật có nền chính trị dân chủ
đa nguyên,chính quyền do dân bầu. Ví dụ như Mỹ chẳng hạn: Người dân Mỹ bất mãn
với chính phủ Bush, bất mãn với Đảng Cộng hoà đã để cho kinh tế gặp khủng hoảng
và nước Mỹ sa lầy tại Iraq nên họ đã trừng phạt Đảng CH... khiến Đảng CH mất
Nhà Trắng, mất luôn thế đa số tại lưỡng viện Quốc hội. Người dân Mỹ chọn Obama -
một người da đen lên làm Tổng Thống cho nên sắp tới nếu kinh tế có khó khăn đến
mấy thì người dân Mỹ cũng phải chấp nhận chia xẻ cùng chính phủ do họ bầu lên, chẳng
ta thán vào đâu được. Người dân Mỹ luôn luôn thể hiện quyền làm chủ của mình, họ
luôn chứng minh họ có lý!
Thứ hai: Mỹ-Anh-Pháp-Đức-Nhật là một xã hội dân chủ với những
tổ chức Dân sự vững mạnh, chế độ an sinh xã hội tốt, xã hội được xây dựng trên
phẩm giá con người, nó cân bằng và hài hoà. Chính sự cân bằng và hài hoà này giữ
cho các nước Mỹ-Nhật -và phương Tây ổn định trước những khủng hoảng chu kỳ hoặc
bất thường của Thế giới. Nó có khả năng tự điều chỉnh trước những biến động. Và
điều cực kỳ quan trọng là người dân ủng hộ và hài lòng với thể chế chính trị của
họ. Thể chế Chính trị công bằng và dân chủ. Còn ở Trung Cộng không có được hai
điều này. Thứ nhất, thể chế chính trị độc tài toàn trị, coi người dân như cỏ
rác. Một nhóm người chiếm giữ quyền lực và tự đồng hoá mình với đất nước và dân
tộc. Nhưng thực ra họ chỉ là một nhóm người dùng quân đội công an và nhà tù để
kiểm soát đất nước. Người dân không hề lựa chọn họ, hay nói đúng ra là người
dân không có quyền chọn lựa, người chủ thực sự của đất nước Trung Hoa là Đảng Cộng
sản. Thứ hai: Chính vì thể chế chính trị độc tài cho nên dẫn đến độc quyền-độc
quyền chính trị, độc quyền kinh tế, độc quyền văn hoá và cả độc quyền chân lý.
Mà độc quyền thì độc đoán, độc đoán thì lộng hành. Những tệ nạn tham nhũng, bất
công là những hình thức của sự lộng hành nó đi đôi với chế độ Độc tài như hình
với bóng. Việc một nhóm người độc quyền chiếm giữ đất nước dẫn đến sự mất cân đối,
phá vỡ sự hài hoà của xã hội, tạo ra mâu thuẫn đối kháng hoặc âm ỉ, hoặc công
khai. Xã hội Trung Hoa ngày nay như một thùng thuốc súng chỉ chờ có cơ hội là
bùng nổ…. Hãy nhìn vào khoảng cách giàu nghèo ở TQ. Tập đoàn lãnh đạo và thành
phần ăn theo thì cực kỳ giàu có, cực kỳ quyền lực cực kỳ xa hoa. Còn đại đa số
người dân, nhất là dân ở nông thôn thì cực kỳ nghèo khổ và hoàn toàn không có một
chút quyền lực gì. Kể cả quyền cư trú và đi lại (đây là những quyền đơn giản nhất).
Chuyện gì sẽ xảy ra khi hàng trăm triệu người nghèo khổ lòng đầy bất mãn và thù
hận bị đẩy vào đường cùng. Chỉ có nghèo khổ thôi không đủ dẫn đến bạo loạn, sự
bất mãn và thù hận mới chính là nguyên nhân. Trước đây 30 năm, đất nước Trung
Hoa chưa mở cửa, người dân TH ai cũng nghèo như nhau cho nên chỉ có sự đói khổ,
chứ ít bất mãn và hận thù. Sự hận thù nảy sinh từ bất công xã hội, từ sự bạo
ngược của nhà cầm quyền. Bây giờ, sau 30 năm “mở cửa,cải cách”, một tầng lớp tư
bản Đỏ hình thành, vừa nắm độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế cho nên bọn
tư bản Đỏ này tha hồ lũng đoạn, bóc lột cướp đoạt tài nguyên quốc gia, tài sản
nhân dân, làm xã hội Trung hoa bị nghiên lệch rất nặng nề, chỉ chờ một biến động
của Thế giới là đổ luôn. Đảng CS Trung Hoa dùng vũ lực, dùng Quân đội, Công an,
nhà tù và cả những thủ đoạn bỉ ổi hèn mạt của bọn Mafia để giữ gìn ”sự ổn định”
của xã hội. Nhưng họ đã lầm: Chính chế độ dân chủ về chính trị, sự công bằng
hài hoà của xã hội mới mang lại ổn định đích thực. Nhân nào quả nấy,cái vòng
nhân quả có khi quá rộng nên một đời người không trông thấy,nhưng nó là một
chân lý khoa học chứ không phải là một quan niệm thuần tuý tôn giáo.
Người bạn của ba hỏi tiếp:
- Ông nhận định như thế nào về VN?
Ba ngẩm nghĩ một lúc rồi nói:
- Tình hình Việt Nam, theo thiễn ý của tôi, tuỳ thuộc rất
nhiều vào tình hình thế giới,nhất là tình hình tại TQ và cũng tuỳ thuộc vào sự
bền vững của chính nó, đây là một thách thức để kiểm nghiệm, chúng ta hãy chờ
xem.
Sau đó ba nói qua nhiều chuyện khác từ Tôn giáo đến Văn
chương- Nghệ thuật…
Khi người bạn của ba đã về. Tôi thắp hương lên bàn thờ Phật
hai tay chắp trước ngực đọc thì thầm trong miệng: “Cầu xin Trời Phật gia hộ cho
gia đình con được bình an, đất nước con được...” . Tôi định nói “bình an” nhưng
khựng lại vì thấy có điều gì đó bất ổn: gia đình bình an thì được rồi; còn đất
nước này đâu tuỳ thuộc vào tôi hay gia đình tôi. Đất nước này tuỳ thuộc vào 84
triệu dân VN, nó bình an hay không là ở họ, tôi không thể cầu xin Trời Phật được.
Như ba tôi đã nói: "Nhân nào quả nấy" là một quy luật… Không ai cầu
xin được.
Nhưng tôi cũng có một ước mơ. Là một người còn trẻ thế hệ
8X, tôi ước mơ chúng tôi có được một cuộc sống bình an tốt đẹp,thành đạt và hạnh
phúc... một ước mơ mà cũng là một đòi hỏi những người lớn, thế hệ của ba tôi,
nhất là những người lãnh đạo, phải biết lắng nghe và quan tâm đến chúng tôi. Không
nên vì quyền lợi vị kỷ của mình mà bỏ quên chúng tôi bất chấp tương lai của
chúng tôi.
Tôi muốn trình bày nhiều quan điểm và suy tư của mình nhưng
tôi sợ. Quan điểm của tôi có thể làm cho tôi gặp nguy hiểm. Nếu tôi trình bày
thẳng thắng ước mơ và suy nghĩ của mình thì biết đâu… một tai nạn xe cộ hay một
vụ ngộ độc thực phẩm đang sắp đặt để chờ tôi và những người trong gia đình tôi.
Tại sao tôi lại nghĩ như vậy... Có lý do của nó.
Năm 2002, tháng 10...., ba tôi từ trại giam Nam Hà trở về
sau 10 năm tù với tội danh mơ hồ: "Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ
nghĩa". Trong những lần làm việc với công an Tỉnh Quãng Nam và công an TP
Tam Kỳ, ông Trần vị Sĩ, thiếu tá (bây giờ là trung tá) An ninh tỉnh Quãng Nam
hơn một lần cảnh báo ba tôi: "Chúng tôi sẽ tiêu diệt từng phần hoặc toàn bộ
gia đình anh tuỳ thuộc vào thái độ của anh". Tôi rất kinh ngạc khi một người
là đại diện cho chế độ lại đòi tiêu diệt từng phần hoặc toàn bộ gia đình tôi. Tôi
biết đây không phải là lời cảnh báo suông hay của cá nhân ông ta.
Mấy hôm nay, CA liên tục đến tìm ba tôi gọi là đến “thăm”, trong
đó có một người là Thượng uý Đặng Quang Thái. Ba tôi nói: Đặng Quang Thái là
người cực đoan, thô lỗ. CA Tỉnh Quảng Nam luôn phái anh ta đến gọi là để “thăm”
ba nhưng thực ra là để gởi đến ba và gia đình mình một tín hiệu của vũ lực và
hành động.
Cho nên mùa xuân đang đầy ắp ngoài trời phô bày trên những
cánh mai vàng, thược dược, hoa hồng và màu nắng vàng rực rỡ nhưng dịu êm có làm
lòng tôi phấn chấn rất nhiều, cộng với tuổi thanh xuân đang rạo rực,tôi cũng
không dám nói nhiều.
Bây giờ là thế kỷ 21, thời đại thông tin, nhưng ở VN tôi phải
biết giữ mồm giữ miệng, tôi phải nhớ lời Khổng tử dạy cách đây hơn 2000 năm:
"Thủ khẩu như bình” vậy. Thật là buồn quá đi vì Mùa Xuân thực sự vẫn còn
chưa đến đối với gia đình tôi và nhiều người khác.
(Tam Kỳ những ngày cuối năm Mậu Tý)
Huỳnh Thục Vy