Trung Thanh (PL) - “Do đây là một dự án với quy mô lớn, nhiều loại hình công việc phức tạp, là công trình sử dụng nhiều loại hóa chất nguy hại, có nhiều nhà thầu trong và ngoài nước thi công nhưng ở một số nhà thầu ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn”
*
Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đang giám sát công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (dự án bauxite Lâm Đồng). Việc giám sát này là theo kết quả thanh tra đột xuất hồi cuối tháng 11-2011 do Bộ TN&MT chủ trì.
Rò rỉ dầu ra môi trường xung quanh
Khi kiểm tra các khu vực lưu chứa hóa chất (từng xảy ra vụ tràn xút ra môi trường), đoàn thanh tra phát hiện tại bồn chứa dầu DO có dấu hiệu rò rỉ ra môi trường. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bể tách váng dầu không có mái che và trên bờ bao bằng bê tông có nhiều lỗ khoan, váng dầu theo các lỗ khoan này rỉ ra xung quanh. Đoàn thanh tra yêu cầu ban quản lý dự án phải bịt ngay các lỗ khoan quanh bờ bao, đồng thời phải có biện pháp thu gom, xử lý triệt để lượng nước nhiễm dầu. Đoàn thanh tra cũng lấy mẫu nước tại cống thoát nước trước cổng nhà máy trước khi đổ ra hồ Cái Bảng đưa đi phân tích để đánh giá chất lượng xả thải của nhà máy.
Với chất thải nguy hại (CTNH), tại thời điểm thanh tra nói trên, ban quản lý dự án vẫn chưa lập sổ đăng ký chủ nguồn thải và chưa xây nhà kho lưu chứa chất thải theo quy định. Theo xác minh của đoàn thanh tra, thời gian qua ban quản lý dự án ký hợp đồng chuyển giao một khối lượng CTNH cho một cá nhân không có giấy phép hành nghề thu gom, xử lý CTNH.
Chưa chính thức hoạt động nhưng dự án bauxite Lâm Đồng đã hai lần rò rỉ hóa chất. Ảnh: TRUNG THANH
Đoàn thanh tra cũng phát hiện ban quản lý dự án vẫn chưa lập dự án ký quỹ phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Khó kiểm soát môi trường!
Theo Ban Quản lý dự án bauxite Lâm Đồng, hiện đã hoàn thành 95% hạng mục công trình, dự kiến vào tháng 3-2012 sẽ đi vào chạy thử. “Do đây là một dự án với quy mô lớn, nhiều loại hình công việc phức tạp, là công trình sử dụng nhiều loại hóa chất nguy hại, có nhiều nhà thầu trong và ngoài nước thi công nhưng ở một số nhà thầu ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn” - ban quản lý dự án báo cáo với đoàn thanh tra.
Đoàn thanh tra đã yêu cầu ban quản lý dự án phải thực hiện ngay việc lập dự án ký quỹ phục hồi môi trường, đồng thời phải lập sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, xây kho lưu giữ và ký hợp đồng chuyển giao CTNH cho các đơn vị có chức năng thu gom - xử lý.
Đoàn thanh tra cũng lưu ý ban quản lý sớm hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng nước mặt cũng như giấy phép xả thải theo quy định. Trước khi xây dựng xong các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường, ban quản lý dự án phải có kế hoạch vận hành thử nghiệm và báo cáo Bộ TN&MT kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Quặng bauxite tại
các mỏ ở khu vực Tân Rai có quy mô khai thác gần 4,4 triệu tấn/năm,
tuyển quặng tinh khô khoảng 1,6 triệu tấn/năm và sản xuất alumin là hơn
0,6 triệu tấn/năm. Hóa chất sử dụng gồm: xút (NaOH 100%) khoảng 40.000
tấn/năm; acid sunfuric khoảng 4.500 tấn/năm, dầu DO khoảng 220
tấn/năm...
|