Tiễn đưa cha - một năm nhìn lại - Dân Làm Báo

Tiễn đưa cha - một năm nhìn lại

Trịnh Kim Tiến - Trước ngày giỗ đầu của bố, tôi mở lại video quay lại ngày tang lễ, rồi cả nhà vừa xem vừa khóc. Sau một năm nhìn lại mà nỗi đau còn như ngày hôm qua đây thôi. Khi nhận được tin dữ, bố tôi không thể sống nổi cho dù có cứu chữa ra sao, tâm trí tôi rối bời, tôi không muốn họ khám nghiệm tử thi cho bố tôi.

Tôi không muốn thi thể của bố bị mổ phanh phui như một con gà nằm trên chiếc thớt, để người ta rạch từng đường, lấy chỗ này ra để khám nghiệm, lấy chỗ kia ra để kiểm tra. Bố tôi đã chết trong đau đớn rồi, tại sao đến thi thể cũng không được toàn vẹn như người ta???

Tôi không chịu, tôi cứ lắc đầu, mặc cho những tiếng khuyên ngăn của họ hàng người thân. Chỉ đến khi chăm sóc cho bố trong viện, nhìn vào mắt của bố, tôi biết tôi không thể để bố mình phải chết oan. Ánh mắt bố như nói với tôi, “con phải làm”. Vì công lý cho bố, vì ánh mắt ấy của bố, tôi đã đồng ý để họ mổ tử thi cho bố.

Chúng tôi trưng cầu Pháp y Quân đội là cơ quan thực hiện việc khám nghiệm cho bố tôi. Mọi người không cho tôi vào trong phòng mổ tử thi vì sợ tôi sẽ không chịu đựng được khi nhìn vào đó. Trong phòng mổ, gồm có bác Viện - bên Pháp y quân đội, đại diện kiểm sát, bác tôi, chị họ tôi, cùng luật sư.

Bác tôi kể, không biết ở đâu có một anh bên cơ quan Công an, không biết có phải cơ quan khám nghiệm không cứ chạy theo bác Viện rồi có những cử chỉ rất lạ trong suốt quá trình khám nghiệm, khiến bác tôi bực mình quá phải quát lên, yêu cầu anh ta ra ngoài, vì thấy anh ta cũng không có phận sự gì trong đó cả. Chính điều đó làm tôi cảm thấy không tin tưởng và tôi đã để lại thi thể bố tôi không chôn cất cho đến khi nhận được kết quả Pháp y có đóng dấu đỏ của cơ quan Công an.

Xác bố tôi nằm trong nhà đá lạnh lẽo một mình, suốt 15 ngày ròng rã. Trái tim tôi cũng đóng thành đá, đếm từng ngày qua đi. Tôi nhất định không chịu, không chịu lo tang lễ cho bố khi chưa có kết quả khám nghiệm rõ ràng. Tôi không muốn đã chôn bố rồi, lại phải đào thi thể lên để tìm được công lý.

Cuối cùng thì cũng có kết quả, bố tôi không phải tự tử, cũng chẳng phải do ngã, càng không phải trúng độc mà chết. Bố tôi bị đánh chết. Thậm chí là trên cơ thể bố còn có nhiều vết sây xát, tổn thương, nghĩa là ngoài lực tác động mạnh của thủ phạm gây ra cái chết, còn có những đồng phạm tiếp tay đánh bố tôi.


Ngày 23/03/2011, gia đình chúng tôi quyết định tổ chức tang lễ cho bố tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội. Đến hôm nọ, khi nghe chị Tuyền nói, thì tôi mới biết, ngày tôi chôn cất bố tôi cũng là ngày anh Nhựt mất. Đó là một sự trùng hợp đáng buồn, hay là sự sắp xếp đau thương?

Một người chưa yên mồ, một người khác đã nằm xuống, bởi bàn tay ai???

Trong tang lễ của bố tôi, ngoài họ hàng, bà con, bạn bè, còn có sự chia sẻ của rất nhiều người khác.

Trong đó có một bác chừng 60, đầu tóc đã bạc gần hết, mặc chiếc áo măng tô dài màu vàng, đó là bác Phục, bố của anh Nguyễn Quốc Bảo, một nạn nhân khác, chết trong đồn công an quận Hai Bà Trưng. Anh Bảo đã tử vong trong khoảng thời gian bị Công an quận Hai Bà Trưng tạm giữ và nguyên nhân cái chết là di bị một vật cứng đánh mạnh vào phía sau đầu gây vỡ hộp sọ, chấn thương não. Còn vật cứng kia là gì, ai là người đã sử dụng vật đó, tất cả phải chờ kết quả điều tra từ phía cơ quan Công an thành phố Hà Nội. Nhưng cuối cùng thì kết quả điều tra lại là con bác đã tự tử trong đồn Công an, bỏ lại vợ và con nhỏ bơ vơ.

Một điều nữa, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả mọi người có mặt tại nhà tang lễ ngày hôm đó, vì điếu văn mà nhà Tang lễ đã đọc, không phải do gia đình tôi làm. Điếu văn đó tôi cũng không rõ là do ai làm, nhưng do tang gia bối rối, tôi lại còn quá nhỏ, không thể kiểm soát hết tang lễ. Trong điếu văn có đọc là bố tôi bị tai nạn chết, nhưng không phải. Bố tôi bị đánh chết, đó không phải tai nạn.

Một năm nhìn lại để thấy, trong tang lễ đã diễn ra của bố tôi, có một số người lạ xuất hiện, có một số mà họ hàng tôi không ai nhận ra là người quen cũng trít khăn tang.







Một năm nhìn lại để thấy, nếu không có quyết định đi đến cuối cùng của sự thật, thì có lẽ, cái chết của bố tôi cũng rơi vào im lặng như con trai bác Phục, cũng sẽ phải chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng như chị Tuyền vợ anh Nhựt. Một năm qua đi, và vẫn có thêm nhiều người chết tại đồn công an với những lý do khó hiểu.

Một năm qua đi. Lý do tôi phải đành đoạn để họ cắt xẻ thân xác của bố tôi vẫn còn đó: CÔNG LÝ. Công lý vẫn bị băm vằm.

Một năm qua đi. Ánh mắt bố tôi nhìn tôi lần cuối trên cuộc đời như lời trăn trối: CÔNG LÝ. Công lý vẫn còn mù tăm.


Trịnh Kim Tiến
Nguồn: Facebook Trịnh Kim Tiến

Phần 1:



Phần 2:



Phần 3:



Phần 4:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo