PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Tuoitre) - Vụ nổ mìn tại nhà một giám đốc công an tỉnh làm chấn động dư luận những ngày qua. Cách đó ít hôm, vụ mâu thuẫn trong cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến làm trọng thương một số nhân viên công lực cũng tạo ra tác động xã hội tương tự.
Hiện tượng chống trả, thậm chí chủ động tấn công và xâm hại trực tiếp đối với các vị trí nắm giữ quyền lực công vì các lý do liên quan đến công vụ, qua sự phản ánh của các phương tiện truyền thông, có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây và điều này dễ tạo ra tâm trạng xã hội bất an.
Con người vốn là một loài động vật và luôn có xu hướng tự nhiên hành động theo bản năng. Bởi vậy mới có chuyện cãi cọ trong những trường hợp mâu thuẫn xoay quanh việc tìm kiếm lợi ích. Nhiều cuộc đôi co dẫn đến xung đột, thể hiện ở mức cao trào thành những vụ đối đầu dựa vào bạo lực, có lúc chỉ bằng chân tay, nhưng cũng có khi bằng vũ khí với nhiều cấp độ nguy hiểm, hung hãn có thể rất khác biệt. Tình trạng không gian sống mất trật tự, mất an toàn từ đó phát sinh.
Luật pháp được xã hội đặt ra để kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát, hoành hành của thứ bản năng tiêu cực ấy và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của bộ máy nhà nước. Tư tưởng chủ đạo là mọi người phải ứng xử trong giao tiếp xã hội theo đúng luật một cách có ý thức, không được hành động tùy tiện, hồ đồ. Người nào làm trái luật phải bị xử phạt theo đúng pháp luật, nghĩa là theo đúng các quy định về chế tài đã được ghi nhận trong các văn bản luật mà ai sống trong lòng xã hội cũng biết và buộc phải biết.
Tất nhiên, chẳng có luật pháp và cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật nào diệt được tận gốc mầm mống của tình trạng lộn xộn, rối ren trong đời sống cộng đồng. Nhưng nếu việc tổ chức thực hiện pháp luật tỏ ra chặt chẽ và nghiêm túc một cách phổ biến thì ít nhất điều đó cũng có tác dụng nhắc nhở, cảnh báo: nó có thể khiến những cái đầu nóng phải dè chừng, những toan tính manh động gây nguy hiểm cho xã hội phải được cân nhắc, xem lại. Sự ngán ngại trước quyền uy, sức mạnh trấn áp của công lực thể hiện qua những vụ xử lý kịp thời, đến nơi đến chốn và mang tính răn đe cao có thể khiến những kế hoạch, ý định gây rối, phạm pháp bị xếp lại hoặc hủy bỏ.
Rõ hơn, muốn trật tự, sự bình ổn trong xã hội được duy trì vững vàng, một trong những điều tối cần thiết là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện chức năng được giao phó có hiệu quả. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn phải tích cực, tận tụy với công việc; chủ động và nhạy bén trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; không lơi lỏng, xuề xòa; luôn tỉnh táo và đứng vững trước mọi thách thức, đe dọa, cám dỗ; chấp nhận đương đầu và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Có như vậy những hiện tượng xã hội tiêu cực gắn với bản năng ứng xử hoang sơ của con người mới bị hạn chế, đẩy lùi.