Chuyện Tiên Lãng, thuộc đất đai, hiện chưa có hồi kết, mặc dù chính phủ đã có kết luận. Chuyện tôn giáo, từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cấm hoạt động đến Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, dường như vẫn còn đang âm ỉ như ngòi nổ chậm. Việc bổ nhiệm một viên tướng công an lão luyện trong ngành an ninh vào chức vụ Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ có phải là một hy vọng sẽ tháo gỡ được ngòi nổ.
Ban tôn giáo chính phủ ra đời từ năm 1955 tại Miền Bắc, mục đích tham mưu cho chính phủ, lúc bấy giờ là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trong lãnh vực tôn giáo. Đặc biệt trong thời kỳ đầu này là nhằm “đấu tranh chống âm mưu cưỡng ép tín đồ Công giáo di cư vào Nam, động viên giới tôn giáo tham gia các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.” Và cũng từ đó các hội tôn giáo trực thuộc nhà nước được thành lập như: Hội Thánh Tin lành Miền Bắc năm 1955; Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam năm 1958.
Tôi nghĩ rằng một vị tướng công an được bổ nhiệm làm trưởng ban tôn giáo đó không phải là chuyện tình cờ mà nhà nước Việt Nam có chuyện quan tâm hơn, siết chặt hơn nên mới bổ nhiệm vị tướng công an.Sau năm 1975 khi thống nhất được đất nước, một lần nữa nghị định về tôn giáo được ban hành vào ngày 11/11/1977 nhằm hướng tới thống nhất các tổ chức tôn giáo vào tay nhà nước. Thời gian này Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thành lập năm 1980 và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1981.
Mục sư Thân Văn Trường
Ít ngày sau 30/4/75, người dân Miền Nam chứng kiến hình ảnh vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo Miền Bắc, Hòa Thượng Thích Trí Độ, với chiếc áo sơ mi trắng cụt tay đứng trên lễ đài hoan hô, đã đảo cùng với đoàn thiếu nhi quàng khăn đỏ mít tinh chào mừng chiến thắng, trước dinh Độc Lập nay là dinh Thống Nhất, người dân chợt hiểu chính sách của Ban Tôn Giáo Chính Phủ là gì khi ngay cả chiếc áo nâu sòng tượng trưng cho những người xuất gia ông cũng không mặc, hoặc không dám mặc.
Ngày càng siết chặt
Vào tháng 5/2011 Việt Nam đưa ra một bản “dự thảo nghị định thay thế nghị định năm 2005, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.” Nội dung vẫn là siết chặt hơn nữa nguyên tắc “xin-cho” đối với tôn giáo. Tuy nhiên chưa biết bao giờ thì nghị định mới này được ban hành.
Nhìn chung, theo chiều dài lịch sử, Ban tôn Giáo Chính Phủ được thành lập nhằm mục tiêu duy nhất là định hướng cho các tôn giáo theo đúng đường lối chủ trương của đảng mà Điều 5 quy định, trong 19 điều quy định quyền hạn của Ban Tôn Giáo Chính Phủ : “Thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.”
Những mâu thuẫn gay gắt gần đây giữa Đảng và tôn giáo, giữa tín đồ và chính quyền lại bùng lên. Từ chuyện tài sản của Giáo Hội Công Giáo bị trưng thu nay Giáo Hội muốn lấy lại; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cấm hoạt động nhưng tiếng nói của Hòa Thượng Thích Quãng Độ vẫn luôn đánh động dư luận thế giới về tình hình tôn giáo tại Việt Nam; đến việc các giáo phái Tin Lành, Hòa Hảo phản ứng chuyện bị đàn áp cấm đoán họ thể hiện tín ngưỡng, và gần đây nhất là những người theo Pháp Luân Công ngày một đông dù bị bắt bớ, đánh đập, làm cho chính quyền cảm thấy bất an.
Chuyện Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu là những miệng núi lửa tạm ngừng phun nhưng nham thạch của nó vẫn còn âm ỉ nung đỏ dư luận xã hội và không một ai dám đoan chắc rằng những dồn nén ẩn ức bên trong đã ngừng vận động.
Ban Tôn Giáo Chính Phủ kể từ ngày thành lập đến nay đã trải qua 14 đời trưởng ban. Trưởng ban đầu tiên là ông Trần Xuân Bách và người cuối cùng là ông Nguyễn Thái Bình, nay là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Trong 14 vị này không có vị nào thuộc ngành công an. Ông Phạm Dũng, Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng Cục 2 an ninh thuộc Bộ Công An, là trưởng ban thứ 15.
Giáo dân xứ Thái Hà trong một lần dâng lễ cầu nguyện. AFP
Nhận định việc bổ nhiệm này Mục sư Thân Văn Trường, nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ rằng một vị tướng công an được bổ nhiệm làm trưởng ban tôn giáo đó không phải là chuyện tình cờ mà nhà nước Việt Nam có chuyện quan tâm hơn, siết chặt hơn nên mới bổ nhiệm vị tướng công an. Không những đối với tôn giáo mà tôi thấy một số bí thư tỉnh họ cũng bổ nhiệm công an. Chưa bao giờ tôi thấy lực lượng đông tướng công an như bây giờ. Tôn giáo có một vị tướng phụ trách tôi thấy nó sẽ có khó khăn hơn nhưng cụ thể như thế nào thì tôi chưa dám nói.”
Việc đưa một viên tướng công an, chuyên gia về an ninh nội địa và an ninh đối ngoại giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Trưởng ban Tôn Giáo Chính Phủ liệu có đúng như ý định mà báo chí lề phải trong nước loan tin là: “Ở cương vị mới, ông Phạm Dũng sẽ có quan hệ tốt và giải quyết thấu đáo những công tác của Bộ Nội vụ và của Ban Tôn giáo Chính phủ, tạo điều kiện để các tôn giáo đoàn kết hoạt động theo các quy định của Pháp luật và trong nền văn hóa đa dạng của Việt Nam đang hội nhập, phát triển”?
Nhưng đối với dư luận người ta có những suy nghĩ dè dặt hơn. Hay nói khác hơn họ thiên về suy nghĩ rồi đây chính sách về tôn giáo của đảng sẽ có những bước quyết liệt hơn chăng? Nhà báo Huy Đức (Blogger Osin) viết trên trang FaceBook của ông: “Mong khi rời ngành an ninh, Trung Tướng Phạm Dũng sẽ coi tôn giáo là nhân dân thay vì như các thế lực thù địch.”
Ông Nguyễn Hữu Vinh, một tín hữu Công Giáo cho rằng:
“Theo suy nghĩ của tôi thì tôn giáo thuộc về lĩnh vực tâm linh. Những quan hệ giữa tôn giáo, nhà nước, con người, cộng đồng xã hội thì tôi không rõ được một ông tướng của ngành công an mà sang đây thì ông ta phát huy về chuyên môn của ông ta là cái gì? Giả sử như ở đây là một giáo sư, một người thuộc lãnh vực xã hội, cộng đồng hoặc lãnh vực về tâm linh về tôn giáo thì người ta sẽ có những chuyên môn để tư vấn cho nhà nước trong những vấn đề như vậy. Bây giờ bổ nhiệm một ông trung tướng công an tôi chưa hiểu được trong đó nó có những điều gì có lợi và những điều gì có hại, giúp được cho nhà nước vấn đề gì trong lãnh vực tôn giáo.”
Anh Nguyễn Văn Điểm, một giáo đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ thiết tha mong muốn việc hành đạo phải được tự do theo như hiến pháp quy định. Anh nói:
“Nếu tôi có đôi lời muốn nói thì tôi xin tất cả các cơ quan chính quyền từ địa phương là chúng ta phải thực hiện đúng lời của hiến pháp quy định cho phép tất cả các tôn giáo được tự do tín ngưỡng và họ được tự do hành đạo trong khuôn viên tôn giáo của mình. Tất cả những nơi cô bác hành đạo, niệm phật, thuyết giảng là phải được bảo vệ, giúp đỡ chớ không phải gây khó khăn.”
Việc điều động, bổ nhiệm các quan chức thuộc chính phủ là chuyện bình thường của mọi quốc gia. Nhưng việc điều một viên tướng công an thuộc ngành an ninh giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Trưởng ban Tôn Giáo Chính phủ liệu có phải là để thể hiện tư duy công an hóa bộ máy chính quyền và chính sách siết chặt tôn giáo. Xin mượn câu nói của Lenin, một ông tổ của Cộng Sản, để kết thúc bài viết này: “chỉ có những kẻ ngu ngốc mới tuyên chiến với Tôn Giáo.”
Định Nguyên (RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-sh-poli-gvm-reli-dn-02282012172035.html