J.B Nguyễn Hữu Vinh (RFA Blog) - Hôm qua, báo chí đăng tin Thủ tướng chính phủ vừa có công điện số 57 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Nội dung công điện có đoạn: “Thủ tướng giao Bộ trưởng Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh thành tiếp tục chỉ đạo không để sơ hở thiếu sót, bảo vệ an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an và các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp chống đối người thi hành công vụ”.
Theo một số liệu được báo chí Việt Nam công bố, thì 90% số vụ chống người thi hành công vụ nhằm vào công an. (Đây là số liệu năm ngoái, theo đà thì có lẽ năm nay lại tăng một số % nào đó so với cùng kỳ năm ngoái rồi). Và cũng theo số liệu thống kê, thì “ tình trạng chống người thi hành công vụ có dấu hiệu trẻ hóa và chuyển từ các đối tượng không nghề nghiệp sang những người có công ăn việc làm ổn định. “
Kể ra thì ông Thủ tướng cũng nhanh nhạy với tình hình xã hội thời gian qua. Chả là thời gian qua, liên tiếp các vụ tấn công vào công an – lực lượng vũ trang của đảng.
Vậy thử tìm hiểu việc chống người thi hành công vụ như thế nào?
Đánh cảnh sát
Hai cảnh sát đánh nhau giữa đường Sài Gòn |
Cũng mấy ngày này, xa hơn chút vào miền Trung thì lái xe nhốt hai cảnh sát vào cabin chạy bạt mạng vì bị cảnh sát đuổi bắt hàng lậu. Rồi trộm chó tấn công công an, thậm chí gái mại dâm cũng tấn công công an bằng kim tiêm. Không chỉ có người dân tấn công cảnh sát (thường được phong là giang hồ hoặc côn đồ ngay lập tức) mà cả cảnh sát và nhà báo cũng tẩn lẫn nhau.
Rồi không chỉ có cánh dân đánh cảnh sát mà chính cảnh sát cũng tấn công cảnh sát như thường. Trường hợp Cảnh sát cơ động đánh cảnh sát giao thông trênđường phố Sài Gòn bằng những pha còn hơn cả phim chưởng, rồi cảnh sát cơ động đánh cảnh sát bảo vệ…
Không chỉ gia tăng về số lượng, mà “chất lượng, trọng lượng” các vụ tấn công cảnh sát, công an cũng cứ “năm sau cao hơn cùng kỳ năm trước”. Từ chỗ cảnh sát chỉ xuất hiện là hồn bay phách lạc, đến chỗ lườm nguýt trộm, rồi cự lại, tiến đến chỗ cãi nhau, tiến hơn nữa thì nhổ nước bọt vào mặt và cứ đà đó những năm gần đây, các đối tượng khác nhau đã dần dần giành thể chủ động đánh nhau với cảnh sát. Từ chỗ vũ khí bằng ánh mắt tiến lên lời nói rồi thay thế bằng nắm tay, cú đạp, tiến lên đến dùng dao chọc tiết lợn, và gần đây tiến thẳng lên chính quy, hiện đại bằng súng, mìn hẳn hoi.
Cảnh sát bị phản công bằng mìn |
Điều nguy hiểm cho đảng là đây chính là lực lượng “chỉ biết còn đảng, còn mình”. Nếu không kịp thời chấn chỉnh để hiện tượng này gia tăng thì thử hỏi nếu khi lực lượng này không “còn mình”, liệu “còn đảng” hay không?
Nguyên nhân của việc cảnh sát, công an bị đánh từ đâu? Theo Trung tướng Trần Đại Quang thì: “Trong đó nguyên nhân hàng đầu là do đối với tội phạm, lưu manh chuyên nghiệp, bản chất liều lĩnh nên rất manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại các lực lượng thực thi pháp luật nhằm trốn tránh pháp luật”.
Cảnh sát đánh
Không chỉ có cảnh sát mới bị đánh, mà cũng thời gian không chỉ gần đây, từ rất lâu, chuyện người dân bị cảnh sát, công an đánh là chuyện thường xảy ra. Cảnh sát có thể đánh bất cứ ai, từ tra tấn đứa học sinh 11 tuổi đến bắn chết em nhỏ ở Thanh Hóa, rồi cảnh sát đánh ngườikhông đội mũ bảo hiểm đến chết, công an dùng nhục hình tra tấn phạm nhân, công an đánh phạm nhân chết v.vv… nghĩa là muôn vàn cảnh công an, cảnh sát đánh dân, việc tấn công đơn lẻ cũng có mà việc tấn công tập thể cũng không hiếm. Có người chết, có người tàn tật, có người sau đó được kết luận là “không có cơ sở kết luận’…
Điều cần nói là cảnh sát được định nghĩa là những người “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi” thì không thể coi việc đánh dân là thường. Thế nhưng, việc công an, cảnh sát đánh dân vẫn xảy ra đều đều.
Em bé 13 tuổi bị công an Tĩnh Gia bắn chết ở Thanh Hóa.
Lên mạng internet vào Google để tìm kiếm với ba từ khóa “đánh cảnh sát” ta sẽ có kết quả là 23.800.000 từ. Nhưng, nếu tra ba từ “cảnh sát đánh” ta cũng có ngay 46.500.000 kết quả. Tỷ lệ giữa đánh cảnh sát và cảnh sát đánh là một nửa.
Ông Trịnh Xuân Tùng bị Trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh chết
Con số này nói lên điều gì?
Trước hết cần nói rằng, với nền báo chí Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, báo chí phải tuân theo lệnh đảnh là lẽ thường, cảnh sát là con cưng của đảng,” chỉ biết còn đảng còn mình” thì việc nói đến cảnh sát vi phạm là điều khá tế nhị và cần tự giữ ý, việc nói đến những vụ đánh đấm, vi phạm của cảnh sát là điều khá tối kỵ. Chứng minh điều này dễ thôi. Bao nhiêu vụ việc liên quan đến công an, cảnh sát báo chí phải lao đao là điều người dân thường nhắm mắt cũng thấy. Với 700 tờ báo, cùng việc cảnh sát đánh dân, thì họa hoằn lắm mới có ít tờ nêu lên trên mặt báo. Khi có bằng chứng cụ thể, báo chí Việt Nam vẫn cứ đồng chí cảnh sát này, đồng chí cảnh sát kia, thậm chí ngay cả khi ra tòa vẫn là “nguyên trung úy, thiếu tá”… rất kính cẩn. Nhưng chỉ cần một vụ đánh cảnh sát, thì các báo trăm hoa đua nở và lập tức người đánh cảnh sát sẽ được phong là “côn đồ” là “giang hồ” hoặc “xã hội đen” không cần kiểm chứng.
Vì thế lượng từ “cảnh sát đánh” sẽ không nhiều xuất hiện trên mặt báo bằng lượng từ “đánh cảnh sát” là lẽ đương nhiên.
Thế nhưng, số lượng từ “cảnh sát đánh” vẫn gấp đôi từ đánh cảnh sát.
Thử xem, trong xã hội Việt Nam, số lượng cảnh sát trên dân số hơn 87 triệu người, thì tỷ lệ “cảnh sát đánh” đánh cảnh sát” là bao nhiêu? Có lẽ ít ai biết con số cụ thể lượng cảnh sát, nhưng chắc không thể bằng 1%? Cứ cho là 1% tức là gần 1 triệu cảnh sát, thì tỉ lệ vẫn cao gấp 200 lần.
Các con số với tỷ lệ đáng để giật mình. Luật pháp không cho phép ai đánh cảnh sát, nhưng cũng đồng thời không cho cảnh sát đánh một ai. Vậy thì tỉ lệ này đã nói lên những điều rất có ý nghĩa.
Cũng theo Trung tướng Trần Đại Quang thì: “Về phía người thi hành công vụ, bản thân lực lượng công an khi thực thi nhiệm vụ có thái độ ứng xử chưa đúng mực, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân, dẫn đến một số vụ chống người thi hành công vụ. Cá biệt, có một số trường hợp người thi hành công vụ không chấp hành đúng quy định, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật, khiến người dân phản ứng”.
Người dân phản ứng, trong 87 triệu người dân không thiếu tội phạm và cũng theo Trung tướng Trần Đại Quang thì: “Đối với người dân, do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, một số ít người sống buông thả, tự do quá trớn, coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng kỷ cương phép nước, sẵn sàng chống lại bất cứ ai làm ảnh hưởng tới quyền lợi ích kỷ của họ”. Thế nhưng, các sự việc công an, cảnh sát đánh dân vẫn nhiều hơn rất nhiều lần so với dân đánh cảnh sát.
Nguyên nhân
Xem ra, cách ông Trung tướng Trần Đại Quang giải thích rằng việc người dân đánh lại cảnh sát không chỉ là do “tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường” . Kinh tế thị trường chẳng có tội tình gì để đổ tội cho nó.
Chẳng có người dân nào muốn đánh lại cảnh sát vì sau đó chắc chắn sẽ là nhà tù và đàn áp. Nhưng, khi người dân bị ức hiếp đến một mức nào đó, thì việc đẩy đến bước đường cùng và sự phản ứng là chuyện đương nhiên.
Muốn tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng này, cần có nghiên cứu sâu sắc hơn, nhưng chỉ những yếu tố dễ hiểu sau đây cũng có thể nói lên được bản chất sự việc.
Nguyên nhân để người dân chống người thi hành công vụ, trước hết phải hiểu công vụ là gì? Nó được quy định gồm những mục nào và mục đích của cái công vụ đó là gì? Theo cách hiểu đơn giản, thì công vụ là những việc làm phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội. Vậy thì công vụ chỉ khi là việc để phục vụ lợi ích của chung của nhà nước và xã hội.
Không thể gọi là công vụ khi cảnh sát giao thông cứ chỉ chăm chú rình, nấp để bóp nặn tiền mãi lộ bỏ qua nhiệm vụ của họ là đảm bảo an toàn giao thông để tai nạn cứ năm sau cao hơn năm trước.
Không thể là công vụ khi cảnh sát, công an được huy động để làm những việc trái pháp luật và bất chấp lương tâm như việc cưỡng chế tài sản đất đai mồ hôi xương máu của anh Đoàn Văn Vươn như ở Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây.
Không thể là công vụ khi công an, cảnh sát được huy động đến cướp quan tài nhân dân đang đưa đến nghĩa trang của họ, rồi bắt bớ, đánh đập họ đến chết như ở Cồn Dầu nhằm mục đích lấy đất đai của họ cho một đám người có lắm tiền và họ đã phản đối thì được tặng cho cái mũ “Chống người thi hành công vụ” để kết án tù tội.
Chính nhiều người, nhiều lúc đã lợi dụng hai từ công vụ để làm những điều tráipháp luật mưu đồ lợi ích riêng và làm hỏng mục đích chung, khi bị người dân phản ứng thì được ghép vào “chống người thi hành công vụ”.
Điều này dễ thấy, ngay một vị quan chức công an trước đây đã thốt lên: “Không biết cảnh sát giao thông ngoài đường có gì mà anh nào cũng gửi con, gửi cháu ra đó”.
Công vụ không thể là cái mỹ từ làm vỏ bọc cho những toan tính lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm nào. Chính sự mập mờ này đã dẫn đến những bức xúc của người dân, coi thường luật pháp và chống trả lại những người được giao thi hành các chức năng công vụ.
Một nguyên nhân nữa, chính là sự bao che sự lấp liếm và nuông chiều tội ác đang diễn ra ngay trong những công chức, cán bộ nhà nước đã làm hư hỏng những người có chức năng thi hành công vụ. Điều này đã dẫn đến sự công phẫn trong nhân dân và gây tâm lý coi thường luật pháp.
Tên Ninh trong phiên tòa xử 4 năm tù vì đánh chết ông Tùng
Hãy xem cách xử sự của các cơ quan pháp luật với cụm từ “đánh cảnh sát” và “cảnh sát đánh” như thế nào thì đủ rõ luật pháp có nghiêm minh hay không. Một cô gái tát vào mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông bị khởi tố ngay với kết quả 6 tháng tù, một sĩ quan công an đạp vào mặt người biểu tình thì “không có cơ sở” xác định, còn một Trung tá công an đánh chết người thìchỉ 4 năm tù. Một sĩ quan đánh trẻ em thì chỉ bị hạ bậc quân hàm là xong. Trong khi đó, một người chửi cảnh sát thì bị tù 7 tháng.
Vậy nhưng, theo quan chức ngành công an Hà Nội, thì nguyên nhân là chế tài việc chống người thi hành công vụ chưa đủ mạnh?
Nếu chế tài đối với người chống người thi hành công vụ chưa đủ mạnh, thì cũng có thể nói chế tài việc chống lại nhân dân chưa có tác dụng răn đe đối với hiện tượng đánh dân.
Khi luật pháp không nghiêm minh, cách hành xử đó là một nguyên nhân dẫn đến việc chống người thi hành công vụ ngày càng tăng do nhờn luật pháp.
Ngay cả với bức công điện của Thủ tướng hôm nay, cũng chỉ là một điển hình cho cách nghĩ nói trên. Bức điện chỉ yêu cầu “không để sơ hở thiếu sót, bảo vệ an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an và các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp chống đối người thi hành công vụ” mà không hề có dòng nào nói đến việc xử lý người mang danh thi hành công vụ chống lại người dân.
Vậy thì ông Thủ tướng chính phủ đang phục vụ ai đây?
Hà Nội, ngày 15/1/2011
J.B Nguyễn Hữu Vinh
http://www.rfavietnam.com/node/1006