Từ mực đặc dụng đến tay, chân, miệng - Dân Làm Báo

Từ mực đặc dụng đến tay, chân, miệng

Le Nguyen (danlambao) Trong bài viết “Xa Hơn Tay, Chân, Miệng” với lối kết mở nhằm dành quyền quyết định kết thúc câu chuyện theo ý bạn đọc, đoạn kết được viết như sau: “Vậy, siêu cường tưởng là vô đối Mỹ đã thu thập được kỹ thuật mực đặc dụng nào từ phía Nga?” Để tiện cho bạn đọc theo dõi, người viết trích lại chuyện xảy ra cách nay hơn nửa thế kỷ, thời chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, liên quan đến câu hỏi trên. Câu chuyện được tóm tắt như sau:

“Thời chiến tranh lạnh, đối đầu ý thức hệ, hai siêu cường Nga-Mỹ chạy đua vũ trang, ráo riết nghiên cứu tìm kiếm phát minh mới phục vụ chiến tranh, đưa người, phi thuyền vào vũ trụ, chinh phục nghiên cứu không gian. 

Thời đó không hiện đại như ngày nay, phải cần bút mực ghi chép nhưng tất cả loại bút mực hiện có dưới địa cầu, không thể sử dụng trong môi trường vô trọng lực trên không gian. Do đó, siêu cường Mỹ tận dụng ưu thế tiền tài, lực lượng khoa học hùng hậu hàng đầu, bắt tay vào nghiên cứu loại mực (ink) thích hợp trên không gian nhưng sau thời gian tốn nhiều công của, chất xám vẫn không đạt kết quả. Siêu cường Mỹ chuyển hướng tìm cách tiếp cận moi thông tin chế tạo mực đặc dụng trong môi trường vô trọng lực của siêu cường Nga. 

Không lâu sau, siêu cường Mỹ thu lượm được tin tức bí mật từ Nga và chi phí cho việc ăn cắp bí mật thông tin rẽ hơn nhiều so với việc tập trung tài lực vào nghiên cứu của Mỹ.” 

Chỉ không đầy một ngày, kể từ khi bài viết đăng tải đã có một độc giả ẩn danh giải đáp đúng câu hỏi đặt ra: 

- Mỹ đã lấy kỹ thuật chế mực đặc dụng nào của Nga? 

Rất ngắn gọn đầy tự tin, một bạn đọc đáp: 

- Sao không dùng bút chì? 

Đúng, bút chì là đáp án cho bí mật mực đặc dụng mà Mỹ phải huy động lực lượng chuyên gia khoa học hùng hậu, với phương tiện, khả năng của các bộ óc thật sự tài năng chứ không phải học giả bằng thật như các chuyên gia của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng Mỹ không thành công, phải nhờ sức mạnh “tay trái” để có được thông tin bí mật, không thật sự đặc biệt bí mật và mực đặc dụng, Mỹ cố công nghiên cứu, tìm mua chỉ là “bút chì” hiện diện mọi nơi mọi chỗ, bình thường đến độ tầm thường trong cuộc sống đời thường lại thật sự hữu dụng trong môi trường không gian! 

Qua câu chuyện mực đặc dụng giúp cho nhiều người rút ra bài học thực tiễn: về nguyên tắc bất nguyên tắc; về khoa học ngoài khoa học; về tư tưởng học tập làm theo với tư tưởng sáng tạo độc lập; về sách vở trường ốc với kinh nghiệm đời sống hiện thực; về khiển dụng và bất khiển dụng... 

Mọi người có lẽ ai cũng biết với tiềm năng tài lực dồi dào, các chuyên gia Mỹ được chính phủ hổ trợ vô giới hạn, họ đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu các lý thuyết rất logic, rất khoa học về các loại mực thích hợp trên môi trường vô trọng lực, độ co giãn, sức nóng lạnh, tính đàn hồi, lực phản xạ ngoài không gian đều được điều nghiên, tính toán cẩn thận, thậm chí vận dụng cả kiến thức “triết luận về mực học” bàn về đặc tính của các màu mực xanh, đỏ, đen tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, với trạng thái cực nóng, cực lạnh sẽ thay đổi ra sao và Mỹ vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu, hiệu quả cho nhu cầu đánh dấu ghi chép, nghiên cứu ngoài không gian. 

Trong lúc đó các chuyên gia Nga, tiền bạc eo hẹp thiếu thốn, phương tiện nghèo nàn, chính phủ hổ trợ có giới hạn, cái khó bó cái khôn nên họ tự xoay sở, sử dụng những gì đang có chung quanh nơi sống, làm việc và bút chì được các khoa học gia Nga đưa vào sử dụng ngoài không gian rất tiện dụng rất hữu hiệu. Có thể bút chì là một phát hiện tình cờ như tình cờ của Alexandra Fleming tìm ra kháng sinh Penicillin và tiến sĩ Khải, ông già Ozon tình cờ tiếp cận dung dịch muối điện phân, điện hoạt hoá Anolyte khi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan? 

Trở lại chuyện dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đầu ngành y tế cứ loay hoay với mớ lý thuyết y triết, luận về nhân quả của bệnh học, về vi trùng học vi khuẩn học. Họ say sưa bàn luận về nguyên nhân gây bệnh, cách điều trị bệnh, có gây phản ứng phụ, có hại đến tế bào. Họ hùng hổ bàn cãi tranh đua hơn kém về kiến thức y học, về hiểu biết y lý được học hỏi, truyền dạy từ trường ốc hai mươi năm, năm mươi năm thậm chí kiến thức cũ trăm năm trước vẫn là khuôn vàng thước ngọc, là duy nhất đúng như cách họ tin vào định hướng xã hội chủ nghĩa để bài bác cách chữa trị của ông già Ozon. Ngoài ra, trong nhóm chuyên gia đầu ngành y tế được đảng cơ cấu không hiếm kẻ chuyên tu tại chức, bằng thật học giả ăn theo nói leo kiểu bầy đàn được thể hiện qua các câu phát ngôn nặng mùi duy ý chí, phản khoa học và “tối” rất giống nhau, đăng tải tràn lan trên các phương tiện truyền thông nhà nước. 

So sánh cách siêu cường Mỹ đổ “tiền bạc không thành vấn đề” vào việc nghiên cứu mực đặc dụng của hơn nửa thế kỷ trước với cách của các ông bà đầu ngành y tế đối phó dịch bệnh tay chân miệng hiện nay, có nhiều điểm tương đồng cũng như dị biệt. 

- Tương đồng ở điểm, cả hai bám chặt kiến thức trường ốc, tìm kiếm trên trời dưới biển, suy luận trong khuôn khổ bí hiểm, cao xa, không tận dụng những thứ hiện có tại chỗ chung quanh cuộc sống để rồi không đạt được kết quả nào cụ thể, tất cả đều là con số không tròn trịa, phải đi vay mượn từ bên ngoài những phương pháp xét ra không có gì đặc biệt khác thường như bút chì và phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng bất nhất! 

- Dị biệt ở chỗ, các khoa học gia Mỹ có chuyên môn thật sự cùng với bộ óc siêu hạng thuộc tầm cao thời đại nên họ không thấy những thứ tầm thấp, nằm trước mắt trong cuộc sống hằng ngày là “bút chì” nhưng thật sự hữu dụng trong môi trường không gian. Riêng các quan chức cao cấp y tế Việt Nam, cần xét lại chuyên môn và bộ óc của họ chắc mọi người đều thấy khá rõ qua các lời phát biểu về dịch bệnh tay chân miệng, về dung dịch muối điện phân Anolyte với kiến thức thuộc loại trung bình kém. 

Mặc dù, siêu cường mỹ bất lực trong nghiên cứu mực đặc dụng nhưng họ biết các khoa học gia của họ không phải giỏi nhất, họ biết hạ mình bỏ tiền ra mua bí mật từ đối thủ Nga, dù mực đặc dụng cái họ tưởng bí mật cao siêu chỉ là bút chì. 

Thế các quan chức đầu ngành y tế, có tờ sờ(TS) gờ sờ(GS) bờ sờ(BS) của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa phản ứng ra sao, khi bất lực trong việc chống ngăn dịch bệnh tay chân miệng và có người tự nguyện tiếp tay ngăn dịch bệnh? 

Khác với Mỹ, phản ứng của họ rất lạ, không quan sát, tìm hiểu chờ xem kết quả cách chữa trị của ông già Ozon, người tình nguyện chung tay đẩy lùi dịch bệnh để rút tỉa ưu điểm cũng như hạn chế để hoàn chỉnh phác đồ điều trị. Họ không làm thế, họ hùng hổ đồng loạt lao vào tấn công hội đồng người có lòng nhân ái vì việc chung, với lời lẽ xúc phạm danh dự nặng nề đáng ra không nên có của các người được xem như có ăn học, có bằng cấp, có địa vị chức vụ cao trong chính quyền, khiến nhiều người dân cảm thấy bất công, bất bình vì cách đối xử không sòng phẳng với ông già Ozon nên người viết, một trong số người bất bình đó buộc lòng phải lên tiếng bênh vực công bằng, lẽ phải. 

Họ cũng khác siêu cường Mỹ ở chỗ không biết phục thiện, không thừa nhận yếu kém thiếu sót bất toàn, cứ khăng khăng bảo lưu ý kiến với ngụy luận, ngụy biện kể cả lồng ghép chính trị áp đặt lên khoa học bất chấp dư luận xã hội, người dân ai cũng thấy. Thế mà khi đuối lý trong tranh luận với tính cách chuyên môn, họ lại ăn ngược nói ngạo phản bác người khác với lập luận: “chính trị là chính trị, khoa học là khoa học đừng nhầm lẫn...” và cứ lải nhải lập luận luẩn quẩn trong vòng tròn khép kín không lối thoát đó! 

Đành rằng chính trị và khoa học là hai lãnh vực khác nhau nhưng cần phải hiểu thêm, làm khoa học không cần hiểu biết về chính trị nhưng làm chính trị thời hiện đại cần phải hiểu biết căn bản về khoa học, dù không đi vào chuyên sâu, trừ làm chính trị trong các nước độc tài như cộng sản không cần kiến thức cũng có thể làm lãnh đạo chính trị. Cũng nên biết, làm chính trị không những cần có kiến thức căn bản về khoa học mà làm chính trị, nhất là lãnh đạo chính trị còn cần phải có kiến thức tổng quát về các lãnh vực liên quan đến cai trị như triết học, lịch sử, luật pháp, quốc phòng, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thuế khóa... để có thể đọc, hiểu được các bản báo cáo khoa học lẫn chuyên môn, để tránh trường hợp ăn gian nói dối, làm láo báo cáo vượt chỉ tiêu của các cấp chuyên gia, quan chức đầu ngành như đã xảy ra trong nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. 

Nói thế, để cho các ông bà làm khoa học trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biết rằng, các chính trị gia thuộc đảng cầm quyền lẫn đối lập trong các nước dân chủ tiên tiến hiện đại, họ có thể có khả năng bàn luận, tranh luận nhiều đề tài kể cả khoa học, không như chính trị gia cộng sản của các ông bà, kiến thức hạn chế nếu không muốn nói là dốt nát, lại xen vào lãnh đạo, chỉ đạo thô bạo mọi lãnh vực mọi ngành nghề bằng bạo lực, quyền lực chính trị, bằng duy ý chí chính trị. Có phải do văn hóa lãnh đạo, văn hóa nô dịch này nên các ông bà dị ứng với những ai không có tờ sờ (TS) gờ sờ (GS) bờ sờ (BS) lên tiếng về dịch bệnh tay chân miệng? 

Từ cách ứng xử thực dụng trong cách tiếp cận bí mật mực đặc dụng của siêu cường Mỹ hơn nửa thế kỷ trước, đến cách đối phó dịch bệnh tay chân miệng của các quan chức đầu ngành y tế hiện nay, khiến những người Việt Nam lương thiện không khỏi ngậm ngùi pha chút xấu hổ bởi thứ văn hóa ứng xử khá ngộ nghĩnh, không bình thường của bộ y tế đối với ông già Ozon, với tay chân miệng và dường như các ông bà bất lực... bất lực với loại bệnh tự khỏi tay chân miệng, dù có nhiều cố gắng nhưng không tự khỏi, tay chân miệng vẫn còn nguyên tay chân miệng như nó vốn có trong nhiều chục năm nay, từ khi có đảng hiện diện, lãnh đạo đất nước này! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo