Trọng Nghĩa (RFI) - Ngày 06/01 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng giải thích về việc chính quyền Hà Nội quyết định bắt một người tích cực biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, và đưa vào giam giữ hai năm trong trại “giáo dục”. Việt Nam đã phản ứng như trên sau khi gặp phải nhiều chỉ trích, trong đó có lời phản đối chính thức từ phía Hoa Kỳ hôm 05/01, thông qua đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Giáo sư Carl Thayer phân tích trường hợp này.
Nhân vật trung tâm trong vụ việc này là bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, đã nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam tại vùng Biển Đông, và đã tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Theo lời giải thích của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, được báo chí Việt Nam trích dẫn thì : “Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho biết (là bà) Bùi Thị Minh Hằng đã nhiều lần gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý trường hợp này phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam”. Cũng theo ông Lương Thanh Nghị, trường hợp bà Hằng không phải là một vụ giam giữ vì quan điểm chính trị do « Tại Việt Nam, không ai bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến ».
Tuyên bố trên đây đã gián tiếp đáp lại lời chỉ trích chính thức từ phía Hoa Kỳ được đưa ra trước đó một hôm. Ngày 05/01, đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã tỏ ý “quan ngại sâu sắc” vì những thông tin cho biết là bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị « kết án không qua xét xử tới hai năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam, vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa ».
Hành động can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ và phản ứng của Việt Nam cho thấy là việc bắt giam bà Hằng đang khuấy động quan hệ Mỹ - Việt, vào lúc Việt Nam có ý muốn nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Hà Nội liên tiếp bị Bắc Kinh chèn ép trên vấn đề Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer đã cho rằng trường hợp Bùi Thị Minh Hằng đã nêu bật hai yếu tố nhân quyền và Biển Đông trong tương lai quan hệ Việt Mỹ. Theo ông Thayer, có bốn giả thuyết giải thích nguyên nhân vì sao bà Hằng bị bắt giữ và đối đãi một cách khắc nghiệt như vậy.
« Trước hết, đó có thể là vì Việt Nam muốn thực hiện tốt lời hứa "hướng dẫn công luận" trên những vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương Việt -Trung. Đây là thỏa thuận đạt được ngày 25 tháng 6 năm 2010 nhân dịp phái viên đặc biệt của Việt Nam đến Bắc Kinh (sau khi Việt Nam tố cáo Trung Quốc sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trong vùng thềm lục địa của mình).
Giả thuyết thứ hai là các quan chức Việt Nam tính toán rằng ý định của Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam vào việc ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông sẽ xóa nhòa các mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền. Trong trường hợp đó, phản ứng của Đại sứ quán Mỹ trong vụ bà Minh Hằng chỉ mang tính chiếu lệ mà thôi.
Theo giả thuyết thứ ba, có thể là giới lãnh đạo Việt Nam lo ngại trước tác động của ba vấn đề khác nhau trên sự ổn định chính trị trong nước : Hiện trạng kinh tế của Việt Nam, tình hình bất ổn chính trị tại Trung Quốc và tác động tiềm tàng của mùa xuân Ả Rập…
Giả thuyết thứ tư là bà Minh Hằng đã có thành tích đấu tranh chính trị. Theo Human Rights Watch, bà đã bị giam giữ ít nhất bốn lần trong sáu tháng qua. Các bức ảnh và video quay cảnh bà tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cho thấy là bà rất dũng cảm. Dù bị nhiều áp lực, bà vẫn tiếp tục biểu tình. Cơ quan an ninh Việt Nam không quen khoan dung, và thái độ cứng rắn của bà Minh Hằng được coi là một sự thách thức trực tiếp uy quyền của nhà nước".
Theo giáo sư Thayer, trường hợp của Minh Hằng rất nhạy cảm vì không thể khép bà vào tội hoạt động tuyên truyền chống nhà nước. Việc bà nhằm chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông được đông đảo công chúng Việt Nam ủng hộ và có ảnh hưởng rộng rãi.
Vấn đề này nổi cộm lên vào lúc các cuộc đàm phán Mỹ - Việt về một bản tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ đã gặp trở ngại vào năm ngoái, do bất đồng trong hồ sơ nhân quyền. Phía Hoa Kỳ muốn xếp vấn đề này vào một đề mục riêng biệt, trong lúc phía Việt Nam lại chủ trương lồng nhân quyền vào bên trong một đề mục chung là quan hệ chính trị.
Trọng Nghĩa