Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân? - Dân Làm Báo

Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân?

"...Có một câu mà đến giờ mình vẫn còn nhớ là “Dân mình cứ ra Hoàng Sa rồi cứ bị đánh, bị bắt miết, nhà nước nói vậy thì mình biết tin ai bây giờ?”. Đó là một câu mà mình nghe ở trong một đoạn chia sẻ của một anh ngư dân mà mình có quay lại, đến giờ nó là câu trả lời rõ ràng nhất cho những ai còn phân vân về cái lập trường của nhà nước đối với chuyện bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa..." - Blogger Mẹ Nấm.

*

2012-01-03 

Câu hỏi đặt ra là nhà nước, chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân trước mối họa Trung Quốc?

Khánh An: Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi.

Thưa quý vị, kỳ trước, chúng ta đã theo dõi các vị khách mời là ông André Menras Hồ Cương Quyết, một người Pháp có quốc tịch Việt Nam, Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm ở Nha Trang và Bảo Lộc từ Sài Gòn tiết lộ về mối lo sợ lớn nhất của ngư dân đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, đó là mối lo sợ về nhân tai, cụ thể là gặp Trung Quốc. Đã có rất nhiều người mất tàu, bị phá sản, thậm chí mất mạng vì mối họa này.

Câu hỏi đặt ra là nhà nước, chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân trước mối họa Trung Quốc?

Hãy nghe các vị khách mời trên tiếp tục câu chuyện nhé. Trước tiên là chia sẻ của blogger Mẹ Nấm:


Tàu đánh cá vừa đánh bắt về cặp bến Cảng cá Kỳ Hà - Quảng Nam hôm 05/07/2011. RFA PHOTO

Không phải bị Trung Quốc bắt?

Blogger Mẹ Nấm: Mình đã trực tiếp nói chuyện với một gia đình. Anh đó là anh Lê Văn Huy, người cũng đã từng được báo Sài Gòn Tiếp Thị trong nước viết ở bài “Vết thương Hoàng Sa”. Hai cha con anh này đã từng bị bắt trên một tàu vào năm 2009 và sau đó thì nó (Trung Quốc) dồn hai tàu làm một và nó cho một tàu về và con của anh Huy được về, còn anh Huy thì bị giữ lại.

Trong một ngày nó chỉ cho họ ăn một bữa thôi. Anh Huy có kể với mình là phải lượm rau trôi trên sông, trên biển để tự nấu lấy. Khi những tàu bạn bị bắt cùng lúc với anh Huy họ nhìn thấy anh Huy bị đánh đập như thế, rồi bị gọi lên và lúc đó số tiền chuộc đối với gia đình anh Huy là 6.000 đô la, mà bên kia thì nó cứ thúc ép anh Huy phải nộp tiền phạt, nếu không thì nó sẽ giết. Anh Huy này cũng may mắn là ảnh được tất cả những người cùng bị bắt chung với ảnh, họ dồn hết tất cả dầu của các tàu còn dư lại cho ảnh và anh Huy quyết định là anh sẽ chặt dây neo tàu bị giam để trốn thoát về Quảng Ngãi. Trên đường trốn thoát, anh Huy gặp những tàu khác và anh xin gạo và dầu để về. 

Khi anh Huy về tới Quảng Ngãi thì rất buồn là chính quyền Quảng Ngãi có xuống hỏi thăm qua loa chứ không hề có một động thái nào gọi là trợ giúp. Ảnh có nói là họ (chính quyền) vẫn không tin được là làm sao ảnh thoát về được và họ nghĩ rằng chắc anh này bị làm sao đó chứ không phải bị phía Trung Quốc bắt. Tức là đối với phía chính quyền địa phương thì họ coi đây là một chuyện bình thường. Anh Huy đã phải bán chiếc tàu của anh để trả nợ và vẫn còn nợ ngân hàng một số tiền.

Ảnh có nói với mình rằng “Nếu bây giờ cho anh đi biển nữa thì anh vẫn ra Hoàng Sa thôi, em ơi! Bởi vì không ra Hoàng Sa thì biết ra đâu bây giờ?! Mà ngư trường của mình ở đó bao nhiêu năm nay, nếu mình không ra đó thì mình đi đâu?”. Trong khi tất cả mọi người đều kêu gọi là “cùng ngư dân bám biển”, khi mà mọi người ở trong bờ, các lãnh đạo đến thăm, mọi người đến thăm thì đều nói là “biển của mình là Hoàng Sa, để bảo vệ Hoàng Sa thì ngư dân phải ra Hoàng Sa đánh cá”; nhưng khi ra Hoàng Sa đánh cá thì không hề có tàu hải quân đi theo.

Mình có hỏi là “Nếu mình ra đó mình bị bắt thì sao, anh?”

“Nếu khi mình gặp tàu nó thì mình phải né thôi”.

Mình có hỏi là “Vậy thì những người có trách nhiệm đối với sự an nguy của ngư dân trên biển như hải quân, bộ đội biên phòng, thì họ khuyên anh như thế nào?”

Anh nói: “Thì chỉ nói là gặp tàu Trung Quốc thì tránh đi thôi chứ không có khuyên gì hết”.

Lúc đó mình có tìm hiểu chuyện “dân quân biển” thì thật sự báo chí nói đến vấn đề này rất là nhiều. Tự vệ dân quân biển thì trên đài báo nói rất là nhiều, nhưng mà thực sự khi Quỳnh ra đó vào tháng 9 vừa rồi thì họ mới chỉ được tập hai ba buổi thôi và họ không được trang bị vũ khí. Mình không biết được chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng mình nhìn sâu vô mắt những người mình hỏi chuyện thì mình biết chắc một điều là họ thực sự hoài nghi về sự an toàn của mình, nhưng họ vẫn tiếp tục bám biển bởi vì họ hy vọng và cả tương lai của họ là ở biển thì họ tiếp tục bám biển mà thôi.

Cá vừa đánh bắt ở Cảng cá Kỳ Hà - Quảng Nam hôm 05/07/2011. RFA PHOTO.  

Khánh An: Vâng.

Hồ Cương Quyết: Vâng. Anh đã biết cấu chuyện rất đặc biệt của anh Huy bị Trung Quốc bắt và bị đưa lên đảo Hải Nam và ở đó 4 ngày, sau đó thì có thể trốn về Bình Châu chỉ với một la bàn mà thôi. Đó là một chuyện rất thú vị, cho biết ngư dân ở đây không phải thuộc về loại ngư dân bình thường, mà họ là anh hùng. Nhưng rất tiếc, trong khi chính quyền Việt Nam – nhà nước Việt Nam luôn luôn khẳng định là “Hoàng Sa là của Việt Nam” và khuyên ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa, nhưng khi người dân của mình, đồng bào của mình gặp tai nạn như vậy, gặp sự uy hiếp của nước ngoài là Trung Quốc, thì sau đó ai giúp đỡ? Không có ai hết! Phá sản luôn! Và suốt đời của mình phải cố gắng trả nợ cho bà con, cho ngân hàng, cho nhà nước. Anh đã gặp những trường hợp như vậy, anh có hồ sơ những ngư dân như Huy là Trương Bích La, Mai Phụng Lưu. 

Có một số ngư dân như vậy đã mất tàu của mình, đã mất tất cả tài sản của mình, không có đất và trắng tay luôn. Làm sao có thể chịu được cái đó? Mình phải giúp đỡ, mình phải hỗ trợ họ hết sức, phải ở bên cạnh với họ. Vì lý do đó mà anh lập một hiệp hội ở bên Pháp, hiệp hội Việt – Pháp để lập ra một quỹ để hỗ trợ họ một cách trực tiếp, có nghĩa là mình đến tận chỗ, đưa họ một món tiền, có cả những người vợ góa. Mình có chương trình mua một chiếc tàu cho những ngư dân muốn tiếp tục đi Hoàng Sa. 

Chương trình này mới có và nhân dịp chiếu cuốn phim này, phim “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi Đau Mất Mát”, thì nhân dịp đó mình sẽ mở rộng một quỹ hỗ trợ rất minh bạch cho những ngư dân ở Bình Châu và Lý Sơn để giúp đỡ họ một cách cụ thể bởi vì nói là một việc, phát biểu là một việc, nhưng mà giúp đỡ họ để còn sống là một việc quan trọng nhất mà mình phải hết sức có trách nhiệm, có nghĩa vụ xứng đáng với họ bởi vì họ đã xứng đáng được giúp đỡ như vậy. Họ là những người tuyệt vời! Tuyệt vời trong một chiến tranh im lặng với một nước lớn, một nước khổng lồ mà chiếm Việt Nam ở vùng này một cách bất hợp pháp, sử dụng vũ lực như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước Quốc Hội ngày 25 tháng vừa rồi thì “Trung Quốc đang chiếm Hoàng Sa một cách bất hợp pháp, sử dụng vũ lực” như vậy.

Làm cá khô ở làng chài Kỳ Hà - Quảng Nam, hôm 05/07/2011. RFA PHOTO. 

Nhưng bây giờ không chỉ như vậy, người dân ở Lý Sơn, Bình Châu và một số trong họ đã bắt đầu không đi nữa bởi vì bị phá sản, bởi vì sợ không phải vì sinh mạng của mình mà sợ cho gia đình của mình vì sinh mạng mình bị mất rồi thì gia đình mình sống như thế nào. Như vậy thì từ từ họ phải thay chỗ và đi đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa an toàn hơn. Điều đó có nghĩa là vùng Hoàng Sa từ từ bị Trung Quốc chiếm. 

Một số ngư dân mà anh biết đã tâm sự với anh năm nay là đã phát hiện tàu đánh cá Trung Quốc chỉ cách Lý Sơn 20 hải lý, có nghĩa là vùng này từ từ bị Trung Quốc chiếm càng ngày càng nhiều và hải quân Việt Nam và biên phòng Việt Nam bất lực hay là không làm gì hết. Đó là một vấn đề rất nguy hiểm cho độc lập của Việt Nam, cho sự toàn vẹn lãnh hải – lãnh thổ của Việt Nam, chứ không phải chỉ là vấn đề của ngư dân. 

Vấn đề ngư dân rất quan trọng về mặt nhân đạo, về mặt con người, nhưng mà vấn đề nước Việt Nam ở chỗ đó từ từ bị Trung Quốc chiếm bằng vũ lực, thì đó là một vấn đề nguy hiểm nhất.

Khánh An: Vâng. Những điều mà anh Hồ Cương Quyết vừa nói là những điều khá tế nhị đối với báo chí trong nước hay giới truyền thông trong nước. Thường thì chính quyền Việt Nam, nhà nước Việt Nam rất ít khi dám đề cập một cách thẳng thắn giống như câu chuyện vừa rồi mà quý vị vừa nghe anh Hồ Cương Quyết nói đến về vấn đề ngư dân Việt Nam. Ngư dân Việt Nam chỉ là một phần trong một vấn đề nhạy cảm hơn, đó là vấn đề bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Hồ Cương Quyết: Chính xác! Chính xác! 

Biết tin ai bây giờ?

Khánh An: Về những điều mà mọi người vừa chia sẻ thì Khánh An muốn hỏi mọi người rằng nếu quý vị để ý thì sẽ thấy là sau mỗi lần ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam thế nào cũng sẽ lên tiếng sau đó và nói rằng phía “Việt Nam phản đối hành động này (của Trung Quốc) và khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông”, các bạn nghĩ sao về cách hành xử của Việt Nam, những phát biểu, lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ ngư dân nói riêng và đối với vấn đề khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở trên Biển Đông nói chung?

Blogger Mẹ Nấm: Lý do thôi thúc mình đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) bởi vì mình đã nghe quá nhiều lời khẳng định từ phía người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao cũng như là trong các buổi họp ngoại giao mà tin tức đưa trên báo chí. Mình biết chắc là những tin đưa trên báo chí, chẳng hạn 10 vụ ngư dân bị bắt thì chỉ đưa một hoặc hai vụ hoặc đưa đúng vào một thời điểm nào đó mà thôi. Cho nên mình nghĩ là mình phải đi một lần để mình biết sự thật. 

Khi mình đến Lý Sơn thì, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần rất là nhiều, nhưng khi mình đến Lý Sơn thì khi nhận những câu trả lời của người dân ở đó thì chuyện bị Trung Quốc bắt rất là bình thường vì ở đây có đến 75 - 80% gia đình hầu như đều có một lần bị bắt. Nếu hên thì được trở về còn người, còn không thì mất cả người cả của. Thực sự mình thấy với động thái tuyên bố rất rõ ràng rằng “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” trên diễn đàn ngoại giao và hành động bỏ lơ ngư dân mình trên thực tế, thậm chí người dân còn không biết là nhà nước mình sẽ đồng hành với ngư dân như thế nào nữa bởi vì nó (Trung Quốc) cứ đánh. 

Có một câu mà đến giờ mình vẫn còn nhớ là “Dân mình cứ ra Hoàng Sa rồi cứ bị đánh, bị bắt miết, nhà nước nói vậy thì mình biết tin ai bây giờ?”. Đó là một câu mà mình nghe ở trong một đoạn chia sẻ của một anh ngư dân mà mình có quay lại, đến giờ nó là câu trả lời rõ ràng nhất cho những ai còn phân vân về cái lập trường của nhà nước đối với chuyện bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.

Chuẩn bị nước đá ướp cá ở Bến cá Bình Thạnh - Quảng Ngãi, hôm 05/07/2011. RFA PHOTO. 

Cũng giống như mọi người thấy đó, ngư dân bị bắt thì chúng ta có những tuyên bố về ngoại giao, nhưng động thái để bảo vệ họ thì không có. Còn những người đi biểu tình chống Trung Quốc ở trên đất liền để bày tỏ sự cảm thông và sự chia sẻ, cũng như cảm xúc của mình đối với hành vi xâm lược của Trung Quốc thì bị đối xử như thế nào, tất cả chúng ta đều cũng đã thấy được rằng có lẽ là không nên nghe nhiều về những lời phát ngôn mà hãy nhìn vào hành động thực tế để biết được rằng lập trường bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa, khẳng định chủ quyền ở đó của nhà nước là như thế nào. Nó rất rõ ràng qua những hành động.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn Như Quỳnh. Thế còn Bảo Lộc thì sao?

Bảo Lộc: Cái ý hồi nãy chị Như Quỳnh nói thì mình có cái ý là cái việc truyền thông đưa đúng lúc thì đúng là như cái vụ gì đó chị Như Quỳnh? Cái vụ anh Huy và anh Sơn hay anh nào đó?

Blogger Mẹ Nấm: Anh Sơn là bị vào năm 2007.

Bảo Lộc: Ừ, anh Sơn là bị hình như là vào năm 2007 thì khoảng hai năm sau thì báo chí mới đưa tin. Lúc mà hỏi chuyện anh Sơn thì (mới biết là) báo chí đã phỏng vấn trước đó 2 năm nhưng mà không có đăng, mà chờ tới thời điểm gay cấn với Trung Quốc và cần vấn đề truyền thông thì lúc đó mới đưa lên cho mọi người cùng biết.

Khánh An: Quý vị vừa theo dõi chia sẻ của bạn Bảo Lộc. Khánh An xin tạm dừng chương trình Café Wifi và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ sau, với câu chuyện về một tấm lòng dành cho ngư dân đã bị từ chối ra sao. Xin kính chào tạm biệt.






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo