Nghề nguy hiểm - Dân Làm Báo

Nghề nguy hiểm

Quang Minh Đỉnh Hàng ngày, đối mặt với biết bao vấn đề của cuộc sống, có khi nào chúng ta nghĩ để có được sự yên bình vốn không lấy gì làm nhiều lắm thì ngoài việc phải làm của các cơ quan chức năng còn có một bộ phận không nhỏ những con người dũng cảm dám đương đầu với những tệ nạn, bất công của xã hội. Chấp nhận mọi hiểm nguy có thể xảy đến với gia đình và bản thân mình. Với tôi, đó là những người lính chì dũng cảm. Thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.

Entry này tôi viết về Nghề báo – nghề nguy hiểm.

- Anh (chị) đang làm nghề gì?.

- Tôi là Nhà báo (hiểu theo đúng nghĩa của hai từ này).

Thoạt nghe nhiều người sẽ có sự vị nể , cảm tình, chứ không muốn nói là có sự tôn trọng nhất định. Nhưng mặt trái của nó thì không gì nhạy cảm và nguy hiểm bằng. Bất cứ sơ sẩy gì (nếu có) trong quá trình làm việc thì ảnh hưởng của nó liên quan tới không chỉ cá nhân người đó mà còn để lại hệ lụy cho không biết bao nhiêu người khác. Và sau những sự việc như thế, sẽ có nhiều kẻ cười hả hê sung sướng vì vô tình lại loại đi được một địch thủ đáng gờm.

Sự im lặng đáng sợ của đám đông những người vừa mới còn anh anh em em, chú chú cháu cháu ngọt nhạt êm tai nhưng có thể thay đổi ngay thái độ nếu ta gặp nạn. Lúc đó “mình bận lắm, nói chuyện sau nha, ừ, à, ừ, ừ nhưng, hình như…” Thái độ phổ biến là coi như không quen, không biết, không chơi, không liên lạc, tránh càng xa càng tốt, tâm lý yên thân ta trước thể hiện rõ sự hèn nhát không chừa bất cứ một ai.

Việc các nhà báo, phóng viên bị coi thường, hành hung, bắt nhốt, đánh đập, gây khó dễ trong quá trình tác nghiệp xảy ra không phải là hiếm và mức độ nghiêm trọng cũng tăng theo tỉ lệ thuận.

Theo lẽ thường, một nhà báo sẽ có nhiều mối quan hệ cả với chính quyền với các cá nhân ngoài xã hội. Và nhiều người “lầm tưởng” rằng đó là những lớp bảo vệ hữu hiệu và vững chắc nếu khi có “sự cố” nào đó xảy đến tới mình. Nhưng một khi bị cơ quan cảnh sát điều tra đưa vào tầm ngắm và triệu tập lên lấy lời khai thì lúc đó sẽ hiểu sự “nguy hiểm” của nghề làm báo là như thế nào. Nghiêm trọng hơn nếu mà bị khởi tố và đưa ra xét xử (dù có kết luận là đúng hay sai) thì con đường quay trở lại làm nghề coi như đã chấm hết. Rất ít người còn đủ niềm tin và ngọn lửa đam mê nhiệt tình làm lại từ đầu.

Ngoài việc gặp khó khăn khi đi thu thập tài liệu chứng cứ để hoàn thành một bài viết vốn dĩ không dễ dàng gì, thì vấn đề trăn trở nhất, lực cản lớn nhất tác động tới rất nhiều nhà báo, phóng viên không phải là những cái “bẫy” đầy rẫy đó mà là sự quay lưng, ngoảnh mặt, vắt chanh bỏ vỏ của một bộ phận không nhỏ những đồng nghiệp (khi sử dụng từ này tôi đã cân nhắc rất nhiều), bạn bè, người thân, cơ quan chủ quản, tòa soạn nơi mình công tác khi “hụt bước” chân.

Một bài viết tốt, có hiệu ứng xã hội lan rộng, báo bán được nhiều thì không sao. Nhưng chỉ cần một “sơ suất” xảy ra trong quá trình tác nghiệp thì cho dù chỉ bé bằng con “kiến đen” cũng có thể bị biến thành con voi “ma mút” to dềnh dàng ngay. Lúc đó ai mở miệng, ai đỡ đòn, ai chống lưng, ai bênh vực, ai thông cảm… Tất cả để lại những dấu (?) và (!) không lời giải đáp thỏa đáng.

Câu “lời nói gió bay” đặc biệt đúng trong nghề này. Có mấy ai mà khi có sự chỉ đạo miệng của lãnh đạo, quản lý, phụ trách thì lại vác phương tiện hành nghề “ghi lại” những lời vàng ý ngọc đó. Bởi vì đó là công việc hàng ngày, hàng tuần đều phải làm như vậy. Và gần như đây là “luật bất thành văn”.

Một bài báo để đến được với bạn đọc thì một mình phóng viên, nhà báo làm không nổi. Tất cả đều có quy trình rõ ràng, có sự chỉ đạo, đồng ý, kiểm duyệt, chỉnh sửa, cân nhắc cho đăng hay không đăng từ phía người chịu trách nhiệm trực tiếp cho tới người lãnh đạo cao nhất trong tòa soạn. Nếu làm tốt, không kiện cáo thì sẽ được khen ngợi, giỏi, vỗ vai, phủ dụ. Ngược lại nếu có sai phạm thì bản thân phải đi giải trình, đi “nói lại cho rõ”, đi chứng minh sự trong sạch của mình một cách gần như đơn độc.

Sự dốt nát, bảo thủ, hách dịch, cửa quyền đã khiến nhiều kẻ quay ngược đầu mũi giáo đâm vào đồng nghiệp của mình. Mũi đinh ba được tạo ra để đâm vào vô số chỗ. Thật đau đớn và thương cảm đối với những người làm nghề có tâm khi vì cuộc sống mưu sinh mà bị buộc phải bẻ cong ngòi bút, phải nắn sự thật từ đúng thành sai, từ sai thành đúng, đúng sai trộn lẫn sao cho ra một bài báo nhờ nhờ như nước vo gạo. Trong một vụ việc mà hôm nay khen bên này phải, ngày mai lại bị ép đưa bên kia đúng đã không phải là điều gì quá mới mẻ hay ghê gớm. Viết đúng, viết sai, viết xuôi, viết ngược, viết kiểu gì cũng chết.

Không kể những kẻ cơ hội lợi dụng bài viết của phóng viên, nhà báo để mưu cầu lợi lộc cá nhân trong khi bản thân không là người tác nghiệp trực tiếp. Cơ chế xin cho đã len lỏi vào tất cả các ngóc ngách đến mức đi đâu xác minh thông tin cũng gặp câu quen thuộc “alo, đó là chỗ đối tác của anh, chị, em…”. Sao mà lắm mối quan hệ thế? Thời “nhà báo nhiều như lợn con” đang lên ngôi, thời nhà báo “salon” cũng theo đóm ăn tàn bám đuôi bám càng leo tiếp. Ngồi một chỗ nhưng viết bài khắp nơi, cứ như là mình có mặt để tác nghiệp tại hiện trường. Trơ trẽn thay khi “xào nấu” lại bài của báo (người) khác nhưng lại đề tên của mình bên dưới.

Khốn nạn đời (anh Chí nào chửi câu này ở thời nay chắc không bị quy vào tội chửi tục).

Mỗi nghề mỗi đặc thù khác nhau. Đại diện cho một tập thể phải là một cá nhân hiện hữu. Trong tập thể đó, nếu cá nhân nào dù vô tình hay cố ý phạm phải sai lầm thì người đứng đầu phải ra đỡ đạn cho họ đầu tiên, đúng sai hạ hồi phân giải. Sai đến đâu xử đến đó, không quy chụp, suy diễn, viện dẫn vô căn cứ. Phải thể hiện được cái UY của người đứng đầu. Có ai sống mãi được đâu, hùm chết để da, người chết để xương. Người đời sợ nhất là tai tiếng, vậy phải sống thế nào để khi về thế giới bên kia vẫn để lại tiếng thơm muôn đời không phai nhạt. Đó mới là cái DŨNG của người làm Tướng.

Nhưng nghề báo lại khác, nếu sai phạm, vô tình sai phạm (nghi ngờ sai phạm) thì người viết bài lãnh đủ, còn tập thể (người chịu trách nhiệm liên đới) lúc đó thì phải đi tìm, khó lắm vì nó trốn rất kĩ, tìm không dễ, vì sao? Bởi vì đó là một định nghĩa mơ hồ đến mức tôi đặt tên cho nó là “Tâm linh tập thể”, nó như làn mây lượn lờ ngay trước mắt, đưa tay chạm vào thì dễ nhưng để đi tìm câu trả lời “tập thể là ai?” thì lại quá khó. Làm báo mà tuần nào cũng phải đi nghe giảng như là dạy trẻ con lớp 3 thì đó không phải là tự do báo chí mà chỉ như cái mỏm đá vôi được đặt trên một bãi sình lầy hôi thối mà thôi.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả một tập thể không bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ người lãnh đạo nào. Nhưng khó không có nghĩa là không thể, một khi anh đứng ở vị trí thuyền trưởng thì anh phải là người cuối cùng rời khỏi tàu khi gặp nạn. Nếu không thì tốt nhất anh nên từ chối vị trí đó, nhường cho người khác có năng lực hơn. Anh có khả năng, có phương tiện đầy đủ, có nhiều áo, nhiều phao cứu hộ trong tay mà mới chỉ một cơn gió thoảng qua anh đã yêu cầu thả neo ghìm thuyền lại thì đó là một con thuyền ma không hơn không kém.

Kết thúc entry này, tôi chỉ muốn viết một câu muôn năm không bao giờ cũ đối với bất kể ngành nghề nào, với bất cứ ai: “Hãy cẩn trọng trong mọi việc”.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo