Nguyễn Thiện Nhân - ‘Trong đoàn người biểu tình có đủ: Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, cán bộ hưu trí, sinh viên, người nghèo khổ. Những người biểu tình đủ tư duy để làm chủ hành vi của mình, chẳng thể có thế lực thù địch nào giật dây được, chẳng thể có thế lực nào xúi giục được”
• Tóm lại sự kiện:
Tháng 12/2007 đã nổ ra hai lần biểu tình chống TQ xâm phạm lãnh hải VN tại Hà Nội và Tp.HCM. Chính phủ huy động lực lượng an ninh chìm nổi đông đảo để ngăn cản (có cả người của thành đoàn).
Thông tin không được báo chí phổ biến bởi toàn bộ truyền thông đều của nhà nước (bị kiểm duyệt về mặt chính trị). Vì vậy trên 99% dân chưa được xem video hay hình ảnh ghi lại những sự kiện này. Những người theo dõi tin tức không chính thống thường xuyên mới biết được.
Tháng 6/2011, kịch bản tái diễn nhưng biến tấu với mức độ tương tác lớn hơn: Hà Nội biểu tình đến lần thứ 11 (trong đó có những lần thất bại), Tp.HCM thì 2 lần tuần hành và một số lần “biểu tình ngồi”. Số lượng người tham gia những lần sau (lần thứ 3 trở đi) có ít hơn nhưng bị công an ra tay trấn áp, nhiều người bị bắt, một số bị công an đánh.
Hiến pháp cho phép biểu tình nhưng luật biểu tình chưa có, và chính quyền đã ra sức ngăn cản biểu tình, ai đúng, ai sai?
Chính quyền cho rằng biểu tình sẽ gây rối trật tự công cộng và một số cuộc biểu tình bị thế lực thù địch giật dây, kích động.
Đài truyền hình VTV còn dùng từ “phản động” để chỉ nhiều người kiên trì đi biểu tình, những trí thức đi biểu tình đã đâm đơn kiện VTV nhưng bị tòa bác đơn kiện.
Cảnh nhiễu nhương chỉ ra sự mâu thuẫn xã hội, một mâu thuẫn day dứt khó hiểu.
• Ý nghĩa của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam:
1) Thể hiện truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã vẽ nên những trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam. Là cốt lõi của tinh thần yêu nước suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.
Sự kiên trì biểu tình suốt gần 3 tháng vào các ngày chủ nhật của những người yêu nước ở Hà Nội khiến ta liên tưởng đến sự bền bĩ đấu tranh chống giặc Tàu suốt một nghìn năm để bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc Việt Nam.
Dù giặc Tàu có đông đúc cỡ nào, dù giặc Tàu có bao nhiêu chiến hạm, chúng cũng phải ghi nhớ rằng chúng đã thất bại khi xâm lược Việt Nam.
2) Bất khuất trước cường quyền
Nhân dân Việt Nam đang chịu cảnh độc tài toàn trị của Đảng CSVN. Mối quan hệ thân hữu giữa Đảng CSVN và Đảng CSTQ là do lịch sử để lại. Nhưng TQ vì tham lam chủ quyền và tài nguyên của VN mà làm mối quan hệ này rạn nứt.
Chính quyền vì muốn giữ quan hệ hữu nghị với nước láng giềng mà nỡ ra tay trấn áp người biểu tình, người ngay người tốt đang phải chịu nỗi oan ức bất bình thường.
Công an ngăn cản: người biểu tình biết rõ, công an đàn áp: người biểu tình cũng biết rõ, nhưng họ vẫn đi biểu tình, họ đi bởi lòng yêu nước thúc dục và nỗi lo lệ thuộc lũ giặc Tàu.
Bị bắt một lần: vẫn đi, bị bắt hai lần: vẫn đi. Sự bất khuất ấy vĩnh viễn không thể dập tắt.
3) Hành động chính nghĩa, hợp hiến
Trong đoàn người biểu tình có đủ: Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, cán bộ hưu trí, sinh viên, người nghèo khổ. Những người biểu tình đủ tư duy để làm chủ hành vi của mình, chẳng thể có thế lực thù địch nào giật dây được, chẳng thể có thế lực nào xúi giục được.
Họ đi biểu tình có mất chút thời gian, họ đi biểu tình có tốn chút tiền bạc. Họ đi biểu tình có đối diện với sự hiểm nguy. Nhưng là chuyện nhỏ, họ vẫn đi, đi để đánh thức dân tộc, đi để thúc giục chính quyền, đi để kêu gọi quốc tế, bước chân họ kiên trì, ai bảo là vô nghĩa?
4) Kết nối vòng tay, tạo nên sức mạnh, gặt hái thành công
Dân chủ là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, một sự kiện quan trọng của quốc gia nếu dân không tiếp nhận thông tin đầy đủ thì làm sao gọi là “dân chủ”. Chắc chắn cho đến tận ngày này, tháng này, năm này chỉ có vài phần trăm người dân được nhìn thấy hình ảnh hoặc video những cuộc biểu tình có đến hàng nghìn người tham gia.
Sự lề mề, né tránh của những người lãnh đạo đất nước chỉ khiến Trung Quốc thêm hung hăng, lấn lướt. Họ đã hút bao nhiêu dầu, họ đã đánh bao biêu cá, họ đã bắt bao nhiêu ngư dân VN? Hoàng Sa bị TQ chiếm đóng từ 1974, đến nay đã bao lâu rồi? Tại sao còn bắt người dân phải im lặng, tại sao còn ngăn cản người dân đấu tranh, tại sao lại bắt bớ người biểu tình yêu nước?
Sự bành trướng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến an nguy của nhiều quốc gia và hòa bình thế giới. Những người biểu tình muốn chắc chắn rằng Đảng, chính quyền luôn đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, điều đó chỉ có thể tin tưởng được khi vấn đề biển đông được quốc tế hóa mạnh mẽ và thông tin cho nhân dân được biết một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Những cuộc biểu tình trong nước nổ ra đã kéo theo những cuộc biểu tình của kiều bào, kéo theo những thông tin được loan tải, tất cả cùng chung tay, và tác dụng của nó thật là hiệu nghiệm.
Trung Quốc sẽ bị quốc tế bao vây và cô lập, không những thế, chúng phải rút quân khỏi biển đông của VN với một điều ghi nhớ rằng “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”.
5) Mở ra con đường dân chủ bền vững
Nhân dân muốn làm chủ đất nước thì nhân dân phải được trao công cụ và phương tiện để làm chủ. Nhân dân dành phần lớn thời gian để mưu sinh, thời gian còn lại chủ yếu cho gia đình và giải trí, họ dành rất ít thời gian để tìm hiểu, tư duy về vấn đề chính trị. Không thể bắt nhân dân phó thác vận mệnh đất nước cho những đại biểu quốc hội, vì quyền lợi cốt lõi của những vị này không phải được quyết định bởi nhân dân.
Thực tế, hầu hết người dân không thể tìm hiểu hết mấy chục ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Phẩm chất: Chỉ có thể soi mới xét được, lấy gì để soi? Trình độ: thấy bằng cấp đó chứ chắc gì? Năng lực (để đảm trách nhiệm vụ được giao phó): đoán mò thôi! Ngay cả khi chọn được người có trình độ, năng lực tốt rồi: liệu họ có đủ bản lĩnh, liệu phẩm chất họ có thay đổi? Muốn con người không bị sa ngã, phải đặt họ dưới sự kiểm soát và trừng phạt. Muốn cho tổ chức không trở nên xấu xa, phải trao công cụ cho nhân dân làm chủ!
Nhân dân phải được bầu nguyên thủ quốc gia thông qua lá phiếu của mình. Nhân dân phải được biểu tình để phản đối những ai xâm hại lợi ích của người dân. Dân chủ ít ra cũng phải là như vậy.
Vừa có dân chủ, vừa được biển đông: tại sao không?