Thưa các vị hội đồng - Dân Làm Báo

Thưa các vị hội đồng

Đào Tuấn - Thưa các vị hội đồng. Có một điều rất đáng nói là tâm lý "Sự đã rồi" trong dân chúng. Khi ý định tăng phí, tăng thuế ở Hà Nội mới phong thanh bên quán nước vỉa hè, giá cả xe cộ đã tăng chóng mặt. Điều nguy hiểm nhất là người dân tin chắc những loại phí thuế này sẽ tăng ngay khi Hội đồng chưa họp, không phải vì sự hợp lý của việc tăng thuế, mà bởi họ biết chắc Hội đồng sẽ gật...

*

Cách đây vài hôm, Đà Nẵng chính thức đề nghị thay tên gọi Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính. 

Cái tên này thực ra không mới. Ngày 21-1-2945, trong sắc lệnh số 63, UBHC đã được dùng để chỉ cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp ở Việt Nam.

Có hai điều đáng nói. Dù UBND hay UBHC, thì cũng đều là cơ quan chấp hành của hội đồng nhân dân. Hơn nữa, Ủy ban nhân dân và cả Hội đồng nhân dân có vì dân hay không, là ở các chính sách có thực sự vì dân hay không, chứ không phải do cái tên có chữ nhân dân hay không nhân dân.

Chính câu chuyện cái tên, và sự vì dân, đang khiến những người bỏ phiếu băn khoăn ngay trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND của hai trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM.

Đầu tiên là câu chuyện đất. Giá đất đô thị, theo tờ trình của UBND TP HCM được cho là "Không thay đổi so với năm 2011". Câu chuyện "không thay đổi", thực ra là ít thay đổi- chứa trong nó đến 3 sự vô lý: Khung giá đất tại 2 đô thị đặc biệt này đã "lạc hậu cả thập kỷ" mà không thay đổi là vô lý thứ nhất. Giá đất, do "Nhà nước" quy định, chủ yếu dùng trong trường hợp đền bù, có nơi chỉ 10 ngàn đồng, có lẽ chỉ "đắt" hơn chứng khoán, là điểm vô lý thứ hai. Điểm vô lý thứ 3 là HĐND không hề giải thích câu hỏi "tại sao không thay đổi", khi mà những bất cập về bảng giá đất trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng đang gây ra tình trạng khiếu kiện căng thẳng. Nếu chấp nhận cả 3 điểm vô lý này trong mấy chứ "không thay đổi" thì liệu kỳ họp HĐND có đặt ra và giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc?

Tại Hà Nội, HĐND sẽ họp và quyết một nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân. Đó là đề xuất tăng phí, lệ phí đăng ký và trông giữ các loại phương tiện của chính quyền. Toàn những tỷ lệ % khủng. Phí trông giữ xe tăng ít nhất 100%. Phí đỗ xe tăng 200-300%. Và kinh khủng nhất, với 3 lý do: Góp phần hạn chế tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và tăng thu ngân sách, phí đăng ký ô tô được đề nghị tăng 1000%.

Và ngay cả phí thăm quan chùa Hương, Văn Miếu, đánh vào nhu cầu thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần- cũng tăng gấp đôi.

Làm cư dân đô thị đặc biệt cũng khốn khổ theo kiểu đặc biệt. Ngoài chuyện phí giữ xe tăng theo kiểu trôn ốc, cao dần vào các Quận trung tâm. Giá nước sinh hoạt dự kiến áp dụng cho các đô thị đặc biệt cũng đặc biệt khi mức tăng cao nhất có thể lên tới 50%. Nguyên nhân: Vì các yếu tố đầu vào của nước: Hóa chất, lương (công nhân), các thiết bị khác... đều tăng.

Năm 2008, Khi chấp thuận cho phép ứng 1.000 tỉ đồng để xây dựng cầu Rạch Chiếc, TP HCM đưa ra lý do "Trong điều kiện ngân sách TP còn nhiều khó khăn". Để cuối cùng, đến kỳ họp này, phía chính quyền đề xuất chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cho dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc.

Trong hầu hết các đề xuất của chính quyền, đều đưa ra nguyên nhân của việc tăng giá, tăng thuế, tăng phí là để bù cho các yếu tố khác đã tăng do lạm phát, và quan trọng nhất, lý do phổ biến nhất là "Tăng thu ngân sách". Một trong những lý do đáng lẽ không bao giờ được đưa ra và nếu được đưa ra đáng lẽ không bao giờ được chấp nhận.

Thưa các vị hội đồng. Năm nay lạm phát sẽ không dưới 18%. Người dân đã gánh quá nặng rồi. Liệu có cần vắt thêm một "chiếc khăn trên vai con lừa", cho những nhu cầu giản dị?

Thưa các vị hội đồng. Có một điều rất đáng nói là tâm lý "Sự đã rồi" trong dân chúng. Khi ý định tăng phí, tăng thuế ở Hà Nội mới phong thanh bên quán nước vỉa hè, giá cả xe cộ đã tăng chóng mặt. Điều nguy hiểm nhất là người dân tin chắc những loại phí thuế này sẽ tăng ngay khi Hội đồng chưa họp, không phải vì sự hợp lý của việc tăng thuế, mà bởi họ biết chắc Hội đồng sẽ gật. Sự tin tưởng, chua chát thay, lại là một biểu hiện của sự mất lòng tin vào hiểu biết, vào bản lĩnh, vào cái tâm, vào sự đại diện của các vị hội đồng.

Một Hội đồng thực sự đại diện cho dân là một Hội đồng sẽ xem xét và quyết định các đề xuất của chính quyền trên quan điểm lợi ích của dân, chứ không phải một Hội đồng gật với tất cả các đề xuất.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo