Đào Tuấn - Trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang Miền Nam”, nhà văn Sơn Nam đã điểm lại hai vụ án nổi tiếng: Vụ Ninh Thạch Lợi, xảy ra ở Rạch Giá năm 1927 và vụ đồng Nọc Nạn, xảy ra ở Bạc Liêu năm 1928 để đưa ra một nhận xét chung: Nạn nhân là những người chí thú làm ăn…và chỉ muốn bảo vệ phần đất ruộng mà họ đã khai thác từ lâu. Trước khi bạo động xảy ra, họ cũng đã tìm đủ mọi cách để kêu nài trong mức cố gắng tối đa của họ.
Những vụ án Ninh Thạch Lợi và Nọc Nạn đẫm máu bấy giờ, chứng tỏ những bất cập mà chính sách về ruộng đất, một chính sách mang tính chất cướp đoạt, cùng sự hà hiếp của bộ máy chính quyền địa phương buộc người nông dân phải đứng dậy trong thế cùng quẫn và “tuyệt nhiên không có những người làm chánh trị xúi dục”. Sự thống nhất tuyệt đối về mặt dư luận bấy giờ, là còn bởi: “Luật lệ mà thực dân bấy lâu đưa ra về vấn đề khẩn đất chỉ là những cạm bẫy để cho kẻ lương thiện sụp xuống dễ dàng”.
Trong vụ án Cống Rộc xảy ra sau đó gần một thế kỷ, người nông dân Đoàn Văn Vươn cũng như những chủ Chọt, Biện Toại, Mười Lương.. cũng chỉ muốn bảo vệ phần đất mà họ đã đổ mồ hôi và máu mới có được. Cũng kêu oan với báo chí, cũng kiện ra tòa, tức là cũng đã tìm đủ mọi cách, một cách hòa bình và được pháp luật cho phép để giữ đất, trước khi sử dụng mìn tự chế và sung hoa cải. Một cách phản kháng giống hệt với sự tự sát. Chỉ thiếu một cuộc bốc thăm như anh em Biện Toại đã làm cách đây 1 thế kỷ, để đi tới tận cùng của sự tuyệt vọng.
Nhưng dẫu sao, “tiếng súng Hoa Cải” cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một vấn đề bức xúc từ chính sách đất đai, liên quan đến hàng triệu nông dân.
Hôm qua, 1,2 triệu hộ nông dân và dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và chờ đợi ý kiến kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt đối với số phận khu đầm 40ha của nông dân Đoàn Văn Vươn. Không quan tâm sao được khi bất cứ ai trong họ cũng nhãn tiền phải đối diện với việc bị thu hồi, bị cưỡng chế, bị tước đoạt mảnh đất khi “5 quyền đối với ruộng đất” của họ còn hay mất phụ thuộc nhiều khi vào chỉ một cái nhíu mày của một ông Chủ tịch huyện. Không lo lắng sao được khi 1,2 triệu hộ, dù có sổ đỏ, đang bước đến, đang leo lên giờ G: năm 2013, khi thời hạn giao đất đã hết, trong khi chính quyền Hải Phòng đến giờ vẫn khẳng định việc thu hồi- khi hết thời hạn- là không sai.
Trước cuộc làm việc của Thủ tướng, lần đầu tiên đã có sự xuất hiện ý kiến của một số quan chức trấn an dư luận với những khẳng định: Nông dân không phải lo lắng về thời hạn năm 2013. Trên một tờ báo của ngành Công an, ông Nguyễn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) khẳng định: “Ai đó nói rằng tới năm 2013, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất là hoàn toàn sai”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng cũng cho rằng: “Bản chất là giao lại chứ không phải thu hồi”.
Tuy nhiên, sự lo lắng của người dân là có thật khi cũng chính vị quan chức của Quốc hội cũng nói đến việc “Chia lại”: “Hình thức chia lại như thế nào thì đang nghiên cứu. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó mới ra Nghị quyết để thực hiện”. Hơn nữa, việc tiếp tục được sử dụng mảnh đất 20 năm mồ hôi xương máu hay không, phụ thuộc vào Chính quyền, khi những kẽ hở của Luật đất đai (sửa đổi) 2003 đang vô tình giao cho chính quyền một thứ quyền hạn quá lớn: Quyền định đoạt đối với mảnh đất mà người nông dân đang sử dụng. Thực tế Tiên Lãng cũng đã cho thấy trong vụ án Cống Rộc, chính quyền đã hành xử với mảnh đất của nông dân theo một cách thức không thể tồi tệ hơn: Cưỡng chế thu hồi mà hoàn toàn không có phương án đền bù, không đối thoại với dân, và thu hồi cũng không biết để làm gì khi thậm chí phương án sử dụng sau đó cũng không có.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, hôm qua, đã thông báo ý kiến có tính chất kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ. Theo đó, Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Điều 38- Luật đất đai (sửa đổi) 2003 quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên. Và quyết định thu hồi đã sai thì quyết định cưỡng chế thu hồi cũng đương nhiên sai.
Kết luận của Thủ tướng, dù không làm thay đổi tình trạng pháp lý của người nông dân lấn biển, tuy nhiên, công lý phần nào đã được trả lại cho ông. Công luận, qua kết luận cuối cùng này, dường như càng thông cảm hơn với nỗi tuyệt vọng và sự khốn quẫn của người nông dân khi bị chính quyền tước đoạt một cách trái luật và trắng trợn mảnh đất của mình.
Số phận của người nông dân Đoàn Văn Vươn có lẽ đã rẽ theo một hướng hoàn toàn bi thảm sau khi quả bom tự tạo đầu tiên phát nổ, sau khi viên đạn hoa cải đầu tiên được bắn ra khỏi nòng. Nhưng người đẩy ông vào tình thế tuyệt vọng, không ai khác, chính là quan chức trong bộ máy chính quyền Tiên Lãng.
Nhưng vụ án Cống Rộc hoàn toàn chưa khép lại. Nó mới chỉ vạch ra vấn đề đang nhức nhối nhất ở nông thôn: Đó là tình trạng một nông thôn mà dân chủ cơ sở tồn tại rất mờ nhạt. Đó là một nông thôn nơi chính quyền gần như đối lập với dân. Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là những bất cập trong chính sách đất đai. Không thể không nhắc lại là Luật đất đai đã phải sửa tới 4 lần, có tới 200 văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng đó là một bộ luật có quá nhiều kẽ hở để chính quyền địa phương có thể “tự giải thích luật” theo ý muốn chủ quan của mình.
Hàng triệu triệu nông dân, những người đứng trước nguy cơ mất trắng đất đai như ông Đoàn Văn Vươn, khi thời hạn 2013 đang đến rất nhanh, giờ có lẽ đã có thể tạm yên tâm để tiếp tục đổ mồ hôi trên mảnh đất của mình. Kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, có lẽ, ngay lập tức sẽ tạo hiệu ứng như một “tiền lệ pháp”- một tiền lệ trong lĩnh vực hành chính, để người nông dân dùng để bảo vệ quyền hợp pháp của họ trước sự hà hiếp của chính quyền.
Vụ án Cống Rộc cũng cấp thiết đặt ra việc sửa đổi luật Đất đai. Và để Luật đất đai không còn là “cạm bẫy” đối với nông dân, có lẽ, việc sửa đổi sẽ không thể chỉ dừng ở vấn đề thời hạn 20 năm, 50 năm hay 99 năm, mà phải đặt ra cái gốc: Chế độ sở hữu.