'Tôi mà rửa tiền, đọc luật này tôi lách được ngay' - Dân Làm Báo

'Tôi mà rửa tiền, đọc luật này tôi lách được ngay'

"Tôi mà là người đi rửa tiền, đọc luật này tôi lách được ngay", đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận hội trường sáng nay (15/11) về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Cũng như khi thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học chiều qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính cấp thiết của dự án Luật phòng chống rửa tiền. Nhất là khi một trong các mục tiêu là để đáp ứng các cam kết quốc tế. 

Chặn "cửa" ngân hàng sẽ không khả thi 

Theo phân tích của đại biểu Dương Trung Quốc, nếu có ban hành dự án luật này cũng khó thực hiện vì kỷ luật giao dịch tài chính vẫn còn chưa nghiêm. Các điều khoản trong dự luật cũng không giúp cải thiện được tình hình vì người có hành vi rửa tiền rồi sẽ tìm cách đi qua nhiều "cửa" khác. "Tôi mà là người đi rửa tiền, đọc luật này tôi lách được ngay", ông Quốc nói. 

Đại biểu Dương Trung Quốc: Phải giao cơ quan độc lập giám sát hoạt động rửa tiền. Ảnh: Minh Thăng

Ông Quốc cho rằng, nhiều quy định trong luật giống như quy chế hoạt động nội bộ của ngân hàng, chỉ áp dụng cho một cảnh cửa duy nhất là rửa tiền ở ngân hàng, và vô nghĩa với các hành vi rửa tiền khác. Trong khi đó, hoạt động rửa tiền diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Cũng theo ông, phải giao một cơ quan độc lập nằm ngoài ngân hàng giám sát hoạt động rửa tiền để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi". 

Theo ông Quốc, cần có một lộ trình nghiêm ngặt để kiểm soát kỷ luật giao dịch tài chính. Nếu không, luật này ra đời chỉ để thỏa mãn mục tiêu là đáp ứng các cam kết với quốc tế, không đáp ứng được yêu cầu làm trong sạch nền tài chính quốc gia. 

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm (đại biểu tỉnh Thái Bình) và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng Việt Nam sẽ là nơi nhắm đến của tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế vẫn đang sử dụng nhiều tiền mặt, vàng. Chính vì vậy, nếu chỉ chặn ở cửa "ngân hàng" sẽ không khả thi. 

Nói như đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), luật pháp Việt Nam ít quan tâm tìm hiểu và đòi hỏi làm rõ nguồn gốc đồng tiền. Trong khi đó, các khoản tiền bất hợp pháp xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau: đánh bạc, phạm pháp, mại dâm... Do Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng dùng được miễn là có thì muốn kinh doanh, buôn bán bất động sản đều dễ dàng. 

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng lo ngại, với một nền kinh tế tiền mặt, lại không quan tâm đến tính minh bạch của đồng tiền thì các điều khoản như trong luật sẽ rất khó áp dụng. Muốn hạn chế các hành vi rửa tiền, cách tốt nhất là tìm phương pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, như gắn với việc kê khai tài sản, làm rõ nguồn gốc các tài sản không phải là tiền mặt như bất động sản. 

Cân nhắc kỹ

Nhiều đại biểu chỉ ra, dự luật chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chứ dù nâng nghị định lên thành luật có lẽ trên thực tế vẫn không giải quyết được gì. 

ẢnhĐại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước : 

Đại biểu Nguyễn Công Hồng gọi đây là một dự án còn lẫn nhiều "hạt sạn". Còn đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, phải xác định tư tưởng chính của luật là thực hiện phòng chống rửa tiền hiệu quả chứ không chỉ ra đời cho đủ luật. 

"Dự án luật này đang còn nhiều vấn đề cần phải dành thời gian, công sức chuẩn bị thêm và phải chỉnh sửa nhiều giống như đã nói trong buổi góp ý cho Luật giáo dục đaị học hôm qua thì mới điều kiện để trình ra Quốc hội", ông Nam nói. 

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Luật Phòng, chống rửa tiền liên quan đến hai Bộ luật: Hình sự và Dân sự, và 6 luật khác đều liên quan đến luật quốc tế, đến rửa tiền, tài sản. Những khái niệm, nội dung trong luật này khác rất xa, không phù hợp 8 luật nói trên, nếu chúng ta không sửa được thì phải sửa hàng loạt các luật khác, như vậy liệu có khả thi? 

Chưa kể, theo thông lệ quốc tế, các biện pháp áp dụng thích hợp để cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch… nhưng lại là chuyện liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong công tác quản lý tổ chức cán bộ, khả năng thanh toán dùng tiền mặt, do vậy phải cân nhắc kỹ. 

Một quy định khác trong dự án luật là phòng chống tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, đa số đại biểu đều cho rằng đưa vấn đề này vào luật là quá khiên cưỡng. 

Trước đó, ban soạn thảo cũng đã giải trình, cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền vào tháng 12/2012 và cơ chế phòng, chống tài trợ khủng bố vào tháng 12/2011. Mà theo chương trình làm luật, Luật phòng, chống khủng bố sẽ được cho ý kiến năm 2012, dự kiến thông qua năm 2013.

Như vậy, nếu chờ có Luật phòng, chống khủng bố, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết quốc tế về thời gian thực hiện, dẫn đến nguy cơ bị kiểm soát, hạn chế trong các giao dịch tài chính, tiền tệ với đối tác nước ngoài. 

Tuy nhiên, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, Việt Nam tham gia công ước quốc tế về phòng chống rửa tiền từ năm 2000. Nhưng trách nhiệm vì sao từ đó đến nay chưa xây dựng một dự án luật phù hợp lại chưa được làm rõ. Do đó, theo ông, không thể biến chuyện này thành lý do để "ép" Quốc hội phải thông qua chỉ để phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Dự kiến, Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi được Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau.



*

Còn vác bao tiền mua đất, còn khó chống rửa tiền

Thế giới giám sát đồng tiền qua hệ thống ngân hàng và thuế vụ, còn Việt Nam thì chịu - đại biểu QH thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền chiều 9/11. 

Đa số đại biểu (ĐB) đồng ý về tính cần thiết của luật này, nhưng rất băn khoăn về tính khả thi.

Nhiều cách rửa tiền 

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đưa ra thông tin “sau 6 năm thực hiện nghị định của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, chưa phát hiện một vụ rửa tiền nào”.

Song theo ông, đây không phải lý do để cho rằng chưa cần thiết có luật về phòng chống rửa tiền, vì tình hình thực tế của Việt Nam khác thế giới. 

“Ở Việt Nam, tiền bẩn chắc chắn có nhưng được rửa bằng nhiều cách không chỉ qua ngân hàng”, ông Thảo nói.

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác tại Viện KSND tối cao, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chỉ ra hoạt động rửa tiền ở Việt Nam chủ yếu qua buôn bán chứng khoán, bất động sản, thành lập công ty (kể cả thua lỗ để ngụy trang cho hoạt động phạm pháp)… 

Ngay cả trong điều tra tham nhũng, “điều thường thấy là người ta vin lý do nhà cửa, tiền bạc là do vợ con kinh doanh mà có, không phải do chức vụ của mình mà ra”, ông Đương cho biết.

ĐB Trần Du Lịch: Việt Nam là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng xài được, không cần biết nguồn gốc. Ảnh: Chung Hoàng 

Thế nên “thế giới giám sát đồng tiền qua hệ thống ngân hàng và thuế vụ, còn Việt Nam thì chịu”, ĐB Trần Du Lịch cùng đoàn chia sẻ nhận định với đa số ĐB là giao dịch tài chính ở Việt Nam chủ yếu bằng tiền mặt.

“Việt Nam là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng xài được, không cần biết nguồn gốc, miễn là có thì muốn mở công ty, mua nhà đều dễ dàng”, ông Lịch nói. “Toàn tiền sạch cả, sao phải rửa?”. 

Chính vì thế, thảo luận ở đoàn ĐB Hà Nội, ông Đinh Xuân Thảo thấy những quy định như trong dự luật chỉ nhắm đến các ngân hàng là không khả thi. 

Đồng tình với ông Thảo rằng “những trưởng hợp rửa tiền được xác định là phạm tội đã có quy định xử lý trong Bộ luật Hình sự, luật này chủ yếu cần nêu các biện pháp phòng”, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng thấy các biện pháp phòng cũng chưa được nêu kỹ lưỡng.

“Dự luật mới chỉ nêu lên các nghiệp vụ ngân hàng mà chưa thấy được điều mấu chốt là loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến rửa tiền” , ông Thông phân tích. “Các tổ chức tội phạm thường chọn các nước đang phát triển để rửa tiền vì ở đó các cơ chế quản lý tài chính, ngoại tệ lỏng lẻo, dễ dãi, thị trường chưa được kiểm soát hiệu quả…”.

Ông Thông đồng ý với nhiều ĐB rằng một trong những “lỗ hổng cần phải bít” chính là thay đổi truyền thống giao dịch bằng tiền mặt hiện nay. 

“Chừng nào chưa chấm dứt được việc vác cả bao tiền đi mua đất, việc người dân tích trữ hàng nghìn cây vàng trong nhà, thì còn chưa ngăn chặn được nguyên nhân gốc dẫn đến rửa tiền”, ĐB tỉnh Thanh Hóa nói. 

Các ĐB cũng cho rằng phòng chống rửa tiền cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, đặc biệt là lực lượng điều tra, nên quy định giao cho Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm việc này là chưa hợp lý. 

Phần lớn ĐB thấy dự luật chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chứ dù nâng nghị định lên thành luật có lẽ trên thực tế vẫn không giải quyết được gì. 

Chống tài trợ khủng bố 

Các ĐB nhận định tương tự khi cho ý kiến có nên đưa nội dung phòng chống tài trợ khủng bố vào dự luật này. 

Giải trình của Chính phủ cho thấy nhận định này có cơ sở: Một trong những cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền vào tháng 12/2012 và cơ chế phòng, chống tài trợ khủng bố vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, theo chương trình làm luật của QH, Luật phòng, chống khủng bố sẽ được cho ý kiến năm 2012, dự kiến thông qua năm 2013. 

Do vậy, nếu chờ có Luật phòng, chống khủng bố, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết quốc tế về thời gian thực hiện, dẫn đến nguy cơ bị kiểm soát, hạn chế trong các giao dịch tài chính, tiền tệ với đối tác nước ngoài. 

Phần lớn ĐB phản đối ghép khiên cưỡng mà để nội dung này đưa vào Luật phòng chống khủng bố. 

ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) phân tích: “Quan niệm và nhìn nhận của ta với quốc tế về khủng bố, không chỉ với các đối tượng là cá nhân, tổ chức mà còn với các nhà nước, có nhiều điểm khác nhau nên cần thận trọng”. 

“Tốt nhất là để đưa vào Luật phòng chống khủng bố, đạo luật sẽ thể hiện đầy đủ toàn diện quan điểm của ta về vấn đề khủng bố”, ông Thi nói.

Ông đồng ý với ông Thảo ở nhận định nội luật hóa các cam kết quốc tế không nên rập khuôn, răm rắp mà cần độc lập, cân nhắc thấu đáo và liên hệ chặt chẽ với tình hình thực tiễn. 

Chung Hoàng - Phương Loan 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo