Chuyến du lịch dưới sự giám sát tại Bắc Triều Tiên - Dân Làm Báo

Chuyến du lịch dưới sự giám sát tại Bắc Triều Tiên

(RFI) - Đi thăm đất nước khép kín nhất thế giới là điều có thể thực hiện được ! Hàng năm đều có một số người ngoại quốc thử làm một cuộc phiêu lưu như thế. Phóng viên ban Pháp ngữ RFI đã đóng vai một khách du lịch để tiến hành một chuyến đi độc đáo, và đương nhiên là dưới sự kiểm soát chặt chẽ, trong đất nước cuối cùng còn cai trị theo kiểu Staline.

Không thể nào bất chợt nổi hứng mà ngao du đến đấy một mình, với thẻ tín dụng và chiếc ba-lô trên lưng được. Để có thể đặt chân đến Bắc Triều Tiên (BTT), vui lòng tìm đến một công ty du lịch « chuyên trách», chỉ duy nhất có công ty này mới có thể xin được visa cho bạn. Do không có quan hệ ngoại giao, tức không có lãnh sự quán, nên chính Bình Nhưỡng mới có cái quyền trao cho hạt vừng mầu nhiệm để mở cánh cửa, sau cuộc « điều tra » của phái bộ đầy bí ẩn tại Paris. Phái bộ này kiểm tra xem người xin visa có phải là nhà báo hay không. Rất may mắn là chúng tôi đã lọt lưới, nhưng bầu không khí không phải vì thế mà không nặng nề.

Thành phố của những tòa cao ốc, sạch thoáng và... trống vắng, thiên đàng cho người đi xe đạp. 

Đi nghỉ mát tại Bắc Triều Tiên, là rời khỏi thế giới thực để dấn thân vào một không gian độc đoán. Ngay khi vừa đến sân bay Bình Nhưỡng, các va-li liền bị lục soát. Hộ chiếu, điện thoại di động, thiết bị định vị GPS và ngay cả các tạp chí của phương Tây – chắc chắn là phản động – đều bị tịch thu. Tại sảnh lớn, những hướng dẫn viên du lịch người BTT đang đợi. Họ không rời chúng tôi một bước, cho đến khi chuyến đi kết thúc.

Đi du lịch, vâng, nhưng với điều kiện

Métro ở Bình Nhưỡng, có thể là nơi tránh bom nguyên tử. Du khách phương Tây chỉ được tham quan có 2 trạm, 13 trạm còn lại vẫn là bí ẩn. 

Ngay lập tức, du khách nước ngoài được chuyển đến một trong số ba khách sạn được dành riêng cho họ. Thường xuyên nhất là đưa đến Yanggakdo, một khách sạn bốn sao xây dựng trên một hòn đảo nằm bên ngoài trung tâm thành phố. Không có chuyện đi ra khỏi đây mà không có người hướng dẫn đi theo ! Và ngay cả lúc có người kèm cặp, khách ngoại quốc cũng bị cấm sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hay giữ tiền won - đồng tiền bản địa. Ở đây, du khách chi trả bằng euro hay bằng nhân dân tệ. Khó thể thay đổi dù một chút xíu trong chương trình đã được định trước với công ty du lịch : Bắc Triều Tiên không ưa những gì nằm ngoài dự tính.

Hiếm khi thấy được xe hơi trên các đại lộ ở Bình Nhưỡng, vì thiếu xăng dầu. 

Hướng dẫn viên được áp đặt cho chúng tôi vừa là người giám hộ, diễn giả, vừa là đại sứ của chế độ. Phô ra chiếc huy hiệu có hình Kim Il Sung trên ngực, như tất cả những người dân BTT khác, anh ta ứng dụng một cách tuyệt diệu hệ tư tưởng chính thức và ngữ nghĩa của nó. Mỹ thì đương nhiên là « đế quốc », Nhật luôn luôn « tàn bạo », và chính phủ Hàn Quốc nhất thiết phải là « ngụy quyền ». Trong một viện bảo tàng ở Sinchon, phía tây nam thủ đô, những tội ác mà Washington phạm phải trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) được trưng ra với sự hỗ trợ của rất nhiều số liệu và tranh ảnh gần như vượt quá ranh giới chịu đựng của con người. Trước tòa nhà này, là một bức bích họa ghép, như hàng ngàn bức khác ở quốc gia này, mô tả một người BTT đang « dạy một bài học » cho một người lính Mỹ : « Tống cổ bọn đế quốc Mỹ, và thống nhất đất nước Triều Tiên ! » – hướng dẫn viên dịch lại.

Khách sạn 105 tầng dạng kim tự tháp này chỉ là một cái vỏ rỗng. Khởi công từ năm 1992, nhưng chưa bao giờ hoàn tất. 

Từ công trình này đến dinh thự nọ, người hướng dẫn tuồn cho chúng tôi một dòng thác những con số. Nào thời điểm khánh thành, thời gian thi công, số chuyến viếng thăm của Kim Il Sung, và nhiều huyền thoại. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây, được kể không mệt mỏi cho những người khách đến thăm trang trại Chonsam. Một hôm « Chủ tịch vĩnh cửu » đến thăm nông dân của hợp tác xã này, vốn nổi tiếng về sản xuất quả hồng. Ông hỏi : « Cây này cho ra bao nhiêu quả ? ». Các xã viên trả lời : « Năm trăm ». Chỉ cần liếc nhanh qua, Kim Il Sung chỉnh ngay : « Không đúng, tám trăm ! ». Kiểm tra lại, đúng là cái cây ấy có đến 803 quả hồng ! Câu chuyện đáng được đưa vào kho tàng huyền thoại về Lãnh tụ vĩ đại.

Buộc phải thắt cà-vạt và mang hoa viếng

Viếng lăng Kim Il Sung là bắt buộc đối với du khách cũng như dân BTT. 

Một số cuộc tham quan không chỉ được khuyến cáo mà còn mang tính bắt buộc. Mỗi du khách đều phải đến viếng người cha đẻ của đất nước -Kim Il Sung - các bức chân dung của ông ta luôn ngự trị trên mặt tiền của tất cả các công sở. Để đi viếng, khách buộc phải thắt cà-vạt và mang theo một bó hoa, vì vậy trên đường đi có chặng dừng để mua hoa.

Người ta chỉ vào được bên trong lăng sau một loạt thang cuốn dài bất tận. Những trục cuốn lau chùi các đôi giày, chiếc quạt thổi làm mất đi những vết bẩn dù nhỏ nhất trên quần áo. Không có chuyện làm ô uế nơi chốn linh thiêng, cũng sẽ là nơi an nghỉ của con trai Lãnh tụ - ông Kim Jong Il, qua đời ngày 17/12. Trong không khí hết sức long trọng, cuối cùng khách đã có thể cúi mình ba lần trước xác ướp của Lãnh tụ vĩ đại, trước sự giám sát của các quân nhân đứng canh ở bốn góc gian phòng.

Tuyên truyền hiện diện khắp nơi. Hàng ngàn học sinh đồng diễn đang ca ngợi vinh quang BTT của họ nhà Kim. 

Những địa điểm tham quan bắt buộc khác là các cơ sở giáo dục – nhà trẻ, trường học, và các Cung Thanh niên, nơi các em thiếu nhi bộc lộ một loạt tài năng trong những buổi trình diễn, mà về mặt chính thức là « đột xuất ». Từ nghệ thuật thêu tay đến thư pháp, từ múa đến biểu diễn đàn phong cầm, trình độ tuyệt vời của các vị đại sứ nhỏ bé của chế độ phải được trưng ra trước mắt thế giới.

Trẻ em trình diễn "đột xuất" đàn phong cầm cho du khách thưởng thức. 

Thức giấc trong tiếng nhạc tuyên truyền

Tuy nhiên trong cái xã hội cộng sản lý tưởng của chủ nghĩa Juche này (chủ thuyết về một xã hội không giai cấp, tự cung tự cấp, độc lập về chính trị và quân sự - chú thích của người dịch), du khách lại có một thứ cảm giác bất ổn. Không thể không nhận ra sự vắng bóng của các cửa hàng thực phẩm, những quán cà phê ngoài trời, không nhìn thấy tình trạng hư nát của các con đường bên ngoài phạm vi thủ đô. Hoặc là phải đặt ra câu hỏi về đội quân những “người tình nguyện” bị trưng tập để cắt đi bất cứ ngọn cỏ nào mọc vô trật tự. Khó thể không nghe thấy từ lúc mới năm giờ sáng, các điệu nhạc tuyên truyền được những chiếc loa phóng thanh khạc ra, từ sáng sớm cho đến chiều tối, đệm vào nhịp sống thường ngày của người dân BTT. Ở nông thôn, trâu bò kéo tiếp tục kéo những chiếc cày có từ thời cổ đại, phân bón thiếu thốn, nông nghiệp đang trượt dốc. Người BTT phải chịu đựng nạn thiếu ăn mãn tính: theo Liên Hiệp Quốc, sáu triệu người đang cần viện trợ thực phẩm.

Một chiếc xe phun khói mù mịt trên đường đến nông thôn, đơn giản là vì xe chạy bằng than. 

Dân chúng, bị gây mê bởi công tác tuyên truyền, không nhìn bạn đến một lần. Chắc chắn là họ sợ bị trông thấy, mà cũng có thể chỉ đơn giản vì sợ hãi, thế thôi. Không internet, không Facebook, không báo chí, đa số người dân BTT hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài. Rốt cuộc, tại các khu vui chơi giải trí đặc biệt nhiều tại quốc gia này, mới có thể tiếp cận được nhiều hơn với họ. Đôi khi họ còn mỉm cười. 

Cái chế độ đã cầm tù, đã bỏ đói người dân, nhưng song song đó lại cho họ sử dụng những chiếc đu quay mới tinh, là một chế độ như thế nào vậy nhỉ? “Bánh mì và trò chơi”, ở những nơi khác có thể nói như thế (LND: Các nhà lãnh đạo La Mã cổ đại phân phát cho dân chúng bánh mì và miễn phí các trò xiếc, để họ đừng quan tâm đến chính trị). Nhưng ở đây lại thiếu gạo. Và nếu không có bất ngờ nào xảy ra, thì tình hình cũng sẽ không thay đổi gì sau cái chết của Lãnh tụ kính yêu. Kỷ nguyên Kim Il Sung đã trọn, kỷ nguyên Kim Jong Il vừa tắt ngấm. Nhưng các cán bộ cao cấp của chế độ cũng như Bắc Kinh, lo lắng bảo vệ lợi ích của chính mình, là những thế lực trong bóng tối đối với người thừa kế trẻ của triều đại.

(Tất cả các ảnh trong bài đều của RFI)

Phải thấy mới tin: Người dân Bình Nhưỡng xếp hàng vào khu vui chơi mới toanh, vào cửa hầu như miễn phí.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo