No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn - Dân Làm Báo

No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn

"Em ý thức việc mình mặc chiếc áo này để nói lên tiếng nói của mình, thể hiện rõ chính kiến của mình trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Em không gặp khó khăn, không gặp những ánh mắt khác biệt từ những người xung quanh. Điều khó khăn duy nhất em gặp phải là ngay trong ngày thành lập Câu lạc bộ, tụi em bị bắt. Công an và dân phòng phường Cầu Ông Lãnh nói với em: ‘Mày rỗi quá đi phá làng phá xóm. Muốn xóa bỏ đường lưỡi bò, có ngon ra Hoàng Sa-Trường Sa đánh nhau với Trung Quốc'. Họ nhục mạ em thậm tệ. Em rất choáng trước những lời nói của họ."Nguyễn Hoàng Vi

*

Trà Mi (VOA) - Câu chuyện trên Tạp chí Thanh Niên của chúng ta hôm nay có liên quan đến bóng đá và thể thao, nhưng không phải bàn về cúp bóng đá SEA Games 26 vừa kết thúc. Trà Mi sẽ giới thiệu đến các bạn 2 đội bóng rất đặc biệt, với cùng một tên gọi cũng hết sức đặc biệt, vừa được thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn sau khi hàng loạt các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông bị chính quyền Việt Nam trấn dẹp. Đó là 2 đội bóng NO-U ở hai miền Nam-Bắc, còn được mệnh danh là ‘Câu lạc bộ Bóng đá của Những người yêu nước dũng cảm’, quy tụ sự tham gia của những cầu thủ trẻ và các cổ động viên thuộc mọi lứa tuổi. Các bạn muốn tìm hiểu thêm về sinh hoạt của hai đội bóng này? Hãy cùng Trà Mi gặp gỡ 4 thành viên của NO-U Sài Gòn và NO-U Hà Nội, khách mời trong chương trình hôm nay.

Lê Dũng: Tôi là thành viên đội bóng NO-U Hà Nội. Tôi thường là đội trưởng một bên sân vì chúng tôi thường chia thành hai bên. Một bên áo đen. Bên kia áo trắng hoặc đỏ. 

Trần Hoài Bảo: Mình là thành viên Câu lạc bộ NO-U Sài Gòn. Mình thường đá vị trí hậu vệ. 

Trịnh Anh Tuấn: Em cũng là thành viên Câu lạc bộ NO-U Sài Gòn. Em đá tiền đạo. 

Nguyễn Hoàng Vi: Em cũng là thành viên Câu lạc bộ NO-U Sài Gòn. Em là cổ động viên và giúp các bạn ở khâu hậu cần. 

Trà Mi: Ý tưởng thành lập đội bóng xuất phát từ đâu? Ai là người thành lập đội bóng NO-U ở Sài Gòn? 

Nguyễn Hoàng Vi: Ý tưởng này của tập thể tất cả các bạn trẻ ở Sài Gòn với mục đích rèn luyện thân thể và nói lên tiếng nói của mình là không chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc. Điều đó thể hiện ngay trên logo của Câu lạc bộ NO-U Sài Gòn: “Xóa đường lưỡi bò-Bảo vệ Tổ quốc”. 

Trà Mi: Đội bóng của các bạn được thành lập từ bao giờ? 

Nguyễn Hoàng Vi: Từ ngày 27/11. 

Trà Mi: Xin mời Câu lạc bộ Bóng đá NO-U Hà Nội. Anh Dũng, một thành viên đại diện tham gia chương trình hôm nay, có thể giới thiệu đôi chút về đội bóng của mình? 

Lê Dũng: Chúng tôi có ý định thành lập đội bóng từ lâu rồi. Trước khi 10 cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, anh em nhất trí gặp gỡ với nhau qua một đội bóng. Trước đó, chúng tôi có tham gia một vài đội bóng ở cơ quan đá giao hữu với các đội như Thể Công Hà Nội chẳng hạn. Từ ý tưởng đó, đội bóng NO-U Hà Nội được thành lập. Chúng tôi đá giao hữu với nhau hằng tuần vào chiều chủ nhật. 

Trà Mi: Anh Dũng vừa cho biết đội NO-U Hà Nội được thành lập sau các cuộc tuần hành chống Trung Quốc khởi sự hồi tháng 6, xuất phát từ ý tưởng muốn tìm một dịp để mọi người gặp gỡ nhau ngoài những cuộc tuần hành gặp nhiều trắc trở. Như vậy, đội bóng quy tụ các thành viên từng tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc, phải không anh? 

Lê Dũng: Đúng vậy, nhưng ngoài ra còn có rất nhiều người chưa đủ can đảm xuống đường tuần hành với chúng tôi cùng tham gia vào đội bóng hoặc làm cổ động viên tặng nước, tặng bóng, góp tặng tiền thuê sân. 

Trà Mi: Hiện đội bóng có bao nhiêu thành viên chính thức trong đội bóng NO-U Hà Nội, thưa anh? 

Lê Dũng: Thành viên đá chính thức trên sân và dự bị trên 20 người, nhưng cổ động viên rất đông bao gồm trẻ em tới người già 70 tuổi. 

Trà Mi: Xin trở lại với đội bóng NO-U Sài Gòn, lịch sinh hoạt của các bạn thế nào? 

Nguyễn Hoàng Vi: Sau buổi ra mắt đầu tiên hôm 27/11, tụi em tính sẽ gặp nhau sinh hoạt hằng tuần. 

Trà Mi: Đội ngoài Bắc sau vài tháng thành lập đã có màu áo cố định. Thế còn trong Nam, sự chuẩn bị của các bạn thế nào? Thành viên chính thức hiện tại bao nhiêu người? 

Nguyễn Hoàng Vi: Tham gia đá chính thức là 15 người, trong độ tuổi từ 20 đến 40. Sinh viên cũng có, những người đã đi làm cũng có. Tụi em hoan nghênh tất cả mọi người. 

Trà Mi: Trận khai mạc vừa rồi của các bạn có kỷ niệm nào đáng nhớ? 

Nguyễn Hoàng Vi: Có sự tham gia của chị Bùi Hằng và các bạn bên Dòng Chúa Cứu thế. Tụi em có tiệc ra mắt Câu lạc bộ, với sự tham dự của các blogger như Đỗ Trung Quân, Bùi Chát, Uyên Vũ..và rất nhiều anh chị khác đến chung vui với đội bóng. Sau bữa tiệc, tụi em ra Nhà thờ Đức Bà chụp hình kỷ niệm của đội bóng và đã bị công an phường Bến Nghé bắt. 

Trà Mi: Sau trận ra mắt đầu tiên đã gặp rắc rối với chính quyền, cảm nghĩ của các bạn thế nào? Tâm lý của các bạn hiện nay ra sao? 

Trần Hoài Bảo: Sau trận ra mắt, em có làm việc với công an khu vực phường Bến Nghé và an ninh thành phố. Họ nói không nên mặc chiếc áo NO-U trong thời điểm nhạy cảm này. Em đã bác bỏ. Em cho rằng logo và khẩu hiệu trên áo hoàn toàn đúng ý nguyện của anh em, cũng như y nguyện của cả nước. Em hy vọng các anh em sẽ tiếp tục duy trì được cái lửa như hôm vừa rồi. Tới giờ em vẫn còn phấn khích khi nghĩ về ngày ra mắt của đội bóng. 

Trà Mi: Ở miền Bắc, xin anh Dũng cho biết logo trên áo đội bóng và tên đội bóng NO-U có gây trở ngại gì cho sinh hoạt của đội bóng chăng? 

Lê Dũng: Không trở ngại gì cả, không những chúng tôi mặc áo đó ra sân mà còn mặc hằng ngày đi trên khắp các con phố ở Hà Nội. Chúng tôi coi đó là thời trang của chúng tôi. Tôi có 4 chiếc áo NO-U, tôi mặc suốt tuần, thậm chí mặc đi du lịch nhiều nơi, chứ không riêng trên sân cỏ. 

Trà Mi: Có sự khác biệt ở đây, cùng một logo mà ở miền Nam ngay khởi điểm đã gặp trục trặc, còn miền Bắc thì không. Mình có hiểu được lý do vì sao có sự khác biệt này không ạ? 

Lê Dũng: Có thể là nhận thức của lực lượng công quyền và nhà quản lý ở hai nơi khác nhau. 

Trà Mi: Trong tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay và giữa bối cảnh mối bang giao Việt-Trung không mấy suông sẻ, việc mặc áo ghi dòng chữ HS-TS-VN hay NO-U dễ bị để ý và dễ bị mời làm việc. Khi lấy tên đội bóng là NO-U và mặc áo NO-U đi trên đường phố, các bạn có cảm tưởng thế nào? Có cảm giác mình đang gây chú ý chăng? 

Lê Dũng: Chúng tôi mặc chiếc áo này hoàn toàn dựa theo Luật biển quốc tế, nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc rất vô lý, chúng tôi cũng như tất cả các nước liên quan đến Biển Đông đều phản đối. Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974. Ngay Thủ tướng Việt Nam cũng đã phát biểu như thế trên diễn đàn quốc hội, dù chỉ mới cách đây vài ngày thôi. Chúng tôi dựa trên tài liệu, căn cứ pháp lý để xác lập chủ quyền Biển Đông của Việt Nam. 

Trà Mi: Các bạn trong đội bóng NO-U Sài Gòn ở miền Nam cảm nhận thế nào khi khoác chiếc áo này lên mình, một chiếc áo bị coi là nhạy cảm trong thời điểm này? 

Trịnh Anh Tuấn: Tụi em lúc nào cũng muốn đường lưỡi bò đó không thể thành hiện thực. Tụi em rất khó chịu khi đọc những thông tin về đường lưỡi bò này. 

Trà Mi: Nhưng bạn có cảm giác dễ bị chú ý khi mặc chiếc áo này đến những nơi công cộng như vào trường hay công sở chăng? 

Trịnh Anh Tuấn: Điều đó là có nhưng tụi em muốn mọi người thấy được suy nghĩ của tụi em. 

Trần Hoài Bảo: Mặc chiếc áo này giữa Sài Gòn là một vấn đề. Có những ánh mắt dòm ngó, tò mò, nhưng chiếc áo này là một thông điệp rõ ràng và không sai trái. Tụi em muốn Trung Quốc xóa bỏ đường lưỡi bò trên Biển Đông, thể hiện tinh thần yêu nước của mình để nhắn nhủ với mọi người. 

Trà Mi: Bây giờ xin hỏi Vi. Là con gái đến với bóng đá mà lại đến với Câu lạc bộ NO-U với tên gọi và logo rất gây chú ý, suy nghĩ của Vi thế nào? 

Nguyễn Hoàng Vi: Em ý thức việc mình mặc chiếc áo này để nói lên tiếng nói của mình, thể hiện rõ chính kiến của mình trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Em không gặp khó khăn, không gặp những ánh mắt khác biệt từ những người xung quanh. Điều khó khăn duy nhất em gặp phải là ngay trong ngày thành lập Câu lạc bộ, tụi em bị bắt. Công an và dân phòng phường Cầu Ông Lãnh nói với em: ‘Mày rỗi quá đi phá làng phá xóm. Muốn xóa bỏ đường lưỡi bò, có ngon ra Hoàng Sa-Trường Sa đánh nhau với Trung Quốc. Họ nhục mạ em thậm tệ. Em rất choáng trước những lời nói của họ. 

Trà Mi: Mặc chiếc áo này bạn không gặp rắc rối với xã hội, dư luận xung quanh, mà với chính quyền, là điều rất khó khăn. Có thể trong tương lai sẽ còn những rắc rối khác nữa. Bạn chuẩn bị tinh thần cho mình như thế nào? 

Nguyễn Hoàng Vi: Em khẳng định điều em làm không hề sai trái pháp luật. Tụi em chỉ thể hiện lòng yêu nước thôi. 

Trà Mi: Tên đội bóng NO-U làm mình hơi thắc mắc rằng ngoài những buổi trao đổi kinh nghiệm về bóng đá, các thành viên trong đội có những sinh hoạt trao đổi, học hỏi nào với nhau khác nữa ngoài vấn đề rèn luyện thể chất chăng? 

Nguyễn Hoàng Vi: Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, sau này tụi em sẽ mở rộng các hoạt động hướng tới các công tác xã hội và cộng đồng. 

Trà Mi: Điều kiện sinh hoạt sân bãi của các bạn thế nào? Các bạn có chủ tịch Câu lạc bộ, nhà quản lý, hay nhà tài trợ cho các hoạt động của đội bóng hay không? 

Nguyễn Hoàng Vi: Dạ không. Tụi em tự đặt sân, kinh phí ai muốn tự nguyện đóng ủng hộ thì góp. 

Trà Mi: Ở miền Bắc thì sao, xin hỏi anh Dũng? 

Lê Dũng: Kinh phí chúng tôi tự góp, cũng có những người bên ngoài như các nhà văn, nhà báo tự nguyện ủng hộ. Chúng tôi thông báo sinh hoạt trên facebook và mọi người tập trung lại. 

Trà Mi: Trong tương lai, các bạn có kế hoạch nào để giao hữu với các đội khác, chứ không chỉ là đá với nhau thôi? 

Trịnh Anh Tuấn: Tụi em sẽ cố gắng. Logo của tụi em khiến chính quyền không thích có thể làm khó dễ và các đội bóng bạn có thể e ngại. Hôm trước, em bị công an phường Bến Nghé bắt, chiếc áo của em bị giữ lại. Sau đó họ chuyển chiếc áo về phường ‘quản lý’. 

Lê Dũng: Vừa rồi nói chuyện với mấy anh an ninh Hà Nội, mình có đề xuất đá giao lưu với các đội bóng của an ninh, công an quận Hoàn Kiếm, tòa án, hay của các đài báo. Họ nói họ sẵn sàng với điều kiện chúng tôi không mặc áo NO-U. Mình rất ngạc nhiên và buồn cười. 

Trà Mi: Nếu mặc áo có logo NO-U, sau khi đá giao hữu lại phải về làm việc với nhau. Yêu thể thao sau các bạn không vào các đội bóng khác ở học đường hay ở các hội đoàn-hội nhóm thanh niên, mà chọn đội bóng NO-U? 

Trần Hoài Bảo: Đây là đội bóng đặc biệt. Những người có chung ý tưởng, cùng một chính kiến và muốn nói lên ý kiến của mình mới tham gia vào đội bóng bị cho là ‘nhạy cảm’ này. 

Trà Mi: Tức là ngoài tinh thần yêu thể thao, đến với đội NO-U các bạn còn mang theo tinh thần yêu nước. 

Trần Hoài Bảo: Tinh thần yêu nước ai cũng có, nhưng tham gia vào đội bóng ‘nhạy cảm’ thế này không phải ai cũng làm vì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Trà Mi: Như vậy, mình phải nói là ngoài tinh thần thể thao, cần phải có tinh thần dũng cảm khi tham gia vào đội bóng ‘nhạy cảm’ này. Khi tới với đội bóng này, các bạn học được những gì, nghiệm ra cho mình những gì? 

Lê Dũng: Khi tới với đội bóng, chúng tôi rất tự hào. Trong khi chờ đợi có luật biểu tình, chúng tôi tụ họp với nhau trên sân bóng để thức tỉnh mọi người cùng suy nghĩ về các vấn đề của đất nước. Chúng tôi rất tự hào được mặc màu áo NO-U đó. 

Trà Mi: Các bạn trẻ muốn tham gia vào đội bóng NO-U ở hai miền Nam-Bắc cần phải làm gì, đăng ký ra sao? Họ có thể tìm hiểu về đội và lịch sinh hoạt của đội ở đâu? 

Lê Dũng: Các bạn có thể vào facebook của Lê Dũng hay trang Basam để theo dõi thông tin về đội NO-U Hà Nội. 

Nguyễn Hoàng Vi: Hiện nay, bạn nào muốn tham gia NO-U Sài Gòn có thể add vào địa chỉ facebook An Đổ Nguyễn. Tụi em sẵn sàng và rất hoan nghênh. 

Trà Mi: Thông điệp của đội bóng NO-U với giới trẻ là gì? 

Lê Dũng: Chúng tôi mong muốn đánh thức nhiều bạn trẻ quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, bảo vệ, tuyên truyền, và có tiếng nói góp phần cho công luận và nhiều người hiểu về lãnh thổ, lãnh hải, biển-đảo của đất nước mình. 

Trịnh Anh Tuấn: Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, chúng em muốn đội bóng NO-U là nơi giới trẻ cùng gặp gỡ, trao đổi, và tham gia các hoạt động xã hội. 

Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho chương trình.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo