Chuyện thứ nhất:
Cách
đây đúng chục năm, một anh bạn cho mình mượn một cuốn sách có nhan đề
“Tử vì đạo”. Có lẽ cuốn sách này bị những người theo công giáo rất phẫn
nộ vì cho là có ý phỉ báng các vị thánh. Mình đã có ý đi tìm lại cuốn
sách này, trong những hiệu sách cũ mà vẫn chưa tìm được.
Cốt
chuyện thực ra làm mình rất xúc động. Chuyện về một thanh niên lêu
lổng, trộm cắp, lừa tình, lừa tiền, nghĩa là mọi thói hư tật xấu đều có
cả. Sau một vụ lừa đảo bị đổ bể, gã bị bỏ tù. Ra tù, gia đình không chứa
chấp, xã hội chối bỏ. Thất nghiệp, gã lang thang đi đó đây, mong kiếm
được một công việc để kiếm sống. Mình nhớ mang máng tên gã là Raj hay là
gì đó.
Một
buổi trưa nọ, Raj dừng lại trong một ngôi đền bỏ hoang bên bờ sông để
nghỉ. Gã ngủ thiếp vì đói khát và mệt nhọc. Lúc chợt tỉnh giấc, gã thấy
một bác nông dân đang ngồi bên cạnh nhìn gã đăm đăm.
Họ
ngồi bên cạnh nhau, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ. Bác nông dân buồn
bã than phiền về chuyện khúc mắc gia đình, Raj thì đưa ra lời khuyên vô
thưởng vô phạt gọi là xã giao. Sau đó họ chia tay. Raj không đủ sức đi
tiếp, gã định nghỉ lại tại ngôi đền dăm ba bữa nữa mới tính đi tiếp.
Sáng hôm sau, bác nông dân lại ghé qua ngôi đền. Bác vui vẻ nói mọi
chuyện trong nhà đã ổn thỏa. Raj nhận thấy trong cách nói của bác nông
dân có vẻ gì đó cung kính, gã không hiểu nhưng rồi cũng mặc kệ. (Sau này
gã mới đoán rằng do đói khát lâu ngày nên người gã gầy rộc đi, râu tóc
dài ra nên hẳn nom gã giống một nhà truyền đạo. Gã quyết định không cắt
râu tóc, kiếm thêm cái gậy, luôn nói lấp lửng để giống một nhà hiền
triết…) Họ vẫn nói chuyện theo kiểu bâng quơ như thế. Lại nói về chuyện
ông A xích mích với bà B, ừ thì gã cũng lại nhận xét thế này thế nọ. Bác
nông dân im lặng lắng nghe, sau đó bác ra về không quên để lại cho Raj
ít đồ ăn và hoa quả.
Hầu
như ngày nào bác nông dân cũng ghé qua ngôi đền. Ngày nào bác cũng đem
đến cho Raj một ít đồ ăn thức uống. Thỉnh thoảng bác lại đưa ra những
tình huống khó xử của bác hay một ai đó trong làng và lắng nghe Raj
phán. Lạy Chúa phù hộ, mọi việc đều xuôi chèo mát mái. Raj cảm thấy vận
may đến với gã, gã chẳng phải làm gì mà vẫn có cái để sống. Gã quyết
định ở lại ngôi đền một thời gian. Ngày lại ngày trôi qua, những người
trong làng bắt đầu tìm đến ngôi đền. Chuyện gì họ cũng đem ra hỏi Raj,
và may mắn vẫn chưa rời bỏ gã, chuyện gì cũng ổn thỏa một cách tình cờ,
nhưng lại đem đến cho Raj danh tiếng bất ngờ. Chuyện 2 làng đánh nhau
một mất một còn, họ nhờ đến Raj can thiệp. Raj lên tiếng theo kiểu ba
phải, thế mà cũng dẹp được mối cừu hận. Tiếng lành đồn xa, người ở các
vùng khác bắt đầu tìm đến. Thậm chí có người còn tình nguyện đến quét
dọn ngôi đền, đồ ăn thức uống người ta đem đến đền ngày một dư dả. Thấy
mọi người tốt với mình quá, nhiều lần Raj đã định thú thật về con người
mình. Thực ra cũng có lần gã hỏi bóng gió với bác nông dân, người đầu
tiên đến với gã. Bác quả quyết Chúa trời đã đưa gã đến với ngôi đền này,
ngay từ lần đầu tiên bác nhìn thấy gã nằm ngủ ở đó. Gã thấy buồn cười,
nhưng không nỡ làm bác nông dân buồn và thất vọng. Cứ thế việc thú nhận
ngày càng trở nên khó khăn hơn vì sự kính trọng của dân làng với Raj mỗi
ngày một lớn.
Một
ngày kia bất hạnh ập xuống đầu Raj. Không biết Chúa trời trừng phạt sự
lừa dối của gã hay thử thách gã thực sự. Hạn hạn kéo dài khiến mùa màng
thất bát, dân đói kém. Tuy đói thế nhưng người dân vẫn không để cho Raj
đói. Raj cảm thấy dân làng đang trông đợi một cái gì đó ở gã. Vốn sống
được bởi lòng tốt của dân làng, gã cũng muốn làm một cái gì đó để đền
đáp. Khi gã hỏi gã có thể giúp gì cho dân làng không, bác nông dân rụt
rè nói: thầy là một vị thánh, nay nếu thầy tuyệt thực, may ra có thể lay
động đến trời cao, mới khiến cho trời mưa được.
- Đúng thật là điên rồ! Ai mà tuyệt thực lại có thể khiến trời mưa được?
Gã
cười thầm trong bụng về niềm tin ngây ngô của bác nông dân. Nhưng rồi
mỗi một ngày qua đi, Raj cảm thấy không ổn. Gã cảm thấy những ánh mắt
đang nhìn gã chờ đợi một cách tuyệt vọng. Dân làng chưa một ngày để gã
bị đói trong khi họ đói vàng mắt ra. Gã điên lắm. Kể ra nếu gã tuyệt
thực dăm ba ngày mà khiến trời mưa được thì gã cũng chả xá gì. Nhưng gã
biết thừa chẳng bao giờ có chuyện đó. Nếu gã tuyệt thực mà trời vẫn
không mưa thì gã sẽ phải chết à? Không được! Gã bắt đầu tính đến bài
chuồn khỏi ngôi đền, mặc xác dân làng với cái niềm tin chết tiệt của họ.
Nhưng
ma xui quỷ khiến thế nào mà gã không thể cất bước đi trốn cho được. Gã
cứ bồn chồn đi ra đi vào. Cho đến một ngày, gã quyết định lấy hết can
đảm, kể cho bác nông dân nghe toàn bộ cuộc đời mình. Bác nông dân ngồi
trầm tư nghe Raj nói. Kể cả khi Raj nói xong, liếc nhìn trộm bác, bác
cũng chẳng thốt lên tiếng nào. Raj ngạc nhiên lắm, gã đã chuẩn bị tinh
thần để nghe bác sỉ vả một cách thậm tệ nhất rồi tống cổ gã ra khỏi đền,
thế mà bác ấy cứ ngồi thản nhiên nhìn ra bờ sông. Không chờ đợi được
nữa, Raj đành phải lên tiếng:
- Bác thấy thế nào?
- Chẳng thế nào cả. Thầy chính là thánh ở chỗ đó.
Nói
rồi bác vươn vai đứng dậy, chào tạm biệt gã để trở về làng. Raj những
muốn nổi xung lên. Cái gã chờ là những lời chửi rủa, thậm chí là bị
đánh, rồi bị đuổi một cách hợp pháp ra khỏi ngôi đền. Như vậy gã mới rũ
bỏ được sự hối hận, như thế mới còn con đường sống cho gã. Nhưng nếu họ
nghĩ về gã như thế thì có nghĩa là họ ép gã vào con đường chết rồi còn
gì. Gã giận điên cả người. Nếu gã trốn bây giờ, chắc sẽ chẳng có ai đuổi
theo gã.
Gã
nghĩ suốt cả đêm. Cả đời gã chưa bao giờ phải nghĩ nhiều đến thế. Mình
không nhớ gã nghĩ trong bao nhiêu lâu, một đêm, một ngày, hay hai ngày?
Chỉ nhớ sau cùng Raj đã nói với bác nông dân là gã đồng ý tuyệt thực.
Tin lan ra nhanh chóng, hàng trăm nghìn người từ khắp nơi đổ về ngôi
đền, chứng kiến “vị thánh sống” của họ tuyệt thực cầu mưa cứu dân. Đến
mức chính quyền phải huy động hàng nghìn cảnh sát đến để giữ gìn trật tự
an ninh cho cả trăm ngàn người ấy.
Raj
đã tuyệt thực bao nhiêu ngày mình cũng không nhớ, chỉ biết khi gã kiệt
sức thì trời vẫn không mưa. Người dân lấy khăn ướt thấm lên đôi môi khô
nẻ của Raj. Đến ngày thứ….trước khi Raj mê đi, gã nhìn thấy trong ánh
hào quang trước mắt gã có những giọt mưa đang rơi…Lạy Chúa tôi, mình
không nhớ chính xác câu văn, nhưng đoạn kết không nói rõ là có mưa thật
hay đó chỉ là ảo giác trước khi Raj gục xuống. Cũng không rõ con người
dối trá ấy đã chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình để đem lại niềm tin
cho những người dân đã từng cứu mạng gã khỏi chết đói – có chết thật hay
không. Thực lòng mình không muốn Raj chết.
Chuyện thứ hai
Khi
phát xít Đức chiếm nước Pháp, trong một buổi tiệc, các cô gái điếm bị
gọi đến để phục vụ đám sĩ quan. Một tên sĩ quan lên tiếng sỉ nhục các cô
gái điếm, các cô yên lặng chịu đựng. Nhưng sau đó, viên sĩ quan tiếp
tục tỏ ý khinh rẻ phụ nữ Pháp, cô điếm bé nhỏ đang ngồi trên lòng hắn
bất ngờ dùng chiếc dĩa ăn bằng inox đâm mạnh vào ngực viên sĩ quan.
Trong khi tất cả lặng đi, cô gái điếm nhảy qua cửa sổ trốn mất.
Suốt
mấy ngày trời, lính Đức tổ chức truy lùng cô gái điếm nhưng không thể
nào tìm ra. Viên sĩ quan bị đâm kia đã chết. Lính Đức yêu cầu cha cố
phải kéo chuông khi chôn cất viên sĩ quan. Thoạt đầu cha cố nhất định
không chịu, nhưng khi bọn lính đe dọa sẽ cho người xông lên gác chuông
thì cha cố đành chấp nhận kéo chuông. Hóa ra vị cha cố đã giấu cô gái
điếm kia trên gác chuông. Sau ngày nước Pháp được giải phóng, cô gái
điếm nọ được tôn vinh như một vị anh hùng. Cô được một viên tướng lấy
làm vợ và trở thành một phu nhân đáng kính.
Những
câu chuyện trên thật hay không có lẽ không quan trọng lắm. Không phải
cứ đi tu rồi sẽ thành chính quả. Người biết sửa mình, biết vì cái nghĩa ở
đời mới là đáng quý. Cả hai câu chuyện khiến mình nhớ đến câu nói: bất
cứ vị thánh nào cũng có một quá khứ…
Chuyện
về một kẻ lừa đảo, một cô gái điếm, “hay một tên chuyên giết người khi
ngộ ra sẵn sàng rạch bụng, moi tim gan nhờ nhà sư dâng lên Đức Phật – sự
tích cá he” đều là sự hướng thiện trong cuộc sống này, còn hơn khối kẻ
đạo đức giả mà những người xung quanh đều nhìn thấy, chỉ có mỗi họ là cố
tình không thấy mà thôi.