Miến Điện: Tiến trình dân chủ và phát triển - Dân Làm Báo

Miến Điện: Tiến trình dân chủ và phát triển

Chu chi Nam (danlambao) Ngày hôm nay, qua những biến cố chính trị như việc Tổng thống Miến Điện, ông Thien Sein vừa mới thả cả ngàn tù nhân lương tâm, cho phép bà Aung San Suu Kyi, một khuôn mặt đối lập nổi tiếng ra ứng cử, cuộc viếng thăm Miến Điện gần đây của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton và ông Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, cùng quyết định ngưng xây cái đập trên một con sông ở miền Bắc, công trình xây cất do một hãng Trung cộng đảm nhận, những sự kiện đó làm cho một số người nghĩ rằng Miến Điện đã thực tế bước vào tiến trình dân chủ hóa và mở cửa kinh tế.

Tuy nhiên 2 câu hỏi đến với chúng ta: Tiến trình dân chủ hóa sẽ diễn ra như thế nào và trong bao lâu, chóng hay chậm; Chính sách mở cửa kinh tế và dân chủ hóa có cho phép Miến Điện phát triển mau lẹ hay không. 

Chúng ta hãy cùng nhau tìm cách trả lời 2 câu hỏi trên. 

Miến điện là một nước thuộc vùng Đông Nam Á, diện tích là 676 580 km2, gấp đôi Việt Nam, biên giới giáp biển (phía tây, 1930km đường biển), giáp Trung cộng (2185 km biên giới với Trung cộng), giáp Ấn độ (1643 km), Thái Lan (1 800 km), Lào (235 km). Thủ đô là Rangoon. Dân số là gần 50 triệu người, hơn nửa Việt Nam. Tổng sản lượng quốc gia là 50,2 tỷ $, khả năng mua bán (pouvoir d’achat) tính theo đầu người hàng năm là 804,3 $. Miến Điện là một nước giầu có về tài nguyên quốc gia, gồm những mỏ đá quí, dầu hỏa và khí đốt. Tuy nhiên tập đoàn quân đội nắm gần hết kinh tế và tài sản quốc gia, khiến cho dân ngèo đói. Thêm vào đó tập đoàn này lại bỏ ra 40% ngân sách quốc gia vào chi phí quốc phòng. Kỹ nghệ còn thiếu phát triển, phần lớn dân sống về canh nông. 40% xuất cảng là dựa vào đá quí, dầu hỏa và khí đốt. 

Ngày hôm nay, tiến trình dân chủ đã bắt đầu ở Miến Điện, không ai phủ nhận. Nhưng tiến trình này có thể bị ngăn chặn lại vì một cuộc đảo chính do bàn tay ngoại quốc hay không? Tiến trình này mau hay chậm? Tiến trình này có giúp cho phát triển kinh tế và xã hội bắt đầu và trở nên mau lẹ hay không? 

Để trả lời những câu hỏi đó ta cần xét lại quá khứ về lịch sử độc tài và chậm tiến của thế kỷ 20 vừa qua. 

Về kinh tế, một trong những người nghiên cứu về hiện tượng chậm tiến thế giới của các nước Á, Phi, châu Mỹ, người ta phải kể tới ông Amartya Senn, người Anh, gốc Ấn độ. Công trình này đã giúp ông được giải Nobel kinh tế vào năm 1998. 

Ông có viết: 

"Kinh nghiệm hơn 50 năm của thế kỷ 20, người ta nhận thấy rằng hiện tượng chậm tiến, thiếu phát triển, từ Á châu sang Phi châu qua Nam Mỹ, không phải tại thiên tai hay lý do từ bên ngoài, mà là do chính từ bên trong, từ những chế độ độc tài, đã coi tài sản của quốc gia, dân tộc như của riêng mình, của gia đình hay của phe nhóm, chỉ hành động theo phe nhóm, gia đình hay giòng họ."

Thật vậy, hiện tượng chậm tiến, thiếu phát triển gắn liền với hiện tượng độc tài. 

Có hai loại độc tài: Độc tài hữu và độc tài tả. 

Độc tài tả là độc tài cộng sản, một loại độc tài cực quyền, trên mọi lãnh vực, từ tư tưởng tới văn hóa, giáo dục, chính trị, quân sự và xã hội, lấy tư tưởng của Marx làm kim chỉ nam, chủ trương bạo động lịch sử và đấu tranh giai cấp. 

Độc tài hữu thường chỉ là độc tài cá nhân, gia đình và quân phiệt, chỉ độc tài trên lãnh vực chính trị và quân sự. 

Những nước độc tài tả phải kể vào thế kỷ 20 là Liên sô, các nước cộng sản Đông Âu, Trung cộng, Bắc Hàn, Việt Nam và Cu ba. 

Những nước độc tài hữu sau Đệ Nhị thế chiến phải kể Bồ đào nha (le Portugal) của Salazar, Tây ban nha (l’Espagne) của Franco, Đài loan của Tưởng giới Thạch, Nam Hàn của Phác chánh Hi, và Miến Điện ngày hôm nay. 

Về độc tài và phát triển kinh tế, người ta thấy có hiện tượng: đó là sau khi những chế độ độc tài hữu như ở Bồ đào nha, Tây ban nha, Đài loan, Nam hàn bị sụp đổ, nhường chỗ cho dân chủ, thì tiến trình phát triển kinh tế đến rất lẹ và rất mạnh. 

Ngược lại những nước độc tài tả, sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ, như Liên sô, Đông Đức, Hung gia lợi, Tiệp, Ba lan, thì người ta thấy tiến trình phát triển kinh tế đến chậm và khó khăn, điển hình là Liên sô, suốt trong thời gian của Boris Eltsine cầm quyền trong gần hết thập niên 90. 

Chính vì vậy mà đã có nhiều cuộc hội thảo tại những đại học lớn trên thế giới vào đầu những năm 2 000 vừa để kỷ niệm 10 năm cộng sản sụp đổ, vừa để tìm câu trả lời cho việc: "Tại sao tại những nước độc tài tả, sau khi độc tài sụp đổ, tiến trình phát triển kinh tế lại đến chậm và khó khăn hơn những nước đã chịu độc tài hữu".

Trong những cuộc hội thảo đó, có cuộc hội thảo nổi tiếng, được tổ chức tại Madrid, thủ đô của Tây ban nha, dưới sự chủ tọa của ông vua Jean Carlos của xứ này. Những người tham dự hội thảo này ngoài những giáo sư đại học, chuyên viên về phát triển kinh tế, người ta phải kể sự có mặt của ông Gorbatchev. Chính nơi đây ông đã tuyên bố: "Tôi đã bỏ hơn nửa đời người đấu tranh cho lý tưởng cộng sản. Nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà tuyên bố rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo." Sau đó ông có nhắc lại lời tuyên bố này ở đại học San Francisco, Hoa kỳ. 

Câu trả lời cho câu hỏi vừa rồi trong cuộc hội thảo lớn này, đó là: Tại những nước độc tài tả cộng sản, vì là độc tài toàn diện, nên những tổ chức của xã hội dân sự, phần lớn bị hoàn toàn tiêu diệt, nên sau khi không còn độc tài, những tổ chức này khó gầy dựng lại, làm cho tiến trình phát triển kinh tế đến chậm và khó khăn. 

Ngược lại, tại những nước độc tài hữu, như Tây ban nha, Bồ đào nha, Nam Hàn, Đài loan, chỉ là độc tài chính trị và quân sự, những tổ chức của xã hội dân sự vẫn còn đó, chỉ gặp khó khăn nhất thời, sau khi độc tài không còn, thì chúng dễ dàng phục hưng lại, làm cho tiến trình phát triển kinh tế dễ bắt đầu và phát triển mau lẹ. 

Điển hình là nước Nam Hàn và Đài loan. Ngày hôm nay Đài loan và Nam Hàn không thua gì những nước phát triển tây phương. Nền giáo dục Nam Hàn được coi là một trong những nền giáo dục đứng đầu thế giới. Cách đây cả chục năm, Tổ chức những nước phát triển (l’OCDE) có làm một cuộc khảo sát về giáo dục và trình độ kiến thức tổng quát những người thợ chuyên môn, Nam Hàn đứng đầu. Gần đây số bán điện thoại cầm tay, một ngành kỹ thuật và khoa học được gọi là tân tiến nhất bây giờ, vào những tháng cuối năm 2011, hãng Sam Sung của Nam Hàn đứng đầu về số lượng bán với 27 triệu cái, hãng Apple của Hoa Kỳ đứng thứ nhì với 17 triệu, và hãng Nokia của một nước bắc Âu đứng thứ 3 với 10 triệu. Xe của Nam Hàn bán sang Âu châu, dám bảo đảm 7 năm, và được coi là một trong những chiếc xe tốt nhất, ít vấn đề nhất, theo những chuyên viên về xe hơi. 

Chúng ta chỉ cần lấy thí dụ 2 nước Nam Hàn và Bắc Hàn, thì chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa độc tài tả và độc tài hữu. 

Thêm vào đó chúng ta có thể lấy thí dụ giữa Đông Đức và Tây Đức. Tây Đức đã bỏ không biết bao nhiêu tiền bạc cho Đông Đức, cả 2 000 tỷ $, cho tới ngày hôm nay, thế mà kinh tế Đông Đức vẫn trong tình trạng khó khăn. 

Vấn đề chính ở đây là con người, tác nhân chính của phát triển. Con người cộng sản, vì bị giáo dục và tuyên truyền nhồi sọ, làm cho họ có những cái nhìn sai trật, không còn tự lập và sáng kiến. Đây là điều mà chính ông Boris Eltsine than phiền rằng giai tầng trung lưu, giai tầng gồm những con người tháo vát, với một con dao vào trong rừng, họ có thể kiếm củi, trồng trọt, với một số tiền nhỏ, họ có thể mở tiệm, do chính họ làm, không cần sự giúp đỡ của ai, giai tầng này sau nhiều thập niên cai trị của cộng sản, không còn nữa. Nên nước Nga phục hồi kinh tế rất khó khăn. 

Từ công trình nghiên cứu hiện tượng chậm tiến trên thế giới của nhà kinh tế học Amartya Senn, từ kết quả nhưng cuộc hội thảo trên thế giới sau khi cộng sản sụp đổ 10 năm, từ những kinh nghiệm trước mắt giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, giữa Đông Đức và Tây Đức, chúng nhìn vào tình trạng hiện nay của Miến Điện, để cố gắng đưa ra một vài tiên đoán, nhằm trả lời những câu hỏi được đặt ra từ lúc đầu. 

Nước Miến Điện là một nước độc tài hữu, độc tài quân phiệt, là một nước phần lớn đi theo và tôn sùng đạo Phật, ngay cả giới lãnh đạo quân đội, nên họ hành động còn có chút lương tâm, lương tri, "trên còn có Trời Phật, dưới còn có đất", khác hẳn với độc tài cộng sản, giới lãnh đạo từ Lénine, tới Mao, qua Hồ và Kim chánh Vân, Hồ cẩm Đào, Nguyễn phú Trọng, Nguyễn tấn Dũng, ngày hôm nay, những con người này hành động không trừ một thủ đoạn nào để cướp quyền và giữ quyền, vô lương tâm, vô liêm sỉ, "trên không có Trời, dưới không có đất". 

Tiến trình dân chủ hóa ở Miến Điện hiện nay đã bắt đầu được thực hiện. Và vì là độc tài hữu, nên những tổ chức dân sự có cơ hội hồi sinh dễ dàng, bằng chứng cụ thể đó là ngay cả đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi, tuy gặp khó khăn, nhưng không bị triệt tiêu, nay có cơ hoạt động lại. 

Người ta có thể ví độc tài cộng sản như một cơn cuồng phong lớn, làm trốc rễ tất cả, cả cách suy nghĩ của con người qua giáo dục dối trá và nhồi sọ, kiểu như Bắc Hàn, với "Lãnh tụ Kim chánh vân kính yêu, thiên tài về quân sự, mới 16 tuổi mà đã có tư tưởntg về chiến lược." 

Trong khi đó độc tài hữu chỉ là một cơn gió lớn thổi vào quốc gia đó, cây cỏ chỉ bị rạp xuống, sau khi cơn gió lớn đi rồi, thì nó lại ngóc đầu dậy, và sinh sống mạnh mẽ. Điển hình là độc tài Bồ Đào Nha (le Portugal) của Salazar, độc tài Tây Ban Nha (l’Espagne) của Franco, độc tài Đài Loan của Tưởng giới Thạch, độc tài Nam Hàn của Phác chánh Hi. Ngày hôm nay các nước này phát triển kinh tế xã hội rất mạnh, như vừa nói về Nam Hàn ở trên. 

Tôi tin tưởng rằng tiến trình phát triển kinh tế ở Miến Điện sẽ bắt đầu sớm và cũng sẽ tiến triển mạnh trong tương lai. 

Một câu hỏi nữa, đó là: Liệu tiến trình dân chủ và phát triển kinh tế này có thể bị ngừng lại vì một cuộc đảo chính hay không? 

Nhìn vào những cuộc đảo chính của thế kỷ 20 và ngay cả gần đây, thì những cuộc đảo chính thường là có bàn tay của nước ngoài. Những cường quốc thường tổ chức đảo chính là Hoa Kỳ, Anh và Pháp. 

Để tạo ra một cuộc đảo chính thường là phải có ảnh hưởng mạnh trong quân đội, rồi xúi dục một vài tướng lãnh, trước tình thế khó khăn về một vài vấn đề, đứng ra đảo chính. Để làm việc này, cần phải có ảnh hưởng mạnh về tình báo, nhất là quân báo. 

Câu hỏi trên là nhằm ám chỉ Miến Điện ngày xưa bị ảnh hưởng bởi Trung Cộng, nay đi theo tiến trình dân chủ là theo tây phương, liệu Trung cộng có thể xúi một vài vị tướng Miến Điện làm đảo chính hay không? 

Thật ra để trả lời cho tương lai là một việc làm rất khó khăn, đòi hỏi nhiều khiêm tốn, không thể quyết đoán một cách quá độ. Ở đây tôi cũng chỉ dám tiên đoán một cách thận trọng, không dám quả quyết nhất định thế này, hay nhất định thế nọ. 

Từ đó tôi xin khiêm nhượng nói rằng khả thế Trung cộng làm một cuộc đảo chính ở Miến Điện rất khó, vì những cường quốc cộng sản không giỏi về kỹ thuật này. Bằng chứng vào cuối năm 1990, giới bảo thủ và một số tướng lãnh làm cuộc đảo chính Gorbatchev ở Liên sô, nhưng thất bại. 

Người ta có thể nói tiến trình dân chủ đã bắt đầu thực sự ở Miến Điện. Tiến trình này khó có thể ngưng lại bởi một cuộc đảo chính, và tất nhiên sẽ đưa đến tiến trình phát triển kinh tế. Mau lẹ hay không, cũng khó có thể tiên đoán. Miến Điện là một nước tôn sùng đạo Phật. Đây là một ngăn cản cho phát triển kinh tế hay không? Cho tới giờ này, chưa có câu trả lời dứt khoát và rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên đạo Phật sẽ đóng giữ một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn điều thiện, tạo đạo đức và đồng thời làm bớt sự bất công giữa những giai tầng xã hội ở Miến Điện. Bằng cớ đó là ở Thái Lan, đạo Phật đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ổn định xã hội, diệt trừ bệnh HIV, và xoa dịu nhiều nỗi đau khổ của bệnh nhân và gia đình.(1) 

Tương lai của Miến Điện, với tiến trình dân chủ hóa, có nhiều điểm nên lạc quan hơn là bi quan. 


Paris ngày 21/01/2 012 


1. Xin đọc thêm những bài về cộng sản trên http://perso.orange.fr/chuchinam/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo