Đỗ Đức Đông Ngàn - Phó giám đốc ở cơ quan tôi trước đây tính hiền mà tận tuỵ. Tôi làm việc cùng ông xuyên suốt thời bao cấp sang thời tập toẹ kinh tế thị trường. Giống như tôi, trên chục năm gò lưng ở chức Trưởng ban, ông cặm cụi ở vai Phó cho hai đời giám đốc không biết nghề.
Nhưng cũng vì vậy mà ông khá thạo mọi việc, hơn nhiều giám đốc cùng ngành từ việc tổ chức nhân sự đến kinh doanh. Tuy cơ quan cách Bộ chủ quản chừng cây số nhưng ông cũng ít khi lai vãng nên cấp trên sát sao nhất là Vụ tổ chức họ cũng không nhớ mặt dù có biết tên. Với lại họp to nhỏ nhớn bé có mấy khi giám đốc nhường, chỉ trừ khi ông ấy công tác tỉnh xa chả nhẽ về họp rồi lại đi!
Vào những năm chín mươi thế kỉ trước khi đã làm cấp phó, ông loay hoay chạy lên thành phố xin được mấy nghìn mét đất để làm khu tập thể cơ quan. Khi ấy xin đất cát dễ dàng. Có đất rồi lại không có tiền. Giám đốc mới về Bộ chưa phân nhà, tối nằm khoèo trên bàn nhưng chẳng nghĩ ra được gì. Thế là Phó xắn tay tìm nơi hợp tác. Rồi cũng tìm được một cơ quan đang cần bãi đất làm kho. Bàn bạc cho họ nửa đất, với điều kiện xây cho mấy chục căn hộ ở phần đất còn lại! Có lẽ lịch sử Thủ đô chưa có vị Giám đốc nào làm cái việc tày đình đó. Nhưng rồi cũng vì việc ấy mà ông phải lên bờ xuống ruộng khi có bọn người nghi ông bán đất kiện tụng đến cửa quan. Chạy lên chạy xuống giải trình mất năm sáu năm rồi cũng tai qua nạn khỏi vì bên đối tác họ làm theo kiểu chìa khoá trao tay, không dính gì đến chuyện tiền nong qua lại!
Những người như ông trong bộ máy công quyền ít lắm, nhưng là mấy chục năm trước cơ. Bây giờ chắc là nhẵn nhụi rồi.
Hồi đó có một cậu cán bộ ở đâu đó mới chuyển về làm ở phòng hành chính. Không biết được rèn luyện thế nào mà sáng đến rất đúng giờ, gặp ai cậu cũng chào đồng chí thân mật, kể cả những người không phải đảng viên và câu hỏi có sẵn “tình hình có gì mới không?”. Nói chuyện với bề trên thì mắc tật lom khom, miệng lúc nào cũng linh hoạt nhỏn nhoẻn. Đã thế mắt lại đảo như rang lạc, hai tay úp vào nhau vo vo như người vò giấy sắp đi vệ sinh. Cách thức ấy khiến ông bạn Phó của tôi khó chịu. Một hôm không nén nổi, ông bảo nhỏ: “Sao cứ phải lom khom tự làm mất tư thế của mình, có việc gì thì nói luôn đi… lắp ba lắp bắp”. Lúc ấy nụ cười sắp sẵn của cậu ấy chợt tắt để dành cho lời thưa gửi. Tay không vò giấy nữa mà chuyển sang bẻ khục!
Ông Phó ấy tự xin về hưu sớm lúc năm tám tuổi.
Bây giờ ông nghiên cứu kinh dịch, ăn chay, theo đạo Phật vân du khắp nơi với bạn bè giúp việc tâm linh...
Anh chàng vò giấy lom khom bây giờ lên làm giám đốc ở một cơ quan cùng ngành trong Bộ. Lâu tôi không gặp, chẳng biết còn giữ thói quen lom khom vò giấy không.