Nhớ chim - Dân Làm Báo

Nhớ chim

Minh Ròm (danlambao) - Bạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nhiều người ái mộ. Thời buổi lạm phát, vật giá leo thang, mà ông phải lo cho bốn miệng ăn nên gia đình ông cũng rất ư hoàn cảnh. Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, ông tạm gác bút, chuyển làm “doanh nhân”, mở quán chuyên trị tiết canh vịt. Tiết canh ông đánh ngon, khách tấp nập tối ngày sáng đêm, khách nhậu ưu ái mà gọi quán ông là “Quán Cạc”!

Tiếng là vịt nhưng thực tế là ngan. Ngan là một loài ba phải, đầu lúc nào cũng gật gù, ngan nhưng gọi vịt cũng không cãi. “ Kệ, ngan cũng là một thứ vịt, nhưng to hơn, nhiều tiết lắm bác ạ” – ông bảo tôi vậy.

Quán ông đông từ sáng tới đêm, xem ra có lãi. Đang “liên tục phát triển” bỗng thấy ông đóng cửa, dẹp tiệm. Chiến hữu mất hẳn một địa chỉ tụ tập hấp dẫn. Hỏi, ông chỉ cười!

Nhà ông trong một hẻm nhỏ, gần chợ. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, tiện lợi nhiều đường. Tuy diện tích không lớn, nhưng ông cũng dành một ít làm khu vườn nhỏ. Không làm thơ, không mở quán, ông xoay ra “làm vườn”.

Một chiếc bể cạn lớn xây xi măng uốn éo, có hòn non bộ, có ngư ông tiều phu, có cây si già nhúng bộ rễ xuống nước, có cả chiếc cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang – như thật! Người ta thả cá vàng, bạch long, la hán … cả triệu bạc một con. Còn ông nuôi cá chép, rô phi, diêu hồng. Được chăm sóc tốt, lũ cá phổng phao, sinh con đàn cháu lũ. Góc vườn, mấy cây chanh, ớt xum xuê, mấy luống rau thơm, húng cây, húng chó, mấy chậu hành ngò thơm ngát không gian. Bụi đinh lăng xanh tươi, lá tõe chân chim như thêu ren chạm khắc. Một cây nguyệt quế lặng lẽ tỏa hương. Mảnh vườn xinh xắn, bé tẹo, vậy mà có duyên, cũng suối khe róc rách, cũng dập dìu ong bướm lả lơi.

Hôm chúng tôi đến chơi, ông thổ lộ: “Chả biết làm quan sướng thế nào, chứ làm quan như tôi cực lắm các bác ạ. Bất cứ ngồi đâu, làm gì, suốt ngày điện thoại réo. Từ mờ sáng tới khuya, thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện nắng, chuyện mưa, chuyện văn chương học thuật. Chuyện nào cũng có lý do để dzô. Luận về phim ảnh nước ta, bèn có thơ rằng: “Ngồi buồn kéo phẹc xem chim, còn hơn vào rạp xem phim nước mình”. Thế là lại đủ để dzô dzô. Ngày không biết bao nhiêu cuộc, mỗi cuộc bao nhiêu ly”! Thận tôi vốn yếu, cứ mỗi bàn một ly, suốt ngày, đâm ra mắc cái bệnh đái đường từ đấy. Mình là người tử tế, tự nhiên mắc cái bệnh tên nghe chả ra làm sao cả. Thôi thương nhau, tôi “quy hoạch” cái vườn này để lâu lâu mời các bác tới chơi!”.

Xuất thân quân ngũ lại có biệt tài nấu nướng, chỉ loáng sau mấy con cá rô phi nướng than hồng thơm phức, nhờn mỡ nằm ngay ngắn trên đĩa. Món gỏi cá điêu hồng và nồi cháo cá chép bốc hơi ngạt ngào thơm nhức mũi đã trong tư thế sẵn sàng. Rau trên cây vặt cả cành, ớt trong chậu cắn cả trái, ngọn đinh lăng tươi rói, ăn đâu vặt đó, rượu Bàu Đá tràn ly, nồng nàn tình bè bạn. Cuối vườn mùi nguyệt quế hương thoang thoảng.

Chúng tôi thưởng thức một bữa ăn tuyệt vời, đậm đà hương vị dân dã, rất khó tìm ở nơi quán hàng sang trọng thời buổi kinh tế thị trường.

Không biết tha nhặt ở đâu về, vườn nhà ông treo đầy lồng chim, lúc nào cũng véo von tiếng hót. Con cưỡng già to mồm, lanh lảnh rộn ràng hẻm nhỏ; con cu gáy rù rì xa vắng những trưa hè, gợi nhớ đồng quê ngát hương. Con sáo đá luôn mồm kêu khi khách đến “Má mày, má mày, đồ đểu, đồ ăn cướp”.

Về con chim biết chửi, ông kể: “Một lần ra ngoại thành ghé quán thịt chó, tôi gặp nó, nghe chửi như người. Chủ quán cầy vội than thở, phân bua: Khổ lắm bác ạ! Nhà cháu bán quán, mấy ông mở hội nghị đặt tiệc, rồi chửi nhau, nó chửi theo, chửi riết thành quen. Lần sau, thấy mấy ông vào là nó chửi! Chắc cháu phải thả nó quá bác ơi! Để thế này thì mất hết khách. Tôi đỡ lời: Ấy chết, động vật quý hiếm, ông để tôi lo… thế là tôi đưa nó về, cho nó nhập bọn với những con thú trong vườn …”

Từ ngày có con sáo đá, sáng nào cũng vậy, ông lên sân thượng chửi nhau với chim. Chửi hoài, người nghe không còn biết thằng nào chửi má thằng nào, và trong hai thằng, thằng nào đích thực là đồ đểu, đồ ăn cướp! Ông đâm ra ghiền tiếng chửi của nó. Cứ mỗi lần đi họp ông lại lên sớm hơn bên con chim quý, như để lấy dũng khí cho cuộc họp sắp diễn ra!

Dịch cúm gia cầm ở đâu lại tràn về. Báo đài dồn dập đưa tin, tỉnh A, huyện B phát hiện ổ dịch, có bao người người đã chết vì cúm, hàng triệu gia cầm phải tiêu hủy. Phường ông ở cũng đang sôi lên về câu chuyện này.

Thực hiện cuộc vận động tiêu hủy gia cầm của chính quyền địa phương, dù rất buồn và tiếc những con vật mà mình đã chăm sóc nuôi dưỡng chúng, ông vẫn phải cho người nhà đem lũ chim ra thật xa, mãi ngoài bờ sông tháo cũi, sổ lồng cho cả lũ bay đi.

Thi thoảng ghé thăm, ông không mời Bàu Đá với gỏi cá điêu hồng nữa mà mời uống trà. Trà ông pha chậm rãi, cầu kỳ, trong im lặng. Ông trở nên ít nói, trầm tư, cứ như người mất hồn, đãng trí. Chắc là ông nhớ chim! Bây giờ ai cho chúng ăn? Hội nhập với thế giới bên ngoài, mạnh được yếu thua, gà công nghiệp như chúng mày làm sao sống?! Mấy con sáo đá quên mất tiếng chim rồi. “Má mày, má mày” lũ chim ngoài kia làm sao hiểu? Còn “đồ đểu, đồ ăn cướp” thứ ấy hình như chỉ có trong cõi người thôi, chúng mày sẽ sống như thế nào?!

Sáng sáng lên dọn vườn. Cái vườn giỏi lắm được 20 mét vuông, loáng cái xong ngay. Bâng khuâng nhớ cái ngày lũ chim còn đây. Mỗi sáng chửi nhau, ông chửi nó, nó chửi ông “Má mày, má mày, đồ đểu, đồ ăn cướp”. Ông pha bình trà, rửa trà, tráng ấm, lặng lẽ, công phu, ngồi uống một mình, nhìn mông lung, ngóng đến một chân trời, lẩm bẩm một mình: “Hội nhập! Hội nhập”.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo