Ăn mày quá khứ, bám váy cụ bà - Dân Làm Báo

Ăn mày quá khứ, bám váy cụ bà

Tôi mừng quá đồng chí ạ. Tình hình xây dựng Đảng hiện nay đã mắc mớ nhiều chuyện quá, nên hôm tôi nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói sẽ tự phê bình từ Bộ Chính trị trở xuống. Tôi thấy trúng quá. Phê bình là từ dưới lên, nhưng tự phê bình phải từ trên xuống. Từ xưa đến nay, mỗi khi Đảng xuất hiện vấn đề yếu kém, đều phải làm thế cả. Như hồi chúng ta mắc sai sót trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ cũng tự phê bình, đồng chí Trường Chinh tự phê bình. Từng đảng viên tự phê bình, có thế mới sửa sai được. 

*

Gặp Lão thành cách mạng Phạm Thị Trinh, 82 tuổi Đảng:
Đảng cần những người dám đấu tranh 

QĐND - Thứ Năm, 02/02/2012, 17:7 (GMT+7) 

QĐND - Trong toàn Đảng ta hiện nay, chỉ còn rất ít đảng viên vào Đảng năm 1930. Một trong những lão đồng chí đó là cụ Phạm Thị Trinh, 98 tuổi đời, 82 tuổi Đảng. Ngay trong ngày đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, cụ Trinh đã dành cho chúng tôi một buổi nói chuyện đầy tâm huyết về công tác xây dựng Đảng hiện nay. 

Cha làm to, con đi nhặt rác là chuyện bình thường 

Năm nay đã 98 tuổi nhưng cụ Phạm Thị Trinh vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Những sự kiện lịch sử, những biến cố thăng trầm trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng vẫn được cụ nhớ và kể lại với những chi tiết sống động. Cụ quê ở xã An Phú (nay là xã Tịnh Minh) thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. 14 tuổi, cụ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng bằng việc giúp đỡ tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội mà những người anh trai của cụ là hội viên. Cuối năm 1930, cụ được kết nạp Đảng và được giao cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình lớn của hàng nghìn đồng bào Sơn Tịnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Hai lần bị bắt, bị tra tấn đủ loại cực hình trong nhà tù đế quốc, cụ vẫn giữ trọn khí tiết người đảng viên cộng sản. Anh trai cụ, Trung tướng Phạm Kiệt là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3-1945). Chồng cụ, đồng chí Nguyễn Chánh, người Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ… Bản thân cụ cũng từng giữ nhiều trọng trách, lăn lộn với phong trào cách mạng trong Nam, ngoài Bắc không quản nề hà, gian khổ. Ở đâu Đảng cần, cụ hăng hái xung phong. Vậy mà, năm 1957, khi chồng cụ - đồng chí Nguyễn Chánh, lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ bị mất đột ngột ở tuổi 43, cụ đã kiên quyết trả lại ngôi biệt thự trên đường Lý Nam Đế, chuyển 6 con nhỏ dọn đến ở trong căn hộ tập thể 20m2 theo đúng tiêu chuẩn chức vụ của cụ khi đó… 

Kể đến đây, cụ bất chợt dừng lại, như phân bua: Ngay từ lúc đó, nhiều người đã nói tôi dại dột, đồng chí ạ. Nhưng tôi thấy mình rất sáng suốt. Đảng viên phải gương mẫu, cả đời tôi đã đi theo lý tưởng của Đảng, vào Đảng là để đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân, tôi chưa bao giờ đặt lợi ích cá nhân lên trên. Lúc tôi trả nhà, các anh lãnh đạo Bộ Quốc phòng đều không nhất trí cho trả. Anh Văn Tiến Dũng còn đến “cấm” tôi không được trả, nhưng tôi vẫn kiên quyết. Trước đó, năm 1954, khi tôi ra Bắc tập kết theo lệnh của Đảng, tổ chức xem lý lịch, muốn bố trí tôi giữ chức vụ cao nhưng tôi kiên quyết nói: Trình độ văn hóa của tôi thấp, đề nghị các đồng chí bố trí chức vụ nhỏ cho phù hợp. Sau năm 1975, anh Năm Ngà (Thượng tướng Nguyễn Minh Châu) lại đến gặp tôi và nói: "Chị chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã chọn cho chị và các cháu một biệt thự rộng rãi rồi", nhưng tôi từ chối vì xét công lao, thành tích của mình không xứng đáng. Sau này, các con trai của tôi đều đi bộ đội. Có đứa trở thành phó giáo sư, tiến sĩ; có đứa trở thành sĩ quan cấp cao trong quân đội nhưng cũng có đứa chỉ làm công việc bình thường. Như cháu Nguyễn Chí Hòa, làm chiến sĩ “Tàu không số” rất gian khổ, khi đất nước có hòa bình đã xin xuất ngũ, về xuất khẩu lao động. Cháu hỏi tôi có nên phấn đấu vào Đảng không? Tôi bảo: Thời trước, ba má vào Đảng là để hy sinh cho dân, cho nước. Nay hòa bình, thống nhất rồi, ở vị trí của con, không nhất thiết phải vào Đảng, chỉ cần làm người công dân có ích cho đất nước là được. Tôi còn có một đứa con trai khác - cháu Nguyễn Chí Dũng, cũng có hơn 20 năm quân ngũ, nay làm nghề nhặt rác, vợ nó thì bán nước chè kiếm sống. Nhiều người trách tôi không tạo cơ hội cho con có vị trí kiếm sống tốt hơn. Kể ra, với truyền thống gia đình, cùng với công lao của bố mẹ với cách mạng, con tôi cũng có thể đòi hỏi điều đó. Nhưng tôi nói: Các con khó đến đâu, má hỗ trợ thêm đến đó, còn khả năng của con chỉ có thế, thì không nên cố tìm một vị trí cao hơn, như thế vừa khổ mình vừa khó cho tổ chức, lại tạo nên sự bất công trong xã hội… 

Ở tuổi 98, cụ Trinh vẫn tự tay viết lời đề tặng cuốn sách của mình. 

Đảng phải tự phê bình từ trên xuống 

Một điều bất ngờ nữa về cụ Phạm Thị Trinh là dù đã 98 tuổi, cụ vẫn tham gia xây dựng Đảng với ý thức trách nhiệm cao. Dù đã xin miễn sinh hoạt chi bộ, nhưng cụ thường xuyên hỏi thăm tình hình các đảng viên trong chi bộ, ai có việc vui, việc buồn, cụ đều có lời hỏi thăm, chia sẻ. Cụ cũng đóng đảng phí rất đều đặn, không để ai phải nhắc nhở. Buổi sáng, cụ vẫn tranh thủ xem sách báo, nghe đài. Buổi tối, cụ xem chương trình Thời sự trên ti vi. Có vấn đề gì cần trao đổi, cụ đều viết thư gửi lãnh đạo các cấp. Kể đến đây, cụ dừng lại hỏi tôi: 

- Này đồng chí, mấy hôm rồi bận rộn đón Tết, lại thấy chuyện triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có vẻ im ắng. Giờ ra Xuân rồi, đồng chí có thấy động tĩnh gì không? 

Tôi hỏi lại cụ: 

- Dạ thưa cụ, vậy trong Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi, cụ thấy có điều gì tâm đắc? 

Cụ lại vui vẻ bắt chuyện tiếp: Tôi mừng quá đồng chí ạ. Tình hình xây dựng Đảng hiện nay đã mắc mớ nhiều chuyện quá, nên hôm tôi nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói sẽ tự phê bình từ Bộ Chính trị trở xuống. Tôi thấy trúng quá. Phê bình là từ dưới lên, nhưng tự phê bình phải từ trên xuống. Từ xưa đến nay, mỗi khi Đảng xuất hiện vấn đề yếu kém, đều phải làm thế cả. Như hồi chúng ta mắc sai sót trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ cũng tự phê bình, đồng chí Trường Chinh tự phê bình. Từng đảng viên tự phê bình, có thế mới sửa sai được. 

Rồi cụ ôn lại chuyện cụ tham gia sửa sai trong cải cách ruộng đất. Sau khi phát hiện sai sót, Bác Hồ và Trung ương Đảng huy động cán bộ từng là Tỉnh ủy viên trở lên đi sửa sai. Bà xung phong đi, được bổ sung vào Huyện ủy Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và làm cụm trưởng một cụm. Bao khó khăn, phức tạp đặt ra, bà nghĩ không cách nào tốt hơn là dựa hẳn vào nhân dân, cán bộ địa phương, lắng nghe kỹ mọi ý kiến và nguyện vọng chính đáng, nắm tình hình đúng sự thật, giải quyết vấn đề phải được sự đồng thuận vui vẻ của mọi người, lợi ích riêng chung phải thật hài hòa. Nhờ đó, một loạt vấn đề lớn rất khó xử như "lấy gần bù xa", "lấy tốt bù xấu", "xáo trộn cũ và mới nhưng không ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền ruộng đất của thôn, xã", "phục hồi danh dự và đem lại sự công bằng cho những người bị oan sai", "đồng bào lương giáo sống đoàn kết, vui vẻ"… đã được giải quyết thấu đáo. 

Từ chuyện cũ, bà kết luận: Đảng muốn mạnh, phải dựa vào dân. Dân ta vẫn mong mỏi là Đảng biết sửa chữa sai lầm, cho nên lần này, muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho đến cùng, nhất thiết phải dựa vào dân. 

Câu chuyện giữa tôi với cụ đã quá nửa ngày. Sợ cụ mệt, tôi và người cháu thuyết phục cụ đi nghỉ và hẹn dịp khác lại được thưa chuyện cùng cụ. Nắm lấy tay tôi, cụ tha thiết: Các đồng chí làm báo Đảng, nhất định phải nói hộ tôi ý này: Đã làm thì làm đến nơi, đến chốn. Bây giờ, nguy hiểm nhất là nhiều người tốt không muốn vào Đảng, còn một số người muốn vào Đảng để trục lợi. Mà Đảng thì cần, rất cần những đảng viên dám đấu tranh. Vì vậy, lần này mà xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đến nơi, đến chốn thì khó mà lấy lại lòng tin của dân. 

Nói rồi, cụ lấy bút, cẩn thận viết lời đề tặng tôi cuốn hồi ký "Những chặng đường của người mẹ" của cụ, xuất bản năm 1990 và vừa mới tái bản nhân dịp cụ nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Cuốn sách là câu chuyện tự sự, kể lại một cách hết sức trung thực, giản dị cuộc đời hoạt động đầy gian lao, khổ hạnh của chiến sĩ cách mạng Phạm Thị Trinh, mà ai đã có dịp đọc thì không thể nào cầm được nước mắt, rất đỗi xúc động và tự hào về một người phụ nữ Việt Nam, một đảng viên “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 

Bài và ảnh: HỒNG HẢI



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo