Cảnh báo nạn buôn người: một trường hợp điển hình về buôn bán tình dục - Dân Làm Báo

Cảnh báo nạn buôn người: một trường hợp điển hình về buôn bán tình dục

Bùi Thảo Nhi Khi đến nhà mới, chị được đưa lên trên tầng năm của ngôi nhà. Cô bạn nói cần đi mua ít đồ, nhưng sau đó rồi cũng không thấy trở lại nữa. Trong căn hộ đó chị bị giảm sát bởi hai người đàn ông. Một người sau đó đi đâu đó và người còn lại giữ và nhốt chị ba ngày ba đêm. Chị sợ và khóc rất nhiều với người đàn ông ấy nhưng người đó không hiểu chị nói gì và cứ kêu chị ngồi đó… và cái ngày đó cũng tới: họ bắt đầu dẫn khách tới bắt chị “tiếp”...


Chị Riêng, một phụ nữ bị lừa bán vào đường dây mãi dâm ở Mã Lai, đã được giải cứu kịp thời bởi cảnh sát nhờ một “khách hàng” còn lương tri. Cơ quan liên chính phủ International Organization for Migration (IOM) đã phối hợp với Liên Minh CAMSA để giúp chị hồi hương an toàn và giúp chị phục hồi cuộc sống. Chị là một người rất may mắn đã được giải cứu trước khi bị xâm hại. Trong khi đó, nhiều phụ nữ khác rơi vào hoàn cảnh bi đát này không có được may may mắn như chị. Hiểu điều ấy, chị Riêng sẵn sàng để làm chứng về trường hợp của mình hầu giúp Liên Minh CAMSA cảnh báo đến người dân trong nước. Câu chuyện của chị rất tiêu biểu: thủ phạm buôn người thường là một người trong xóm, một đồng nghiệp, một người bạn của bạn, hay là người trá hình bằng cách này cách kia để làm quen. Chúng tôi mong rằng câu chuyện của chị sẽ cảnh giác những phụ nữ Việt khác để không trở thành nạn nhân của nạn buôn bán tình dục. 

Tác giả và chị Riêng, ngày 23/12/2011

Hành trình tìm đến với câu chuyện buôn người

Đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp đón Giáng Sinh trên quê hương tôi. Năm nay có dịp đi công tác chung với người bạn, đồng thời cũng là người tôi coi như người thầy, tại một nước láng giềng nên tôi ghé qua thăm “chùm khế ngọt” của tôi như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã từng ví von trong bài “Quê Hương”.

Tôi chỉ định về thăm gia đình, bạn bè, chạy lòng vòng Sài Gòn, lang thang các quán càfê nhỏ xinh xắn, viết vài ba câu chuyện về sự lãng mạn của tình yêu… vậy thôi, rồi tôi sẽ về lại nước láng giềng kia tiếp tục công việc. Ai dè, chưa kịp viết gì, chỉ mới đang suy nghĩ và mỉm cười thầm trong bụng thì “ông thầy” tôi “nhờ” tôi đi thăm một người liền. Nói “nhờ” đây thì nói vậy thôi chứ tôi biết là tôi chắc chắn sẽ phải đi thôi vì “ông thầy” này có sức thuyết phục rất cao, nội công thâm hậu lắm! Thế là tôi phải lên lịch trình liền, nghe cứ như ca sĩ đi show vậy, hàng chục kế hoạch và cuộc họp. Nói cho oai vậy chứ thực chất tôi chỉ có phải đi thăm bà con bạn bè thôi, cái cuộc họp quan trọng nhất thì cũng chỉ là cuộc hẹn mà “ông thầy” tôi “nhờ” tôi gặp lấy thôi.

Hôm ấy là đêm vọng Giáng Sinh, tôi kiếm được địa chỉ của cô ấy trên một tờ giấy thông tin tôi xin được từ một người. Tôi lướt nhẹ qua tờ giấy thì chỉ có một thứ làm tôi cứ nhớ mãi, đó là cái tên của cô, tên cô là Bùi Thị Sầu Riêng. Trong lòng như dâng trào một niềm cảm xúc rất khó tả, đúng hơn là một nỗi buồn vì tôi biết đi kèm theo cái tên buồn ấy là cả một câu chuyện càng buồn hơn. Tôi ngồi đằng sau chiếc xe máy của con em họ, chạy vùn vụt, gió tạt mạnh vào khuôn mặt tôi, cát bụi bay đập mạnh vào mắt tôi, đau nghiến nhưng tôi biết nó sẽ không bao giờ so sánh nổi với những gì tôi sắp bắt đầu được nghe…

Chị Riêng với những biến cố đã trải qua

Tôi và em họ phải chạy vào biết bao nhiêu ngõ hẹp mới tìm đến được căn nhà mà chị Riêng đang trú ngụ. Căn nhà trệt được cho là tạm ổn nếu người ở không đòi hỏi nhiều. Chị xinh xắn, nhỏ con, và có nụ cười rất thân thiện, sẽ không ai nghĩ chị vừa mới trải qua cơn ác mộng mà bất kì người con gái nào cũng không bao giờ muốn nghĩ đến: đó là bị bán vào đường dây mại dâm.

Trước đây, chị Riêng làm công nhân cho một công ty. Ở đây, chị quen một người bạn trẻ cũng khá thân, người bạn đó hay tới nhà chị chơi, cứ hai ba tháng là ghé nhà chơi rồi lưu lại mấy ngày. Xuất thân từ công nhân nên chị Riêng không bao giờ nghi ngờ người bạn ấy của mình. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Riêng, người bạn ngỏ ý về việc đi làm xa để kiếm thêm tiền. Chị được biết cô ấy hay qua lại Mã Lai và rủ chị qua Mã Lai bán quán ăn như Việt Nam chứ cũng không nói rõ làm cái gì bên đó. 

Chị Riêng tin tưởng và đồng ý đi theo người bạn ấy. Cô bạn ấy kêu chị đưa chứng minh nhân dân cho cô ta và cô ta giúp làm hộ chiếu và mua vé máy bay cho chị. Chị không hề biết gì về thủ tục cũng như không hề giữ bất cứ giấy tờ gì, chỉ đợi đến khi cô bạn kêu đi thì chị đi theo. Khi qua tới Mã Lai, có một người người phụ nữ là bạn của cô ấy đã đến đón tại sân bay, hai người xì xào tiếng gì đó rồi dẫn chị tới một ngôi nhà. Tại đây, một người đàn ông tới và đưa chìa khóa cho chị, rồi người phụ nữ này đi đâu rồi không trở lại. Chị và cô bạn ở đó được ba tuần, công việc thường ngày chị vẫn làm là dọn dẹp nhà cửa. Sau ba tuần, cô bạn nói với chị là họ cần phải chuyển nhà. Khi đến nhà mới, chị được đưa lên trên tầng năm của ngôi nhà. Cô bạn nói cần đi mua ít đồ, nhưng sau đó rồi cũng không thấy trở lại nữa. Trong căn hộ đó chị bị giảm sát bởi hai người đàn ông. Một người sau đó đi đâu đó và người còn lại giữ và nhốt chị ba ngày ba đêm. Chị sợ và khóc rất nhiều với người đàn ông ấy nhưng người đó không hiểu chị nói gì và cứ kêu chị ngồi đó… và cái ngày đó cũng tới: họ bắt đầu dẫn khách tới bắt chị “tiếp”. 

Chị sợ hãi và chỉ biết khóc với khách hàng. Đa số những người khách đến gặp chị đều là người Hoa, họ thấy chị khóc nên không dám làm gì với chị cả. May mắn thay cho chị, sau đó có một anh khách khá trẻ vào trong phòng cùng với một người bạn của anh ta. Anh tới và nắm tay chị, dẫn chị tới bên bàn và ngồi nói chuyện với chị, nhưng chị chỉ khóc, và chị chỉ tay ra hiệu với anh là chị muốn về Việt Nam. Anh thấy vậy, nên đã đưa điện thoại cho chị gọi về nhà cho mẹ. Chị kể những chuyện gì đang xảy ra, và báo với mẹ chị rằng là ba hoặc bốn ngày nữa nếu chị không ra khỏi đây thì mẹ chị sẽ gọi điện báo công an. Sau đó anh này cũng gọi điện cho cảnh sát Mã Lai dùm chị rồi bỏ đi đâu không biết. Chừng khoảng lúc sau, thì có hai người khác tới gõ cửa phòng, chị muốn chạy lại xô cửa ra nhưng người đàn ông giám sát đã giữ chị lại. Tiếng gõ cửa lớn dần và đông người xì xào ngoài cửa khoảng một hồi thì người đàn ông này đã tiến đến để mở cửa, sau đó có hai người xông cửa vào. Đó là một người đàn ông mang quân phục đen và một người phụ nữ. Người đàn ông mang quân phục bắt giữ và còng tay người đàn ông giám sát chị, còn chị được người phụ nữ đưa về đồn cảnh sát. Chị ở lại đây ba ngày và sau đó họ đưa chị vào “trung tâm” tạm trú cho nạn nhân buôn người.

Tại đây, chị ra tòa hai lần vì môi giới bên kia quyết định kiện và đòi bắt chị trở lại “làm việc” cho họ, lý do họ đưa ra là vì họ đã trả tiền cho cô bạn của chị thì nhiệm vụ của chị là phải làm theo ý họ. Họ không hề nêu lên công việc chị làm là công việc gì, đi cùng họ là hai đến ba luật sư. Chị được tòa án Mã Lai cấp một luật sư người Mã Lai và kèm theo một người thông dịch viên. Tòa án tra hỏi rằng chị nghĩ công việc họ muốn chị làm là gì, thì chị cho rằng khi vào trong phòng đó chị chỉ thấy toàn đàn ông nên giác quan cho biết rằng công việc họ bắt chị làm là công việc “đó”. Sau hai lần ra tòa, thì môi giới bên kia trả tiền và xin rút đơn kiện, sau đó thì như lời chị Riêng kể, hình như không chuyện gì xảy ra với họ cả…

Chị Riêng cũng cho biết, lúc mới vào trung tâm chị có gặp và quen biết được vài người Việt Nam khác nữa nhưng chỉ sau mấy ngày thì họ đều lần lượt đi hết. Chị có hỏi thăm mấy người nước ngoài về những cô gái đó là như thế nào thì chị đã được biết, đó là những người đã được trung tâm đưa vào để dạy tiếng Anh nhưng rồi chủ của họ tới trung tâm và đã “chuộc” họ ra...

Trong thời gian chị đang ở “trung tâm” thì chị được gia đình báo tin giữ: chồng chị ở Việt Nam bị chết vì tai nạn xe cộ. Lòng nóng như lửa đốt, chị chỉ mong sớm về với hai đứa con trai 10 và 16 tuổi nay đã trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Sau 7 tháng 15 ngày, chị được trả về Việt Nam. Tôi hỏi cảm giác của chị lúc đó như thế nào, thì chị chỉ có thể nói “em cứ như trên trời rơi xuống”. Khi chị về, thì công an có tới nhà hỏi thăm chị, nhưng chỉ một lần ấy mà thôi. Họ không quay trở lại để tìm hiểu thêm chi tiết nào nữa về cô bạn của chị hay môi giới mướn chị. “Em thấy mấy anh công an làm việc kì quá à, theo em được biết là đi nước ngoài mà cái dạng giống như em thì toàn là bị lừa không”, chị bức xúc trình bày cùng tôi. 

Tôi có hỏi về cô bạn làm chung công ty của chị cũng là đầu mối để đưa chị qua Mã Lai thì được chị cho biết rằng:đã cố gắng truy tìm thông tin cô ta hiện đang ở đâu thì được biết tên và giấy tờ của người ấy đã được chủ mua đường dây và đăng ký làm giả hồ sơ để cô ta làm việc trong công ty của chị, và chị cũng không giữ bất cứ tấm hình nào có chụp về cô ấy, chị chỉ nhớ hình ảnh cô bạn ấy trong đầu mình. Theo chị thì cô bạn ấy hiện vẫn còn đang ở tại Mã Lai.

Chị Riêng cũng cho biết thêm, chị đã gặp được rất nhiều cô gái Việt Nam bị rơi vào hoàn cảnh giống như chị, cũng bị bạn đưa qua Mã Lai tương tự như vậy. Chị có biết được một trường hợp, hiện vẫn còn đang ở tại trung tâm, cô ấy đã ở đó được 10 tháng rồi. Chị Riêng đã liên lạc với mẹ của cô ấy và bà chỉ biết khóc thương cho số phận của đứa con gái mình. Nghe tới đây, tôi thấy cay ở cổ họng, khàn khàn tiếng, bao nhiêu câu nói cứ bị gián đoạn…

Hiện tại chị đang sống cùng ba mẹ trong căn nhà do bà ngoại chị để lại cho mẹ chị; chồng chị vừa mất do tại nạn giao thông. Mẹ chị tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn cố gắng đi làm ruộng thuê cho người ta để giúp trang trải cho cuộc sống hằng ngày, mỗi ngày bà kiếm được khoảng 60 tới 70 ngàn đồng VN. Hiện tại chị vẫn chưa đi làm được do đang còn mang trên mình căn bệnh đau lưng cột sống, nhất là tinh thần chị vẫn chưa thể hồi phục được bình thường vì vẫn còn bị ám ảnh bởi những ngày tháng qua.

Chị tâm sự với tôi: “Giờ em sợ lắm, em không có nói chuyện hay liên lạc với ai hết đó. Lúc chị báo tin sẽ đến thăm, em vẫn sợ lắm, em cứ sợ người ta gạt em, giờ em nghe ai nói đi làm xa là em sợ, không tin nữa”.

Hai đứa con trai của chị thì một đứa vẫn ở với mẹ và ông bà ngoại, còn một đứa thì được đưa về Tiền Giang sống cùng ông bà nội, mỗi tháng vẫn vào thăm chị. Ba mẹ chồng chị cũng làm ruộng để giúp chị chăm sóc cho đứa con.

Chia tay Chị Riêng

Sau khi nói chuyện với chị xong, tôi chào chị ra về. Trước khi đi, tôi quay lại nhìn lại căn nhà chị đang ở, và nhìn chị; chị vẫn nở nụ cười tươi xinh đó tuy tận sâu thẳm trong ánh mắt là cả một câu chuyện thương tâm, kèm theo nghìn nỗi lo sợ về sự ám ảnh của quá khứ và cuộc sống trong tương lai. Tôi hỏi chị thích gì nhất bây giờ thì chị chỉ nói với tôi “em thích học tiếng Anh lắm”. Tôi nhìn chị mỉm cười nhẹ, thầm nghĩ trải qua bao nhiêu biến cố, cuộc sống hiện tại lại chật vật, khó khăn nhưng chị vẫn có thể giữ được nụ cười ấy và vẫn mong mỏi được học hỏi thêm là một điều rất đáng quý. Chị biết mình rất may mắn vì chị được giải cứu kịp thời trước khi bị xâm hại, chứ không như bao số phận khác đã và đang tiếp tục bị dày vò trong cái hoả ngục ngay trên thế gian này. 

Tôi ra đi mà lòng nặng trĩu, tôi hy vọng cuộc sống sau này chị sẽ không phải “Sầu Riêng” nữa bởi nhờ những tấm lòng quảng đại đến chia sẻ nỗi nhọc nhằn và nỗi buồn ấy cùng chị, và rồi đời chị sẽ ngọt thơm “Bùi Thị”.


* Bài viết do thành viên CAMSA gửi Danlambao


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo