Cao Thái - Sáng 5/12, khoảng gần 1.000 người dân thị trấn Hưng Nguyên đã kéo về trụ sở UBND huyện đòi gặp lãnh đạo để phản đối việc sáp nhập và di chuyển Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên về tại Trường THCS Hưng Đạo. Lực lượng bảo vệ đã phải đóng cổng do dân kéo đến quá đông, bao vây trụ sở UBND huyện.
Theo phản ánh của người dân, trong thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã cho máy múc đến đào một số cây cổ thụ, cây cảnh tại Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên để vận chuyển lên Trường THCS Hưng Đạo, chuẩn bị cho việc di chuyển hoàn toàn Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên lên địa điểm mới. “Chúng tôi nhất quyết phản đối việc xóa sổ ngôi trường này”- một người dân ở thị trấn Hưng Nguyên bức xúc cho biết.
Từ sáng sớm, rất đông phụ huynh học sinh đã kéo về trước cổng UBND huyện, yêu cầu được gặp lãnh đạo, khiến giao thông trở nên ách tắc. Lực lượng công an đã phải huy động hàng chục chiến sỹ đến khắc phục nhưng không xuể. Trước sự phản ứng của người dân, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đã phải hủy buổi giao ban đầu tuần để tiến hành đối thoại với người dân.
Buổi làm việc được tiến hành tại phòng hội nghị của UBND thị trấn Hưng Nguyên. Tại đây, phía lãnh đạo gồm ông Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND huyện Trần Xuân Trung, đã tiếp xúc trực tiếp với người dân. Hầu hết các ý kiến của phụ huynh đều tỏ ra bức xúc và phản đối kịch liệt việc di chuyển trường ra khỏi thị trấn.
Ông Võ Hạnh, một đại biểu được dân ủy quyền, phát biểu: “Theo chúng tôi được biết thì dự án sáp nhập này đã có từ tháng 2/2009 nhưng hầu hết bà con không biết chuyện này. Phải đến lúc máy móc đến đào cây, san sân trường thì mọi người mới hoang mang là lãnh đạo đã “bán” trường THCS thị trấn. Đây là ngôi trường có bề dày nhất huyện, lại ở trung tâm nên không có lý do gì để sáp nhập vào một xã khác”.
Chủ tịch Trần Xuân Trung giải thích: “Việc sáp nhập hay di dời là căn cứ theo quyết định của cấp trên, trong đó có Quyết định 71-2009 của UBND tỉnh về việc quy hoạch trường lớp. Do thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ sinh đang ít đi, dẫn đến các trường lớp ít học sinh hơn. Chúng ta phải sáp nhập, đảm bảo số lượng học sinh phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục”.
Đại biểu Lê Thông phản bác: “Thử hỏi khắp cả tỉnh có thị trấn nào mà không có trường cấp 2 không? Phụ huynh chúng tôi hàng năm đều đóng tiền để xây dựng khang trang mà nay lại đập phá, xóa sổ để di chuyển đến một nơi xa hơn là sao. Như vậy có nghĩa là người dân phải sinh đẻ nhiều hơn để đảm bảo có đủ số học sinh, mới nâng cao chất lượng giáo dục?”.
Ông Trung cho biết đây là căn cứ theo quyết định của cấp trên, là chủ trương chung. Đại biểu Võ Hạnh tiếp tục phản bác: “Đó chỉ là chủ trương bao quát và định hướng, tại mỗi nơi đều phải căn cứ vào tình hình thực tế, không thể bê y nguyên vào. Hơn nữa, một quyết định của Chính phủ, của Quốc hội đưa ra có thể không phù hợp thì cũng sửa đổi…”.
Chủ tịch Trần Xuân Trung lập tức giằng lấy mi-cờ-rô và lớn tiếng: “Nếu không phù hợp thì Quốc hội mới có quyền sửa, người dân trước mắt phải biết lắng nghe và phản ánh có thủ tục. Việc di chuyển hay không còn phải thống nhất ý kiến sau”. Không khí tại buổi tiếp xúc trở nên căng thẳng khi toàn thể bà con có mặt đã ùa lên phản đối hành động giằng lấy mi-cờ-rô của chủ tịch Trung.
Từ tháng 8/2009, Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên đã nằm trong dự án sáp nhập về với Trường THCS Hưng Đạo, và được mang tên mới là Trường THCS Quang Trung- phân hiệu 2. Được biết Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 năm 2007.
Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Vy đã xoa dịu người dân, rằng: "Trước mắt học sinh sẽ đi học bình thường tại thị trấn. Nếu sau này có di chuyển trường thì lãnh đạo sẽ bàn bạc thật cụ thể và thấu đáo với người dân. Còn việc đào cây cổ thụ hay cây cảnh thì hoàn toàn không phải là chủ trương của huyện, đó có thể là sai sót của nhà trường. Chúng tôi khẳng định, Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên trước mắt vẫn giữ nguyên và chưa “bán” cho ai hết nên người dân cứ yên tâm”.
Tuy nhiên người dân vẫn chưa chịu dừng lại. Họ yêu cầu huyện phải khẳng định chắc chắn và đảm bảo bằng biên bản. “Quan điểm của chúng tôi là ngôi trường phải được giữ lại, kể cả tên trường. Nếu huyện không giải quyết thì chúng tôi sẽ cùng nhau xuống gặp UBND tỉnh Nghệ An để làm rõ”- ông Lê Thông cho biết.
Cao Thái