Cần lên tiếng chống 'hạn chế tư tưởng' - Dân Làm Báo

Cần lên tiếng chống 'hạn chế tư tưởng'

BBC - Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC rằng trí thức và dư luận xã hội cần "lên tiếng" nhằm "hạn chế" việc ban hành những văn bản không đúng với tinh thần của Hiến pháp, pháp luật hạn chế tự do tư tưởng của nhân dân

Trả lời câu hỏi về một số văn bản, quy định của Nhà nước hạn chế phản biện xã hội như Bấm Quyết định 97/2009/QĐ-TT của Thủ tướng, vốn dẫn tới việc Bấm IDS - Viện Nghiên cứu Chính sách Tư nhân đầu tiên của Việt Nam - phải 'tự giải thể," Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:

"Tôi cho rằng những văn bản không thích hợp thì dần dần cuộc sống sẽ đào thải, sẽ buộc phải loại bỏ. Thứ hai, về phía các cơ quan nhà nước, cũng có những cơ quan có chức năng giám sát các văn bản quy phạm pháp luật. 

"Các cơ quan này phải phát huy vai trò của mình để phát hiện ra những văn bản không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật nói chung, để yêu cầu bãi bỏ hoặc sửa đổi. 

"Và về phía anh chị em trí thức và dư luận xã hội, cũng cần phải lên tiếng để hạn chế khả năng ban hành những văn bản không đúng với tinh thần và lời văn của Hiến pháp, của pháp luật, hạn chế tự do tư tưởng, tự do nghiên cứu và tự do sáng tạo của người dân." 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng bất kỳ sự hạn chế tư tưởng, hạn chế sáng tạo nào đều có hại cho công việc chung, có hại cho sự tiến bộ của khoa học, cũng như sự tiến bộ của dân tộc.

GS Nguyễn Minh Thuyết (phải) cho rằng trí thức cần lên tiếng về tự do tư tưởng 

'Gỡ bỏ kiểm duyệt' 

Trước câu hỏi liệu trong nước hiện có các hạn chế, kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ nào không đối với truyền thông, báo chí, xuất bản về một số chủ đề được cho là "nhạy cảm," kể cả phản biện xã hội; và nếu có thì nên gỡ bỏ ra sao, Giáo sư Thuyết nói: 

"Chính thức ở Việt Nam hiện nay không có chế độ kiểm duyệt đối với lĩnh vực xuất bản và báo chí, mà ở lĩnh vực này, người chịu trách nhiệm là những người phụ trách các cơ quan xuất bản, cũng như cơ quan báo chí. Cụ thể là các giám đốc và các tổng biên tập. 

"Cũng phải nói một cách công bằng, có nhiều trường hợp, các vị giám đốc, tổng biên tập tự hù dọa mình và tự kiểm duyệt mình. Chứ không phải là các cơ quan có trách nhiệm trong trường hợp này can thiệp. Nhưng cũng có khá nhiều trường hợp các cơ quan này can thiệp. 

'Xu hướng mở rộng dân chủ là không thể đảo ngược' 

"Theo tôi, có những can thiệp đúng, nhưng cũng có những can thiệp có thể sẽ hạn chế những quyền mà Hiến pháp, pháp luật đã dành cho người dân, cũng như cho người trí thức, người lao động sáng tạo." 

Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần phải có sự thay đổi rất lớn về tư duy quản lý báo chí, truyền thông và xuất bản trong các vấn đề "nhạy cảm" ở trong nước. 

Ông nói: "Hiện nay ở Việt Nam có nhiều người quan niệm những vấn đề rất bình thường của nhân loại là nhạy cảm, thì tôi cho là không đúng." 

'Mở rộng dân chủ' 

Đề cập tới Hội nghị mới nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI được nhóm vào hạ tuần tháng 12/2011 với nội dung chính tập trung chỉnh đốn đảng, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận: 

"Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng về chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là một đòi hỏi rất cấp bách của cuộc sống. 

"Tôi phải nói một cách thành thật là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đến giờ, chưa bao giờ uy tín của Đảng bị thử thách như trong giai đoạn hiện nay.

"Để giữ vững được vị trí lãnh đạo và có đầy đủ năng lực lãnh đạo để đưa đất nước tiến lên, thì rõ ràng là Đảng phải được chỉnh đốn. Và việc chỉnh đốn này phải được làm từ trên xuống dưới và phải dựa vào nhân dân." 

Nhắc tới nguyên tắc phê bình và tự phê bình của Đảng, Giáo sư Thuyết cho rằng nếu chỉ tự phê bình không, thì cá nhân hay tổ chức trong Đảng không thể thấy hết được các sai lầm khuyết điểm của mình. Ông đề xuất: 

"Phải có cả sự phê bình nữa, mà đây là phê bình của quần chúng, nhân dân, thì Đảng mới có thể thực hiện được thành công chủ trương chỉnh đốn của mình." 

Cuối cùng, về khả năng nhà nước ban hành trong năm 2012 các đạo luật đảm bảo thực thi các quyền cơ bản của người dân, về khả năng mở rộng dân chủ, không hạn chế các quyền phản biện xã hội, quyền tự do báo chí, ngôn luận, cựu đại biểu Quốc hội khẳng định: 

"Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình để xem xét các luật về biểu tình, về thành lập hội, về trưng cầu dân ý. Và chúng tôi cũng tin là xu hướng mở rộng dân chủ là xu hướng lành mạnh, khó có thể đảo ngược. 

"Trước sau, chúng ta cũng phải đi đến những mở rộng tự do, dân chủ như vậy. Chỉ có điều, nếu chúng ta đến được sớm hơn, thì đất nước sẽ có cơ cất cánh nhiều hơn."



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo