Đào Tuấn - Năm 2002, khi vụ Polimer chưa xảy ra, trả lời phỏng vấn báo chí, Thống đốc NHNN bấy giờ là ông Lê Đức Thúy nói: Việc đi đâu chúng ta cũng phải dùng tiền mặt mang theo người đã tạo ra rất nhiều bất tiện, lãng phí và rủi ro. Tuy nhiên, cũng trong chính bài trả lời phỏng vấn đó, ông Thúy thừa nhận không có tài khoản, không dùng thẻ tín dụng. Với lương "chỉ đủ đưa vợ đi chợ và giữ lại một ít trong túi để tiêu vặt". "Tôi hoàn toàn không có nhu cầu, nếu bắt tôi làm động tác đến ngân hàng để gửi và rút tiền thì thật là hình thức"- Thống đốc Thúy nói.
Bấy giờ, đã có thuật ngữ "nền kinh tế tiền mặt" và rất nhiều người bất ngờ trước quan điểm và "tấm gương thống đốc".
Năm 2005, Chính phủ ban hành nghị định Phòng chống rửa tiền. Và chẳng có ai ngạc nhiên khi trong suốt 6 năm qua, hoàn toàn không có vụ rửa tiền nào bị phát hiện, dù tham nhũng, buôn lậu, buôn bán ma túy đang là những vấn nạn chưa bao giờ thôi nhức nhối. Rất đơn giản là bởi Việt Nam có quá nhiều công dân Lê Đức Thúy "Không tài khoản, không thẻ tín dụng và mua gì là móc túi xỉa tiền liền tay".
Với một nền kinh tế tiền mặt, việc phân biệt tiền sạch, tiền bẩn là không thể.
Khi QH thảo luận Luật phòng chống rửa tiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo ngậm ngùi: "Tiền bẩn" của bọn buôn lậu, buôn ma túy trở thành "tiền sạch" quá dễ. Bởi chỉ cần mang bao tiền bẩn đó đi mua nhà, mua đất rồi bán lấy tiền là thành tiền sạch, không cần phải "rửa" qua các ngân hàng.
Muốn phòng chống tội phạm rửa tiền, muốn phân định tiền sạch, tiền bẩn, thì vấn đề cốt lõi là tiền phải được quản lý trong hệ thống ngân hàng và các giao dịch được thực hiện không dùng tiền mặt.
Cách đây 5 năm, Chính phủ đã ban hành Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ thị về việc trả lương qua tài khoản. Nhưng kết quả không đáng là bao khi tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán vẫn ở mức "hai con số". Và cho dù, đến cuối năm 2010 số máy ATM đã lên tới 11.294 chiếc nhưng trên thực tế, người dân chỉ sử dụng thẻ ATM để… rút tiền mặt thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân vẫn không thiết tha với việc mở tài khoản để giữ tiền tại Ngân hàng?
Ngoài câu chuyện thói quen, còn có một lý do quan trọng khác là vấn đề niềm tin.
Đối với rất nhiều người dân, lãi suất ngân hàng cao thấp thế nào không quan trọng bằng sự an toàn cho những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Còn nhớ trong buổi thảo luận Luật bảo hiểm tiền gửi, Đại biểu QH Trần Hoàng Ngân phát biểu rằng rất nhiều người dân Việt Nam vẫn đang ngộ nhận gửi tiền vào ngân hàng là tuyệt đối an toàn, ngay cả khi phá sản Nhà nước cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế quy định khi gửi tiền mà ngân hàng phá sản, người VN chỉ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng". Liệu có ai chơi trò đánh bạc khi mang gửi ngân hàng 100 tỷ mà chỉ được "bảo hiểm" 50 triệu đồng?- số tiền mà một vị đại biểu QH gọi là "mua gạo, mua rau".
3 năm trước, Đại biểu QH Phạm Thị Loan đã chất vấn Thống đốc NHNN xung quanh chuyện nền kinh tế quá nặng về giao dịch tiền mặt, tạo lỗ hổng cho tham nhũng và thất thu ngân sách... Bà Loan thậm chí còn khẳng định "Dịch vụ ngân hàng với nông thôn còn xa xỉ và xa lạ".
Đến giờ, chất vấn này vẫn chưa hề mất đi tính thời sự.
Bởi, vẫn lời Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: "Nếu nền kinh tế vẫn sử dụng tiền mặt như hiện nay, thì luật này làm cho có chứ không thể chống tội phạm rửa tiền được".
Sẽ không có gì là bất ngờ nếu 6 năm sau, vẫn không có vụ rửa tiền nào bị phát hiện.