Mai Xuân Dũng - Mấy hôm nay người ta rộn rã. Ngoài đường người ta hỉ hả, trong nhà người ta bật bia rốp rốp. Người này nói, người kia nói. Xôn xao. Chuyện gì vậy? À, cái nhà xí tập thể ở Hải phòng đang được quét dọn tẩy uế. Ngoài đường hỉ hả là phải, trong nhà bật bia là phải. Đang hít mùi xú uế như thế bao năm qua nay được phép kêu thối quá, thối quá, thối không chịu nổi. Người ta được phép tẩy uế.
Từ xưa đến nay hầu như hiếm có kẻ nào kêu “thối” hoặc dám kêu “thối”. Thối ư? Làm gì có chuyện đó. Các nhà thầu hố xí lấy phân không chịu. Một, “thối” là quan điểm của ai đó thôi. “Thối” là vấn đề khứu giác cá nhân. Mọi người không kêu ca nghĩa là không có chuyện thối. Hoặc giả mọi người có thấy thối thật đi chăng nữa tại sao số đông không hô lên tại sao chỉ có anh kêu ca? Thấy chưa, đó là vấn đề lập trường tư tưởng. “Thối” là một phạm trù có tính ước lệ. Khi anh nói “thối” nghĩa là cần phải xét trên nguyên tắc tổng thể của xã hội. Hai, cái nhà xí của ta rất tốt. Từ xưa đến giờ nó tốt vậy không có lý do gì bảo nay nó không tốt. Nó sẽ mãi mãi tốt. Trường tồn, muôn năm.
Anh cho rằng: Thối thì bảo thối, chuyện bình thường mà? Ồ, anh đơn giản quá. Ai chả biết thế. Thối thật đi nữa nhưng ai làm nên cái thối này? Anh, tôi, tất cả cả chúng ta đã cùng nhau làm cái nhà xí này. Từng viên gạch, từng cân xi măng, từng viên ngói lợp là của mọi người góp phần tạo ra nó. Việc ta kêu lên cái chuyện không hay kia đem lại cái gì chứ? Ta có chất thải để bón ruộng. Nó tạo ra lúa ra lúa. Nó tạo ra của cải. Từ lúa ta có ô tô, có nhà đẹp, có tiếng nói trong xã hội…
Anh cho rằng ta có thể làm tốt hơn. Xem nào, nhìn ra xung quanh, toilet của họ không thối. Anh lại nhầm. Hãy định nghĩa lại chuyện thối hay thơm. Hãy nghĩ xem những bộ tộc trong rừng sâu họ đi chân đất, đóng khố bằng vỏ cây, đầu đội mũ tết bằng lá xanh và dây leo. Chắc gì họ thích mặc vét tông thắt cà vạt đi giầy da Valencia ? Chúng ta khác họ. Mỗi nơi có đặc thù riêng, điều kiện và lối sống riêng, không thể lấy cái vét tông của ai đó ra làm hình mẫu để nói rằng phục trang như thế là tốt đẹp hơn việc cởi truồng. Cởi truồng có cái ưu việt của nó. Tại sao cởi truồng là tốt đẹp hơn vạn lần mặc vét tông đi giầy da? Không nên tranh luận nhiều, không cần thiết. Tôi cho rằng cởi truồng hay hơn. Vậy thôi. Cũng như chuyện thối hay không thối. Chẳng qua nó là vấn đề khái niệm. Anh bảo thối, tôi không nghĩ như vậy. Tiêu chí, thước đo, các hệ quy chiếu để xác định, so sánh là vô nghĩa. Tôi nhất trí với hương ước của anh, thậm chí công ước của quốc tế nhưng đó là hai vấn đề khác nhau. Tôi thừa nhận tính hữu ích của đôi giầy cũng như thừa nhận việc tôi tự nguyện đứng trong cộng đồng những kẻ đi giầy. Tôi sắm giầy nhưng việc đi đất là quyền của tôi. Trở lại cái hố xí.
Nhiều năm qua, cái hố xí được quét vôi. Lúc thì trắng, có lúc đỏ, có lúc nửa đỏ nửa xanh, nhiều lần nó được treo biển Hố xí văn hóa.
Tuy nhiên đến nay chúng ta thấy đúng là hố xí dềnh lên những phân, những dòi nhung nhúc. Quét vôi nhiều màu, bộ mặt có khác. Nhưng phải nhìn nhận khách quan: thối. Treo biển hố xí văn hóa có hay nhưng không giải quyết được cái thối. Đó là nguy cơ. Vậy điều khó tránh là cần tẩy uế. Khơi cống rãnh, moi móc, hót, xúc…
Hiệu quả không ngờ. Mấy hôm nay người ta rộn rã.
Ngoài đường người ta hỉ hả, trong nhà người ta bật bia rốp rốp. Người này nói, người kia nói. Xôn xao.